Ban Quản lý rừng phòng hộ Kỳ Sơn thực hiện trồng rừng thay thế thuộc Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng, với diện tích hơn 47 ha. Một trong những điểm trồng thuộc Tiểu khu 448, trên địa bàn xã Mường Típ. Để lên đây dịp tháng 1/2024, cung đường từ thị trấn Mường Xén đi Mường Típ bị sạt lở, nên chúng tôi phải xuôi về xã Lưu Kiền (Tương Dương), sau đó vượt đường núi lên xã Na Ngoi để sang xã Mường Típ.
Cung đường xa xôi, nhưng bù lại khi đến được xã Mường Típ thì việc lên điểm trồng rừng thay thế có phần thuận lợi, bởi sát trục đường lớn và có độ dốc vừa phải. Tại đây, giống cây bản địa mà Ban Quản lý rừng phòng hộ Kỳ Sơn chọn trồng là cây sa mộc, cùng họ với cây thông, thân, cành, lá khá tương đồng với cây sa mu, pơ mu. Quan sát tổng quan cây trồng, thấy không có sự đồng đều, một số cây thân mập khỏe, cành lá xanh tốt, có chiều cao khoảng 1,4 – 1,5m; nhưng cũng có nhiều cây thấp nhỏ chừng 30 – 50cm, cành lá có màu úa vàng.
Là người thường trực tại điểm trồng rừng Mường Típ, anh Nguyễn Đức Hòa – nhân viên Trạm Quản lý bảo vệ rừng xã Mường Típ cho biết, những cây sa mộc này được ban triển khai trồng từ tháng 7/2021, tính đến nay đã hơn 2 năm. Theo quy hoạch ban đầu, diện tích trồng rừng là 13 ha, nhưng do nhiều khu vực trùng với rẫy của người dân, ban phải cùng xã vận động, tuyên truyền nhiều lần mới lấy được 8 ha, và động viên 12 hộ dân tham gia trồng rừng. Về những cây thấp nhỏ, có màu ngả vàng, anh Hòa giải thích là những cây mới được trồng dặm một thời gian ngắn nên có sự khác biệt.
“Trước đây, nơi này là điểm người dân chăn thả trâu, bò nên công tác quản lý, bảo vệ rừng mới trồng rất vất vả. Có nhiều vị trí chúng tôi đã phải trồng dặm đến 3 – 4 lần do bị trâu, bò phá khiến cây chết. Ban đã phải bỏ tiền mua dây thép gai dựng hàng rào bảo vệ. Tuy nhiên, hàng rào thép gai thường xuyên bị cắt trộm nên cũng chỉ ngăn ngừa được phần nào…”, anh Nguyễn Đức Hòa trao đổi.
Về nguồn kinh phí trồng rừng thay thế, theo anh Hòa thì đơn giá được phê duyệt là 45 triệu đồng/ha cho toàn bộ chi phí cây giống, phân bón, phí quản lý, nhân công phát dọn, đào hố, trồng cây và 4 năm chăm sóc bảo vệ. Tính toán chi ly các khoản này thì không đủ để thực hiện. Với hiện trạng rừng trồng và với những nội dung được nghe, hỏi anh Nguyễn Đức Hòa: Với thời gian 2 năm nữa là đến kỳ nghiệm thu rừng trồng, các anh có đủ tự tin đến khi đó rừng trồng sẽ đạt hay không? Một phút tần ngần, anh Nguyễn Đức Hòa quay mặt đi rồi nói thoảng trong gió lạnh: “Đã làm rồi thì tiếp tục cố gắng, nếu không thành rừng thì biết làm sao được…”.
Cũng có mặt tại điểm trồng rừng Mường Típ, Phó trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ Kỳ Sơn Chu Văn Hùng khi được hỏi cho biết, trong 3 năm trở lại đây, ban đã thực hiện kế hoạch trồng rừng thay thế được 39 ha trên địa bàn 4 xã: Mường Típ, Chiêu Lưu, Nậm Cắn và Tây Sơn. Nhưng việc trồng rừng đã và đang gặp rất nhiều khó khăn. Những khó khăn mà anh Chu Văn Hùng vắn tắt là đơn giá thấp; trong dự toán, định mức kỹ thuật không có hệ thống bờ rào; cự ly vận chuyển chỉ được xác định theo 3 mức, dưới 1 km, 1-2 km, trên 2 km, nhưng thực tế có nhiều điểm vận chuyển lên đến hàng chục km, phát sinh chi phí ngoài dự toán. Theo quy định, chu kỳ trồng rừng thay thế là 1 năm trồng, 3 năm chăm sóc, mỗi năm thực hiện chăm sóc 2 lần rất khó đảm bảo cho sự phát triển của cây. Đồng thời, địa bàn huyện Kỳ Sơn có tính chất đặc thù, từ phong tục, tập quán chăn thả trâu, bò của nhân dân, mỗi xã là mỗi vùng khí hậu riêng biệt nên rất khó khăn để lựa chọn giống cây bản địa phù hợp…
Bởi Phó trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ Kỳ Sơn Chu Văn Hùng nhắc đến khó khăn trong lựa chọn giống cây bản địa, chúng tôi đã hỏi vì sao đưa cây sa mộc từ Lào Cai về trồng, thay vì lựa chọn cây sa mu, pơ mu như một số hộ đồng bào dân tộc huyện Kỳ Sơn đã thực hiện? Được trả lời: “Dự án trồng rừng thay thế có thể hiểu là công trình lâm sinh, cây giống phải rõ ràng về nguồn gốc xuất xứ. Nhưng trên địa bàn tỉnh cho đến thời điểm hiện nay không có đơn vị nào sản xuất giống cây bản địa phù hợp với địa bàn huyện Kỳ Sơn. Vì vậy, chúng tôi căn cứ theo điều kiện khí hậu tự nhiên, thổ nhưỡng để lựa chọn đưa cây sa mộc từ tỉnh Lào Cai về trồng. Hơn nữa, đơn vị sản xuất giống phải có tư cách pháp nhân, có hóa đơn, chứng từ; nếu không, hồ sơ trồng rừng sẽ không hợp lệ để có thể thanh, quyết toán. Đây là sự lựa chọn bất khả kháng…”.
Cũng là đơn vị được giao trồng rừng thay thế của Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng, Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống lựa chọn trồng 21,7 ha rừng cây chò chỉ tại thung lũng Piêng Lắc, xã Châu Lý, huyện Quỳ Hợp.
Để vào được thung lũng Piêng Lắc, thật vất vả. Vì đường là lối mòn lởm chởm đá, bùn, đất trơn trượt và phải vượt liên tiếp nhiều dốc núi rất cao. Cùng vào thung lũng Piêng Lắc, Trưởng phòng Khoa học kỹ thuật và Hợp tác quốc tế của Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống là anh Trần Đức Long cho biết, dù đây là địa bàn thuộc quản lý của Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống nhưng đồng thời là bãi chăn thả khoảng 1.000 con trâu, bò của người dân các xã Châu Lý, Bắc Sơn. Sau khi UBND tỉnh phê duyệt chương trình trồng rừng thay thế tại khu vực này, Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống phải cùng cấp ủy, chính quyền xã, thôn, bản tổ chức nhiều cuộc họp, tuyên truyền, vận động trong thời gian dài để người dân đồng thuận di chuyển đàn trâu, bò đi nơi khác để thung lũng Piêng Lắc được trồng rừng thay thế. Bởi người dân không còn bãi chăn thả tập trung nên vẫn thường xua đuổi trâu, bò lên các vùng ven, vì vậy, Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống phải cân đối kinh phí tổ chức thi công tuyến hào dài gần 1.000m để ngăn không cho trâu, bò vào khu vực trồng rừng.
Vào thực địa thung lũng Piêng Lắc, cây chò chỉ phát triển chiếm tỷ lệ lớn, có chiều cao khoảng 1,3 -1,5m; nhưng cũng có những cây trồng dặm, nhất là những cây trồng trên triền dốc bị cỏ gai lấn át nên kém phát triển. Một điểm đáng băn khoăn là rất nhiều cây đang bị sâu ăn lá, thủng lỗ chỗ. Theo anh Trần Đức Long, vùng đất này có nhiều cây cỏ gai lấn át nên phải thường xuyên tổ chức phát dọn, thậm chí phải phủ bạt quanh gốc cây chò chỉ để chống cỏ mọc. Tuy nhiên, để làm được thì lại phát sinh chi phí nhân công rất lớn. “Theo quy định 1 năm chỉ được tiến hành phát dọn, chăm sóc 2 lần. Nhưng với thực tế ở nơi này, nếu 1 năm chỉ chăm sóc 2 lần thì việc trồng rừng thay thế không thể thành công…”, anh Trần Đức Long trăn trở.
Cũng theo anh Trần Đức Long, để trồng rừng thay thế, ban có hợp đồng với 1 hộ gia đình ở địa phương. Hộ dân được hưởng theo các hạng mục dự toán trong hồ sơ, tuy nhiên, chưa thực sự mặn mà. Vì để tổ chức phát dọn thực bì với đơn giá khoảng 4 triệu đồng/ha, với diện tích 21,7 ha họ phải chi trả hơn 80 triệu đồng. Nhưng để được chi trả trở lại thì phải trải qua một quá trình dài, từ nghiệm thu, lập hồ sơ, kiểm tra… Vì vậy, hộ dân không đủ nguồn lực, phải đi vay lãi ngoài để chi trả cho nhân công. “Đó mới chỉ riêng mục phát dọn, còn đào hố, bỏ phân… nên chi phí rất tốn kém. Cũng vì lý do này nên không một hộ dân nào dám nhận khoán trắng, vì như họ đã nói là sợ không thành rừng, mất tiền của Nhà nước thì phải đi tù…”.
Hỏi anh Trần Đức Long về tình trạng lá cây chò chỉ bị sâu đục lỗ chỗ, anh cho biết, đây là vấn đề Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống đang rất lo lắng, đã tổ chức phun thuốc nhưng chưa có hiệu quả. “Chúng tôi đã lấy mẫu gửi ra một số viện chuyên ngành nhờ phân tích tìm được loại thuốc đặc trị phù hợp nhưng đến nay chưa được trả lời. Về kinh phí để xử lý sâu bệnh thì không có trong dự toán, nhưng nếu không xử lý, hoặc xử lý không kịp thời thì ảnh hưởng đến kết quả trồng rừng…”.
Với Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Nghệ An, được giao nhiệm vụ trồng rừng thay thế thuộc Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng với diện tích 42 ha. Cho đến nay, ban này trồng được 20 ha cây sở tại các xã Quỳnh Thắng, Tân Thắng và Quỳnh Trang. Đi trên Quốc lộ 48E, đoạn giao cắt với tuyến đường 36 sẽ thấy những khoảnh đất trồng cây sở gần 2 năm tuổi có chiều cao vượt quá đầu người, khá đẹp mắt. Vậy nhưng, lãnh đạo Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Nghệ An khi được liên hệ đã cho biết, để có được kết quả ban đầu như vậy, họ gặp rất nhiều khó khăn. Và vì khó khăn nên buộc phải tạm dừng đầu tư trồng mới diện tích 22 ha còn lại, dành thời gian tập trung chăm sóc phần diện tích đã trồng.
“Những hộ dân nhận khoán bỏ bê ngay sau khi trồng nên bị hư hại nhiều. Vì vậy, chúng tôi đã phải đầu tư cây giống, nhân công trồng đi, trồng lại đến 3 – 4 lần. Sở là loại cây khó tính, nếu không được chăm sóc theo đúng kỹ thuật sẽ không thể thành rừng. Hơn nữa, đất đai của phần diện tích còn lại có những vấn đề phức tạp, nên ban đã báo cáo lên cơ quan cấp trên, tạm thời tập trung chăm sóc diện tích 20 ha đã trồng để đánh giá, rút kinh nghiệm, sau đó mới tiếp tục trồng…”, ông Trần Văn Sơn – Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Nghệ An trao đổi vắn tắt qua điện thoại.