Tôi là đồng hương cùng huyện nhưng mãi đến những năm 1990 tôi mới gần gũi với dịch giả Đoàn Tử Huyến, vì anh hơn tuổi, học trước tôi 6 khóa ở trường cấp 3 Đức Thọ (Hà Tĩnh).
Năm chúng tôi từ nơi sơ tán chuyển về xuôi thì trường đóng ở gần nhà anh. Lớp tôi có 2 đứa bạn, Thông và Lam dựng lán ở trong vườn nhà anh. Hai đứa bảo, nhà này có một ông học rất giỏi, được đi học Liên Xô. Ở trường thầy Thinh dạy Văn cũng mấy lần nói thầy có học trò giỏi Văn là Đoàn Tử Huyến đang được đi học bên Liên Xô. Sau này, tôi được biết anh nhiều hơn vì anh thường cộng tác với Nhà Xuất bản Nghệ Tĩnh. Lúc đó tôi chỉ biết anh đến vậy, chưa được gặp và quen anh.
Tôi biết anh và quen anh bắt đầu từ các bạn của anh là Trần Hồng Dần và Lê Nuôi. Quen nhanh và thân nhanh. Vậy là anh em mình đã chơi với nhau gần ba chục năm rồi anh nhỉ!
Anh Huyến tính tình cương trực, thẳng thắn và chân thành. Nhiều người bảo nhờ tuổi Canh Dần (1950) nên được vậy! Đã quá nhiều người nói về cái tài của anh. Tài văn chương, dịch thuật, tài làm sách, tổ chức xuất bản, phát hành… Rời giảng đường đại học, anh chuyển sang làm nghề xuất bản. Từ Nhà sách Đông Tây, anh phát triển thành Trung tâm Ngôn ngữ văn hóa Đông Tây. Đây là mô hình kết hợp nhiều công đoạn từ ý tưởng, sáng tạo đến xuất bản sản phẩm và đưa vào xã hội. Ở ta, mô hình này, có lẽ lần đầu tiên do anh xây dựng nên, vì trước đó trong hệ thống công lập và tư nhân hầu như chưa có.
Không chỉ kết hợp Đông – Tây trong tư duy, ở Đoàn Tử Huyến là một sự kết hợp giữa trí tuệ mẫn tiệp và phẩm chất nghệ sỹ tài hoa, giữa nghiên cứu và phát huy giá trị chất xám, giữa làm và chơi… Tất cả đều đẹp. Đẹp tự nhiên mà rực rỡ, mạnh mẽ mà khoan thai.
Năm 1996, anh Huyến là người có công tái sinh Tạp chí Văn học nước ngoài. Anh là Phó Tổng Biên tập, là “linh hồn” của tạp chí, lo toan mọi việc – như Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên nói. Thế nhưng, ra được vài số anh đã chủ động và nhẹ nhàng rời cuộc chơi trong sự tự trọng của một trí thức – nghệ sĩ.
Không giản đơn mà anh mất được vài chục phút thì các báo trong, ngoài nước đã đồng loạt đưa tin, kể cả các tờ báo lớn như: Nhân Dân, VOV,… Anh là người nổi tiếng. Đã đành. Nhưng với tôi, anh là con người hào sảng mà tôi chưa từng gặp. Anh hào sảng trong suốt cuộc đời anh từ làm việc, giao tiếp, vui chơi… Anh luôn biết cách làm cho người khác, dù là bạn hay chưa phải là bạn, có cảm giác được tôn trọng, được vui và sẵn sàng tham gia “cuộc chơi” của anh dù là công việc sách vở hay “chiến đấu” với rượu chè.
Nếu không có sự hào sảng của anh thì theo ông Nguyễn Trung Hiền – nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Nghệ Tĩnh, còn lâu mới xuất bản được Địa chí Văn hóa dân gian Nghệ Tĩnh. Ông Hiền còn cho biết thêm, anh Huyến là một trong những cộng tác viên đầu tiên và tích cực nhất của các ông trong những năm tháng đầu tiên mày mò nghề làm sách. Còn ông Chương Thâu thì dặn con: “Sống thì Tết, chết thì lễ anh Huyến”, vì không có anh thì bộ Phan Bội Châu toàn tập không thể ra đời được. Chuyện này thì tôi biết rõ. Thậm chí mấy tập bổ di của bộ toàn tập về cụ Phan, ông Chương Thâu đề nghị Nghệ An in mà vẫn không được. Cuối cùng vẫn là anh Huyến bỏ tiền ra in, mặc dù lúc này túi của anh đã… rỗng.
Không chỉ có chừng ấy, nếu không có sự hào sảng của anh sẽ không có các bộ sách về Nguyễn Công Trứ, Phan Bội Châu.., một loạt sách có giá trị của nhiều tác giả khác, kể cả các tác giả mà các nhà xuất bản vẫn còn e dè như: Trần Dần, Trương Tửu, Trịnh Công Sơn… Cũng có lần anh Huyến đã bị gọi tên hoặc kiện cáo nhưng rồi cuối cùng vẫn “ok”, vì anh đúng, và sách anh làm ra hay.
Tôi cũng được gặp không ít các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu đã nói tác phẩm công trình của họ xuất bản được là nhờ sự giúp đỡ của anh Huyến từ tổ chức bản thảo đến thủ tục xuất bản, in ấn và không ít trường hợp cả tiền nong nữa. Chưa hết, anh còn tổ chức giới thiệu sách, quảng bá cho các tác phẩm, tác giả, nhất là những người mới, ở Hà Nội cũng như tỉnh lẻ. Ai được anh giúp cho cũng mừng hùi hụi, vì chẳng mất gì mà lại cao sang thêm mấy phần. Có lẽ anh Huyến là người tổ chức việc giới thiệu sách đều đặn và chuyên nghiệp nhất, hiệu quả nhất.
Cách đây khoảng 10 năm, anh Phạm Xuân Cần lúc đó là Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Nghệ An có bảo anh có cuốn “Chém theo chiều gió” muốn in mà chưa nơi nào cấp phép cho cả. Tôi mạnh mồm “ok”. Và tất nhiên là tôi lại phải nhờ anh Huyến. Anh ấy làm cho cả, về chỉ có bình bản và in thôi.
Với tôi và Tạp chí Văn hóa Nghệ An thì có quá nhiều duyên nợ với anh. Chúng tôi, là kẻ mắc nợ anh. Khi bắt đầu ra Nghệ An làm Tạp chí Văn hóa Nghệ An, tôi chỉ hai bàn tay trắng. Khó khăn lớn nhất là chưa có cộng tác viên. Người chìa tay ra giúp là các thầy và các bạn. Tôi nhớ mãi ơn của các thầy Đinh Xuân Lâm, Vũ Ngọc Khánh, Nguyễn Đình Chú, Chương Thâu… và anh Huyến. Qua anh tôi đã có thêm nhiều cộng tác viên ở trong và ngoài nước. Có lần tôi ra Hà Nội, đã định về tàu buổi tối nhưng anh bảo ở lại chiều tối đi chơi với anh. Tôi phân vân. Anh đưa cho tôi chiếc điện thoại Nokia bảo thay sim vào đó (vì máy cũ của tôi trục trặc) để khi cần anh gọi. Và chiều hôm đó anh gọi tôi đến để gặp ông Trần Thiện Đạo ở Pháp về. Từ đó, tôi có thêm những cộng tác viên nhiệt thành và tài giỏi.
Lại một lần khác, khi cơ quan mới thành lập, tôi ngỏ ý muốn tổ chức họp cộng tác viên ở Hà Nội. Anh “ok”. Và lo giúp tất tần tật từ giấy mời cho đến hậu cần. Chúng tôi chỉ có đến và “chủ trì”. Nhớ lại mà thương anh. Buổi tối trước sang hôm họp, anh kéo tôi đi nhậu, có cả Phạm Xuân Nguyên, Lưu Quang Định…, tôi say bò. Sáng hôm sau, anh lo lắng giao cho Nguyên làm MC, gần như thay tôi điều hành cuộc họp vì tôi chỉ ngồi được mươi phút lại phải ra ngòai để “giải quyết hậu quả” của mấy chai vodka hôm trước. Đây là cuộc họp cộng tác viên vô tiền khoáng hậu của Tạp chí Văn hóa Nghệ An, và có thể của báo chí Nghệ An, vì hôm đó có mặt rất nhiều người nổi tiếng như: Đinh Xuân Lâm, Phan Ngọc, Vũ Ngọc Khánh, Phan Đình Diệu, Văn Như Cương, Nguyễn Trọng Tạo… Những người ấy không còn nữa. Anh Huyến đang đi về phía họ!
Nói về anh Huyến không thể không nói anh được rất nhiều phụ nữ quý trọng và yêu. Anh cũng yêu họ một cách nhiệt thành. Trong tình yêu anh ấy cũng rất hào sảng. Hình như người phụ nữ nào từ khi yêu anh cũng đẹp, duyên dáng và thông minh hơn. Anh ấy chịu chơi chứ không chơi chịu bất cứ ai. Điều ấy thì tôi biết, rất nhiều người biết. Họ nể trọng anh vì điều đó.
Anh Huyến ơi!
Ngày kia anh lại về quê. Em nghĩ, ở trên núi Trà Sơn anh lại bắt đầu sự nghiệp mới với những công trình mới. Chắc chắn anh sẽ khởi động công trình Từ điển Đức Thọ mà anh đã ấp ủ từ lâu cho quê sau nhiều công trình khác mà anh đã làm cho Nghệ Tĩnh.
Vĩnh biệt Anh Huyến – Người hào sảng!
Những tác phẩm dịch tiêu biểu của dịch giả Đoàn Tử Huyến
“Nghệ nhân và Margarita”, tiểu thuyết của M. Bulgakov; tập tản văn “Giọt rừng” (Mikhail Prisvin); tiểu thuyết “Trái tim chó” (Mikhail Bulgacov); tiểu thuyết “Đấng cứu thế” (Miguel Otero Silva); truyện dài “Đêm sau lễ ra trường” (Vladimir Tendriacov) và 2 tập truyện ngắn “Khóm hoa tử đinh hương”, “Những ô cửa màu xanh” (nhiều tác giả).