Bài 1: Nghĩa đồng bào nơi biên giới

Ngược Quốc lộ 7 để lên huyện biên giới Kỳ Sơn sáng 24/3/2020, kết nối với một cán bộ đang làm việc tại Cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn để nắm bắt tình hình đồng bào ta làm ăn tại Lào trở về nước ra sao, được biết: “Những ngày 18 – 19/3, bình quân có đến 150 – 200 người trở về. Còn từ hôm qua đến sáng nay thì ít lắm. Có lẽ trong hôm nay cũng chỉ trên dưới mười người về thôi…”, cán bộ này phán đoán.

Vậy nhưng, đến khoảng 3h chiều cùng ngày, kiểm tra lại thông tin từ huyện Kỳ Sơn thì phán đoán ấy đã không chuẩn xác. Thời điểm này, Bộ Y tế Lào đã lên tiếng xác nhận đất nước họ có 2 ca dương tính với Covid-19. Vậy nên tại Cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn từ 7h sáng đến đầu chiều, chỉ đón vỏn vẹn có 6 người trở về nước, nhưng đến 15h chiều, đã liên tục khẩn trương làm thủ tục nhập cảnh cho thêm 53 công dân để chuyển họ về khu cách ly tập trung.

Kết nối với Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn, ông Nguyễn Thanh Hoàng để hỏi: “Sẽ xử lý như thế nào trong tình huống bất ngờ này? Khu cách ly tập trung của huyện Kỳ Sơn liệu có đảm bảo đón nhận chu đáo, kịp thời người dân trở về được hay không?”. Rất tự tin, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn trao đổi: “Kỳ Sơn đã có chuẩn bị chu đáo để không lúng túng khi có những bất ngờ như vậy. Khu cách ly tập trung với 300 chỗ nghỉ đã được trang bị đầy đủ, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân. Không chỉ vậy, để người dân trong thời gian cách ly được tiếp cận nhanh thông tin, huyện cũng đã lắp đặt cả máy phát Wifi…”.

Khu cách ly tập trung được đặt tại Trường PT DTNT THCS Kỳ Sơn, thuộc địa bàn xã Hữu Kiệm. Nằm ở một vị trí cao hơn so với Quốc lộ 7, khu cách ly khá rộng với nhiều nhà cao tầng, rất thuận tiện bố trí sắp xếp người cách ly. Người phụ trách nơi đây là Trung tá Nguyễn Bỉnh Khiêm – Phó Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Kỳ Sơn. Đón chúng tôi ở cổng vào, anh yêu cầu thực hiện khử trùng theo quy định rồi thông tin nhanh, đến thời điểm này (17h) ở đây đã đón 92 người dân làm ăn ở nước bạn Lào trở về thực hiện cách ly tập trung. Làm nhiệm vụ tại Khu cách ly có tất cả 34 người, thuộc 4 lực lượng quân sự huyện, biên phòng, công an và y tế. Trong số này, có 6 người thực hiện công tác nấu ăn phục vụ người dân cách ly.

Giải đáp những băn khoăn mà chúng tôi đã bày tỏ với Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn, Trung tá Nguyễn Bỉnh Khiêm cho biết, đơn vị đã chuẩn bị chu đáo phòng nghỉ, kể cả đồ ăn, nước uống để tiếp tục đón thêm 59 người mới trở về nước. Khu cách ly được thực hiện tiêu độc khử trùng một lần. Người dân ở đây được đo thân nhiệt 2 lần/ngày; đồng thời, được chu cấp đầy đủ các nhu yếu phẩm như chăn, màn, chiếu, xà phòng giặt, dầu gội đầu, kem đánh răng… Về chế độ ăn đều thực hiện chung với mức 57 nghìn đồng/người/ngày.

Anh Khiêm khẳng định, những người đang thực hiện cách ly đều yên tâm, có tinh thần ổn định. Chỉ có một trường hợp khá đặc biệt, là chị Nguyễn Thị Bình đang mang thai 8 tháng cần được quan tâm hơn. “Nếu muốn các anh mặc đồ bảo hộ vào khu cách ly để nắm bắt sát thêm diễn biến tâm lý của người thực hiện cách ly. Tôi sẽ cho quân y đưa các anh vào khu cách ly…”, anh Khiêm nói.

Lúc này 17h30 phút, những phương tiện ô tô của Đồn Biên phòng Nậm Cắm đưa 59 người dân từ nước bạn Lào trở về đã đến Khu cách ly. Từng người một lần lượt được lực lượng liên ngành gồm nhân viên y tế, quân y thực hiện tiêu độc khử trùng, kiểm tra thân nhiệt, thực hiện khai báo y tế. Sau đó, tất cả được sắp xếp để đưa vào nhận phòng nghỉ trong khu cách ly. Từ lúc này, tại Khu cách ly đã có tất cả là 151 người. Trong đó, có 128 người Nghệ An, còn lại là người các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Nam, Hưng Yên, Gia Lai, Nam Định, Bình Định, Hà Nam và TP. Hà Nội. Nhiều người thể hiện rõ niềm vui, như thể đã trút đi được gánh nặng trong lòng. Lý do bởi như họ nói “Điều kiện khám, chữa bệnh ở Lào còn hạn chế. Trở về được thì sẽ được bao bọc, sẽ an toàn…”.

Trong bộ đồ bảo hộ làm bằng chất liệu nylon kín mít, chúng tôi được các nhân viên y tế, quân y đưa vào khu cách ly. Chỗ nghỉ khá rộng rãi, mọi vật dụng cá nhân cho từng người đều rất đầy đủ. Và nhờ có Wifi, nên công việc của hầu hết mọi người trong khu cách ly là lướt mạng xem tin tức hoặc “truyền hình trực tiếp” cho người thân.

Trong khu cách ly, có khoảng gần 30 phụ nữ với đủ các lứa tuổi. Và họ, có những vật dụng cần thiết “khó nói”, trong quá trình di chuyển đến khu cách ly chưa được chuẩn bị đầy đủ. Vậy nhưng khi vào đến khu cách ly thì không thể mua sắm được. Thế nên, dù biết là bất tiện nên một số phụ nữ đành phải nhờ đến những người đang thực hiện nhiệm vụ. Bởi vậy, mỗi khi nhận được lời “nhờ vả”, là mỗi lần phải báo cáo chỉ huy, để nhờ cán bộ, chiến sỹ trực vòng ngoài mua giúp chuyển vào.

Về trường hợp người phụ nữ mang thai Nguyễn Thị Bình, khi trở về chị còn mang theo đứa trai thứ 3 mới chỉ 23 tháng tuổi. Trong phòng, ngoài 2 mẹ con còn có 2 người phụ nữ và 1 cháu nhỏ. Ôm bụng bầu “vượt mặt”, chị Bình cho biết, thai nhi đã được 8 tháng, và đây là lần mang thai thứ 4. Chị kể, khi hai vợ chồng sang làm ăn ở Noọng Hét chỉ đưa cháu thứ 3 đi cùng; còn 2 đứa lớn (cháu đầu mới 5 tuổi) thì sống cùng ông bà ở Diễn Châu. Khi có thai đứa thứ tư, hai vợ chồng dự định đến gần ngày sinh sẽ về quê. Thế rồi dịch Covid-19 trở nên phức tạp tại Lào, đã có trường hợp lây nhiễm nên hai vợ chồng thống nhất chị cùng con thứ 3 về trước, chồng ở lại sắp xếp công việc xong sẽ về sau. Chị cũng xác định khi về nước sẽ thực hiện cách ly tập trung 14 ngày. Khi đến Cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn, thấy biên phòng và kiểm dịch hải quan làm thủ tục kiểm tra chặt chẽ nên cũng có chút lo lắng, căng thẳng. Nhưng khi về đến khu cách ly tập trung, nhận được sự quan tâm, chăm sóc của cán bộ, y, bác sỹ nên đã cảm thấy yên tâm.

Chị tâm sự: “Qua 3 lần sinh, em biết mình thường sinh sớm trước 2 tuần so với người khác. Thế nên bây giờ chỉ mong được siêu âm để biết chính xác, tránh tình huống xấu để đảm bảo cho hai mẹ con và cũng không ảnh hưởng đến mọi người. Trong trường hợp ở đây không có điều kiện, mẹ con em mong được chuyển về khu tập trung gần với thành phố Vinh để tiện trong sinh nở…”.

Về mong mỏi của chị Bình, Trung tá Nguyễn Bỉnh Khiêm cho biết đã sắp xếp để chị được siêu thai trong thời gian sớm nhất. Đồng thời, anh cũng đã báo cáo lên cấp trên để đề đạt nguyện vọng có thể bố trí chuyển khu cách ly mà chị Bình đã đề đạt. Người chỉ huy khu cách ly trầm tư: “Trong hoàn cảnh này, chị ấy lo lắng và tôi đều hiểu rõ. Nhưng ở trong khu cách ly, dù đã có sự chuẩn bị thì cũng không thể được đầy đủ, tự do như ở nhà. Trong tình thế khó khăn này, mọi người đều cần phải có nghị lực để vượt qua, chị Bình cũng vậy. Thay mặt cho anh em đang làm nhiệm vụ, tôi hứa sẽ làm những gì tốt nhất có thể cho chị ấy…”.

Trước khi ngược lên biên giới Nậm Cắn, chúng tôi ghé vào khu vực nhà bếp để xem bữa ăn tối của những người dân đang cách ly. Ở đây, 6 cán bộ, chiến sỹ thuộc Ban CHQS huyện Kỳ Sơn đang hối hả chế biến thực phẩm. Tối ngày 24/3/2020, mọi người ở đây sẽ có những món chính gồm thịt lợn nạc kho, cá kho và canh bí xanh. Dù tất bật bởi số lượng suất ăn tăng lên đột ngột, nhưng các anh đều rất vui khi có khách ghé thăm, chứng kiến, ghi lại hình ảnh các hoạt động đang diễn ra ở nơi này.

“Lên trời nhé” – là câu nói cuối của các bộ, chiến sỹ, nhân viên y tế ở Khu cách ly huyện Kỳ Sơn khi chúng tôi rời đi. Thoáng chút ngỡ ngàng, rồi hiểu và cay xè trong mắt. Là các anh mong ở chúng tôi sẽ sớm đưa thông tin lên báo điện tử, để những người làm nhiệm vụ, người thực hiện cách ly và những người thân của họ, cùng cả xã hội sẽ được thấy những hình ảnh, được đọc những thông tin đang diễn ra tại nơi này…

Theo thống kê của Ban Dân vận Bộ CHQS Nghệ An, đến 7h ngày 29/3/2020, tổng số công dân thực hiện cách ly tập trung trong quân đội là 3.714 người. Trong số này, công dân Việt Nam từ nước bạn Lào trở về lên đến 3.401 người. Hiện nay, tại Khu cách ly tập trung huyện Kỳ Sơn đang thực hiện cách ly 291 người; Khu cách ly huyện Tương Dương là 242 người; Khu cách ly huyện Con Cuông có 167 người…