Bản Phù Khả 1, xã Na Ngoi (Kỳ Sơn) có 80 hộ, 500 nhân khẩu, 100% đồng bào người Mông, chủ yếu mang họ Vừ, có lịch sử cư trú từ lâu đời. Theo lý giải của Bí thư Chi bộ bản Phù Khả 1 – ông Vừ Bá Tổng, thì “Phù Khả” hàm nghĩa là ở trên đỉnh núi cao, có sương mù bao phủ…
Bao đời nay, người dân Pù Khả 1 chăm chỉ lao động đoàn kết xóa đói, giảm nghèo, xây dựng cuộc sống mới. Ấy nhưng, thời gian sau này một số người nhẹ dạ, cả tin, bị lôi kéo, xúi giục tham gia hoạt động tôn giáo trái pháp luật, gây bức xúc trong dòng họ, làm xáo trộn tình hình trị an trong bản. Từ tháng 8/2021, cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể xã Na Ngoi và Chi bộ, Ban Quản lý bản Pù Khả 1 đã kiên trì tuyên truyền, vận động 2 hộ gia đình Vừ Bá M. và Xồng Y M. từ bỏ đạo lạ trở lại sinh hoạt theo phong tục truyền thống. Tuy nhiên, vào tháng 3/2022, 2 hộ này lại có dấu hiệu quay lại sinh hoạt đạo lạ. Trước thực tế đó, chi bộ, ban quản lý và người có uy tín trong bản và lực lượng chức năng trên địa bàn đã thường xuyên theo dõi, giám sát, thay phiên nhau đến trực tiếp tuyên truyền, phân tích điều hay, lẽ phải cho các hộ đó từ bỏ đạo lạ, trở về nếp sinh hoạt của đồng bào Mông. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền qua các buổi họp dân, họp bản để người dân trong bản hiểu rõ, không bị tác động, lôi kéo tham gia đạo lạ.
Đặc biệt, hướng tới mục tiêu an dân, yên địa bàn, Ban Dân vận Huyện ủy Kỳ Sơn phối hợp với Đồn Biên phòng Na Ngoi, Đảng ủy xã Na Ngoi triển khai xây dựng mô hình “An dân” ở bản Phù Khả 1. Bên cạnh đó, Ban Chỉ huy Quân sự huyện cũng đồng thời tham mưu lồng ghép triển thực hiện mô hình “Giúp dân no đủ, tự chủ bản làng” tại đây.
Theo ông Lầu Bá Chò – Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Kỳ Sơn: Đây là mô hình “Dân vận khéo” được triển khai ở bản Phù Khả 1 vào cuối năm 2021 gồm nhiều nội dung, Trọng tâm là chống truyền đạo trái pháp luật, ổn định an ninh thôn, bản, hỗ trợ bà con thay đổi nhận thức trong sản xuất, chăn nuôi, xóa đói, giảm nghèo. Ngoài công tác nắm chắc tình hình địa bàn, dân cư, công tác vận động cá biệt, Ban Dân vận Huyện ủy Kỳ Sơn còn tăng cường phối hợp với các ban, ngành từ huyện đến xã, các lực lượng đứng chân trên địa bàn xã Na Ngoi thực hiện tốt công tác dân tộc, củng cố khối đại đoàn kết.
Việc đầu tiên mà ban chỉ đạo mô hình bắt tay vào triển khai là hỗ trợ dân bản Phù Khả 1 xây dựng, bổ sung hương ước, quy ước của bản, quy định của dòng họ phù hợp với tình hình thực tế. Trong đó, đề cao thuần phong, mỹ tục của thôn, bản, xóa bỏ phong tục lạc hậu; vận động các thành viên trong gia đình chấp hành pháp luật, hương ước của bản, không tham gia vào tệ nạn xã hội, không nghe theo các luận điệu tuyên truyền xấu, không theo các loại đạo (tôn giáo khác) mà chỉ thực hiện theo tín ngưỡng phong tục, tập quán lâu đời của người Mông. Nghiêm cấm đưa các phong tục, tôn giáo khác để truyền bá cho dân, ảnh hưởng đến thuần phong, mỹ tục của dân tộc; gây mất đoàn kết trật tự, trị an trong bản. Quy ước của bản với những điều khoản cụ thể, ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu được dán ở cửa từng gia đình để mọi người ghi nhớ và không vi phạm.
Ban chỉ đạo mô hình còn phát động nhân dân tổng dọn vệ sinh làng, bản, làm sọt đựng rác, tu sửa và phát quang đường liên bản, đường vào khu sản xuất, chăn nuôi, hướng dẫn kỹ thuật, vận động các hộ gia đình sản xuất vụ đông xuân nhằm đảm bảo an ninh lương thực. Ví như trồng các giống lúa Thiên Ưu 8, J02, ngô 6919; hướng dẫn cho bà con nhân dân cách phòng trừ dịch bệnh; phòng, chống rét đối với trâu, bò vỗ béo; phối hợp với Đội Vận động quần chúng, Đoàn Kinh tế – Quốc phòng 4 (Quân khu 4) tổ chức hướng dẫn đoàn viên, hội viên có vườn mận, vườn đào… cách chăm sóc và tỉa cành sau mỗi mùa thu hoạch; hướng dẫn người dân trồng và bảo vệ cây lá dong, cây bo bo dọc theo khe Phù Khả.
Bí thư Chi bộ bản Phù Khả 1 Vừ Bá Tổng cho biết: “Được sự giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và lực lượng chức năng trên mọi mặt trận nên người dân phấn khởi, ưng cái bụng lắm, chăm lo sản xuất, làm ăn”.
Còn theo Bí thư Đảng ủy xã Na Ngoi – ông Vừ Bá Lỳ: Những năm qua, do đời sống khó khăn, nên công dân trên địa bàn xã đi làm ăn xa nhiều, nhất là các tỉnh phía Nam, khi trở về một số người bị dụ dỗ lôi kéo tham gia đạo lạ, có trường hợp thì du nhập trên mạng. Ngoài 2 hộ ở bản Pù Khả 1, còn có 2 hộ theo đạo lạ ở bản Ka Dưới là Thồng Nhìa Ch. và Thồng Bá X. Các đối tượng trên đã tuyên bố không cần đến sự quản lý của chính quyền xã, ban quản lý bản, không cần sự giúp đỡ về mọi mặt của nhân dân trong bản, sẵn sàng từ bỏ gia đình, anh em, họ hàng.
Một số đối tượng còn quay phim, chụp ảnh, chia sẻ thông tin sai sự thật trên các trang mạng xã hội như Facebook, YouTube nói xấu cấp ủy, chính quyền và phong tục, tập quán của đồng bào Mông. Tuy nhiên, nhờ sự vào cuộc kịp thời, chỉ đạo quyết liệt hiệu quả của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, tổ chức chính trị – xã hội từ huyện đến cơ sở, tuyên truyền, vận động, giáo dục thuyết phục có trọng tâm, trọng điểm đã khiến cho tình hình trên địa bàn dần ổn định.
Bên cạnh đó, để nhân dân có cuộc sống no ấm hơn, cấp ủy, chính quyền xã Na Ngoi phối hợp với các lực lượng vũ trang đóng quân trên địa bàn (Đồn Biên phòng Na Ngoi, Bộ đội Biên phòng Nghệ An); Đoàn Kinh tế – Quốc phòng 4 (Quân khu 4)…) triển khai đồng bộ nhiều giải pháp giúp người dân phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Trước hết, là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đả thông tư tưởng, khắc phục tư duy trông chờ, ỷ lại, tăng cường bám sát cơ sở, vận động nhân dân đổi thay nếp nghĩ, cách làm, tích cực xóa đói, giảm nghèo. Tiếp đó là hỗ trợ phát triển các mô hình kinh tế như trồng cỏ voi, vỗ béo trâu, bò, nuôi gà đen, lợn đen, ngan địa phương, trồng đào, gừng, chè Shan Tuyết.
Đồn Biên phòng Na Ngoi là đơn vị được giao quản lý địa bàn. Trung tá Nguyễn Văn Hóa – Chính trị viên Đồn Biên phòng Na Ngoi cho hay: Với địa bàn rộng, dân số đông, nhiều thành phần dân tộc; có những bản cách xa trung tâm từ 12-16 km như Pù Quặc 3, Huồi Thum, Thẳm Hón… thông tin liên lạc còn khó khăn thì công tác tuyên truyền miệng vẫn là chủ yếu. Đơn vị thường chọn các đồng chí có khả năng dân vận, am hiểu phong tục, tập quán và biết nói tiếng của đồng bào để thực hiện công tác tuyên truyền, có khi đi vào buổi tối, vào từng lán trại trên nương rẫy sản xuất, thực hiện công tác tuyên truyền, đặc biệt, phòng, chống đạo Tin lành, pháp luân công xâm nhập địa bàn; nâng cao nhận thức và ý thức cảnh giác cho nhân dân về phòng, chống âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” ở khu vực biên giới; không nghe, không tin theo luận điệu xúi giục, dụ dỗ của kẻ xấu, không di, dịch cư tự do. Bên cạnh đó, đồn còn triển khai các mô hình giúp dân phát triển kinh tế hộ, ổn định cuộc sống, như mô hình trồng lúa nước, rau sạch ở bản Huồi Thum, trồng lúa nước ở bản Pù Khả, nuôi cá ao tại bản Kèo Bắc…
Theo Đại tá Trần Đăng Khoa – Phó Chính ủy Bộ đội Biên phòng Nghệ An: Từ thành công của các mô hình trên địa bàn biên giới, Bộ đội Biên phòng Nghệ An tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật kết hợp “dân vận khéo” nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, vận động các hộ sản xuất giỏi, hướng dẫn các hộ nghèo kinh nghiệm sản xuất, giống, kỹ thuật, góp phần xóa đói, giảm nghèo, giữ vững an ninh, trật tự trên địa bàn. Hiện Bộ đội Biên phòng tỉnh đang duy trì 57 mô hình giúp dân phát triển kinh tế tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Trong năm 2023, lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh đã phối hợp với địa phương tuyên truyền, vận động được 1 hộ/7 khẩu tại địa bàn xã Tri Lễ, huyện Quế Phong; 1 người tại xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn từ bỏ việc theo đạo Tin lành trái pháp luật, lập lại bàn thờ theo phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc Mông.
Bên cạnh hoạt động truyền đạo trái pháp luật, tình trạng vi phạm quy chế biên giới, vượt biên trái phép, di, dịch cư, hồi cư, khai thác lâm sản trái pháp luật, thì các loại tội phạm, nhất là tội phạm về ma túy ở khu vực miền núi, biên giới vẫn còn diễn biến phức tạp. Do vậy, để đảm bảo “yên dân, yên địa bàn, yên biên giới”, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền địa phương và các lực lượng (Công an, Quân sự, Biên phòng…) đã phối hợp tham mưu ban hành nhiều giải pháp quan trọng góp phần giữ vững an ninh, trật tự ở khu vực biên giới, vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Đặc biệt, là phối hợp quản lý, giám sát người nước ngoài, ngoại tỉnh vào khu vực biên giới, không để các đối tượng lợi dụng thăm thân, buôn bán, du lịch hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia; phòng, chống vi phạm quy chế biên giới, di cư trái pháp luật. Qua đó, chủ động phát hiện, tham mưu tuyên truyền, vận động được 7 hộ, 25 khẩu đồng bào dân tộc thiểu số từ bỏ ý định di cư sang Lào. Bên cạnh đó, các lực lượng (Công an, Quân sự, Biên phòng) cũng phối hợp triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để phòng ngừa với các hoạt động tác động xấu từ bên ngoài vào địa bàn, nhất là hoạt động của các đối tượng phản động trong người Mông tuyên truyền, lôi kéo tập hợp lực lượng. Từ đó, đã tuyên truyền, vận động được 8 người cam kết từ bỏ hoạt động mê tín dị đoan.
Với mục tiêu giữ vững “3 yên” (Yên dân – Yên địa bàn – Yên tình hình tội phạm), bên cạnh tập trung làm sạch ma túy ở 27/27 xã biên giới đất liền và nhân rộng tại 195 xã nội địa, xây dựng 4 địa bàn cấp huyện sạch về ma túy,… Công an tỉnh đã có những cách làm sáng tạo trong công tác bảo đảm an sinh xã hội, nhất là đối với nhóm đối tượng có nguy cơ phạm tội cao; giải quyết những mâu thuẫn phát sinh trong nội bộ nhân dân, nhằm hạn chế nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm. Đặc biệt, đã phối hợp triển khai hiệu quả Chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người khó khăn về nhà ở. Đến hết năm 2023, riêng Công an tỉnh đã hỗ trợ xây dựng 3.553 căn nhà; tổ chức bàn giao 10 nhà điều trị y tế cho trạm xá tại các xã biên giới trên địa bàn.
Về phía Bộ đội Biên phòng tỉnh tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án “Bộ đội biên phòng tham gia xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở các xã, khối, xóm, thôn, bản khu vực biên giới tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2022 – 2026”. Hiện tại, Bộ đội Biên phòng tỉnh đang phối hợp với các địa phương bố trí 6 cán bộ đồn biên phòng tham gia cấp ủy các huyện biên giới, 2 đồng chí tham gia HĐND cấp huyện, 23 đồng chí tham gia HĐND cấp xã; 27 đồng chí cán bộ tăng cường làm phó bí thư đảng ủy các xã biên giới; giới thiệu 81 đảng viên bộ đội biên phòng chuyển sinh hoạt tạm thời về các chi bộ thôn, bản, địa bàn phức tạp, xung yếu và vùng giáo. Đảng ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh cũng chỉ đạo phân công 522 đảng viên biên phòng phụ trách 2.387 hộ gia đình ở khu vực biên giới, chú trọng xây dựng bản điểm, xã điểm và mô hình kinh tế hộ gia đình. Trong năm 2023, lực lượng biên phòng đã tham mưu củng cố, kiện toàn 149 chi bộ, 104 tổ chức chính trị, xã hội khác và tham mưu địa phương kết nạp 81 đảng viên mới.
Về phía Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cũng đã tích cực phối hợp lực lượng Công an, Biên phòng đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát trên tuyến biên giới Việt Nam – Lào; làm tốt công tác dân vận tại các vùng đồng bào đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa…; gắn huấn luyện dân quân tự vệ; diễn tập chiến đấu phòng thủ cấp xã kết hợp giúp địa phương xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội; xây dựng các bến, tổ tự quản, tổ tàu thuyền an toàn; tổ tự quản bảo vệ đường biên, cột mốc biên giới.
Hiện nay, cùng với công tác “dân vận khéo” để triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Các địa phương và ngành chức năng trên địa bàn tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kịp thời cung cấp các nguồn thông tin chính thống, minh bạch về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, nhất là các chính sách liên quan đến dân tộc, miền núi. Đồng thời, nhân rộng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, nhằm phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc, đẩy lùi các âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, các loại tội phạm với phương châm: “Thôn, bản mạnh thì xã mạnh; xã mạnh thì huyện mạnh; huyện mạnh thì tỉnh mạnh”.