Đây là yêu cầu chính đáng của người dân bản Khổi (xã Tam Thái, huyện Tương Dương) đối với thủy điện Xoóng Con. Bởi tình trạng đổ thải đất, đá của thủy điện này thu hẹp dòng chảy của khe Chà Lạp, ảnh hưởng không tốt đến đời sống của người dân…
Phản ánh qua đường dây nóng Báo Nghệ An, người dân bản Khổi cho hay, trong năm 2018 họ đã phải gánh chịu một số đợt lũ lụt. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là bởi trên địa bàn xây dựng thủy điện Xoóng Con. Quá trình xây dựng thủy điện, đơn vị thi công đã xả thải đất, đá xuống khe Chà Lạp, gây tắc nghẽn dòng chảy. Người dân bản Khổi phản ánh: Những đợt mưa lũ lớn trong tháng 8/2018, nước lũ đã dâng cao vượt đập tràn bản Khổi, gây ngập nhà dân và đồng ruộng, ảnh hưởng xấu đến đời sống của khu dân cư…
Từ dịp tháng 10/2018 ngược lên Tương Dương, chúng tôi đã vào đến khu vực xây dựng thủy điện Xoóng Con trên địa bàn xã Tam Thái. Qua đó thấy rằng, các hạng mục công trình của thủy điện này ở những vị trí khá sát với khe Chà Lạp. Với hiện trạng của khe Chà Lạp (cả dưới lòng khe và một bên bờ khe) có nhiều chất thải là đất, đá cho thấy phản ánh của người dân bản Khổi là chính xác. Nguồn thải đất, đá này có nguồn gốc do các đơn vị thi công thủy điện cắt hạ đồi núi, tạo mặt bằng xây dựng thủy điện. Sở dĩ họ đổ thải xuống lòng khe, nhằm tiết giảm chi phí và thời gian vận chuyển!
Những hộ gia đình ở bản Khổi bị ảnh hưởng bởi ngập lụt nhiều nhất là các hộ gia đình Lô Văn Tiến, Lô Văn Khiên và Lô Văn Nam. Theo anh Lô Văn Tiến, khe Chà Lạp bắt nguồn từ biên giới xã Tam Hợp, chảy qua xã Tam Thái và nhập với sông Cả. Khe là nguồn sống của người dân xã Tam Thái, bởi vậy người dân đã sớm phát hiện đơn vi thi công thủy điện đổ thải chặn dòng chảy. Ngay sau đó, người dân đã báo với Ban quản lý thôn bản để có ý kiến lên chính quyền xã; sau này còn thông tin đến HĐND huyện từ hồi đầu năm 2018. Anh Tiến phàn nàn: “Báo từ hồi đầu năm rồi mà chưa thấy gì. Khe Chà Lạp vẫn bị chặn dòng, dân thì bị mắc lụt. Giờ thì khô hạn vào mùa hè, lụt vào mùa mưa. Con cá cũng lên hết lòng hồ, không còn gì nữa…”.
Chị Lương Thị Liền (vợ anh Tiến) thì cho hay, năm 2018, dân bản Khổi đã phải chịu lụt 2 – 3 lần. Vì vậy, rất mong cấp trên chỉ đạo thủy điện trả lại dòng chảy như cũ. Chị Liền nói: “Phải làm, đừng nói nữa…”.
Tìm hiểu, từ hồi tháng 1/2018, UBND xã Tam Thái đã có văn bản gửi chủ đầu tư công trình thủy điện Xoóng Con là Công ty CP đầu tư và xây dựng MCK. Ngay sau đó, ngày 23/1/2018, công ty này đã có Văn bản số 03/CV.MCK-UB phúc đáp, công nhận trong quá trình đào, đổ đất đá hố móng nhà máy làm ảnh hưởng, thay đổi, thu hẹp dòng chảy khe Chà Lạp gây nguy cơ ngập một số hộ dân phía dưới cầu tràn bản Khổi và gây xói lở đất cộng đồng, đất sản xuất của dân bản Khổi. Cũng tại Văn bản số 03, đã cam kết sẽ phối hợp với chính quyền địa phương cho khảo sát thực hiện thanh thải, mở rộng dòng chảy và nắn dòng tại các vị trí cục bộ bị quá trình thi công gây nên, hoàn trả dòng chảy thoát lũ đảm bảo trước mùa mưa lũ. Dù vậy, việc khơi lại dòng chảy của khe Chà Lạp không chỉ không được thực hiện “trước mùa mưa bão” như đã cam kết.
Ngày 5/12/2018, UBND xã Tam Thái tiếp tục có Văn bản số 82/UBND-ĐC gửi lên UBND huyện Tương Dương và chủ đầu tư. Tại Văn bản số 82, UBND xã Tam Thái đề nghị chủ đầu tư thủy điện Xoóng Con xử lý 4 nội dung gồm: Có phương án giải quyết đối với 4 hộ bị ngừng sản xuất hơn 2 năm do nhà máy khoan hầm làm mất nước khe Phí Hầy. Xử lý phần đất thải đổ xuống khe Chà Lạp làm hẹp dòng chảy gây ngập lụt một số hộ dân ở khu vực cầu tràn. Nâng cao trình đập thủy lợi Na Khối. Khi thủy điện tích nước, sẽ làm cạn kiệt nguồn thủy sản khe Chà Lạp, đời sống người dân gặp khó khăn. Vì vậy, để nghị chủ đầu tư khi vận hành nhà máy ổn định, xem xét sử dụng nguồn quỹ phúc lợi, hỗ trợ cây giống, con giống xây dựng mô hình tạo sinh kế cho người dân.
Theo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tương Dương, thủy điện Xoóng Con là dự án đầu tư xây dựng tại khu vực chưa có quy hoạch phát triển đô thị, được miễn giấy phép xây dựng. Vì vậy, việc họ xây dựng ra sao huyện không đủ thẩm quyền kiểm tra, xử lý. Về quy hoạch của thủy điện Xoóng Con, được tỉnh phê duyệt từ năm 2009, với tổng diện tích gần 66ha. Tuy nhiên, theo Văn bản số 2728/SXD.KTQH ngày 30/11/2018 của Sở Xây dựng thì hiện quy hoạch đang phải thực hiện điều chỉnh.
Về những kiến nghị của người dân, đại diện Phòng Tài nguyên và Môi trường cho biết, ngay sau khi nhận được Văn bản số 82 của UBND xã Tam Thái, UBND huyện Tương Dương đã kiểm tra tình hình thực tế; sau đó, có buổi làm việc với các bên có liên quan. Qua kiểm tra, đủ cơ sở để khẳng định những vấn đề mà người dân kiến nghị là chính đáng. Vì vậy, trong các nội dung xử lý các tồn tại, bất cập từ việc thực hiện xây dựng thủy điện Xoóng Con, UBND huyện Tương Dương yêu cầu chủ đầu tư xử lý thanh thải, khơi lại dòng chảy của khe Chà Lạp. Và vấn đề này, phải được thực hiện hoàn thành trước ngày 30/12/2018.
Cùng Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tương Dương, ông Nguyễn Phùng Hùng trở lại khu vực thi công thủy điện Xoóng Con trong ngày 14/12/2018, thấy rằng khối lượng đất, đá thải dẫn đến làm hẹp dòng chảy khe Chà Lạp là rất lớn. Tại một vị trí có tình trạng đổ thải, đang có hai chiếc máy xúc thực hiện chuyển thải đi nơi khác. Tuy nhiên, để hoàn thành, trả lại nguyên trạng khe Chà Lạp là một vấn đề hết sức nan giải.
Đặt ra câu hỏi: Tại sao chủ đầu tư thủy điện Xoóng Con lại đổ thải xuống khe Chà Lạp; quy hoạch chi tiết xây dựng thủy điện Xoóng Con được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt có xác định khu vực bãi thải hay không? Kiểm tra hồ sơ tài liệu liên quan cho thấy, vấn đề này có được nêu tại Điều III. Thành phần cơ cấu sử dụng đất, Quyết định số 3371/QĐ.UBND-ĐT ngày 16/7/2009 của UBND tỉnh về việc phê duyệt quy hoạch xây dựng công trình thủy điện Xoóng Con. Tuy nhiên, thông tin nêu khá chung chung, không rõ vị trí. Theo một cán bộ Phòng KT&HT huyện Tương Dương cho biết, tại buổi làm việc với chủ đầu tư, huyện yêu cầu cho xem bản vẽ chi tiết để xác định vị trí bãi thải, nhưng nhận được câu trả lời là: Có bản vẽ, nhưng hiện không có tại công trường…?!.
Ngày 18/12/2018, ông Kha Văn Ót – Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương chuyển cho chúng tôi biên bản làm việc với chủ đầu tư. Biên bản này được lập ngày 11/12/2018. Tại đây, UBND huyện Tương Dương yêu cầu chủ đầu tư xử lý khá nhiều nội dung để khắc phục các công trình bị ảnh hưởng sau khi thủy điện Xoóng Con tích nước. Trong đó, có yêu cầu khắc phục, khơi thông các vị trí đất thải của Nhà máy tràn xuống khe Chà Lạp, đảm bảo dòng chảy tự nhiên. Nguyên văn của yêu cầu này là: “Đối với các vị trí đất thải của Nhà máy tràn xuống khe Chà Lạp làm hẹp dòng chảy: Chủ đầu tư chịu trách nhiệm khơi thông, di chuyển toàn bộ đất thải tràn xuống khe đảm bảo dòng chảy tự nhiên. Thời gian hoàn thành trước ngày 30/12/2018”.
Thiết nghĩ, trên địa bàn của tỉnh, không có địa phương nào chịu hệ lụy từ thủy điện lại lớn và rõ ràng như ở huyện Tương Dương. Bởi vậy, với những thủy điện đang đầu tư xây dựng, cần phải tăng cường giám sát chặt chẽ, nhất thiết không để xảy ra những việc làm như việc đổ thải ảnh hưởng dòng chảy khe Chà Lạp trong thời gian vừa qua!.