Xã Mường Lống (Kỳ Sơn) nằm trong thung lũng có độ cao gần 1.050m so với mực nước biển, được ví như một “tiểu Sa Pa” của xứ Nghệ, với khí hậu mát mẻ quanh năm, thiên nhiên hùng vĩ. Tuy có lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng, nhưng tỷ lệ hộ nghèo ở Mường Lống vẫn còn cao. Đó cũng là băn khoăn, trăn trở của cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác giảm nghèo. Những năm qua, nhờ được tập huấn KHKT, hỗ trợ giống cây, con từ các chương trình, dự án hỗ trợ sinh kế, giảm nghèo của Trung ương và địa phương, Mường Lống từng bước khắc phục khó khăn, tận dụng ưu thế cảnh quan, điều kiện ưu đãi để thúc đẩy du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới; nhiều mô hình kinh tế được xây dựng và nhân rộng có hiệu quả.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Lầu Bá Chò – Phó Chủ tịch UBND xã Mường Lống phấn khởi nói: Thực hiện Nghị quyết số 70/2020/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Nghệ An về một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng, có 3 hộ làm homestay trên trên địa bàn được hỗ trợ mỗi hộ 100 triệu đồng và bản Mường Lống (của xã Mường Lống) được hỗ 55 triệu đồng để làm du lịch.
Bên cạnh đó, Mường Lống cũng là 1 trong 2 đơn vị được Quỹ Môi trường toàn cầu (Liên hợp quốc) và huyện Kỳ Sơn chọn triển khai Dự án “Nâng cao kiến thức, năng lực quản lý rừng và phát triển sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học Khu Dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An”. Dự án được triển khai với mục tiêu nâng cao ý thức về bảo vệ rừng cho đồng bào vùng cao và tạo sinh kế cho người dân địa phương vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Hiện đã có 35 hộ dân tham gia mô hình phục tráng cây đào, mận, 10 hộ tham gia mô hình phát triển gà đen theo hướng OCOP được hỗ trợ con giống, thức ăn, kỹ thuật chăm sóc; 10 hộ tham gia mô hình chăn nuôi bò vỗ béo được hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ vật tư…
Nhiều địa phương khác trên địa bàn huyện Kỳ Sơn cũng đã có bước chuyển nhờ được “kích cầu” qua các mô hình, dự án gắn với Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững; xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Các nguồn lực giảm nghèo được ưu tiên đầu tư cho các xã nghèo. Ví như thực hiện tiểu dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo (thuộc Chương trình 30a), giai đoạn 2016-2020, huyện đã triển khai nhiều mô hình giảm nghèo hiệu quả như: mô hình nuôi bê sinh sản tại các xã Bảo Nam, Na Ngoi, Nậm Càn, Bảo Thắng, Hữu Lập, Chiêu Lưu, Phà Đánh…; mô hình nuôi dê thịt tại các xã Keng Đu, Bắc Lý, Mường Típ, Mường Ải; mô hình trồng mận Tam Hoa tại các xã Mường Lống, Tây Sơn; mô hình nuôi lợn rừng tại các xã Hữu Kiệm, Chiêu Lưu. Bên cạnh đó, từ nguồn vốn Chương trình 135, huyện Kỳ Sơn đẩy mạnh phát triển mô hình nuôi bò lấy thịt, tập trung chủ yếu ở một số xã như Mường Lống, Nậm Cắn, Tây Sơn, Na Ngoi, Huồi Tụ…
Hiện nhiều hộ gia đình có trang trại chăn nuôi trâu, bò từ 25-40 con.
Bà Vi Thị Quyên – Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho hay: Từ bài học kinh nghiệm qua các chương trình, dự án đã thực hiện, hiện 3 Chương trình Mục tiêu Quốc gia, trong đó, có chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021- 2025 tiếp tục được cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở quan tâm triển khai. Các dự án, hoạt động của chương trình đều hướng tới hỗ trợ người nghèo có sinh kế, việc làm, thu nhập, chủ động vươn lên thoát nghèo bền vững. Năm 2022, nguồn vốn được phân bổ 2.048,86 triệu đồng, huyện triển khai 2 dự án: chăn nuôi bê cái địa phương tại các xã Huồi Tụ, Na Loi, Đoọc Mạy, với 70 hộ dân tham gia và chăn nuôi bê cái lai sind tại các xã Phà Đánh, Hữu Lập, Bảo Nam, với 64 hộ tham gia. Năm 2023, nguồn vốn được phân bổ 6.374,91 triệu đồng, dự kiến phát triển 5 mô hình kinh tế gồm: Chăn nuôi bê địa phương; hỗ trợ máy sản xuất nông nghiệp; chăn nuôi lợn đen; chăn nuôi vịt bầu; hỗ trợ giống cá trắm.
Đối với Tiểu dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, nguồn vốn năm 2022 tập trung triển khai trồng dược liệu tại địa bàn xã Tây Sơn; trồng đào cành tại địa bàn các xã Na Ngoi, Nậm Càn; nguồn vốn năm 2023 dự kiến mở 4 dự án phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp (chăn nuôi gà đen, lợn đen địa phương, phát triển vùng chuyên canh rau màu; cải tạo vườn tạp thành vườn kiểu mẫu bền vững).
Bên cạnh đó, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Kỳ Sơn khóa XXIII, nhiệm kỳ 2020-2025, huyện tập trung phát triển mô hình trồng cây dược liệu dưới tán rừng tại các xã Tây Sơn, Na Ngoi, Mường Lống; xây dựng mới 2 vùng chuyên canh nông nghiệp, gồm vùng chuyên canh rau màu tại các bản Hòa Sơn, Tà Cạ và các mô hình thâm canh lúa chất lượng cao VNR 20 tại bản Lưu Hòa, xã Chiêu Lưu và bản Na Loi, xã Na Loi, năng suất đạt 60 tạ/ha, sản lượng 72 tấn. Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 59,36% (năm 2022) xuống 54,36% (vào cuối năm 2022), ước thực hiện đến năm 2023 tỷ lệ hộ nghèo còn 50,36%, ước giảm 4%/năm, vượt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra (giảm từ 3-3,5%/năm).
Theo đánh giá chung, những năm qua, với sự quan tâm của Tỉnh ủy và UBND tỉnh, thông qua các Chương trình Mục tiêu Quốc gia, các chính sách hỗ trợ, sự vào cuộc của cộng đồng xã hội và nỗ lực vươn lên của chính người dân, sinh kế cũng như thu nhập của nhân dân trên địa bàn tỉnh nói chung và các hộ nghèo đều được cải thiện. Giai đoạn 2016-2020, việc triển khai các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là vài trò “chủ thể” các hộ nghèo. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo từ 12,1% (95.205 hộ), hộ cận nghèo 10,23% (80.464 hộ) năm 2016, đến cuối năm 2020, giảm còn 3,42% (34.161 hộ) và 5,41% (53.990 hộ). Đến cuối năm 2021 tỷ lệ hộ nghèo cả tỉnh còn 2,74% và hộ cận nghèo là 5,09%.
Bước sang giai đoạn 2021-2025, các Chương trình Mục tiêu Quốc gia tiếp tục hướng tới hỗ trợ người nghèo có sinh kế, việc làm, thu nhập, chủ động vươn lên thoát nghèo; hỗ trợ địa bàn nghèo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, với phương châm xuyên suốt là: Hỗ trợ đúng nơi, đúng cách, đúng lúc, đúng đối tượng. Trong đó, tập trung mở rộng sinh kế, phát triển sản xuất, tăng thu nhập và khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, thiết yếu cho người nghèo; chú trọng nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả, bền vững. Tiến độ giải ngân nguồn vốn cho các dự án, tiểu dự án của Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo năm 2022, tính đến ngày 31/01/2023 là 41.373,66/404.160 triệu đồng, đạt 10,24%. Mức giảm tỷ lệ hộ nghèo trong toàn tỉnh năm 2022 đạt 1,39%/KH 1-1,5% (trong đó, vùng miền núi giảm 2,45% (từ 17,24% xuống còn 14,79%), các huyện nghèo giảm 4,94%, đạt kế hoạch đề ra.
Bằng tình cảm, trách nhiệm đối với người nghèo, xã nghèo, từ năm 2012, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định số 1310/QĐ-UBND triển khai phân công các sở, ngành, đơn vị thực hiện giúp đỡ các xã nghèo miền Tây của tỉnh. Qua hơn 10 năm thực hiện, toàn tỉnh đã huy động hơn 310 tỷ đồng giúp các xã nghèo duy trì, phát triển 72 mô hình chăn nuôi, trồng trọt; hỗ trợ cho bà con gần 6.000 con bò và hơn 3.000 vật nuôi các loại, với tổng số tiền 73 tỷ đồng.
Nếu như năm 2012 mới có 83 cơ quan, đơn vị nhận giúp đỡ 86 xã, thì đến nay đã có 113 cơ quan, đơn vị nhận giúp đỡ 115 xã. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, thúc đẩy việc thực hiện có kết quả Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững. Điển hình như Báo Nghệ An đã giúp đỡ xã Xiêng My (Tương Dương) bằng nhiều hình thức, trong đó, có mô hình hỗ trợ bò sinh sản cho hộ nghèo chăn nuôi, sau khi bò sinh bê thì quay vòng chuyển giao cho hộ nghèo khác. Đến nay, số bò sinh sản đã nhân đàn lên hơn 120 con.
Từ năm 2022, Báo Nghệ An tiếp tục phối hợp kêu gọi các đơn vị, doanh nghiệp thực hiện hỗ trợ hơn 1.000 cây giống (mít Đài Loan, xoài Thái, ổi…) cho người dân phát triển kinh tế hộ. Theo ông Lô Ba Lịch – Chủ tịch UBND xã Xiêng My: Mô hình đã góp phần giúp xã thực hiện mục tiêu xóa vườn tạp, xây dựng vùng cây ăn quả mang lại giá trị kinh tế cao, đáp ứng tiêu chí của Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Hay như Bộ đội Biên phòng Nghệ An, ngoài nhận giúp đỡ 3 xã nghèo theo kế hoạch của tỉnh, thông qua việc ban hành Nghị quyết số 882-NQ/ĐU “về phân công đảng viên đồn biên phòng phụ trách hộ gia đình khu vực biên giới”, Đảng ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh phân công 522 đảng viên phụ trách 2.387 hộ gia đình. Trên 2 tuyến biên giới, đội ngũ đảng viên quân hàm xanh đã trực tiếp “cầm tay chỉ việc” xây dựng các mô hình sinh kế, giúp các hộ nâng cao nhận thức, khắc phục tư tưởng “trông chờ, ỷ lại”, vươn lên thoát nghèo.
Đồn Biên phòng Nhôn Mai quản lý địa bàn 2 xã Nhôn Mai và Mai Sơn thuộc huyện miền núi Tương Dương; cán bộ, chiến sĩ của đồn đã đồng hành với cấp ủy, chính quyền địa phương và người dân trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo qua các mô hình sinh kế quân-dân kết hợp. Trong năm 2023, đồn triển khai 2 mô hình nuôi dê sinh sản, 1 mô hình nuôi cá lồng trị giá 100 triệu đồng, giúp 3 hộ dân trên địa bàn ổn định cuộc sống. Gia đình chị Vi Thị Dung ở bản Piêng Mựn, xã Mai Sơn được Đồn Biên phòng Nhôn Mai hỗ trợ 6 cặp dê giống và cử đảng viên quân hàm xanh có kinh nghiệm hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, vệ sinh chuồng trại. “Nhờ sự cầm tay chỉ việc của bộ đội biên phòng, đàn dê phát triển tốt, từ 6 cặp dê giống giờ đã sinh sản và nhân lên 20 con, gia đình tôi biết ơn bộ đội biên phòng và hứa quyết tâm thoát nghèo”, chị Dung cho hay.
Theo chia sẻ của Đồn trưởng Đồn Biên phòng Nhôn Mai – đồng chí Phan Thanh Hồng: Cái hay của mô hình quân-dân kết hợp là bộ đội và người dân cùng làm. Các hộ tham gia mô hình đều được hưởng lợi nhuận 50% theo cam kết sau khi bán sản phẩm chăn nuôi, số tiền còn lại sẽ được đơn vị đầu tư tái sản xuất cho các gia đình khác. Ưu tiên các hộ mong muốn, khao khát và có khả năng thoát nghèo. Trong năm 2023, lực lượng biên phòng trên 2 tuyến biên giới tỉnh Nghệ An hướng dẫn nhân dân thực hiện có hiệu quả 59 mô hình phát triển kinh tế, áp dụng KHKT vào chăn nuôi, sản xuất và xóa đói giảm nghèo có hiệu quả, phù hợp với đối tượng, tiềm năng, lợi thế của địa phương.
Tuy đã có nhiều nỗ lực, nhưng theo Quyết định 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ, thì Nghệ An vẫn còn 76 xã thuộc khu vực III, 38 thôn, bản đặc biệt khó khăn, và theo Quyết định số 353/QĐ-Ttg ngày 15/3/2022, tỉnh còn 4 huyện nghèo (Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong, Quỳ Châu). Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 7,8%, riêng các huyện miền núi là 17,24%.
Bởi vậy, tại Hội nghị tổng kết 10 năm công tác ủng hộ, giúp đỡ xã nghèo vùng miền Tây Nghệ An, giai đoạn 2012-2022, đồng chí Bùi Đình Long – Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu các sở, ban, ngành tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp, đơn vị, các nhà hảo tâm tập trung nguồn lực hỗ trợ giúp đỡ 76 xã đặc biệt khó khăn của tỉnh. “Cần phải biết các địa phương và người dân cần gì và nhu cầu bức thiết ra sao để xây dựng được những mô hình trọng tâm, trọng điểm, đạt được hiệu quả cao hơn nữa”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.