Như đã đề cập, tỉnh Nghệ An có đường biên giới trên đất liền dài 468,281 km tiếp giáp với 3 tỉnh của nước bạn Lào (Hủa Phăn, Xiêng Khoảng, Bôlykhămxay). Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành Trung ương, tình hình kinh tế – xã hội khu vực biên giới của tỉnh đã có bước chuyển biến rõ rệt, đời sống Nhân dân từng bước được cải thiện. Tuy nhiên, hoạt động vi phạm quy chế biên giới, vượt biên trái phép, di, dịch cư, hồi cư, khai thác lâm sản trái pháp luật; các loại tội phạm, nhất là tội phạm về ma túy; hoạt động tôn giáo trái pháp luật… còn tiềm ẩn nhiều phức tạp.
Các đối tượng xấu lợi dụng trình độ lạc hậu, những khó khăn trong đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS); dựa vào các chiêu bài “nhân quyền”, “dân chủ”, “tự do”, nhất là tự do tín ngưỡng, tôn giáo; sử dụng chính người DTTS đang sinh sống cùng địa bàn để thực hiện tuyên truyền đạo trái pháp luật, chia rẽ khối đại đoàn kết, từng bước làm giảm niềm tin giữa đồng bào DTTS với Đảng, chính quyền.
Đặc biệt, các trang facebook của tổ chức phản động như Ủy ban cứu người vượt biển – BPSOS, “Hmong Human Ringhts” đăng tải, chia sẻ các nội dung vu cáo chính quyền các huyện biên giới Kỳ Sơn, Quế Phong o ép số tín đồ Tin lành trên địa bàn phải từ bỏ đạo, rời khỏi địa phương, sang tị nạn ở nước ngoài. Do vậy, công tác bám nắm tình hình, diễn biến tư tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân; tuyên truyền phản bác các thông tin xấu, độc; đấu tranh phòng, chống các quan điểm sai trái, thù địch càng được quan tâm triển khai.
Tại huyện Kỳ Sơn, ngoài việc duy trì hiệu quả lực lượng cộng tác viên nòng cốt để tham gia đấu tranh phản bác những thông tin xấu, độc, các quan điểm sai trái, thù địch; bình luận, chia sẻ những thông tin tích cực trên không gian mạng… Ban Chỉ đạo 35 của huyện thường xuyên huy động lực lượng cán bộ, đảng viên, hội viên các tổ chức chính trị, xã hội tham gia tuyên truyền, chia sẻ, lan tỏa những thông tin tích cực từ các trang thông tin chính thống, góp phần “pha loãng” luồng thông tin tiêu cực định hướng tư tưởng, dư luận xã hội để cán bộ, đảng viên và Nhân dân có nhận thức đúng đắn, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của các cấp chính quyền.
Bên cạnh đó, Đảng ủy, chính quyền cùng các đoàn thể cấp xã cũng chủ động nắm chắc tình hình địa bàn để tăng cường công tác tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, không nghe theo kẻ xấu xúi giục, góp phần quan trọng làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá cách mạng của các thế lực thù địch, giữ vững trận địa tư tưởng của Đảng, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo ổn định chính trị, an ninh, trật tự trên địa bàn.
Theo ông Lữ Quang Hưng – Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Kỳ Sơn: Công tác xây dựng, kiện toàn đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, nâng cao chất lượng hoạt động tuyên truyền miệng theo tinh thần Chỉ thị 17-CT/TW ngày 15/10/2007 của Ban Bí thư (khóa X) về “Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới” được cấp ủy Đảng, chính quyền, các cơ quan, đoàn thể thực hiện có hiệu quả, xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác tư tưởng ở địa phương. Toàn huyện hiện có 341 báo cáo viên, tuyên truyền viên; trong đó, có 26 báo cáo viên cấp huyện; 47 báo cáo viên của 21 xã, thị trấn và các đảng ủy trực thuộc; 6 báo cáo viên của các tổ chức, đoàn thể chính trị – xã hội huyện, đáp ứng ngày càng cao về yêu cầu nhiệm vụ, về tiêu chuẩn năng lực, trình độ lý luận chính trị, trình độ chuyên môn.
Huyện Kỳ Sơn cũng thường xuyên bồi dưỡng năng lực nghiệp vụ cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên; quan tâm đến lợi ích và các phương tiện cần thiết, nhằm tạo điều kiện cho báo cáo viên phát huy hiệu quả hoạt động, bảo đảm đáp ứng tốt 3 tiêu chí: Nội dung thiết thực, kịp thời và phù hợp với đối tượng nghe; Cân đối giữa nội dung cơ bản và tính thời sự; Nội dung có tính định hướng, đấu tranh phản bác các thông tin, quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị và phản động. Hình thức tuyên truyền được thực hiện linh hoạt, ngoài công tác tuyên truyền kết hợp “dân vận khéo”, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên còn đi sâu, đi sát đến các địa bàn dân cư để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân, để tham mưu cho cấp ủy giải quyết kịp thời những vướng mắc, phát sinh từ cơ sở.
Thực tế cho thấy, đối với vùng dân tộc, miền núi, đặc biệt là nơi dân trí còn thấp, địa hình phức tạp, đường sá đi lại khó khăn thì công tác tuyên truyền miệng vẫn được coi là một trong những hình thức quan trọng trong việc phổ biến, tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, tạo sự đồng thuận. Đây là cách đáp ứng nhanh các yêu cầu thông tin, các vấn đề nóng, nhạy cảm mà các hình thức khác khó thực hiện kịp thời. Do vậy, cần tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền miệng; nâng cao tính phản biện; phản bác; tăng cường tính tương tác 2 chiều trên cơ sở nắm sát diễn biến tình hình tư tưởng của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, nhất là ở cơ sở theo phương châm “Cả hệ thống chính trị làm công tác tư tưởng, mỗi cán bộ, đảng viên là một tuyên truyền viên, trong đó, lực lượng báo cáo viên là nòng cốt”.
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) về “Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới”, đồng chí Nguyễn Văn Thông – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An khẳng định: Công tác tác tuyên truyền nói chung và tuyên truyền miệng nói riêng tiếp tục phải được thực hiện tốt nhất, hiệu quả nhất, giúp sự lãnh đạo của Đảng đạt kết quả cao; đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh của tỉnh, của ngành, địa phương, đơn vị. Do vậy, các cấp ủy cần quan tâm đổi mới phương thức, nội dung tuyên truyền miệng; không chỉ thông tin, tuyên truyền những vấn đề thời sự mà bao gồm cả kinh tế – xã hội, những vấn đề Nhân dân và xã hội quan tâm; tuyên truyền đi trước để tránh những vấn đề bức xúc có thể xảy ra; tuyên truyền miệng trong việc biểu dương, cổ vũ các phong trào thi đua yêu nước, bác bỏ các luận điệu sai trái, phản động, thông tin xấu, độc.
Để bảo đảm an ninh biên giới, vùng dân tộc thiểu số và miền núi, thời gian qua các lực lượng Công an, Quân sự, Biên phòng đã thường xuyên phối hợp nắm chắc tình hình, triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để phòng ngừa với các hoạt động tác động xấu từ bên ngoài vào địa bàn; không để các đối tượng xấu lợi dụng thăm thân, buôn bán, du lịch hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia.
Tuy nhiên, công tác phối hợp nắm bắt, trao đổi thông tin, tình hình giữa các lực lượng có lúc, có nơi chưa thường xuyên, dẫn đến việc đánh giá, dự báo tình hình có mặt chưa thống nhất, làm giảm hiệu quả công tác tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương trong giải quyết các tình hình xảy ra tại địa bàn. Trong giải quyết một số tình hình nổi lên, nhất là công tác phối hợp phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động tôn giáo trái pháp luật còn có những bất cập, một số chủ trương, biện pháp thực hiện đôi khi chưa thống nhất, dễ tạo ra sơ hở, thiếu sót, tạo cớ cho các thế lực thù địch lợi dụng chống phá.
Do vậy, trong thời gian tới, các lực lượng cần tăng cường công tác trao đổi, thông tin tình hình, nhất là tình hình hoạt động của các đối tượng phản động trong người Mông ở Lào, hoạt động lập “Nhà nước Mông”, hoạt động di cư, truyền đạo trái phép… qua đó, dự kiến các tình huống phức tạp có thể xảy ra, chủ động triển khai các phương án phòng ngừa, giải quyết ngay từ cơ sở, giữ vững an ninh biên giới, chủ quyền lãnh thổ.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế với lực lượng chức năng của nước bạn Lào (Hủa Phăn, Xiêng Khoảng, Bôlykhămxay) có chung đường biên giới với Nghệ An; thường xuyên trao đổi thông tin, thống nhất các nội dung phối hợp phòng, chống tội phạm, bảo đảm ANTT khu vực biên giới. Đồng thời, phối hợp đẩy mạnh phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” và tuyên truyền, nâng cao ý thức cảnh giác cho Nhân dân trước những âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch. Trong đó, đặc biệt quan tâm, phát huy vai trò “tai, mắt” của 88 tập thể, 916 hộ gia đình, 2.102 cá nhân tự quản 468,281 km đường biên giới; 116 mốc quốc giới; 944 tổ/17.810 cá nhân tự quản ANTT xóm, bản.
Đối với khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đội ngũ người có uy tín, già làng, trưởng bản được ví như những “cây cao bóng cả” đặc biệt, có tiếng nói trong cộng đồng. Điển hình như ông Vừ Tồng Lông (SN 1960), ở bản Huồi Sơn, xã Tam Hợp, huyện Tương Dương được ví như “cây đại thụ” của bản làng. Trên cương vị là già làng, ông Vừ Tồng Lông thường xuyên phối hợp với cấp ủy, chính quyền và lực lượng chức năng tuyên truyền, vận động người dân trên địa bàn chấp hành nghiêm các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nhất là những nội dung liên quan tới công tác quốc phòng – an ninh, công tác biên phòng. Ông còn chủ động bám nắm tình hình, kịp thời thông báo cho Đồn Biên phòng Tam Hợp xử lý các vụ việc xảy ra trên địa bàn.
Trao đổi với chúng tôi, Thiếu tá Hà Huy Thiên – Chính trị viên Phó Đồn Biên phòng Tam Hợp cho hay: “Từ năm 2019 đến nay, già làng Vừ Tồng Lông đã cung cấp cho Đồn Biên phòng Tam Hợp trên 50 tin, trong đó, có 5 tin có giá trị liên quan đến vi phạm quy chế biên giới và vận chuyển lâm sản trái phép. Ông còn tham gia tuyên truyền, vận động dân bản di dời, đảm bảo mặt bằng xây dựng trụ sở đóng quân mới của Đồn Biên phòng Tam Hợp tại bản Huồi Sơn và mặt bằng phục vụ diễn tập khu vực phòng thủ”.
Hiện nay, toàn tỉnh có 2.228 người có uy tín, già làng, trưởng bản. Riêng ở khu vực biên giới có 328 già làng, trưởng thôn, bản, người có uy tín. Đây chính là lực lượng nòng cốt trong tuyên truyền, vận động Nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của địa phương; tránh xa các tệ nạn hút xách, rượu chè, từ bỏ các hủ tục, mê tín, dị đoan. Đặc biệt, khi một bộ phận đồng bào do nhận thức kém bị người xấu kích động, lôi kéo, lợi dụng thì đội ngũ già làng, trưởng thôn, bản, người có uy tín có vai trò lớn trong giáo dục, giải thích để bà con thấu hiểu, hối cải, chí thú làm ăn. Do vậy, trong thời gian tới cần phải phát huy vai trò của đội ngũ này trong công tác tuyên truyền, phòng, chống thông tin xấu, độc trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là trong việc tham gia giải quyết các vụ việc phức tạp và bảo đảm ANTT.
Bên cạnh đó, các địa phương, các ngành chức năng cần thực hiện tốt công tác nắm, dự báo tình hình, đánh giá đúng diễn biến có liên quan đến công tác dân tộc, tôn giáo, nhất là âm mưu, ý đồ lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo của các thế lực thù địch để chủ động đối phó và xử lý kịp thời. Quan tâm rà soát, bổ sung, sửa đổi, xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, phù hợp với tình hình thực tiễn của vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tạo điều kiện để người dân phát triển kinh tế – xã hội; công khai, minh bạch các cơ chế, chính sách; khuyến khích đồng bào hăng hái tham gia phát triển kinh tế – xã hội, sản xuất, kinh doanh, làm giàu chính đáng. Cùng với đó, cấp ủy, chính quyền các cấp cũng cần tăng cường công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo, duy trì và phát huy các bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc, tạo “màng lọc” ngăn chặn không để các tôn giáo, tà đạo xâm nhập, phát triển lan rộng vào khu vực biên giới, vùng dân tộc thiểu số và miền núi.