Cô bé có đôi mắt sáng màu hạt dẻ, mái tóc râu ngô nhìn mình dò hỏi: Cô à, con có thể chuyển điều ước của mình qua cho dì Hai con, được không?
Xung quanh bé, những cô cậu bé khác đang hí hoáy viết điều ước của mình cho đêm hồng Giáng sinh. Sẽ có một nhóm các anh chị tình nguyện viên giúp bé thực hiện điều ước ấy. Khi đọc những điều ước, thường gặp nhất vẫn là: “Ông già Noel ơi cho con bộ lego”, “Ông già Noel cho con con búp bê biết nhắm mắt mở mắt”. Có điều ước ngộ nghĩnh nhất mà mình tin nếu ông già Noel có thật cũng đành… bó tay: “Ông già Noel ơi cho con máy bay. Nhưng là máy bay bự thiệt bự, máy bay chở được người nhen ông. Mấy mùa trước ông cho con toàn máy bay đồ chơi nhỏ xíu. Con sẽ học lái máy bay và chở ba mẹ đi chơi”…
Mình đã nói với em bé rằng, thôi để lúc nào dì Hai gặp, dì Hai sẽ gửi điều ước tới ông già Noel nha?! Cô nhỏ lắc đầu nguậy nguây nói, dì Hai con nói làm gì có ông già Noel, mấy bạn nhà giàu ba mẹ các bạn sẽ giả vờ làm ông già Noel phát quà cho các bạn. Nhà con ba mẹ bị tông xe chết hết rồi, chỉ còn dì Hai và bà ngoại… Hôm nay con đã gặp ông già Noel là đủ vui lắm rồi. Vì thế con muốn dì Hai con tin rằng có ông già Noel.
Mình biết nói sao với một cô nhóc 8 tuổi khi em tỉnh rụi nói về nỗi đau của mình như thế trong một đêm Giáng sinh hồng? – Cô bạn hỏi tôi. Tôi lắc đầu. Quả thực khó mà nói gì.
Ừ, khó mà nói gì. Lúc ấy bạn chỉ có thể ôm ghì lấy mái tóc râu ngô hiếm hoi giữa Sài Gòn của một cô nhỏ. Bạn nói rằng: “Vậy, dì Hai con ước gì, sao con biết?”. “Con biết chứ. Dì Hai con ước gì bà ngoại con hết bệnh. Bà ngoại con nằm một chỗ sau tai biến. Là vì ba mẹ con mất sớm mà bệnh bà ngoại trở nặng đó. Dì con suốt ngày nói ước chi bà ngoại khỏe lại như xưa, bằng ½ xưa thôi cũng được nữa…”. Khỏi cần ai đánh mà bạn tôi khóc ngon lành.
Đứa trẻ nào cũng nghĩ ông già Noel có thể thực hiện mọi điều ước mà không biết rằng nhiều khi ông chỉ ước lũ trẻ chỉ đòi quà – món quà vật chất cụ thể cầm nắm được. Khó mấy, đắt mấy chắc ông đều cố làm được chứ “chơi khó” nhau vậy, ông già Noel làm sao không khóc?
* * * * *
Giáng sinh năm lớp 10, cô bạn trong xóm đạo ở Nghi Phú học cùng lớp tôi quyết định nghỉ học. Nhà bạn đông con nên mỗi đứa nhỏ lớn lên đến tuổi thiếu nữ, gia đình sẽ nghĩ tới chuyện lập gia đình cho… nhẹ gánh. Lấy chồng rồi có thể cùng chồng kiếm tiền giúp bố mẹ chăm lo các em, đỡ vất vả hơn đi học. Có khi một đứa anh/ chị đi học, bữa cơm của mấy đứa em bớt đi mỗi đứa một bát.
Đó đương nhiên là mùa Giáng sinh thật buồn với cô bạn. Và với cả đám chúng tôi, những đứa nhỏ lớp 10 không còn nhỏ nhưng cũng chưa đủ lớn để có thể làm điều gì đó giúp bạn. Giáng sinh năm đó lạnh buốt óc. Chúng tôi rồng rắn kéo nhau ra nhà bạn cắn hạt hướng dương, uống chè xanh. Những câu chuyện trở nên tẻ nhạt tới mức chẳng ai buồn nói gì khi nghĩ hết tháng này bạn nghỉ học. Thầy tôi năm đó ngoài 60, không quản gió lạnh mưa phùn, tìm tới gặp bố mẹ bạn trò chuyện. Một mặt ông thuyết phục nhà trường miễn giảm học phí cho bạn. Một mặt ông luôn quan tâm bạn và gia đình một cách ân cần nhất có thể. Lúc đó, nhiều khi chúng tôi nói đùa với nhau rằng, sao một người nghiêm khắc như thầy lại dịu dàng với bạn ấy đến vậy.
Và sau Giáng sinh năm đó, bạn tiếp tục đến trường. Mắt bạn tươi vui chứ không buồn lặng lẽ như trước. Bạn nói rằng đó là món quà của Chúa gửi tới bạn qua thầy. Thầy là ông Noel đã đọc được điều ước của bạn và tặng bạn món quà vô giá. Đó cũng là lần đầu tiên tôi nghe ai đó nói về ông Noel ở ngoài đời thực chứ không phải trong những truyện tranh Doreamon, truyện cổ Andersen, văn học Nga…
Và một đứa nhỏ như tôi, chưa từng xin ông già Noel điều gì vì khi còn ngây thơ thì không biết tới sự có mặt của ông Noel, khi biết tới thì đã đủ lớn để không tin có ông trên đời hiểu rằng, bất cứ ai đem đến hạnh phúc cho mình, người ấy đều có tấm lòng của ông Noel, như bạn tôi nói.
* * * * *
Nhà tôi nằm gần nhà thờ Cầu Rầm. Mỗi Giáng sinh tiếng chuông nhà thờ vẫn vọng tới. Tôi không hiểu sao cũng tiếng chuông ấy, ở nhà thờ ấy nhưng quanh năm hầu như không nghe nhưng tới Giáng sinh lại nghe. Bố tôi về nước với hai bàn tay trắng sau 10 năm bôn ba xứ người mưu sinh. Ông thường hào hứng với nhiều nét đẹp văn hóa nước ngoài mà Giáng sinh là một trong những nét nổi bật. Những đêm Noel tôi vẫn rủ bố đi ra nhà thờ Cầu Rầm. Có lần nhìn ông Noel, bố nói, bố tiếc là lúc trước khi con còn nhỏ không một lần làm ông Noel tặng con gái một món quà nào, ít nhất là một con búp bê. Ở nhiều nước trên thế giới đứa trẻ nào cũng có quà từ ông Noel vào đêm Giáng sinh. Hai bố con nhắc lại ước mơ có một em búp bê biết nhắm mắt, nói cười mà tôi mong mỏi từ năm này qua năm khác. Bố mải mê lao động bên xứ người, nghe đấy rồi quên mất. Con gái nhỏ lớn lên vẫn nhớ giấc mơ về con búp bê ngày xưa…
Tôi nghĩ ông già Noel không đơn giản là sản phẩm của trí tưởng tượng trẻ con và người lớn thích đùa đã góp vui cho chúng trong đêm Noel. Ông già Noel với tấm lòng nhân hậu và vui vẻ của mình cưỡi tuần lộc (giờ là cưỡi… xe máy) vượt qua những vấn đề tôn giáo, tín ngưỡng… mà chính là phước lành, hạnh phúc mà mỗi đứa nhỏ đều xứng đáng được nhận trong đêm Giáng sinh. Mỗi người lớn cũng được hạnh phúc hơn khi thấy những thiên thần nhỏ của mình tin và vui với niềm vui ấy.