Hồ chứa nước Bản Mồng (xã Yên Hợp, huyện Quỳ Hợp) có dung tích chứa 225 triệu m3 là dự án trọng điểm quốc gia, có tầm quan trọng đặc biệt đối với đời sống dân sinh khu vực Tây Nghệ An và một phần của huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa.
Đây là công trình đại thủy nông lớn nhất khu vực Bắc Trung Bộ, được khởi công từ tháng 5/2010, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, ròng rã hơn một thập kỷ, đại công trình này vẫn chưa hoàn thành. Một trong những nguyên nhân dẫn tới dự án kéo dài, không đúng tiến độ, không hoàn thành dứt điểm, gây lãng phí là do việc phân bổ vốn đầu tư công dàn trải, manh mún, không trọng tâm, trọng điểm.
Trước thực trạng đó, ngày 26/7/2022, đoàn công tác Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội do Phó Chủ nhiệm Nguyễn Thị Lệ Thủy đã về khảo sát trực tiếp dự án. Ngày 17/10/2022, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường gửi Quốc hội và các bộ, địa phương liên quan báo cáo kết quả giám sát. Trong báo cáo nêu rõ vướng mắc lớn nhất là từ năm 2021 đến nay chưa bố trí vốn để hoàn thành các mục tiêu của dự án.
Ngày 31/10/2022, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đã nghe báo cáo tóm tắt kết quả giám sát chuyên đề của Đoàn giám sát và thảo luận tại hội trường về giám sát tối cao chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 thời kỳ trước và sau có liên quan”. Tiến độ dự án Hồ chứa nước Bản Mồng đã làm nóng nghị trường khi Đoàn giám sát của Quốc hội điểm danh là 1 trong 52 dự án, cụm dự án đầu tư công và sử dụng vốn Nhà nước khác không hiệu quả.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Nguyễn Thị Lệ Thủy đã phát biểu: Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng, tỉnh Nghệ An được xây dựng trên quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đến nay đã qua 3 nhiệm kỳ Thủ tướng Chính phủ, 3 nhiệm kỳ Bộ trưởng nhưng vẫn chưa hoàn thành.
Thông qua nắm bắt từ giám sát, tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An, Thiếu tướng Trần Đức Thuận – Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, đại biểu đoàn Nghệ An “sốt ruột” phát biểu tại Hội trường Diên Hồng: “Tôi đồng tình với Ủy ban Khoa học – Công nghệ và Môi trường, đề nghị Chính phủ khẩn trương tháo gỡ khó khăn, xác định thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh bổ sung dự án, sớm bố trí nguồn vốn để tiếp tục thi công hoàn thiện dự án trong thời hạn sớm nhất có thể, để hạn chế thấp nhất lãng phí tài sản Nhà nước và khó khăn cho nhân dân sống xung quanh dự án”.
Nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến sự chậm trễ bố trí vốn cho dự án là do “khoảng trống pháp lý”. Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết: Tại thời điểm dự án được Thủ tướng cho phép đầu tư (năm 2006) và được Bộ NN&PTNT phê duyệt đầu tư (năm 2009) thì Luật Đầu tư công chưa được ban hành. Đến khi Quốc hội ban hành Luật Đầu tư công năm 2014 và Luật Đầu tư công năm 2019 (sửa đổi), điều khoản chuyển tiếp cũng không có quy định thẩm quyền quyết định điều chỉnh bổ sung kinh phí đối với trường hợp của Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng.
Sau những báo cáo của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội và ý kiến của đại biểu Quốc hội đoàn Nghệ An phản ánh đến các kỳ họp Quốc hội, đến nay “khoảng trống pháp lý” cho dự án Hồ chứa nước Bản Mồng đã được xử lý. Gần đầy nhất, ngày 26/10/2023 tại Quyết định số 1248/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng giai đoạn 1, trong đó giao Bộ NN&PTNT chịu trách nhiệm rà soát, cân đối trong phạm vi tổng nguồn vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 đã được giao, bố trí thêm 234 tỷ đồng để đủ vốn cho giai đoạn 1 là 5,552 ngàn tỷ đồng để hoàn thành dự án theo tiến độ vào năm 2025.
Một ví dụ khác cho thấy thông qua giám sát, các đại biểu Quốc hội đoàn Nghệ An góp phần xây dựng các chính sách của Quốc hội phù hợp với thực tiễn của từng địa bàn, chính là việc Quốc hội đồng ý giao Chính phủ xem xét, quyết định bố trí từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2023 theo đúng quy định của pháp luật để tiếp tục thực hiện, sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng Dự án kè sông Nậm Mộ, đoạn qua khối 4, khối 5, thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn, tại Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024 được Quốc hội khóa XV thông qua vào tại Kỳ họp thứ 6 vào sáng 10/11/2023.
Đây là dự án hết sức cần thiết và cấp bách để hạn chế hậu quả của thiên tai lũ lụt, góp phần quan trọng trong việc bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho các hộ dân, bảo vệ các công trình hạ tầng kinh tế, xã hội trên địa bàn; đồng thời, góp phần thực hiện thành công 3 chương trình mục tiêu Quốc gia trên địa bàn huyện miền núi nghèo Kỳ Sơn.
Trước đó, Đoàn đại biểu Quốc hội Nghệ An đã đề nghị Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân 98,533 tỷ đồng, để dự án được tiếp tục thực hiện và hoàn thành, đáp ứng mong mỏi của cử tri và nhân dân địa phương. Bởi việc chậm giải ngân nguồn vốn trên xuất phát từ lý do khách quan, bất khả kháng. Đó là đêm ngày 1 và sáng ngày 2/10/2022, một trận lũ quét kinh hoàng đã xảy ra trên địa bàn huyện Kỳ Sơn. Chỉ trong phút chốc, một phần của xã Tà Cạ và thị trấn Mường Xén (Kỳ Sơn) đã biến thành bình địa với ngổn ngang bùn, đất, đá.
Hậu quả của trận lũ quét đã dẫn đến thay đổi lưu vực lòng sông Nậm Mộ nên phương án thiết kế khả thi do UBND huyện Kỳ Sơn trình thẩm định trước đó không còn phù hợp với hiện trạng hai bên bờ sông, nơi triển khai dự án. Vì vậy, các đơn vị liên quan phải khảo sát lại hiện trạng, đánh giá lại tính chất phức tạp của dòng chảy, mức độ nguy hiểm của lũ ống, lũ quét trong bối cảnh biến đổi khí hậu để đưa ra phương án thiết kế mới. Đến nay, mọi thủ tục chuẩn bị đầu tư đã hoàn thành.
Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn Nguyễn Viết Hùng chia sẻ: Quyết sách của Quốc hội cho phép bố trí từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2023 để tiếp tục thực hiện là rất phù hợp với tình hình thực tiễn ở cơ sở, cho thấy sự sâu sắc, lắng nghe và thấu hiểu nỗi lòng của cử tri Kỳ Sơn – một trong 74 huyện nghèo của cả nước.
Cùng trăn trở với những bất cập trong chính sách phát triển kinh tế – xã hội khu vực miền núi, ngày 30/10/2023, tại phiên thảo luận ở Hội trường Diên Hồng (kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV), đại biểu Trần Nhật Minh, đoàn Nghệ An đã có các kiến nghị tháo gỡ chính sách để không còn hiện tượng các xã miền núi “không đăng ký phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới”, vì các xã miền núi cao thuộc vùng đặc biệt khó khăn khi đạt chuẩn nông thôn mới (không còn thuộc đối tượng xã đặc biệt khó khăn) sẽ không còn được hưởng các chế độ an sinh xã hội (bảo hiểm y tế, hỗ trợ gạo cho học sinh, chế độ cho cán bộ, công chức, viên chức)…
Tại phiên thảo luận này, các đại biểu Quốc hội đoàn Nghệ An là Thiếu tướng Trần Đức Thuận và Hoàng Thị Thu Hiền cũng đã kiến nghị một số giải pháp để thực hiện tốt Chương trình mục tiêu Quốc gia Giảm nghèo bền vững; cần thiết thiết lập hệ thống đánh giá, giám sát Chương trình thực sự khách quan, khoa học, để có cơ sở dữ liệu đúng, sát thực tế và minh bạch.
Triển khai Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND; Nghị quyết số 594 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hướng dẫn các hoạt động giám sát; đồng thời bám sát thực tiễn đời sống xã hội, từ đầu nhiệm kỳ 2021 – 2026 đến nay, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và HĐND các cấp tỉnh Nghệ An đã chú trọng đổi mới hoạt động giám sát trên nhiều khâu. Trước hết là lựa chọn nội dung giám sát là các vấn đề bức xúc ở địa phương hoặc vấn đề có ảnh hưởng lớn đến đời sống Nhân dân, phát triển kinh tế, xã hội, được đại biểu HĐND, cử tri và Nhân dân quan tâm.
Để đảm bảo hoạt động giám sát có chất lượng, trên cơ sở lựa chọn nội dung giám sát, Thường trực HĐND tỉnh cân nhắc để chọn đối tượng, phạm vi, địa bàn giám sát phù hợp; xây dựng kế hoạch giám sát tình hình thực tiễn yêu cầu chuyên đề giám sát trên cơ sở nắm bắt, lắng nghe thêm thông tin từ cử tri và Nhân dân. Một số cuộc giám sát để đảm bảo xây dựng kế hoạch, có chất lượng, Thường trực HĐND tỉnh trực tiếp hoặc chỉ đạo các ban, tổ và đại biểu HĐND tỉnh tổ chức khảo sát trước mang tính “tiền trạm” nhằm nắm bắt thông tin đầy đủ, toàn diện và chính xác để khi tiến hành giám sát mang lại hiệu quả cao hơn.
Ở nhiệm kỳ này, HĐND tỉnh cũng đã chú trọng xây dựng thành phần đoàn giám sát “gọn”, nhưng đảm bảo “tinh”; ngoài Thường trực và các ban HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh mời thêm những người có chuyên môn sâu, am hiểu lĩnh vực HĐND giám sát hoặc gắn với chuyên môn công tác được giám sát; mời cả các Tổ đại biểu HĐND tỉnh tại địa phương và thường trực HĐND địa phương ở điểm đến giám sát của đoàn.
Từ các kết luận, nghị quyết về kết quả giám sát của HĐND tỉnh, được UBND tỉnh tiếp thu, ban hành kế hoạch và chỉ đạo quyết liệt để khắc phục các hạn chế, bất cập đã chỉ ra. Đặc biệt, trên cơ sở kiến nghị của Thường trực HĐND tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An đã ban hành một số chỉ thị, nghị quyết tăng cường lãnh đạo của Đảng đối với một số vấn đề được HĐND tỉnh giám sát như: Nghị quyết số 13 ngày 1/6/2023 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quản lý dự án đầu tư có sử dụng đất; Chỉ thị số 20 ngày 28/12/2022 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quản lý Nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Điều đó tạo “sức nặng” hơn trong thực hiện các nội dung giám sát của HĐND tỉnh, bởi nghị quyết, chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành là trách nhiệm thực hiện của cả hệ thống chính trị và các cấp, ngành, các địa phương trong phạm vi toàn tỉnh phải vào cuộc, chứ không riêng các ngành, địa phương mà HĐND tiến hành giám sát; qua đó tạo chuyển biến rõ nét trong thực tiễn.
Đơn cử, hơn 1 năm sau giám sát của HĐND tỉnh về các dự án treo, UBND tỉnh đã kiểm tra và thu hồi, chấm dứt hoạt động đối với 36 dự án tại 10 địa phương và Khu kinh tế Đông Nam…
Hay qua giám sát công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, ông Hoàng Sỹ Tuyến – Trưởng phòng Dạy nghề, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Nghệ An cho rằng: Ngành “được nhờ” rất nhiều, bởi bên cạnh chỉ ra những tồn tại, yếu kém thì HĐND tỉnh đã kiến nghị các giải pháp cần tập trung. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã vào cuộc chỉ đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh và các cơ quan, đơn vị vào cuộc triển khai, như sắp xếp lại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giảm 9 cơ sở so với năm 2020. UBND tỉnh cũng đã quan tâm bố trí nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo và hỗ trợ đổi mới chương trình, nội dung cho các cơ sở với tổng hơn 233 tỷ đồng. Đồng thời, UBND tỉnh cũng chỉ đạo các sở, ngành liên quan thực hiện đầy đủ, kịp thời hơn các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động trên địa bàn tỉnh.
Từ việc giám sát chỉ ra đúng, trúng những tồn tại, hạn chế, đưa ra những kiến nghị, giải pháp tháo gỡ, được các ngành, các địa phương tiếp thu, khắc phục, vai trò, “tiếng nói” của các cơ quan, đại biểu dân cử được nâng lên, không để bị biến thành “chim đưa thư”, tức là chỉ dừng lại ở việc chuyển tải vướng mắc, bất cập là xong; mà quan trọng là đeo bám, giải quyết đến cùng.
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Nam Đình khẳng định: Mấu chốt nhất là sau giám sát phải quan tâm “đeo bám” đến cùng các vấn đề đã phát hiện, kiến nghị để các cơ quan chức năng giải quyết xong; phải vừa “giám” vừa “sát”, tránh chuyện “sát” mà không “giám” hoặc “giám” mà không “sát”, như vậy sẽ không có hiệu quả.
Thực tế, thời gian qua, Thường trực HĐND tỉnh Nghệ An đã phân công các ban HĐND tỉnh theo dõi, đôn đốc, “đeo bám” việc thực hiện các kiến nghị, đề xuất sau giám sát đối với các đối tượng chịu giám sát; định kỳ 6 tháng, 1 năm, Thường trực HĐND tỉnh yêu cầu các sở, ngành báo cáo kết quả thực hiện; những vấn đề chậm trễ, không tạo chuyển biến mà nguyên nhân thuộc về chủ quan thì Thường trực HĐND tỉnh tiếp tục đưa vào phiên giải trình hoặc đưa vào chương trình nội dung kỳ họp thường lệ của HĐND để thảo luận, để chất vấn làm rõ trách nhiệm. Các hoạt động này được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng; coi đây là một “kênh” để cử tri và Nhân dân giám sát các sở, ngành thực hiện các kiến nghị của HĐND tỉnh.