Mong muốn những hạn chế, vướng mắc trong công tác trồng rừng thay thế sẽ được tháo gỡ, đã không ít lần chúng tôi nói ra những gì được thấy ở các điểm trồng, và tâm tư của các đơn vị lâm nghiệp với một số cán bộ có trách nhiệm thuộc Sở Nông nghiệp và Phát tiển nông thôn, Chi cục Kiểm lâm phụ trách lĩnh vực phát triển rừng. Lần gần nhất vào ngày 20/2/2024, được thông tin trở lại là tới đây có hy vọng chủ động được giống cây bản địa cho công tác trồng rừng thay thế.
Hy vọng bởi đúng ngày này, UBND tỉnh ban hành Quyết định 350/QĐ-UBND phê duyệt “Đề án nâng cao chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp giai đoạn 2024-2030 nhằm thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An”. Tại Đề án, danh mục các loài cây được ưu tiên tại địa phương bao gồm các nhóm loài cây trồng làm giàu rừng, trồng bổ sung trong khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng và nhóm loài cây trồng rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng ngập nước. Cụ thể như lát hoa, sao đen, dầu rái, lim xanh, thông nhựa, muồng đen, chò chỉ, ràng ràng…, và các loài cây bản địa hoặc những loài cây nhập nội đã được trồng lâu năm, sinh trưởng và phát triển phù hợp với hệ sinh thái ở địa phương.
Đề án cũng chỉ ra rất cụ thể việc xây dựng hệ thống nguồn giống lâm nghiệp; nội dung hỗ trợ các cơ sở nghiên cứu, chọn, tạo sản xuất giống; hoàn thiện cơ sở vật chất phục vụ công tác sản xuất giống; xác định xây dựng mới khoảng 10 vườn ươm cố định, phù hợp với quy mô, năng lực và đáp ứng nhu cầu sản xuất, cung ứng giống trên địa bàn; củng cố, cải tạo, nâng cấp khoảng 13 vườn ươm thuộc các đơn vị chủ rừng Nhà nước hiện đang hoạt động sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp trên địa bàn của tỉnh; hỗ trợ khoảng 12 triệu cây giống mầm mô chất lượng cao được chuyển giao kỹ thuật để chăm sóc, huấn luyện phục vụ trồng rừng chất lượng cao cho các Ban quản lý rừng phòng hộ, Ban quản lý rừng đặc dụng, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp,…; xây dựng tiêu chí lựa chọn hỗ trợ các cơ sở sản xuất giống ngoài quốc doanh (hợp tác xã, doanh nghiệp, hộ gia đình…) nguồn giống gốc, cây đầu dòng… Đồng thời, đưa ra cụ thể, chi tiết các bộ giải pháp kỹ thuật, thông tin, truyền thông… để Đề án được thực hiện thành công.
Theo các ông Nguyễn Danh Hùng – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Nguyễn Khắc Hải – Phó trưởng phòng Kế hoạch và Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Đề án phát triển giống cây lâm nghiệp sẽ sớm được Sở triển khai thực hiện. Trưởng thành từ cơ sở, nhiều năm gắn với công tác phát triển rừng nên hai cán bộ này hiểu sâu sắc sự cần thiết trong việc chủ động giống cây bản địa trong công tác trồng rừng thay thế. Họ đã trao đổi rằng, việc đưa giống cây bản địa ở các địa phương khác từ ngoại tỉnh về trồng rừng thay thế là việc làm “cực chẳng đã”. Vì cây giống sau quá trình vận chuyển qua những chặng đường dài đầy khó khăn đến điểm trồng vùng sâu, vùng xa thì đã trở thành “cây ốm”, tỷ lệ sống và phát triển sau khi trồng là hạn chế; đó là chưa kể đến những tác động tiêu cực của thời tiết, khí hậu hết sức khắc nghiệt của vùng núi cao và gia súc chăn thả tự do của đồng bào miền núi.
“Dự án trồng rừng thay thế là công trình lâm sinh, hồ sơ thủ tục dự án phải đảm bảo quy chuẩn, từ nguồn gốc xuất xứ giống cây bản địa, từ các loại hóa đơn, chứng từ… Trong khi đó, trên địa bàn tỉnh chưa có đơn vị sản xuất cây giống nên các chủ dự án trồng rừng thay thế mới phải mua cây giống từ những địa phương xa xôi phía Bắc như Lào Cai, Yên Bái, Vĩnh Phúc… Rõ ràng đây là một bất cập rất lớn. Vì vậy, Đề án phát triển giống cây lâm nghiệp sẽ là hướng mở có tính khả thi cao trong tương lai để có thể chủ động hơn trong công tác trồng rừng thay thế…” – ông Nguyễn Danh Hùng trao đổi.
Về những khó khăn mang tính đặc thù trong công tác trồng rừng thay thế trên địa bàn vùng núi cao, vùng sâu, vùng xa, như: Thiếu đường vận xuất; cung đường xa xôi vất vả; nghề chăn nuôi của đồng bào là chăn thả rông trâu, bò… Theo các ông Nguyễn Danh Hùng, Nguyễn Khắc Hải thì ngành đã nhìn nhận đầy đủ, toàn diện và đang hướng đến đề xuất cấp trên cho phép xây dựng chính sách hỗ trợ. “Sẽ không thể một sớm một chiều là xây dựng được chính sách hỗ trợ. Nhưng đây là những nội dung mà ngành rất quan tâm, nỗ lực thực hiện để chia sẻ với những khó khăn của các đơn vị lâm nghiệp đang thực hiện nhiệm vụ trồng rừng thay thế…” – ông Nguyễn Khắc Hải nói.
Đồng thời, những cán bộ này cho biết Thông tư số 22/2023/TT-BNNPTNT ngày 15/12/2023 của Bộ NN&PTNT đã có hiệu lực thi hành từ ngày 1/2/2024, sửa đổi bổ sung một số quy định tại Thông tư số 25/2022/TT-BNNPTNT liên quan đến công tác trồng rừng thay thế. Trong những sửa đổi, bổ sung đã mở rộng hơn đối tượng được hỗ trợ trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác. “Trước đây, Thông tư số 25/2022/TT-BNNPTNT quy định phải trồng rừng thay thế trên đất chưa có rừng thuộc quy hoạch rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và rừng sản xuất do Ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng quản lý; trồng lại rừng trên diện tích rừng trồng đặc dụng, rừng trồng phòng hộ không thành rừng đã hoàn thành việc thanh lý rừng trồng theo quy định của pháp luật. Nay theo Thông tư số 22/2023/TT-BNNPTNT, các hộ gia đình, cá nhân trồng rừng sản xuất loài cây gỗ lớn (khai thác sau 10 năm tuổi) trên đất quy hoạch cho rừng sản xuất cũng sẽ được hỗ trợ…” – ông Nguyễn Khắc Hải nói về điểm mới của Thông tư số 22/2023/TT-BNNPTNT.
“Khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên và khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên có trồng bổ sung” là biện pháp tác động để biến một diện tích đất lâm nghiệp chưa đạt tiêu chí thành rừng trở thành diện tích đất có rừng. Và biện pháp này, đang được tỉnh hướng đến thông qua việc đề xuất Trung ương cho phép xây dựng một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An trong thời gian tới.
Cụ thể, vào ngày 20/1/2024, UBND tỉnh đã có tờ trình gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị xây dựng một số cơ chế, chính sách phát triển tỉnh Nghệ An. Trong các cơ chế, chính sách mang tính đặc thù, có cơ chế chính sách “Sử dụng nguồn kinh phí trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác”. Với nội dung đầy đủ là: “Cho phép tỉnh Nghệ An được giữ lại và sử dụng nguồn kinh phí trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác thu từ các dự án phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh không có điều kiện tự trồng rừng thay thế phải nộp tiền trồng rừng thay thế vào Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh để thực hiện biện pháp lâm sinh khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên có trồng bổ sung, hoặc khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên; phát triển giống cây lâm nghiệp; phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ bảo vệ và phát triển rừng”.
Đề xuất của UBND tỉnh được phân tích từ cơ sở thực tiễn, và từ nghiên cứu khoa học ngành lâm nghiệp. Đó là quỹ đất trống chưa có rừng đủ tiêu chí, điều kiện theo quy định để thực hiện trồng rừng thay thế của Nghệ An là rất khó khăn. Do diện tích đất trống trên địa bàn manh mún, chủ yếu nằm ở vùng sâu, vùng xa điều kiện thi công vô cùng khó khăn. Một số diện tích có điều kiện lập địa chủ yếu là núi đá không có cây, hoặc tỷ lệ đá lẫn rất lớn không đủ tiêu chí để trồng rừng. Chính bởi khó khăn này, thời gian qua đã ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ triển khai các dự án phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, dự án quan trọng quốc gia, dự án cấp thiết trên địa bàn tỉnh. Trong khi đó, theo kết quả cập nhật, theo dõi diễn biến rừng, hiện nay toàn tỉnh có khoảng 72.113,8 ha đất lâm nghiệp chưa có rừng có thể áp dụng biện pháp lâm sinh khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên có trồng bổ sung, hoặc khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên để đảm bảo tiêu chí thành rừng mà không cần thiết phải thực hiện biện pháp lâm sinh trồng mới rừng.
Vì vậy, việc sử dụng nguồn kinh phí trồng rừng thay thế để thực hiện các biện pháp lâm sinh biện pháp lâm sinh khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên có trồng bổ sung, hoặc khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên thay thế cho biện pháp lâm sinh trồng mới rừng là rất hiệu quả. Với những biện pháp này, diện tích rừng thay thế sẽ đảm bảo diễn thế tự nhiên của rừng, cũng như các giá trị về đa dạng sinh học của rừng, giải quyết được các khó khăn đối với công tác trồng rừng thay thế trên địa bàn tỉnh.
Chúng tôi từng nhiều lần vào vùng lòng hồ các thủy điện lớn của tỉnh như thủy điện Bản Vẽ, thủy điện Hủa Na…; và cũng đã đến nhiều khu vực có rừng tái sinh ở các huyện núi Con Cuông, Quỳ Châu…, để biết rõ các khu vực núi trước đây đã bị mất rừng, nhưng sau nhiều năm được gìn giữ bảo vệ thì rừng đã tái sinh trở lại tạo nên cảnh quan rất đẹp. Cụ thể như vùng lòng hồ thủy điện Hủa Na, trên địa bàn các xã Đồng Văn, Thông Thụ, đã tăng thêm nhiều ha rừng tái sinh tự nhiên; hay tương tự như mạn lòng hồ thủy điện Bản Vẽ, rừng tự nhiên đã tái sinh ở khu vực các xã Lượng Minh, Hữu Khuông, Mai Sơn…
Nhận thấy, cùng với các giải pháp hỗ trợ cho công tác trồng rừng thay thế, thì việc áp dụng biện pháp khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên và khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên có trồng bổ sung bằng nguồn kinh phí trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác thực sự là một hướng đi rất tích cực.
Rất mong đề xuất xây dựng cơ chế, chính sách của UBND tỉnh sẽ sớm được xem xét, chấp thuận để áp dụng vào thực tiễn. Khi đó, chắc chắn sẽ tháo gỡ được khó khăn của công tác trồng rừng thay thế; giúp đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, dự án quan trọng quốc gia, dự án cấp thiết trên địa bàn tỉnh; và giảm tải những áp lực đang đè nặng trên vai người làm công tác trồng rừng!