Trước xu thế phát triển và nhu cầu tiêu dùng ngày càng văn minh, hiện đại, nhiều chợ truyền thống trên địa bàn Nghệ An đang được quy hoạch và chuyển đổi cho phù hợp. Thế nhưng, để đảm bảo hài hòa quyền lợi cho các tiểu thương chợ truyền thống với quyền lợi nhà đầu tư kinh doanh trung tâm thương mại và chợ mới đang là yêu cầu đặt ra đối với tỉnh, các sở ngành và địa phương liên quan.
Chợ Quán Lau nằm ở vị trí trung tâm đắc địa của thành phố Vinh, hoạt động từ năm 1997. Đây là khu chợ thu hút rất đông người mua bán, hiện có 370 hộ kinh doanh cố định và vãng lai nhưng chợ đã xuống cấp nghiêm trọng, mùa mưa lầy lội bẩn thỉu, mùa nắng thì nóng, nguy cơ cháy nổ rất cao.
Chị Sen – một tiểu thương kinh doanh hàng cá ở chợ Quán Lau cho biết: Chúng tôi buôn bán ở đây đã lâu, việc kinh doanh nhìn chung là thuận lợi vì khách quen nhiều. Thế nhưng ngại nhất là mái tôn chợ cũ kỹ, thủng chi chít lỗ, mưa dột, nền chợ ẩm thấp, bẩn thỉu, gây mùi hôi thối; mùa nắng thì nhiệt độ tăng cao, các gian hàng nóng hầm hập ảnh hưởng đến sức khỏe của người bán và cả người mua.
Thực tế, hầu hết chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh bị xuống cấp, nền chợ thấp hơn nền đường giao thông, hệ thống thoát nước hư hỏng, mái che bị thấm dột và dù được sửa nhưng chỉ chắp vá… Nhiều nơi, kể cả khu vực thành thị và nông thôn, tình trạng chợ tạm, chợ “cóc” tồn tại dai dẳng đã ảnh hưởng an toàn giao thông và trật tự mỹ quan đô thị. Nhiều đình chợ ở huyện Tân Kỳ, Đô Lương, chợ Quỳnh Thiện (TX. Hoàng Mai) hay đình phía Tây chợ Vinh… do không được đầu tư sửa chữa, nâng cấp nên xuống cấp nặng, nguy cơ cháy nổ vào mùa khô và ngập lụt gây thiệt hại nặng cho bà con vào mùa mưa.
Theo số liệu tổng hợp từ Sở Công thương, trên địa bàn tỉnh hiện có 405 chợ đang hoạt động, trong đó có 07 chợ hạng 1; 18 chợ hạng 2; 244 chợ hạng 3 và 136 chợ tạm. Chợ dân sinh là kênh phân phối chính phục vụ đời sống của nhân dân. Thời gian qua, mạng lưới chợ được nâng cấp, cải tạo và xây mới, cơ bản đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật về chợ, dần đáp ứng nhu cầu lưu thông hàng hóa.
Tuy nhiên, việc đầu tư phát triển và nâng cấp, cải tạo hệ thống chợ còn hạn chế, cơ sở vật chất của nhiều chợ còn kém, nhất là các chợ ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa do địa bàn Nghệ An rộng, mạng lưới chợ lớn và đã được hình thành từ khá lâu.
Tuy nhiên, việc đầu tư phát triển và nâng cấp, cải tạo hệ thống chợ còn hạn chế, cơ sở vật chất của nhiều chợ còn kém, nhất là các chợ ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa do địa bàn Nghệ An rộng, mạng lưới chợ lớn và đã được hình thành từ khá lâu. Công tác chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác chợ còn chậm so với yêu cầu, đến nay mới có 21 chợ được chuyển đổi mô hình quản lý. Vẫn còn tình trạng chợ nông thôn đã được đầu tư nhưng chưa phát huy hiệu quả gây lãng phí tiền ngân sách. Vấn đề phòng cháy chữa cháy, vệ sinh an toàn thực phẩm tại các chợ chưa đảm bảo, vẫn còn tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường gây cản trở giao thông, mất vệ sinh môi trường.
Thực tế trên cùng với xu thế kinh doanh chợ truyền thống ngày càng suy giảm, hiệu quả kinh doanh không tương xứng với vị trí đắc địa mà các chợ đứng chân. Đặt trong bối cảnh phát triển hạ tầng thương mại đáp ứng yêu cầu mới và từng bước chỉnh trang đô thị nên yêu cầu sắp xếp, chuyển đổi các chợ đặt ra ngày càng cấp thiết.
Thực hiện chủ trương chuyển đổi mô hình tổ chức, quản lý, khai thác, kinh doanh chợ trên địa bàn tỉnh, đã có khá nhiều địa phương thành lập Ban chuyển đổi chợ cấp huyện; một số địa phương phê duyệt kế hoạch chuyển đổi mô hình quản lý chợ. Đến nay, đã có 22 chợ do HTX và doanh nghiệp quản lý, kinh doanh, khai thác chợ; một số chợ được đầu tư quy mô, với vốn đầu tư lớn.
Điển hình, như Dự án “đầu tư xây dựng, sở hữu, kinh doanh trung tâm thương mại kết hợp chợ truyền thống Hoàng Mai” có tổng mức đầu tư 152,4 tỷ đồng, diện tích sử dụng 10.888 m2 với 402 điểm kinh doanh. Dự án được khởi công xây dựng cuối năm 2017 và theo kế hoạch sẽ đưa vào hoạt động từ quý III/2019 nhưng đã bị lỡ hẹn và phải gia hạn thêm. Đến nay, dự án hoàn thành khoảng 90% và đang được nhà đầu tư đã rao bán công khai.
Theo 1 số người dân phường Quỳnh Thiện (TX. Hoàng Mai) cho biết: một số quầy ốt 3 tầng sát mặt đường 1A được bán với giá từ 2-3 tỷ đồng/ky ốt 3 tầng và đã có một số nhà đầu tư đặt mua vị trí ốt. Đại diện Phòng Quản lý đô thị TX. Hoàng Mai cho biết: Ngoại trừ Trung tâm thương mại phía ngoài, phía trong chợ Hoàng Mai được thi công cuốn chiếu, người dân tạm thời vẫn được kinh doanh nên chưa bị ảnh hưởng. So với các dự án chuyển đổi khác, dự án chợ Hoàng Mai do người dân tạm thời kinh doanh và chưa phải nạp khoản phí nào nên chưa có vấn đề gì phát sinh.
Trong khi đó, dự án “Đầu tư, xây dựng, sở hữu, kinh doanh chợ Tân Kỳ” có tổng mức đầu tư 177 tỷ đồng, diện tích sử dụng 7.726 m2 theo phê duyệt ban đầu. Dự án bao gồm 38 ki-ốt 3 tầng, 37 ki-ốt 3 tầng, 406 điểm kinh doanh trong nhà chợ. Khác với dự án ở TX. Hoàng Mai, do có mặt bằng sạch nên Dự án chợ và trung tâm thương mại Tân Kỳ được triển khai khá nhanh, thi công trong vòng 1 năm và cuối năm 2019 đã hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Còn tại chợ Đô Lương, hiện nay Dự án trung tâm thương mại kết hợp chợ truyền thống Đô Lương có tổng mức đầu tư hơn 330 tỷ đồng, được quy hoạch 3,44 ha, gồm 1.338 ki-ốt, quầy hàng, sạp hàng, ki-ốt và Trung tâm thương mại cao 7 tầng do Hợp tác xã đầu tư, xây dựng quản lý và khai thác chợ Hải An – Đô Lương (thành viên Liên hiệp HTX phát triển và quản lý chợ Việt Nam) làm chủ đầu tư đang được đẩy nhanh tiến độ, dự kiến hoàn thành đưa vào hoạt động vào đầu năm 2021. Hiện công tác di dời tiểu thương ở chợ cũ vào hoạt động ở chợ mới cũng đang được chính quyền địa phương, nhà đầu tư, BQL chợ tích cực triển khai.
Đại diện Ban quản lý chợ Đô Lương cho hay: Chợ mới có 1.110 điểm kinh doanh, đảm bảo thừa chỗ để di dời tiểu thương chợ cũ sang. Nhờ được tuyên truyền và đối thoại, đa số bà con đã đồng tình di dời sang chợ mới, hiện ban đã xây dựng tiêu chí đánh giá ki ốt, kế hoạch cụ thể đang giao cho nhà đầu tư, ban quản lý chợ chủ trì thực hiện.
Hiện đã có 40/69 hộ kinh doanh vị trí loại 1 ở chợ cũ đã chọn vị trí ở chợ mới, số còn lại đang tiếp tục triển khai. Về cơ bản việc vận hành chợ mới từ mức giá cho thuê, thu giữ xe, cấp nước, điện và thu gom rác thải… được thực hiện theo các quy định hiện hành của nhà nước.
Ngoài các chợ nói trên, hiện nay một số chợ như Quán Lau, chợ Vinh (TP. Vinh) hay chợ huyện Thanh Chương… do đã xuống cấp quá nhanh mà không có nguồn để sửa chữa nâng cấp nên theo lộ trình, từng địa phương đang khảo sát để xây dựng phương án sắp xếp, chuyển đổi mô hình.
Hiện nay, hầu hết các chợ được chọn để sắp xếp, chuyển đổi đều là chợ đầu mối trung tâm tại các huyện, thị. Các chợ này ngoài vị trí thuận lợi về giao thương thì còn có vị trí khá quan trọng trong mạng lưới chợ từng địa phương. Các chợ có lịch sử ít nhất cũng từ 20 năm trở lên và nay sắp xếp, chuyển đổi chợ đồng nghĩa với quyền lợi và nghề nghiệp mưu sinh của hàng trăm tiểu thương bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, do điều kiện ngân sách hạn chế nên có những chợ do nhà nước đầu tư hoàn toàn, sau đó người dân vào thuê kinh doanh nhưng cũng có những chợ nhà nước phải huy động nguồn lực đóng góp của người dân nên quá trình chuyển đổi nhiều phức tạp phát sinh từ đây…