Bản Phà Xắc, xã Huồi Tụ cách trung tâm xã không xa, song lại có địa hình khá quanh co, núi cao, suối sâu và thời tiết hầu như quanh năm có sương mù, lạnh. Đến bản Phà Xắc, hình ảnh quen thuộc là các bà, các chị em ngồi thêu thùa, may vá trước hiên nhà. Thêu thổ cẩm là nghề truyền thống của phụ nữ bản Phà Xắc nói riêng, của đồng bào các dân tộc ở huyện Kỳ Sơn nói chung. Chị Vừ Y Ma – Tổ trưởng Tổ hợp tác thêu ren bản Phà Xắc cho biết, nhiều năm về trước, việc dệt, thêu thổ cẩm chỉ nhằm phục vụ nhu cầu của bản thân và gia đình, tuy nhiên, ngày nay, thêu thổ cẩm đã trở thành nghề cho thu nhập khá của chị em nơi đây.
Chị Lầu Y No, thành viên tổ hợp tác cho biết, tranh thủ thời gian nông nhàn, hoặc những ngày thời tiết mưa lạnh không đi rừng được thì chị em thêu thùa, may vá. Trên chất liệu vải bông, vải tơ tằm, vải lanh, những hoa văn truyền thống của người Mông được thêu hoàn toàn thủ công. Mỗi chi tiết nhỏ trên bộ váy áo phụ nữ người Mông có thể phải cần đến một buổi, phức tạp hơn có khi mất cả ngày mới làm xong. Song bù lại, sau khoảng 3-4 tuần, sản phẩm làm ra mang lại thu nhập từ 2-3 triệu đồng cho mỗi người. “Đối với chị em, đây là nguồn thu nhập khá cao, có thể đảm bảo được đời sống cho gia đình và có chút tích cóp, cũng là sự khích lệ để chị em cố gắng hơn trong phát triển kinh tế cũng như giữ gìn nghề truyền thống” – chị Lầu Y No bộc bạch.
Không chỉ phụ nữ đồng bào Mông mà phụ nữ các dân tộc khác như Thái, Khơ mú ở Kỳ Sơn cũng đang phát huy tích cực lợi thế đặc biệt riêng có của mình, ấy là nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Khắp các bản làng, từ các tổ dệt thổ cẩm, nhiều nơi đã hình thành làng nghề thổ cẩm, thậm chí được nâng cấp thành hợp tác xã, giúp sản phẩm thổ cẩm từ đôi bàn tay khéo léo của phụ nữ các dân tộc ở vùng cao Kỳ Sơn vươn ra thị trường trong tỉnh, trong nước và nước ngoài (Lào, Thái Lan…).
Những làng nghề thổ cẩm tiêu biểu ở huyện Kỳ Sơn có thể kể đến Làng nghề bản Na, xã Hữu Lập; Làng nghề Yên Hòa, xã Mỹ Lý; Hợp tác xã Sản xuất và Dịch vụ Hoa Ban Xanh ở bản Cầu Tám, xã Tà Cạ… Chị Vũ Thị Huyền – Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Kỳ Sơn cho biết, Hợp tác xã Sản xuất và Dịch vụ Hoa Ban Xanh ra đời nhằm phát huy tiềm năng của nghề dệt thổ cẩm, giúp bà con tiêu thụ sản phẩm, đưa dệt thổ cẩm thành sản phẩm hàng hóa giá trị cao. Sản phẩm thổ cẩm được bán chủ yếu trong cộng đồng dân tộc Thái và Mông ở các huyện: Tương Dương, Con Cuông, Quỳ Châu, Quế Phong. Chỉ tính riêng các sản phẩm do người Thái ở bản Na và Xốp Thập làm ra, được người tiêu dùng ưa chuộng nhất, mỗi tháng đơn đặt hàng khoảng 250 sản phẩm.
Bên cạnh đó, hợp tác xã đóng vai trò cầu nối, đưa sản phẩm thổ cẩm đến gần hơn với người tiêu dùng trong và ngoài nước. Qua kết nối tiêu thụ cho thấy, thổ cẩm của người Mông và người Thái ở huyện Kỳ Sơn là mặt hàng ưa chuộng ở thị trường Lào, Thái Lan. Vì thế, sau khi kết nối mạnh với các thị trường này, mỗi tháng chị em ở huyện Kỳ Sơn cung cấp sang thị trường Lào khoảng 1.000 sản phẩm thổ cẩm. Từ khi Hợp tác xã đi vào hoạt động đã sản xuất thêm những sản phẩm thổ cẩm thiết kế ứng dụng như: Khăn quàng, túi, ví, tranh thêu… để cung cấp cho các điểm du lịch và những người yêu thích sản phẩm độc đáo, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Đồng thời, không ít sản phẩm được làm theo đơn đặt hàng, như: Thêu, dệt các dòng chữ lên sản phẩm cho khách hàng…, giúp mang lại thu nhập cho hội viên từ 1,5 – 4 triệu đồng/tháng.
Cùng với hoạt động kết nối của hợp tác xã giúp tiêu thụ sản phẩm cho các tổ dệt, làng nghề dệt thổ cẩm, chị em ở các bản làng cũng năng động mở rộng nhiều “kênh” bán hàng khác để tăng hiệu quả kinh tế cho nghề truyền thống. Nhiều tấm gương như chị Kha Thị Miền – Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Na Loi xây dựng mô hình Hỗ trợ phụ nữ tiêu thụ các sản phẩm thổ cẩm sang Lào; mô hình Dệt hàng thổ cẩm của chị Kha Thị Mằn ở bản Kẹo Lực 3, xã Phà Đánh cho thu nhập bình quân 30 triệu đồng/năm… Sự khởi sắc trong nghề dệt thổ cẩm ở Kỳ Sơn đang góp phần tích cực giúp chị em dần nâng cao đời sống, từng bước giảm nghèo, thoát nghèo.
Không chỉ phát huy nghề truyền thống, cùng với sự hỗ trợ, hướng dẫn của các cấp hội, phụ nữ vùng biên ở Kỳ Sơn còn mạnh dạn, nhanh nhạy trong nắm bắt xu hướng thị trường để lựa chọn hướng phát triển kinh tế cho riêng mình. Điển hình là chị Lầu Y Mái, sinh năm 1994 tại mảnh đất Mường Lống. Tốt nghiệp lớp 12, chị Lầu Y Mái lấy chồng, sinh con. Song, không bằng lòng với cuộc sống quanh quẩn góc nhà, lầm lũi nương rẫy như những phụ nữ người Mông khác, Y Mái đã đăng ký lớp học nghề làm đẹp tại Trung tâm Dạy nghề của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh. Vượt qua những rào cản của gia đình và biết bao định kiến lạc hậu về sự an phận của người phụ nữ, sau khi hoàn thành khóa học, chị Y Mái xin ở lại học tiếp 2 tháng để nâng cao tay nghề. Sau đó, chị còn vay vốn để tham gia khóa học đào tạo ở Hà Nội về chăm sóc sắc đẹp.
Trở về Kỳ Sơn, Y Mái vay vốn 100 triệu đồng mở tiệm chăm sóc, làm đẹp tại thị trấn Mường Xén. Vừa làm, vừa học thêm nhiều khoá đào tạo làm đẹp khác, đến nay, cơ sở dịch vụ làm đẹp của chị Y Mái cho thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi tháng, tích góp mua sắm được trang thiết bị hàng trăm triệu đồng và đầu tư hơn 1,5 tỷ đồng xây dựng lại cơ sở kinh doanh. Từ thành công của mình, Y Mái phối hợp với Hội Phụ nữ thị trấn, Hội Phụ nữ huyện Kỳ Sơn nhận đào tạo nghề chăm sóc sắc đẹp cho 19 chị em là con em gia đình khó khăn trên địa bàn huyện. Trong đó, đã có 4 em tự mở tiệm riêng, mỗi tháng cho thu nhập trung bình 5 triệu đồng.
Chị Vũ Thị Huyền – Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Kỳ Sơn cho biết, không chỉ Lầu Y Mái mà ở khắp các bản làng ngày nay đã có nhiều chị em tự tin nắm bắt xu hướng thị trường để phát triển kinh tế. Họ không chỉ thoát nghèo mà đang từng bước vươn lên khá, giàu, thu nhập hàng chục, hàng trăm triệu đồng/năm như Lỳ Y Dìa ở xã Mường Lống đầu tư nuôi gà đen bản địa phục vụ du lịch cộng đồng; Lương Thị Nga ở bản Na Lượng 2, xã Hữu Kiệm chăn nuôi lợn đen cho thu nhập trên 40 triệu đồng/năm; Lầu Y Pà ở bản Huồi Viêng, xã Đoọc Mạy đầu tư chăn nuôi trâu, bò bản địa số lượng 34 con, trồng 7ha cây bo bo cho tổng thu nhập 100 triệu đồng/năm…