Đến xã Tam Quang (huyện Tương Dương), ấn tượng đầu tiên là màu xanh của những rừng keo, mét hút mắt. Trò chuyện với chúng tôi, ông Vi Văn Thắng ở bản Tam Liên, cho hay: “Mét vẫn là loài cây mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất, lại không lo đầu ra, chặt xong đưa về đến nhà là có người đến tận nơi thu mua. Mét được người dân tận dụng mọi đất trống để trồng. Như gia đình tôi đang có trên 2.000 gốc mét”. Theo chia sẻ của ông Vi Văn Minh – Trưởng bản Tam Liên, thì cả bản có 126 hộ, với 528 nhân khẩu, hầu như nhà nào cũng trồng mét. Diện tích mét của cả bản có trên 251 ha. Nhiều năm nay, mét là loài cây sinh kế mang lại thu nhập ổn định cho người dân…
Nhận thức được giá trị kinh tế của cây mét, nhiều năm qua, Đảng ủy, UBND xã Tam Quang luôn chú trọng việc tuyên truyền, vận động người dân phục tráng lại rừng mét trên địa bàn; đồng thời phối hợp với các đơn vị trong huyện tập huấn KHKT, hỗ trợ giống và phân bón khuyến khích bà con tích cực trồng mới. Theo bà Kha Thị Hiền – Chủ tịch UBND xã Tam Quang: Mét và keo được xác định là 2 loại cây chủ lực ở địa phương. Hiện toàn xã có gần 700 ha mét (hộ trồng nhiều nhất là từ 15-20ha) và gần 1.400ha keo (hộ trồng nhiều nhất là 30ha). Nhờ vậy, cuộc sống của người dân ngày càng được nâng cao, thu nhập bình quân 6 tháng đầu năm 2023 đạt 45 triệu đồng/người/năm (tăng 30,8 % so với đầu nhiệm kỳ, tỷ lệ hộ nghèo từ 13,2 % giảm xuống còn 11,3%).
Với mục tiêu bảo vệ, phát triển, phát huy giá trị của rừng tre, mét hiện có, nâng cao giá trị sản phẩm khai thác, hình thành các vùng nguyên liệu tập trung, từ năm 2021 UBND huyện Tương Dương đã phê duyệt Đề án phát triển vùng nguyên liệu tre, mét trên địa bàn huyện giai đoạn 2021 – 2025. Theo đó, huyện tập trung chỉ đạo UBND các xã, thị trấn có diện tích mét cũ tổ chức chăm sóc, phục tráng, tu bổ và xây dựng quy chế quản lý và khai thác số diện tích mét do tập thể các thôn, bản quản lý. Đồng thời, lồng ghép mô hình sinh kế bền vững phát triển cây mét theo chuỗi giá trị để giảm áp lực lên đa dạng sinh học và chức năng hệ sinh thái tại 2 xã vùng đệm Tam Quang và Tam Hợp (dự án do Quỹ Môi trường toàn cầu hỗ trợ kinh phí, Hội Nông dân huyện triển khai thực hiện cùng với Trung tâm Tư vấn phát triển Lâm nghiệp Nghệ An hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật). Nhờ vậy, nhận thức của người dân dần được nâng lên, nhiều hộ dân đã xem mét là cây chủ lực để phát triển kinh tế gia đình (bước đầu đã trồng mới được 415,19 ha mét).
Tại huyện Quế Phong, bên cạnh keo, mét, lùng là những loài cây được chú trọng phát triển với hơn 17.000ha. Đồng Văn là địa phương có diện tích lùng tự nhiên lớn nhất huyện Quế Phong với hơn 9.500 ha, tập trung ở các bản Mường Hinh, Pù Duộc, Khủn Na… Theo lãnh đạo địa phương xã đã khuyến cáo và hướng dẫn cho bà con bảo vệ chăm sóc theo đúng với quy trình kỹ thuật nên lùng cho năng suất cao, bán được giá. Theo đó, nhiều hộ đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Như gia đình ông Lương Văn Bích, ở bản Pù Duộc có diện tích trên 10 ha, cho thu nhập trên 100 triệu đồng, chưa kể còn được Nhà nước chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng 600 nghìn đồng/ha/năm…
Hiện, diện tích rừng lùng tự nhiên trên địa bàn Quế Phong có hơn 17.100 ha, nằm chủ yếu tại 2 xã Đồng Văn (hơn 9.500 ha) và Thông Thụ (hơn 7.300 ha) và một số diện tích nằm ở các xã Tiền Phong, Mường Nọc và Quang Phong. Sản lượng khai thác bình quân hằng năm từ 4.500 – 6.000 tấn lùng tươi thành phẩm, với giá bán hiện nay 1.200 – 1.300 đồng/kg. Mới đây, việc 839,3 ha lùng trên địa bàn huyện Quế Phong được cấp chứng nhận FSC đã giúp các sản phẩm thủ công từ loài cây này thâm nhập dễ hơn vào các thị trường lớn như EU, Mỹ. Đồng thời, nâng cao giá trị sản phẩm, gia tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo cho người dân địa phương.
Ông Bùi Văn Hiền – Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Phong cho biết: Sau khi cây lùng đạt tiêu chuẩn FSC, có 2 doanh nghiệp, gồm Công ty Lâm sản Khánh Tâm và Công ty TNHH Đức Phong cam kết trực tiếp thu mua nguyên liệu cho người dân. Giá trị bán cũng tăng lên từ 10-15% so với bán qua thương lái. Huyện Quế Phong cũng cam kết trong thời gian tới sẽ tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân,tiếp tục mở rộng diện tích rừng lùng được cấp chứng chỉ FSC tại 2 xã Đồng Văn và Thông Thụ, theo đó sẽ có khoảng 2.600 nhân khẩu được hưởng lợi trực tiếp từ dự án.
Ngoài ra, huyện Quế Phong cũng chú trọng bảo tồn, khôi phục, phát triển, mở rộng diện tích các loại cây dược liệu, trong đó có quế Quỳ. Thời gian qua, UBND huyện Quế Phong đã phối hợp với Ban quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt, Trung tâm Nghiên cứu Lâm sản khảo sát cùng bảo tồn giống quế Quỳ để ươm giống, nhân rộng diện tích nhằm tạo thu nhập cao cho người dân, góp phần phủ xanh đất trống đồi núi trọc. Hiện diện tích cây quế ở Quế Phong là 553 ha tập trung nhiều ở các vùng Nậm Giải, Thông Thụ, Hạnh Dịch, Đồng văn…
Tại huyện Con Cuông, cùng với cây keo với diện tích hơn 1.100ha, cây chè được xác định là một trong những loài cây chủ lực có tính bền vững với diện tích hơn 400 ha tập trung chủ yếu ở các xã Yên Khê, Bồng Khê, Chi Khê. Dẫn chúng tôi đi thăm những đồi chè trải dài xanh mướt mắt, ông Nguyễn Đức Điền – Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn Trung Thành, xã Yên Khê cho hay: Xóm có 72 hộ thì có tới 48 hộ trồng chè, năm 2022 đạt sản lượng 750 tấn. “Chè là một trong những loài cây phù hợp với đất đai, khí hậu ở Yên Khê và mang lại thu nhập ổn định cho người dân mà lại không phải lo đến đầu ra, như gia đình tôi có trên 1ha chè, thu hoạch 1 năm 5 đợt, mỗi đợt 5-6 tấn cho tổng thu nhập gần 200 triệu đồng” – ông Điền chia sẻ.
Ông Trần Thanh Bình – Chủ tịch UBND xã Yên Khê cho hay: So với cây cam có nhiều diện tích đang đi vào thoái hóa, chè có tính ổn định cao hơn, hiện tổng diện tích cây chè công nghiệp trên địa bàn xã Yên Khê hiện có 293,7 ha. Đây được xác định là cây sinh kế của địa phương có đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 70%.
Tại huyện miền núi Kỳ Sơn, dù giá cả lên xuống, nhưng cây gừng vẫn được xác định là cây sinh kế tại nhiều địa phương. Theo đó, diện tích trồng gừng ổn định từ 600 – 650 ha, sản lượng thu hoạch hàng năm từ 4.200 – 4.500 tấn, ngoài bán gừng tươi, còn có các sản phẩm từ bột gừng, tinh dầu gừng… mang lại nguồn thu nhập quan trọng cho người dân. Bên cạnh đó, chè Shan tuyết cũng là một trong những loại cây trồng chủ lực được huyện Kỳ Sơn đưa vào danh mục tiếp tục mở rộng diện tích trồng.
Theo ông Vi Oanh – Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kỳ Sơn: Trên địa bàn đã có các dự án đầu tư và bắt đầu hình thành vùng chuyên canh để mở rộng vùng trồng, nâng cao chất lượng và hiệu quả kinh tế từ cây chè Shan tuyết theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo tiêu chuẩn OCOP. Đến nay, diện tích chè trên địa bàn huyện là hơn 600 ha, trong đó 350 ha đã và đang cho khai thác, năng suất đạt bình quân 4 tấn/ha, sản lượng bình quân hàng năm đạt 1.400 tấn, dự kiến sẽ phát triển thêm 30 – 50 ha trồng mới.
Trên lĩnh vực chăn nuôi, nhiều địa phương đã tập trung vào các loại vật nuôi có giá trị được người dân thuần chủng, có khả năng chống chịu thời tiết và có khả năng sinh sản tốt như bò Mông, gà ác, vịt bầu, lợn đen, trâu Na Hỷ… Bên cạnh đó, hình thành và phát triển các tổ hợp phát triển kinh tế có sự tham gia trực tiếp của người dân như HTX nông nghiệp, làng nghề, tổ hợp tác sản xuất để tạo ra sản phẩm hàng hoá chất lượng đáp ứng nhu cầu thị trường, giúp tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững. Điển hình như ở xã Nậm Giải (Quế Phong), giống gà bản địa được người dân nuôi từ lâu, có nguồn gen quý, sức đề kháng tốt, dễ thích ứng, thịt thơm ngon, chất lượng cao.
Nhận thấy giá trị kinh tế của giống gà bản địa nói trên, năm 2022, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Quế Phong đã triển khai xây dựng mô hình “Chăn nuôi gà bản địa thương phẩm” tại bản Piêng Lâng, xã Nậm Giải, với quy mô 1.400 con. Trong đó, mỗi hộ tham gia với quy mô 350 con, được Nhà nước đầu tư hỗ trợ 50% giống, thức ăn hỗn hợp, vắc-xin, hóa chất sát trùng; người dân đối ứng 50% kinh phí còn lại và được thụ hưởng 100% sản phẩm thu được từ dự án. Thấy mô hình hiệu quả và phù hợp, nhiều hộ dân ở bản Piêng Lâng và xã Nậm Giải đã đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm để làm theo. Từ 4 hộ thí điểm, hiện tại trên địa bàn đã có 1 HTX chăn nuôi gà với 14 hộ thành viên. Anh Ngân Văn Lâm ở bản Pục, xã Nậm Giải có trang trại chăn nuôi từ 700-1.000 con gà, cho hay: Năm nay tôi đã xuất 4 lứa, mỗi lần xuất bán thu về khoảng 70-80 triệu đồng, từ đầu vào đến đầu ra đều có HTX bao tiêu, gà nuôi không đủ mà bán.
Ở xã Mường Lống (huyện Kỳ Sơn), từ mô hình chăn nuôi gà đen với 15 hộ tham gia, xã đã chỉ đạo xây dựng thành công sản phẩm OCOP gà đen địa phương, nâng cấp lên thành hợp tác xã tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân phát triển nhân rộng.
Bên cạnh gà bản địa, chăn nuôi bò vỗ béo cũng là một hướng đi được nhiều địa phương lựa chọn. Bởi bò gốc bản địa thường chống chịu giỏi với thời tiết khắc nghiệt ở vùng cao, thịt thơm ngọt.
Tại huyện Kỳ Sơn, với hướng chỉ đạo ưu tiên phát triển đàn trong các gia trại, kinh tế hộ, tận dụng tốt các chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi, đặc biệt là giống bò Mông bản địa đã giúp địa phương nâng tổng đàn bò 41.800 con, đàn trâu 11.560 con (tăng 20% so với năm 2020), qua đó góp phần từng bước nâng cao đời sống cho nhân dân. Còn tại huyện Quỳ Châu, bên cạnh đẩy mạnh việc bảo tồn nguồn gen và phát triển chăn nuôi vịt bầu Quỳ thành sản phẩm hàng hoá chủ lực, huyện còn chú trọng loại khác như gà đồi bản địa, bò vàng địa phương, lợn nái đen bản địa (lợn Sao Va)…
Theo chia sẻ của cán bộ nông nghiệp một số địa phương ở Nghệ An, việc ưu tiên khai thác các cây – con có giá trị, nhất là cây, con bản địa đảm bảo được yếu tố bền vững hơn bởi người dân đã tích lũy được kinh nghiệm trong việc trồng, chăm sóc cây trồng, vật nuôi dựa vào yếu tố thổ nhưỡng, khí hậu, tạo ra một số sản phẩm đặc thù có khả năng chống chịu với thời tiết, sinh trưởng tốt với giá thành bán trên thị trường cao hơn nhiều lần so với sản phẩm thông thường. Nhiều địa phương còn gắn việc triển khai các mô hình sinh kế với việc xây dựng các sản phẩm OCOP với thương hiệu riêng như chè hoa vàng (Quế Phong); bò giàng, gà đen Mường Lống, chè Shan tuyết, tinh dầu gừng và bột gừng (Kỳ Sơn), thanh long ruột đỏ, cà chua múi, cà ngọt Khe Ngậu, măng khô (Tương Dương)…