Nếu nói “bươi ra mà ngửi” thì tất nhiên hương vị nồng nàn mà tác giả đang đề cập không liên quan gì đến hoa hồng hay hoa nhài. Thú thật nếu vừa rồi Bộ Nội vụ không có văn bản kiến nghị dừng bổ nhiệm chức danh “hàm” thì cá nhân tôi và chắc ít nhất cũng còn vài triệu người khác không bao giờ biết được trong bộ máy đang miệt mài sẻ chia bầu sữa ngân sách của chúng ta lại đã và đang tồn tại một con số khổng lồ chức danh “vi diệu” đến như vậy. Hàm – một chức danh nhưng không phải là một chức danh mà là… một chức danh!
Tại sao nó là một chức danh? Thì nó có số có má rõ ràng, có “lính tráng” hẳn hoi, có quyết định bổ nhiệm có chức vụ và có hệ số phụ cấp chức vụ, cũng lên xuống như ai ơi – nó là một chức danh, thậm chí là một chức danh lung linh, tất nhiên rồi. Thế sao lại bảo nó không phải là một chức danh? Ồ, nó không nằm trong bất kỳ một quy định nào. Cái khó ló cái khôn, nó là sản phẩm của sự sáng tạo trong tình huống độ nở của bộ máy đạt đến trình độ siêu phàm. Khi tất cả những vị trí nằm trong danh mục chính thống đã có chủ nhân án ngữ hoặc đã được “đặt chỗ” thì chức danh “hàm” khéo léo thòi ra. Nó là phương án thông minh nhất nhằm giải quyết sự ế thừa (cũng có thể là đòi hỏi) của bộ máy. Hay nói theo văn phong hành chính thì đây là sự tối ưu trong chính sách cán bộ.
Rất thô tục nhưng ngạn ngữ vỉa hè thời 4.0 có câu “ghế thì ít mà đít thì nhiều”. Ghế là một đặc ân, ghế cũng là phần thưởng nhưng ghế cũng là miếng bánh mà ai cũng có cơ hội vươn lưỡi chạm đến vị ngọt. Quyền lực nằm ở người giữ quyền lực. Khi nguồn “ghế” trong “kho” đã cạn thì người ta buộc lòng chế ra các “ghế phụ” để tiếp tục “chia” cho những người công lao ngút trời còn lại. Từ thực tiễn sinh động và nườm nượp ấy, trong một thời điểm xuất thần nào đó, người ta đã sáng tạo ra chữ hàm. Nó là một sự biến tấu không chê vào đâu được. Vi diệu của vi diệu. Có “quân hàm” có “học hàm” thì cũng có “chức hàm”. Ừ nhỉ, tại sao không! Hết vụ phó rồi thì “hàm vụ phó”. Một sự chiếu ngang chuẩn không cần chỉnh. Chỉ tiếc là cái gọi là “hàm” này chưa bén rễ về địa phương. Nếu địa phương mà cũng có chức danh kiểu như “hàm phó sở, hàm phó chủ tịch huyện” rồi lan về đến “hàm trưởng thôn” thì bộ máy của chúng ta còn chiếm giữ nhiều kỷ lục hơn nữa cơ.
Bổ nhiệm từ một phút xuất thần của cảm hứng, cơ sở pháp lý được tựa vào phía không có văn bản pháp quy mà vẫn ung dung tự tại bao nhiêu năm. Tất nhiên không ai đúng cả, vậy mà cũng không thấy ai sai cả. Thế mới tài! Một ngày xấu trời, “hàm” đã được gọi tên, đã có hàm thì liệu rồi còn có “lợi” có “răng” hay chức danh nào chưa bị kéo xềnh xệch ra công luận như là hàm nữa không nhỉ? Biết được chết liền. Khám phá cho hết các chức danh trong bộ máy của chúng ta chắc cũng ly kỳ và có lẽ đó không phải là công việc dành cho kẻ bận bịu bởi rất có thể nó ngốn thời gian ghê lắm. Chỉ việc gọi tên cho hết các chức danh thôi chắc cũng đủ để làm cho chúng ta phải dừng lại lấy hơi đến hàng chục lần rồi. Dưới mỗi bộ còn có cơ man bao nhiêu là vụ, dưới mỗi vụ thì có cơ man bao nhiêu là cục, dưới mỗi cục thì có bao nhiêu là chi cục. Chưa kể mỗi bộ lại “dắt lưng” hàng loạt đơn vị trực thuộc. Hết viện nghiên cứu này đến viện chiến lược kia, viện nào cũng là “phên dậu”, là “bản lề” là “tiền tiêu” là “mũi nhọn”của bộ. Không phải là quan trọng mà là rất quan trọng. Đã viện lại còn có phân viện. Đã có “Cục trồng trọt” thì phải có “Cục bảo vệ thực vật” đã có “Cục chăn nuôi” thì phải có “Cục thú y” (Một trong hàng trăm đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp). Nếu bạn tiến vào sâu tý nữa thì quả là không hoài phí công cuộc khám phá sự vĩ đại của bộ máy. Ví dụ như thám hiểm bên trong cái “Cục trồng trọt” mà tôi vừa đơn cử làm ví dụ thì dưới cục trưởng và rất nhiều cục phó thì sẽ có “Văn Phòng cục”, “Phòng Kế hoạch tài chính”, “Phòng thanh tra pháp chế”, “Phòng cây lương thực”, “Phòng cây công nghiệp”, “Phòng sử dụng đất nông nghiệp”, “Phòng chất lượng”, “Văn phòng bảo hộ giống cây”, “Văn phòng phía nam”, “Trung tâm kiểm nghiệm…”. Đúng là chỉ đọc và nhớ tên thôi đã toát mồ hôi hột. Thế mới biết các nhà tổ chức của chúng ta đã tài tình trong bài “vẽ thực địa” như thế nào. Bạn nên dừng lại, nếu bạn liều lĩnh xông vào cuộc thám hiểm ví dụ như vào một “phòng” nào đó thì bạn lại tiếp tục bị chinh phục bởi cái ma trận người đông và “tâm huyết” đến kỳ diệu ngổn ngang trong đó.
Nếu thể hiện bộ máy của chúng ta dưới dạng sơ đồ “cây thư mục” thì có lẽ hoa mắt bởi sự trùng điệp của tầng lầng lớp lớp. Quả là ngôn ngữ đã không đuổi kịp sự phát triển sáng tạo phi giới hạn theo chiều rộng của bộ máy thuộc hàng siêu cường thế giới. Thật bàng hoàng và len cả tò mò khi năm ngoái bà con nghe Trưởng ban tổ chức Trung ương điểm tên 1 vụ mà có đến 19 người mang “hàm vụ phó”. Chào thua! Chúng ta không là cường quốc quân sự, chúng ta không phải là cường quốc kinh tế, chúng ta cũng chưa là cường quốc thể thao… nhưng nếu nói đến sự hùng hậu của bộ máy hành chính thì chắc chắn trên hành tinh này chúng ta không có đối thủ xứng tầm. Bộ máy hưởng lương ngân sách của chúng ta đang như một nong tằm ăn vỡ trong lúc “lá dâu thì ít lá mít thì thừa”. Còn nữa, trong một nong tằm bao giờ cũng có những con không chịu nhả tơ quấn kén, cha ông ta gọi là “tằm nhác”. Ngày xưa loại này bị chỉ trích miệt thị ghê lắm, nhưng giờ thì đã khác rồi, “tằm nhác” đang trở thành đặc sản trong các cuộc nhậu. “Nhác” cũng có giá cả đấy. Chỉ có điều, tằm là động vật không xương nên hình như nó không có… hàm! Trong dân gian truyền miệng một đoạn tổng kết điêu toa như này: “Ai cũng có việc làm nhưng không ai chịu làm việc – Không ai chịu làm việc nhưng ai cũng có lương – Ai cũng có lương nhưng lương ai cũng không đủ sống – Lương ai cũng không đủ sống nhưng ai vẫn cứ sống”. Thế đấy, kỳ lạ đến mức kỳ dị. Không có chuyện sống kiệt quệ đâu, những người “không chịu làm việc nhưng ai cũng có lương” ấy vẫn có thể thuộc tầng lớp sang chảnh trắng trơn của xã hội, ít nhất cũng vẻ bề ngoài. Hình như không có hộ nghèo hay cận nghèo nào lang thang vào đây cả. Một người bạn của tôi nói vui rằng nếu có một công bộc thuộc diện hộ nghèo thì đừng xóa mà nên đưa vào sách đỏ để bảo tồn như để gìn giữ một sự quý hiếm bất chợt.
Đành rằng đấy là một ý kiến châm biếm, nhưng nếu một bộ máy mà người ta tìm mọi cách để chen chân vào, chen được chân vào là ung dung mỗi ngày cắp ô đến cơ quan để nhận lương và tìm kiếm cơ hội tiến thân thì đó là một bộ máy tha hóa. May quá, có lẽ chúng ta chưa đến mức nghiêm trọng như vậy.
Theo văn bản của Bộ Nội vụ thì tạm thời mô hình độc đáo “hàm” vẫn được tồn tại. Ít nhất cũng “dùng” cho hết “khấu hao” những chức danh “hàm” đã được “cấp” từ trước. Thôi thì như vậy cũng được, với từng người dân, chắc họ không có đủ thời gian bận lòng cho những bất hợp lý của một bộ máy hành chính. Họ chỉ mong sao các bác mang “hàm” sống, chiến đấu, học tập và lao động làm sao cho xứng với những đồng thuế mà họ đang chung tay đóng góp. Tiêu tiền dân thì phục vụ cho dân. Đừng “nhác”. Đừng làm khác nghĩa câu tục ngữ “Tay làm… hàm nhai”.