Cuộc chiến thương mại do Mỹ – Trung Quốc ngày càng căng thẳng, Trung Đông tiếp tục là khu vực nóng bỏng, Cánh tả Mỹ Latinh lâm vào tình cảnh khó khăn… đã tạo nên một thế giới bất ổn, bất an và bất định, đó là những nhận định của Thiếu tướng Lê Văn Cương – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Bộ Công an về thế giới năm 2018.
P.V: Nhìn lại thế giới một năm đầy biến động, theo thiếu tướng thì sự kiện nào là điểm nhấn trong bức tranh toàn cảnh 2018 này?
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Năm 2018, trên thế giới diễn ra nhiều sự kiện quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, an ninh, đối ngoại. Nhưng sự kiện nổi bật, có sức lan tỏa, tác động đến tình hình thế giới và bao trùm nhất là chiến tranh thương mại Trung Quốc – Mỹ. Đây là sự kiện quan trọng nhất, mà sau này bất cứ học giả nào nói đến năm 2018 đều cũng phải nhắc đến.
Có thể nói, trong nền kinh tế thị trường, giữa các nước phát triển, các trung tâm kinh tế lớn vẫn thường xảy ra các cuộc chiến tranh thương mại. Thực chất đây là cuộc chiến giành giật lợi nhuận giữa các tập đoàn, công ty và lợi ích quốc gia giữa các cường quốc. Những năm 1980 thế kỷ XX, chính quyền Reagan (Mỹ) đã phát động cuộc chiến tranh thương mại chống lại Nhật Bản. Chính cuộc chiến tranh thương mại này là nguyên nhân cơ bản đẩy nền kinh tế Nhật Bản lâm vào suy thoái kéo dài hơn 3 thập niên.
Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung năm 2018, khác cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Nhật trước đây, ở hai điểm cơ bản. Đó là Mỹ và Nhật là đồng minh, cuộc chiến thương mại Mỹ – Nhật thuần túy là cuộc chiến tranh kinh tế giữa cường quốc đồng minh trong hệ thống tư bản chủ nghĩa. Còn Mỹ và Trung Quốc là 2 đối thủ cạnh tranh, thuộc 2 hệ thống thế giới khác nhau.
Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung chỉ là biểu hiện bên ngoài, về một cuộc đối đầu về chính trị và an ninh mang tầm vóc toàn cầu, giữa một siêu cường Mỹ muốn duy trì sự ảnh hưởng và chi phối thế giới, với Trung Quốc – một cường quốc đang lên, muốn vươn lên thống trị thế giới. Vì thế, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chủ động phát động cuộc chiến tranh thương mại chống lại Trung Quốc. Là nhà kinh doanh bất động sản, có nhiều năm lăn lộn trên thương trường, hơn hẳn những người tiền nhiệm, Donald Trump hiểu tường tận những thủ đoạn cạnh tranh thương mại không trung thực và vi phạm Hiệp định thương mại WTO của Trung Quốc, như hơn 30 năm, Trung Quốc có ghìm giữ giá đồng nhân dân tệ thấp hơn giá trị thực, bán phá giá hàng hóa, thao túng tiền tệ toàn cầu, đánh cắp sở hữu trí tuệ và bí mật kinh doanh của Mỹ…
Trong thời gian tranh cử Tổng thống, Donald Trump đã từng công khai tuyên bố Trung Quốc là “kẻ xâm lược kinh tế toàn cầu”, phá hoại quy tắc, cướp công ăn việc làm của người Mỹ… nên ông cam kết sẽ đánh thuế 45% thuế lên hàng hóa Trung Quốc vào thị trường Mỹ, nếu trở thành Tổng thống. Ngày 23/3/2018, chính quyền Donald Trump đã công bố báo cáo điều tra theo Điều 301 của Đạo Luật Thương mại năm 1974, với kết luận các thủ đoạn cạnh tranh vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc đã xâm phạm đến an ninh quốc gia của Mỹ. Và luật pháp Mỹ cho phép Tổng thống áp thuế cao đối với hàng hóa của Trung Quốc vào Mỹ. Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung bắt đầu diễn ra từ 23/3/2018!
Ngày 6/7/2018, Mỹ áp thuế trị giá 34 tỷ USD lên hàng hóa Trung Quốc. Ngay sau đó, Trung Quốc đáp trả bằng cách áp thuế lên hàng hóa Mỹ trị giá 34 tỷ USD. Ngày 23/7/2018, Mỹ áp thuế 16 tỷ USD lên hàng hóa Trung Quốc, và cũng ngay tức khắc, Trung Quốc áp thuế 16 tỷ USD lên hàng hóa Mỹ. Ngày 24/9/2018, chính quyền Donald Trump tuyên bố áp thuế 200 tỷ USD lên hàng hóa Trung Quốc, đến lúc này, Trung Quốc chỉ còn đủ sức áp thuế 64 tỉ USD lên hàng hóa Mỹ.
Trên thực tế, Mỹ chỉ mới tuyên bố, mà chưa thực hiện áp thuế 200 tỷ USD lên hàng hóa Trung Quốc, mà nền kinh tế Trung Quốc bắt đầu bất ổn, thị trường chứng khoán đã chao đảo, hàng trăm tập đoàn kinh tế nước ngoài đã bắt đầu rục rịch rời khỏi Trung Quốc. Nếu Mỹ áp thuế lên 500 tỷ USD lên hàng hóa Trung Quốc, như Donald Trump đe dọa thì chắc chắn kinh tế Trung Quốc sẽ rơi vào suy thoái, thậm chí là khủng hoảng và sụp đổ, không thể cứu vãn được.
Trong cuộc chiến này, thế và lực của Mỹ cao hơn, lớn hơn Trung Quốc. Mỹ luôn ở thế chủ động, ra các đòn tấn công áp đảo Trung Quốc. Trong một số trường hợp, Trung Quốc hoàn toàn ở thế bị động. Ngay từ đầu Trung Quốc đã chủ quan và không có hiểu biết cần thiết về chính quyền Donald Trump, nên Bắc Kinh đã bị từ bất ngờ này đến bất ngờ khác và lúng túng, bị động, đối phó một cách yếu ớt. Bắc Kinh đã mắc một sai lầm chết người, là chủ quan khinh địch, chỉ biết mình mà không biết người. Trên chiến trường cũng như trên thương trường, sai lầm này bao giờ cũng sẽ dẫn đến thất bại.
Ngày 1/12/2018, tại Buenos Aires, Argentina, Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình đã đạt được các thỏa thuận tạm ngừng các biện pháp trừng phạt lẫn nhau. Đặc biệt Washington hoãn áp thuế 25% lên 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc sang Mỹ.
Dư luận cho rằng, thỏa thuận Mỹ – Trung tại Argentina, chỉ là “khoảng lặng trước cơn bão”. Cuộc đối thoại này sẽ không giải quyết được những bất đồng, mâu thuẫn đối kháng về mục tiêu chiến lược, về lợi ích cơ bản giữa Mỹ và Trung Quốc, không chỉ trên lĩnh vực thương mại, mà chủ yếu trên lĩnh vực chính trị và an ninh.
Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung năm 2018, báo hiệu một cuộc đối đầu toàn diện của Mỹ và Trung Quốc. Cuộc đối đầu này sẽ định hình cục diện và trật tự thế giới ở vào giữa thế kỷ 21. Vì lẽ đó, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung tác động đến mọi mặt đời sống xã hội trên hành tinh này, và là dấu ấn quan trọng nhất của thế giới trong năm 2018.
P.V: Bên cạnh việc Mỹ chủ động gây ra cuộc chiến thương mại với cường quốc mới nổi là Trung Quốc, thiếu tướng đánh giá như thế nào về mối quan hệ giữa hai cường quốc Nga-Mỹ trong năm 2018?
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Ngoài cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, thì điểm nổi bật thứ 2 trong năm 2018 là quan hệ Mỹ-Nga rơi xuống mức thấp nhất. Cả Nga và Phương Tây đều cho rằng trong năm 2018 đã rơi xuống mức thấp nhất, xấu nhất, và xấu hơn cả thời kỳ chiến tranh lạnh (1949-1991).
Khủng hoảng này có nguồn gốc trực tiếp từ cuối năm 2013. Bắt nguồn từ việc lực lượng thân phương Tây phản đối chính quyền Tổng thống Yanukovych Ukraine, với sự giàn xếp của Nga, chính quyền Yanukovych và các lực lượng đối lập đã ký thỏa thuận chấm dứt xung đột tại Ukraine. Chính Mỹ – châu Âu- Nga đã hợp tác thỏa thuận để giàn xếp được thỏa thuận này.
Nhưng trớ trêu thay, chỉ một ngày sau, ngày 22/12/2014, Mỹ và các nước châu Âu đã tổ chức cuộc đảo chính vi hiến, lật đổ Tổng thống Yanukovych, thành lập chính quyền thân phương Tây, trong đó có 1 phó tổng thống và 5 bộ trưởng, là những thành viên của các tổ chức cực hữu, các tổ chức phát xít mới.
Trước những hành động bất chấp luật pháp quốc tế, của Mỹ và các thành viên NATO, cuối năm 2014, để bảo vệ an ninh nước Nga, chính quyền Putin quyết định sáp nhập bán đảo Crimea từ Ukraine vào Nga. Sau khi Nga sát nhập Crimea, Mỹ, các nước thân Mỹ và phương Tây bao vây áp đặt cấm vận Nga. Làm cho nền kinh tế Nga đầu năm 2014, GDP của Nga là 2.300 tỷ USD, đến năm cuối 2018 nền kinh tế Nga chỉ còn 1.550 tỷ USD, mất gần 1/3 GDP.
Ngày 2/8/2017, chính quyền Donald Trump đã ban hành sắc luật HR3364 trừng phạt Nga. Đây là một đạo luật trừng phạt Nga xấu nhất kể từ năm 1949. Chính ông Paul Craig Roberts, cựu trợ lý Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ, đã trả lời kênh truyền hình Nga RT như sau: “Nga cuối cùng phải dừng ngay ảo tưởng sẽ hòa giải được với Mỹ. Cách duy nhất mà Moscow có thể đạt được thỏa thuận với Washington là đầu hàng, chấp nhận sự thống trị của Mỹ”.
Ông Roberts, còn nói thêm: “Nhưng điều này chắc chắn ông Putin không làm, và nếu như vậy thì Mỹ tiếp tục bao vây, cấm vận, trừng phạt cho đến khi nào Nga bị tan rã, sụp đổ”, ý đồ sâu xa của Mỹ đã được người Mỹ nói bộc bạch như vậy.
Để đáp trả lại những hành động áp chế, mang tính cưỡng bức của Mỹ đối với Nga, ngày 1/3/2018, trong Thông điệp Liên bang, Tổng thống Nga Putin đã công khai cảnh báo Mỹ và Phương Tây: “Không thể kìm chế được Nga, mọi ý đồ vượt Nga về khoa học quân sự và công nghệ vũ khí hiện đại chỉ là ảo tưởng”.
Ngày 16/7/2018, một cuộc gặp giữa tổng thống Nga và tổng thống Mỹ tại Helsinki đã diễn ra. Cho dù không ra được tuyên bố chung, nhưng cuộc gặp này cũng nhất thời góp phần làm dịu mối quan hệ Mỹ – Nga đang căng như dây đàn. Cuộc đối thoại giữa ông Trump và ông Putin, chỉ như là một tia nắng ấm hiếm hoi trong mùa đông lạnh giá trong quan hệ Mỹ – Nga.
Ngày 5/12/2018, Mỹ ra tối hậu thư cho Nga, buộc Nga trong 60 ngày phải thay đổi chính sách quân sự và ngoại giao, chấp hành nghiêm chỉnh Hiệp định hiệp ước về các lực lượng hạt nhân tầm trung, mà theo quan điểm của Mỹ là Nga đã vi phạm.
Sau đó 1 ngày, Nga tuyên bố, chính Mỹ đã nhiều lần vi phạm hiệp ước INF và Nga yêu cầu Mỹ hãy dừng ngay những hành động vu cáo Nga và trở lại Hiệp ước INF. Nếu Mỹ rút khỏi Hiệp ước INF, thì Nga buộc phải có hành động đáp trả để bảo vệ an ninh quốc gia của Nga.
Các nước châu Âu theo Mỹ, vu cáo Nga đã vi phạm Hiệp ước INF, nhưng châu Âu vẫn yêu cầu Mỹ duy trì Hiệp ước INF. Bởi nếu hiệp ước về hạt nhân tầm trung này sụp đổ, thì các cường quốc, trước hết là Mỹ, Nga lao vào xoáy chạy đua vũ trang mới. Và khi chiến tranh xảy ra, toàn bộ châu Âu sẽ bị hủy diệt.
Nên người châu Âu cần tỉnh táo hợp tác ngăn chặn tình trạng hiếu chiến của Mỹ. Châu Âu có vai trò quan trọng trong việc giữ cho mối quan hệ Mỹ – Nga ổn định. Năm 2018, cho dù mối quan hệ Mỹ – Nga xấu nhất trong 70 năm qua, nhưng vẫn trong tầm kiểm soát. Nếu Mỹ rút khỏi Hiệp ước INF, thì châu Âu đứng trước nguy cơ trở thành nấm mồ tập thể chôn vùi hơn 500 triệu người.
P.V: Ngoài những cuộc “đấu tay đôi” giữa các cường quốc, trong năm 2018, khu vực nào trên bản đồ thế giới được xem là “nóng” nhất, thưa thiếu tướng?
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Theo tôi, năm 2018, Trung Đông tiếp tục là điểm nóng bỏng nhất trên bản đồ thế giới. Có thể thấy rằng, từ những năm 1990, cuối thế kỷ 20, đến nay, Mỹ là tác nhân chủ yếu làm cho Trung Đông luôn rơi vào trạng thái xung đột đẫm máu, hỗn loại kéo dài, không kiểm soát được. Chính cuộc chiến tranh xâm lược Iraq của Mỹ từ tháng 3/2003, đã đẩy toàn bộ Trung Đông rơi vào vòng xoáy bạo lực lan rộng, đã tạo điều kiện cho cái gọi là nhà nước tự xưng IS phát triển và gieo rắc khủng bố trên toàn thế giới.
Năm 2018, chính quyền Donald Trump với chủ trương nước Mỹ trên hết, đã thực hiện nhiều chính sách sai lầm ở Trung Đông. Đầu năm 2018, Mỹ tuyên bố Jerusalem là thủ đô của Israel và quyết định chuyển đại sứ quán Hoa Kỳ từ Tel Aviv về Jerusalem. Chúng ta nên nhớ rằng, từ năm 1948, Liên Hợp quốc đã có một Nghị quyết chia đôi thành phố cổ Jerusalem làm 2 phần, phần phía Tây thuộc về Nhà nước Israel, phần phía Đông thuộc về người Palestine.
Hành động chấp nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, là một hành động chà đạp lên Nghị quyết của Liên Hợp quốc, chính hành động này đã khoét thêm mâu thuẫn thâm căn cố đế giữa Israel và Palestine.
Hành động thứ 2 của Mỹ, là vào 5/2018, chính quyền Donald Trump tuyên bố rút khỏi thỏa thuận P5+1 do Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp, Đức ký với Iran vào tháng 7/2015. Nên nhớ rằng sau khi các nước ký thỏa thuận với Iran, gọi là thỏa thuận P5+1, Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc đã ra một Nghị quyết chuẩn y thỏa thuận này. Có nghĩa, thỏa thuận P5+1, là một văn bản luật pháp quốc tế của Liên Hợp quốc.
Việc tuyên bố rút khỏi thỏa thuận P5+1, một lần nữa Mỹ lại vi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ, bất chấp những điều mình đã ký. Chính việc rút khỏi thỏa thuận P5+1, Mỹ đẩy Trung Đông thêm một bước nữa vào trạng thái hỗn loạn và hết sức bất định.
Tại chiến trường Syria, sau 7 năm chiến tranh xung đột đẫm máu, cuối năm 2017, trên chiến trường với sự hậu thuẫn của Nga và Iran, chính quyền Assad đã làm cơ bản làm chủ tình hình, nhưng Mỹ vẫn tiếp tục hậu thuẫn cho các lực lượng đối lập và hỗ trợ các tổ chức khủng bố ở Syria với ý đồ buộc Nga phải sa lầy ở Syria. Năm 2018 này, chính Mỹ là kẻ đã phá hoại tiến trình tìm giải pháp chính trị, chấm dứt cuộc xung đột ở Syria. Nếu Mỹ có trách nhiệm thì chắc chắn cuộc xung đột đẫm máu ở Syria đã kết thúc trong năm 2018.
Bên cạnh đó, năm 2018 cũng đánh dấu một bước ngoặt của phong trào cánh tả ở Mỹ Latinh. Phong trào Cánh tả ở Mỹ Latinh nêu ra từ cuối những năm 1990 của thế kỷ trước và những năm đầu tiên của thế kỷ 21, khi ông Hugo Chávez (Venezuela) dương cao ngọn cờ độc lập dân tộc, không theo Mỹ. Thập niên đầu tiên (2000-2012), là thập niên đỉnh cao của lực lượng Cánh tả, dưới ngọn cờ Chávez, phía sau Chávez là hậu thuẫn Cuba. Sau khi Chávez qua đời, lực lượng thân Mỹ ở toàn bộ châu Mỹ Latinh đã trỗi dậy. Tất nhiên, nói cho công bằng, những người lãnh đạo Cánh tả ở Mỹ Latinh đã mắc một số sai lầm trong chính sách kinh tế và đối ngoại, vì thế lực lượng đối lập thân Mỹ, có điều kiện để khoét sâu, kích động người dân, để vận động người dân, từng bước một, đẩy lùi lực lượng Cánh tả Mỹ Latinh.
Bắt đầu từ những năm 2016, đến 2018 là đỉnh điểm lực lượng Cánh tả Mỹ Latinh rơi vào khó khăn nhất. Các ứng cử viên cực hữu ở các nước châu Mỹ Latinh đã giành được cao phiếu và trở thành lãnh đạo ở một số nước quan trọng trong trong khu vực này, như ở Argentina, Chile, Paraguay…
Điển hình nhất, có thể nói là “quả nổ” lớn nhất ở châu Mỹ Latinh trong năm 2018, là ông Bolsonaro – một nhân vật cực hữu đã giành đã số phiếu và trở thành Tổng thống Brazil – nước trụ cột ở châu Mỹ Latinh. Chúng ta nhớ rằng, ông Bolsonaro từng có những tuyên bố làm cả thế giới giật mình và sửng sốt, ví dụ: “Chính quyền độc tài quân sự trước đây ở Brazil trước đây, đã không giết đủ số người cần thiết, khi đáng ra họ phải giết thêm 30.000 người nữa. Đáng ra cảnh sát cần được trao quyền giết cả những đối tượng bị nghi vấn. Và đáng ra, người cánh tả cần phải bị tống vào nhà tù hoặc bị đuổi khỏi đất nước”.
Hiện tượng Bolsonaro trở thành Tổng thống Brazil – nước lớn nhất ở châu Mỹ Latinh, là một hiện tượng đặc biệt diễn ra trong năm 2018, nó báo hiệu một thời kỳ cực kỳ khó khăn của phong trào cánh tả, báo hiệu một thời kỳ lực lượng cực hữu ở châu Mỹ Latinh đã giành được quyền chi phối ở khu vực này.
Trước khó khăn của cánh tả, sự trỗi dậy của lực lượng cực hữu thân Mỹ, chính quyền Donald Trump đã không bỏ lỡ cơ hội, vào giữa tháng 8/2018, ông Donald Trump đã cử Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mattis đi thăm một loạt nước ở châu Mỹ Latinh: Brazil, Argentina, Chile, Colombia.
Tại Argentina, trong chuyến đi thăm này, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ đã tuyên bố thống nhất với chính quyền Argentina thành lập một căn cứ quân sự của Mỹ tại Argentina. Tại Brazil, Bộ trưởng Bộ quốc phòng Mỹ đã được sự đồng thuận của người đồng cấp ở Brazil đã đồng ý cho Mỹ tiến tới sử dụng căn cứ không quân tại Brazil.
Như vậy, sau hơn hai thập niên, Mỹ đã trở lại châu Mỹ Latinh, bằng cách thiết lập các căn cứ quân sự và hỗ trợ hậu thuẫn cho các chính quyền cực hữu, theo phương châm dân túy thuần túy, bài ngoại, và có thái độ phân biệt chủng tộc rất gay gắt, vì thế có thể nói năm 2018 là một năm mà lực lượng cánh tả ở Mỹ Latinh rơi vào tình huống chính trị khó khăn nhất, điển hình như Venezuela, chính quyền của Tổng thống Maduro gặp muôn vàn khó khăn, thậm chí Tổng thống Maduro đã nhiều lần bị ám sát hụt…
Nói về thụt lùi về phong trào cách mạng của thế giới trong năm 2018, chắc chắn phải nói đến phong trào cánh tả Mỹ Latinh rơi vào hoàn cảnh khó khăn nhất, một bước thụt lùi của cách mạng Mỹ Latinh.
P.V: Với tình hình như vậy, bước vào năm 2019 liệu thế giới có còn căng thẳng, bất an nữa không, thưa thiếu tướng?
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Chúng ta nên nhớ rằng, vào những năm đầu tiên của thế kỷ 21, thế giới bắt đầu chuyển từ đơn cực Mỹ sang đa cực nhiều trung tâm. Giai đoạn đầu, thế giới song song từ đơn cực sang đa cực xen kẽ nhau, có thể nói là một bước chuyển từ đơn cực Mỹ sang đa cực khá suôn sẻ và ổn định. Nhưng từ 2017 đến năm 2018, cục diện thế giới có một bước thụt lùi.
Trong năm 2018, tính đơn cực đã vượt trội lên, đa cực trầm lắng và có vẻ đi xuống. Với chủ trương nước Mỹ trên hết, chính quyền Donald Trump đã triển khai nhiều chính sách mang tính độc đoán, áp đặt, bất chấp luật pháp quốc tế. Như việc công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, việc rút ra khỏi P5+1, đe dọa rút ra khỏi Hiệp ước hạt nhân tầm trung INF; phát động chiến tranh thương mại với Trung Quốc và đơn phương áp đặt thuế với các cường quốc, kể cả các đồng minh châu Âu, Nhật Bản, và đang xem xét lại tổ chức WTO…. tất cả những hành động của chính quyền Donald Trump đã làm cho thế giới hết sức phức tạp, khó đoán định.
Năm 2018, các định chế quốc tế đứng trước thách thức lớn, ngay cả uy quyền, hiệu quả của Liên Hợp quốc cũng bị chính quyền Donald Trump đe dọa, cho nên trên phương diện toàn cầu, trên tất cả các lĩnh vực chính trị và an ninh có thể nói rằng năm 2018 để lại một dấu ấn tính đơn cực của Mỹ nổi trội lên, đa cực giảm xuống. Vì thế tình hình thế giới 2018 thể hiện bất trắc, bất ổn, bất định… nhưng dù sao vẫn trong phạm vi kiểm soát, chưa dẫn đến xung đột chiến tranh lớn. Cho dù Mỹ có lớn mạnh bao nhiêu chăng nữa, bản thân Mỹ cũng không đủ tiềm lực, sức mạnh để phá bỏ các luật lệ quốc tế đã được định hình trong 70 năm qua. Nhưng năm 2018 là một năm đứng trước nhiều thách thức lớn nhất, do chủ nghĩa đơn phương nước Mỹ trên hết. Tất cả vấn đề 2018 sẽ để lại dấu ấn và tiếp nối mức độ khác nhau trong năm 2019!
P.V: Xin cảm ơn Thiếu tướng!