Có thể nói, Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt đầu cuộc đời hoạt động cách mạng giải phóng dân tộc của mình bằng công việc viết báo, khởi thủy từ Paris và đương nhiên phải viết bằng tiếng Pháp.
Kể từ lúc rời Tổ quốc ra đi tìm đường cứu nước (6/1911), với cách thức vừa lao động, vừa học tập, từ châu Á, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đến châu Âu, châu Phi, châu Mỹ, sau lại trở về châu Âu, Người dừng chân khá lâu ở nước Anh cho đến lúc trở lại nước Pháp, trú ở Thủ đô Paris vào cuối năm 1917, tính đến hơn 6 năm. Đấy là quãng thời gian Người đi để mở mang sự hiểu biết, để học tập. Phương tiện thông tin quan trọng có thể coi là duy nhất mà Bác đón nhận tại các quốc gia, các châu lục Người đặt chân tới là nhờ báo chí.
Nói đến báo chí là nói đến ngôn ngữ. Bấy giờ, thứ ngôn ngữ mà Nguyễn Ái Quốc dùng để giao thiệp với khách bạn cũng như để đọc báo chủ yếu là tiếng Pháp. Lúc đến Luân Đôn, Người mới học thêm tiếng Anh.
Khi trở lại Paris (1917), người thanh niên Nguyễn Ái Quốc cũng chưa thật thành thạo trong việc dùng tiếng Pháp để diễn đạt một cách trọn vẹn, thanh thoát các ý tứ của mình(1). Vì lúc rời Tổ quốc ra đi, Người đang học ở bậc Trung học phổ thông mà chương trình ở các cấp học lúc đó chưa có được sự cấu thành hoàn bị như sau này. Trong hành trình vừa lao động vừa học tập ấy, Người sử dụng tiếng Pháp để nói nhiều hơn là để viết. Thế mà sau đấy không lâu, Người có được những bài viết chặt chẽ và hấp dẫn, trình bày được những vấn đề quan trọng về chính trị và xã hội đăng trên các báo “Nhân đạo”, “Đời sống thợ thuyền”, vở kịch “Rồng tre” rồi tiến lên là viết cả những tác phẩm cần sự lập luận đanh thép như “Bản án chế độ thực dân Pháp”… làm cho các chính khách phải quan tâm và cả những người cầm quyền phải theo dõi. Qua đó, ta biết, Người đã dũng cảm biết bao trong việc ra sức trau dồi ngoại ngữ và học tập trong cách hành văn, lập luận để báo chí trở thành một vũ khí đấu tranh sắc bén mà Người có được ở trong tay.
Có thể nói kể từ khi Nguyễn Ái Quốc xuất hiện trên trường chính trị quốc tế với văn kiện “Bản yêu sách của nhân dân Đông Dương” gửi đến Hội nghị hòa bình Véc- xai (Versaille) 1920 thì giới thức giả phương Tây đã coi người là một nhà báo tầm cỡ. Và lấy báo chí để tuyên truyền cho đất nước mình, dân tộc mình và bênh vực cho giới cần lao trên các châu lục là sự hoạt động quan trọng bậc nhất của người thanh niên Nguyễn Ái Quốc khi ở Pháp cũng như thời gian người sang Nga. Khi đến Trung Quốc (cuối năm 1924), người vẫn là một ký giả, là phóng viên của Hãng Thông tấn Rốt-xta (Nga). Trong công cuộc vận động cách mạng, một thứ vũ khí mà Người hết sức coi trọng là dùng báo chí để tuyên truyền, giác ngộ đồng bào mình và để tấn công vào các âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù. Và ta biết, vì mục đích tốt đẹp và cũng là phương châm đúng đắn đó mà Người đã phải chịu biết bao gian lao khi cùng các đồng sự xây dựng tờ “Người Cùng Khổ” ở Paris cũng như xuất bản tờ “Thanh Niên” ở Quảng Châu (Trung Quốc).
Khi tình hình đã cho phép trở về nước để hoạt động thì ngay tại Pác Bó (Cao Bằng), Người đã cho ra tờ báo “Việt Lập” (tức Việt Nam Độc Lập).
Nhớ là một ngày vào cuối tháng 3 năm 1969, từ chiến trường miền Nam, các đồng chí Hoàng Văn Thái và Phạm Hùng được Trung ương mời ra Hà Nội làm việc với Bộ Chính trị và được gặp Bác Hồ. Một lần làm việc xong, thấy rất nhiều sách báo đặt bên cạnh giường Bác nằm. Đại tướng Hoàng Văn Thái mạnh dạn đề nghị :“Dạ thưa, Bác đang mệt, Bác nên đọc ít, nghỉ nhiều”. Bác trả lời : “Chú bảo Bác không đọc báo thì làm gì ? Già yếu cũng phải học, phải đọc sách báo để nâng cao hiểu biết, đọc báo để nắm vững tình hình”(2).
Trong Kháng chiến chống thực dân Pháp, khi Trung ương Đảng và Chính phủ còn ở Việt Bắc, mỗi lần các đồng chí Nghệ An ra họp, Bác thường nhắn tới nơi làm việc của Người. Đến lượt đồng chí Nguyễn Trương Khoát thay mặt Tỉnh ủy Nghệ An ra và được Bác gọi sang. Sau những lời thăm hỏi thân tình, Bác lấy từ tập báo được lưu giữ trên bàn một tờ “Tin Nghệ An” trong đó có bài phản ảnh về tình hình ở một số huyện có nhiều người dùng gạo để nấu rượu . Bên lề của bài báo đã được Bác đánh dấu và ghi vào đấy ba chữ : “Cáo lậu tửu”, tức: “ Nấu rượu lậu”. Bác bảo đồng chí Khoát xem. Đoạn, Người hỏi: “Bài báo viết như vậy có đúng không? Ở trong mình, những hiện tượng như thế có phổ biến lắm không?”. Đồng chí Khoát trình bày với ý, hiện tượng ấy là có thật. Quả rằng, có người nấu rượu để bán kiếm lời nhưng cũng có những trường hợp bà con tự nấu rượu khi nhà có công chuyện như là tổ chức cưới vợ cho con. Bác bảo: “Dù thế nào thì cũng không được dùng lương thực để nấu rượu vì phần đông bà con ta còn thiếu ăn và phải dành thóc gạo để nuôi bộ đội. Anh em ở ngoài chiến trường, ăn có đủ no mới đánh thắng được giặc. Chú hãy cầm tờ báo này về rồi khi họp Tỉnh ủy thì đưa ra nói cho các đồng chí trong Ban Chấp hành và cán bộ các cấp, các địa phương nghe để mà tránh. Muốn thực sự yêu nước và thương bộ đội thì phải cấm chỉ việc nấu rượu lậu. Cán bộ và đảng viên phải làm gương cho bà con học theo”. Đồng chí Khoát rất cảm động, đã vâng lời và thực hiện đúng như điều Bác dạy(3).
Một tháng trước ngày Bác qua đời, báo Nhân Dân số ra ngày 3/8/1969, trong chuyên mục “Vận động quần chúng xây dựng Đảng”, có bài “Phê bình và sửa chữa ở Chi bộ Phú Thành (Nghệ An)” của tác giả Phạm Thanh, phóng viên thường trú báo Nhân Dân tại Nghệ An. Bài báo này đã đến với Bác. Đọc xong, Bác ghi vào phía trên trang báo chữ “Đảng” (bằng chữ Hán), tức bài nói về Đảng. Và Bác cũng ghi lên ở đầu đề của bài báo hai chữ “Cắt dán”. Đồng chí Thư ký của Bác đã theo đó mà làm và bài báo được lưu lại để Bác theo dõi.
Thêm một lần nữa, ta biết riêng trên báo chí, Bác Hồ đã quan tâm đến Nghệ An như thế nào. Bởi như điều Bác hằng mong muốn và đã nói rõ trong dịp Người về thăm quê lần thứ hai (năm 1961): “Đồng bào và cán bộ Nghệ An cần phải có quyết tâm phấn đấu xây dựng tỉnh ta thành một trong những tỉnh khá nhất ở miền Bắc”.
Chúng ta có bổn phận và nguyện một lòng, làm sao để sớm thỏa mãn được hoài bão của Bác Hồ đối với quê hương trong buổi sinh thời của Người.
(1) (2) (3): Xem “Những mẫu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch” – NXB Sự Thật Hà Nội, in lần thứ 2, 1976, Tr. 32,36.