Công nghiệp đã và đang có đóng góp ngày càng lớn đối với nền kinh tế cũng như đời sống xã hội. Phát triển công nghiệp không chỉ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà còn giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động; đồng thời sử dụng hiệu quả quỹ đất và tạo nguồn thu cho ngân sách. Chính vì vậy, đầu tư hạ tầng để phát triển công nghiệp luôn là trọng tâm ưu tiên của tỉnh.
Những năm qua, với nỗ lực thúc đẩy công nghiệp bằng các chính sách khuyến khích thu hút, lần lượt tỉnh đã thu hút được các nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng công nghiệp lớn như VSIP vào Hưng Nguyên với tổng vốn đầu tư gần 1.850 tỷ đồng, diện tích lên tới 750 ha, hiện đã san lấp được 250 ha; KCN WHA Nghệ An với mức cam kết đầu tư khoảng 1 tỷ USD tương đương khoảng 22.000 tỷ đồng, diện tích 3.200 ha và hiện tại đã đầu tư khoảng trên 700 tỷ đồng để thu hồi san lấp gần 500 ha tại Nghi Lộc. Từ năm 2020 lại đây, Công ty Hoàng Thịnh Đạt đầu tư trên 700 tỷ đồng tiếp quản KCN Hoàng Mai 1 với diện tích gần 290 ha.
Ngoài các KCN trên, hiện tại, tỉnh Nghệ An đang quy hoạch nhiều KCN khác để mời gọi nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng là KCN Tri Lễ (Anh Sơn), KCN Phủ Quỳ (TX Thái Hòa), KCN Nghĩa Đàn (Nghĩa Đàn), KCN Thọ Lộc (Diễn Châu), KCN Hoàng Mai 2, KCN Đông Hồi, KCN Sông Dinh (Quỳ Hợp).
Trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 1 KKT và 12 KCN, trong đó có 7 KCN trong KKT Đông Nam, gồm: KCN Nam Cấm, WHA Hemaraj, Hoàng Mai 1, Hoàng Mai 2, Đông Hồi, VSIP, Thọ Lộc và 5 KCN ngoài KKT Đông Nam là KCN Bắc Vinh, Nghĩa Đàn, Tri Lễ, Sông Dinh và Phủ Quỳ. Nhờ có mặt bằng sạch và hạ tầng chuẩn, đến nay, Khu Kinh tế Đông Nam đã thu hút được 130 doanh nghiệp đi vào hoạt động.
Song song với đầu tư và phát triển sản xuất trong các KCN, nhằm thúc đẩy công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp phát triển, tỉnh cũng có những chính sách để các Cụm công nghiệp (CCN) quy mô nhỏ tại các huyện, thành thị đã ra đời, phát triển. Tại thành phố Vinh, nhờ tranh thủ các cơ chế chính sách của tỉnh, thành phố đã đầu tư được 4 CCN, trong đó ngoại trừ CCN Hưng Đông đang được đầu tư xây dựng, thì 3 CCN là Đông Vĩnh, Nghi Phú, Hưng Lộc đã lấp đầy 100% diện tích, đáp ứng nhu cầu địa điểm xây dựng nhà xưởng, sản xuất kinh doanh cho 38 doanh nghiệp.
Các CCN trên địa bàn thành phố đảm bảo việc làm cho khoảng 1.550 lao động, bình quân 40 lao động/doanh nghiệp; thu nhập bình quân từ 4- 5 triệu đồng/tháng/lao động; nạp ngân sách hơn 20 tỷ đồng/năm.
Bên cạnh việc quan tâm đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, cải thiện đời sống vật chất tinh thần của người lao động, các doanh nghiệp trong các CCN đã tích cực tham gia và hưởng ứng các hoạt động xã hội do UBND thành phố và các cấp, các ngành phát động. Tổng số tiền mà các doanh nghiệp đã ủng hộ và tài trợ là trên 8 tỷ đồng.
Với những kết quả đó, nhiều doanh nghiệp trong các CCN đã nhận được Bằng khen của các cấp, các ngành vì đã có những đóng góp cho các hoạt động xã hội trên địa bàn tỉnh nói chung và thành phố Vinh nói riêng.
Tại huyện Diễn Châu, CCN Tháp – Hồng – Kỷ và Diễn Hồng, với chỉ 36 ha đất đã được 71 doanh nghiệp và hộ gia đình lấp đầy từ lâu. Cụm công nghiệp này đã tạo doanh thu trên 800 tỷ đồng, tạo việc làm cho gần 3.000 lao động, thu nhập bình quân từ 4,4 – 5,5 triệu đồng/tháng. Tương tự, CCN Nghĩa Long (Nghĩa Đàn), mặc dù mới lấp đầy 70% diện tích và có 6 doanh nghiệp đi vào hoạt động nhưng đã tạo việc làm thường xuyên cho trên 400 lao động, thu nhập bình quân từ 7-8 triệu đồng/tháng…
Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả nói trên, từ thực tiễn theo dõi và tìm hiểu về đầu tư hạ tầng phát triển CN, chúng tôi nhận thấy vẫn còn không ít bất cập.
Đó là tình trạng quy hoạch treo do thiếu nhà đầu tư như KCN Nghĩa Đàn (Nghĩa Đàn), Tri Lễ (Anh Sơn), Thọ Lộc (Diễn Châu), Đông Hồi (TX Hoàng Mai), thậm chí có KCN như Phủ Quỳ (TX Thái Hoà) sau 5 năm triển khai mới chỉ quy hoạch trên giấy.
Một số KCN như Thọ Lộc, Đông Hồi, mặc dù tỉnh nỗ lực, cố gắng bố trí vốn để đầu tư một số hạng mục đường giao thông đến tận hàng rào dự án; thông qua các hội nghị xúc tiến đầu tư, tỉnh liên tục mời gọi thu hút đầu tư nhưng đến nay chưa có nhiều nhà đầu tư có năng lực đến thuê đất, đầu tư hạ tầng phía trong hàng rào để cho thuê, kinh doanh.
Vì vướng mắc, bất cập trên nên trong số 22 cụm CN đi vào hoạt động nhưng vẫn còn nhiều hạng mục đầu tư dang dở, chưa đồng bộ. Cụ thể, CCN như Nghĩa Long (Nghĩa Đàn) đi vào hoạt động từ năm 2015 nhưng đến nay chưa có hệ thống xử lý nước thải, hệ thống cung cấp nước thô cho sản xuất. Cụm CN Nghĩa Mỹ (TX Thái Hòa) đường giao thông nội bộ chưa hoàn thành và chưa có hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn; Cụm CN Hưng Lộc, Nghi Phú (TP Vinh) có diện tích bể lắng lọc nhưng mương thoát không đồng bộ. Nhiều CCN sau khi hoạt động hàng chục năm nhưng chưa có hệ thống điện chiếu sáng và hệ thống phòng cháy, chữa cháy theo thiết kế…
Do đầu tư dàn trải, dang dở trên hạng mục hạ tầng vào KCN hay CCN không phát huy hết hiệu quả như mong muốn. Điển hình là hạng mục đường từ KCN Hoàng Mai 2 vào cổng Nhà máy Xi măng Tân Thắng (Quỳnh Lưu) mất hơn 2 năm chưa xong, hay CCN Nghĩa Long do thiếu nguồn vốn nên hệ thống nước thải, xây được 2/3 bể chứa phải bỏ dở nay đã hỏng; đường vào CCN làm không đủ kiên cố và xe tải trọng lớn vào nên khi cấp kinh phí duy tu thì đường đã hỏng.
Đáng tiếc nhất là Khu A, KCN Nam Cấm, do vướng mắc liên quan đến bàn giao tài sản và diện tích KCN này cho Công ty TNHH Một thành viên đầu tư quản lý KCN Nam Cấm về quản lý để thực hiện cổ phần hóa, nên hiện còn 60 ha đất tại khu A tỉnh đã thu hồi nhưng chưa triển khai các hạng mục hạ tầng. Do mặt bằng bỏ hoang nên người dân thì quay trở lại lấn chiếm mà công ty không có mặt bằng sạch để triển khai hạ tầng để cho thuê. Với giá cho thuê mặt bằng đất sau khi đầu tư hạ tầng tại VSIP Hưng Nguyên và WHA.N01 Nghệ An là 1 triệu đồng/m2/năm thì đây là lãng phí không nhỏ của ngân sách.
Và thực tế còn tồn tại bất cập giữa quy hoạch và thực tiễn. Thông thường quy hoạch phải đi trước một bước nhưng vì lý do chủ quan, khách quan nên các địa phương không giải tỏa mặt bằng sạch và làm hạ tầng đến chân hàng rào dự án để mời doanh nghiệp vào triển khai; ngược lại, phần lớn các dự án là doanh nghiệp thuê đất vào hoạt động đầu tư sau đó phát sinh các vấn đề thì tỉnh, huyện mới làm quy hoạch nên khá bị động.
Chẳng hạn, huyện Nghi Lộc có 2 CCN là Đô Lăng (xã Nghi Lâm) và Trường Thạch (xã Nghi Thạch). Tại CCN Đô Lăng hiện có 2 doanh nghiệp đang hoạt động. Những doanh nghiệp này đầu tư ở đây trước khi quy hoạch CCN nên có những bất cập; địa hình CCN không bằng phẳng, trong khu quy hoạch có một phần nghĩa trang, đường điện cao thế đi qua nên nhiều nhà đầu tư đến xem thực địa cân nhắc, hạn chế việc thu hút đầu tư. Còn CCN Trường Thạch dù được phê duyệt quy hoạch từ năm 2006 với quy mô 17 ha; các loại hình sản xuất gồm sản xuất kết cấu thép, bê tông, sang chiết gas, trạm đăng kiểm nhưng đến nay vẫn chưa GPMB xong buộc phải thu hẹp lại; và do thiếu vốn đầu tư nên đến nay mới bắt đầu xây dựng khu xử lý nước thải tập trung, chưa xây dựng khu tập trung chất thải rắn nguy hại…
Tương tự ở CCN Thung Khuộc (Quỳ Hợp), KCN Tri Lễ (Anh Sơn), sau khi một số nhà máy, cơ sở đi vào hoạt động thì huyện mới đề xuất tỉnh mới lên khảo sát để quy hoạch và đầu tư xây dựng hạ tầng mương thoát, hệ thống xử lý nước thải nên mỗi khi doanh nghiệp hoạt động công suất lớn thì phát sinh xả thải, gây ô nhiễm…
Ngược lại, một số CCN thậm chí quy hoạch nhưng do thiếu kinh phí đền bù, giải tỏa mặt bằng và cũng không có ngân sách để triển khai các hạng mục hạ tầng thiết yếu như đường, điện, hệ thống xử lý nước thải… đến hàng rào CCN nên không có nhà đầu tư nào vào. Ví như CCN Quỳnh Hoa và CCN Quỳnh Châu (Quỳnh Lưu) hay Đồng Văn (Tân Kỳ) sau gần 10 năm quy hoạch mà chưa có nhà đầu tư nào vào và địa phương vẫn chưa triển khai hạng mục nào trên thực địa…
(Còn nữa)