Trong chuyến thực tế ở xã Nga My, huyện miền núi Tương Dương mới đây, chúng tôi được chị Thương Huyền – cán bộ Ban Tổ chức Huyện ủy Tương Dương giới thiệu tới thăm nhà con gái nuôi do Ban nhận đỡ đầu. Đó là em Lô Thị Diệp Linh, (SN 2012) ở bản Na Ca.
Vừa đi học về, thấy có mẹ đỡ đầu đến thăm, ánh mắt của cô bé người dân tộc Thái lấp lánh niềm vui. Kể từ ngày mẹ Linh mất đột ngột cách đây chưa lâu, anh trai sinh năm 2002 đi làm ăn xa, Linh sống lủi thủi với bố trong ngôi nhà nhỏ ven Quốc lộ 48C. Bố Linh bị khuyết tật, một mắt không nhìn thấy gì, mắt còn lại thị lực yếu, nên gia đình thuộc hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. “Từ khi mẹ mất, cháu hay tủi thân, nhớ mẹ, nhưng được các bố, mẹ nuôi chăm sóc, động viên, cháu đã dần vượt qua và tiếp tục đến trường như các bạn…”, Linh xúc động bày tỏ.
Ngồi lặng lẽ bên con gái, anh Lô Văn Kháy tâm sự: “Vợ mất, cảnh gà trống nuôi con vất vả lắm, may mắn cháu được Ban Tổ chức Huyện ủy nhận làm con nuôi, hỗ trợ cả về vật chất tinh thần, tôi biết ơn nhiều lắm. Mùa Hè năm ngoái, cháu và các bạn cùng hoàn cảnh còn được các bố, mẹ đỡ đầu cho đi thăm quê Bác Hồ, đi nghỉ mát ở biển Cửa Lò. Khi về, cháu còn lấy chai nhựa đựng một ít nước biển mang về cho bố xem nước biển có màu xanh và vị mặn thế nào khiến tôi cảm động rơi nước mắt…”.
Được biết, trên địa bàn xã Nga My ngoài Diệp Linh còn có 9 em học sinh khác được các đơn vị như Trung tâm bồi dưỡng Chính trị huyện, các ban Đảng của Huyện ủy Tương Dương và các đơn vị trường học, Trạm y tế, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đảng ủy xã Nga My nhận đỡ đầu. Đó đều là trẻ mồ côi cả bố lẫn mẹ, hoặc mồ côi bố, hoặc mồ côi mẹ, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn: Cháu Lô Thị Tươi, sinh năm 2011, (con nuôi của Trung tâm bồi dưỡng Chính trị huyện Tương Dương) mồ côi cả bố và mẹ, ở với người bác sức khoẻ yếu, không có thu nhập ổn định; cháu Lương Mạnh Quân, sinh năm 2011 (con nuôi của Ban Tuyên giáo Huyện ủy), mẹ bị tâm thần – thuộc đối tượng bảo trợ xã hội, hai mẹ con Quân ở với bà ngoại già yếu, bị tàn tật; cháu bé Sần Thị An Nhiên, sinh năm 2020 (con nuôi của Trường Tiểu học và Trạm Y tế xã Nga My), mồ côi mẹ, hiện đang được bố là Sần Văn Mằn (SN 1993) chăm sóc nhưng bố ốm đau lâu dài, nhà có 7 khẩu, kinh tế khó khăn…
Bà Lương Thị Lạng – Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Nga My cho hay: Nhờ sự đỡ đầu của các tập thể, cá nhân, con đường học tập của các em không bị đứt gánh giữa chừng, tiếp thêm cho các cháu niềm tin, động lực vươn lên trong hành trình khôn lớn, trưởng thành. Ngoài hỗ trợ kinh phí hàng tháng, thông qua Hội LHPN xã, các bố, mẹ còn thường xuyên ghé thăm con nuôi trong mỗi lần đi công tác cơ sở, động viên tinh thần, hỗ trợ quần áo, sách vở, dụng cụ học tập và có những phần quà động viên các con trong các dịp lễ, Tết. Qua đó, chia sẻ phần nào những khó khăn, thiếu thốn về vật chất, tinh thần, tạo điều kiện cho các con được phát triển toàn diện trong sự yêu thương đùm bọc của gia đình, cộng đồng.
Rời xã Nga My, chúng tôi ghé thăm Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Xá Lượng (xã Xá Lượng) – nơi có 4 học sinh được hỗ trợ theo Chương trình “Mẹ đỡ đầu kết nối yêu thương” và gặp gỡ, trò chuyện với hai cậu bé mồ côi trú cùng bản Na Bè, cùng độ tuổi, học cùng lớp, ngồi cùng bàn và có chung một cái tên là Lìn Văn Anh. Hai cháu đều là người dân tộc Khơ Mú, mồ côi bố, vóc dáng nhỏ bé. Một cháu là con nuôi của Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Tương Dương, một cháu là con nuôi của Trường Mầm non, Tiểu học, THCS ở xã Xá Lượng. Trong câu chuyện với chúng tôi, hai bé trai này đều bày tỏ sự biết ơn đối với sự quan tâm, chăm sóc của các thầy cô giáo và các mẹ đỡ đầu, đồng thời thể hiện quyết tâm sau này học xong, sẽ đi học nghề để đỡ đần gia đình. Còn cô bé có nước da trắng hồng và khuôn mặt xinh xắn Lô Thị Trúc (con nuôi của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Xá Lượng) thì bày tỏ ước mơ sẽ tiếp tục học lên cao để trở thành cô giáo dạy chữ cho trẻ em bản làng để không phụ sự bảo ban, chăm sóc của các mẹ đỡ đầu.
Theo chia sẻ của chị Nguyễn Thị Lan – Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Xá Lượng: Hiện nay trên địa bàn xã lao động đi làm ăn xa nhiều, riêng phụ nữ có 500/1000 hội viên đi làm ăn xa, con cái để lại cho ông bà già yếu chăm sóc, nên các cháu chịu nhiều thiệt thòi. Đặc biệt toàn xã có tới 29 cháu mồ côi cha hoặc mẹ, 1 cháu mồ côi cả bố lẫn mẹ; trong đó 8 cháu hoàn cảnh đặc biệt khó khăn rất cần sự chia sẻ, động viên, giúp đỡ của cộng đồng. Hiện đã có 4 cháu được các tổ chức, đơn vị nhận đỡ đầu. Việc hỗ trợ các cháu không chỉ dừng lại ở vật chất mà các bố, mẹ đỡ đầu thường xuyên thăm hỏi, quan tâm đời sống tinh thần, việc học tập, sinh hoạt của các con, nhất là dịp Tết Nguyên đán, ngày Quốc tế Thiếu nhi, Tết Trung thu, dịp năm học mới… Từ đó giúp các cháu có thêm niềm vui, động lực vươn lên trong cuộc sống và học tập.
Một số đơn vị còn phân công cán bộ theo dõi, quan tâm nắm bắt tình hình của các cháu và gia đình, người thân của các cháu để kịp thời giải quyết những vấn đề phát sinh, tạo điều kiện cho các cháu được sống trong môi trường lành mạnh, an toàn. Riêng Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Xá Lượng đã tổ chức nhiều hoạt động lao động tập thể như rửa xe gây quỹ, phát quang, vệ sinh môi trường xung quanh khu vực đền Vạn… để có thêm kinh phí hỗ trợ con nuôi hội nhận đỡ đầu.
Trao đổi về hiệu quả và sức lan tỏa của Chương trình “Mẹ đỡ đầu kết nối yêu thương”, bà Nông Thị Kim Tuyến – Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Tương Dương, cho biết: Đây là chương trình do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động. Thế nhưng điểm khác ở huyện rẻo cao Tương Dương là không chỉ có các cấp hội phụ nữ hành động mà chương trình còn có sự chung tay của cả hệ thống chính trị với sự tham gia tích cực của các ban Đảng Huyện ủy, các phòng, ban UBND huyện, các xã, thị trấn, đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp, lực lượng vũ trang, các doanh nghiệp trong và ngoài huyện với tinh thần “không có trẻ em nào bị bỏ lại phía sau”. Đến nay đã có 187/261 trẻ mồ côi (đạt 72%) tại 17 xã, thị trấn được 43 cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có lòng hảo tâm nhận đỡ đầu, giúp đỡ, trở thành một trong những địa phương có số trẻ được nhận đỡ đầu nhiều nhất của tỉnh Nghệ An.
Để có được kết quả trên, ngay sau khi nhận được hướng dẫn của cấp trên, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện đã xin chủ trương của Ban Thường vụ Huyện ủy Tương Dương về việc thực hiện Chương trình “Mẹ đỡ đầu”. Nhận thấy ý nghĩa nhân văn của chương trình, Huyện ủy Tương Dương đã thống nhất chủ trương và ban hành Công văn số 689-CV/HU ngày 28/02/2023 về chỉ đạo thực hiện Chương trình “Mẹ đỡ đầu” hỗ trợ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện. Đồng thời kêu gọi các tổ chức, đơn vị, cá nhân có lòng hảo tâm nhận đỡ đầu trẻ mồ côi với tinh thần tự nguyện, đồng hành.
Theo đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Tương Dương đã chỉ đạo các cấp hội phối hợp rà soát, xác minh hoàn cảnh cụ thể của từng trẻ, lập danh sách theo thứ tự ưu tiên cần được đỡ đầu, mã hoá hồ sơ của từng trẻ; tổ chức biên bản ghi nhớ giữa tổ chức, cá nhân nhận đỡ đầu, đại diện người thân của trẻ, các cấp hội phụ nữ từ bản đến huyện để đảm bảo tính thống nhất, bền vững. Để chương trình có hiệu quả và sức lan tỏa sâu rộng, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện đã tăng cường công tác truyền thông về chương trình dưới nhiều hình thức như thực hiện lồng ghép qua các hội nghị, qua phương tiện thông tin đại chúng, qua các kênh Facebook, Zalo, Fanpage… Đồng thời chủ động gặp gỡ, phối hợp, trao đổi thông tin kịp thời tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình triển khai với các đơn vị, tổ chức, cá nhân nhận đỡ đầu trẻ. Sự vào cuộc chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của cấp ủy, chính quyền các cấp và sự chung tay ủng hộ, đồng hành của các tổ chức, cá nhân, cơ quan, đơn vị trên địa bàn đã góp phần tạo nên sự hiệu quả và sức lan toả cho Chương trình “Mẹ đỡ đầu” trên địa bàn huyện nghèo Tương Dương.
Theo chia sẻ của chị Vy Thị Bích Diệp – cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Tương Dương, người trực tiếp dẫn chúng tôi đi thực tế ở cơ sở, thì nhiều tổ chức, đơn vị nhận đỡ đầu trẻ mồ côi đã mở tài khoản, lập sổ tiết kiệm cho các cháu với mức hỗ trợ từ 500 – 600 nghìn đồng/tháng cho đến khi các cháu tròn 18 tuổi thông qua Hội Liên hiệp Phụ nữ xã. Nhiều cá nhân nhận đỡ đầu trẻ mồ côi là các đồng chí lãnh đạo các ban ngành cấp huyện như ông Mạc Văn Nguyên – Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy nhận đỡ đầu 1 cháu ở xã Xiêng My; bà Vy Thị Bích Thủy – Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy, Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng Chính trị huyện nhận đỡ đầu 2 trẻ mồ côi ở xã Lưu Kiền…
Các bố, mẹ đỡ đầu đã thường xuyên quan tâm, hỗ trợ để các con có điều kiện sinh hoạt, học tập, chăm sóc sức khoẻ tốt nhất. Đồng thời có sự định hướng nghề nghiệp cho các con trong tương lai. Riêng Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Tương Dương nhận đỡ đầu 3 cháu mồ côi ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa như các xã Nhôn Mai, Xá Lượng, Yên Thắng. Mỗi cháu được mở một sổ tiết kiệm trị giá 20 triệu đồng. Do kinh phí hoạt động khá khó khăn, nên các cấp hội đã sáng tạo nhiều hoạt động để gây quỹ ủng hộ trẻ em mồ côi như hoạt động giao lưu văn nghệ, rửa xe gây quỹ, bán hàng gây quỹ hay ngôi nhà xanh thu gom phế liệu của Hội Liên hiệp Phụ nữ các xã Tam Thái, Xá Lượng, Lưu Kiền, thị trấn Thạch Giám… Đặc biệt thông qua Chương trình trình diễn trang phục dân tộc lồng ghép bán các mặt hàng thổ cẩm do Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện tổ chức, đã có 37 trẻ mồ côi được các tập thể và cá nhân nhận đỡ đầu đến 18 tuổi với tổng số tiền 1.572.000.000 đồng.
Theo đánh giá của lãnh đạo huyện Tương Dương, thì Chương trình “Mẹ đỡ đầu” hỗ trợ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn đã bước đầu mang lại hiệu quả và sức lan tỏa sâu rộng trên địa bàn, qua đó, giúp được nhiều trẻ em mồ côi có cơ hội được đến trường, có điểm tựa trong hành trình khôn lớn, trở thành những công dân có ích cho xã hội. Đây cũng là việc làm thiết thực để cụ thể hóa việc thực hiện Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW “về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” trên địa bàn. Bởi sinh thời Bác Hồ dành sự quan tâm đặc biệt tới trẻ em – những chủ nhân tương lai của đất nước. Bác từng có lời căn dặn toàn Đảng, toàn dân cần “nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên nhi đồng” trên Báo Nhân Dân, số 5526, ngày 1/6/1969.
Thực hiện lời dạy của Bác, hiện nay, các cấp hội phụ nữ trên địa bàn huyện Tương Dương đang tích cực phối hợp với MTTQ và các tổ chức chính trị trên địa bàn triển khai nhiều hoạt động để đưa Chương trình “Mẹ đỡ đầu” đạt kết quả cao hơn, bền vững hơn.
“Hiện nay, qua rà soát trên địa bàn vẫn còn 73 trẻ em mồ côi và nhiều trẻ em có hoàn cảnh khó khăn cần được hỗ trợ. Vì vậy, thời gian tới hội sẽ tiếp tục tận dụng ưu thế mạng xã hội để tuyên truyền, kêu gọi, vận động sự chung tay, đồng hành, tình yêu thương và trách nhiệm của cả cộng đồng để giúp các em có cuộc sống tốt đẹp hơn. Đồng thời nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của tổ chức Hội Phụ nữ các cấp trong việc thực hiện chương trình “Đồng hành cùng con”, “Mẹ đỡ đầu” thông qua việc tổ chức hiệu quả các mô hình gây quỹ như: Gian hàng “0 đồng”, biến rác thải thành việc có ích, cây ATM 1.000 đồng, hũ gạo tiết kiệm… để có thêm nguồn lực hỗ trợ trẻ em mồ côi, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn”, bà Nông Thị Kim Tuyến – Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Tương Dương khẳng định.