Gieo chữ ở miền khó – Bài 2: Vượt qua nghịch cảnh

Tới Trường Mầm non Châu Tiến (Quỳ Châu), nghe hiệu trưởng thống kê những thành tích của cô Phan Thị Quỳnh (32 tuổi), không nhiều người nghĩ, chỉ cách đây ít năm, nữ giáo viên này đã tưởng chừng gục ngã sau mất mát quá lớn. Cô Quỳnh chính là vợ của liệt sĩ Sầm Quốc Nghĩa, cán bộ Công an huyện Quế Phong hy sinh khi làm nhiệm vụ vào tháng 3/2020.

Cô giáo Phan Thị Quỳnh.
Cô giáo Phan Thị Quỳnh.

Yêu thích nghề giáo viên từ nhỏ, năm 2012, sau khi tốt nghiệp, cô Quỳnh được phân về dạy tại Trường Mầm non Châu Thuận, một trong những xã vùng khó, cách trung tâm huyện gần 30km. Năm 2018, sau khi kết hôn không lâu, cô được chuyển về Trường Mầm non Châu Tiến. Chồng cô Quỳnh chính là niềm tự hào của cả gia đình, là một trong những trinh sát ma túy giỏi nhất của Công an huyện Quế Phong. Tuy nhiên, vì đặc thù công việc thường xuyên phải xa nhà, thời gian dành cho gia đình cũng chẳng có nhiều.
Tháng 3/2020, trong một lần đánh án, Đại úy Sầm Quốc Nghĩa không may bị những kẻ buôn bán ma túy chống trả quyết liệt, khiến anh phải hy sinh. “Đó là một cú sốc quá lớn đối với tôi. Lúc đó, ngay cả bản thân tôi cũng không nghĩ mình có thể gượng dậy được”, cô Quỳnh kể về những tháng ngày sau mất mát. Tuy nhiên, nhờ sự động viên của mọi người và cả nghị lực của bản thân, nữ giáo viên đã không cho phép mình gục ngã. Sau đám tang chồng không lâu, cô nén nỗi đau, tiếp tục tận tâm với công việc. Thậm chí, chỉ vài tháng sau biến cố gia đình đó, cô Quỳnh còn tham gia thi giáo viên dạy giỏi cấp huyện và đạt giải.
“Nỗi đau đó quá lớn, trong suốt thời gian dài, nhiều đêm về chỉ ôm con khóc. Nhưng khi tới trường, tôi phải cố nén tất cả, để làm tốt công việc của mình. Tôi không muốn phụ lòng người chồng đã ngã xuống vì sự nghiệp bình yên cho Tổ quốc”, cô Quỳnh kể thêm.

Cô Quỳnh đã được niềm vui trong công việc, bên đồng nghiệp, bên những cô bé, cậu bé học trò.
Cô Quỳnh đã được niềm vui trong công việc, bên đồng nghiệp, bên những cô bé, cậu bé học trò.

Lập gia đình không lâu thì chồng hy sinh, vợ chồng vì thế chưa kịp tiết kiệm được tiền để dựng căn nhà riêng. Cũng may, gần đây bố mẹ Quỳnh cho mượn chút tiền để mẹ con cô mua nhà. Căn nhà cô Quỳnh chọn mua nằm gần với trụ sở Công an huyện Quế Phong. “Lý do tôi chọn căn nhà đó là vì nó gần với đơn vị, để đồng đội của anh ấy có thể thường xuyên đến thắp hương. Anh ấy chính là niềm tự hào, tôi cũng muốn con gái duy nhất sau này sẽ được nối nghiệp bố, làm một chiến sĩ công an”, cô Quỳnh nói.

Chuyển về nhà mới, cách xa ngôi trường cũ nên hiện nay mỗi sáng cô Quỳnh phải thức dậy sớm, gửi con gái đến trường ở thị trấn Kim Sơn để kịp vượt 15km tới Trường Mầm non Châu Tiến làm việc. Dù vất vả là thế, kể cả mỗi khi mưa gió, cô Quỳnh chưa bao giờ đến trễ. Hiệu trưởng Trường Mầm non Châu Tiến cho biết, ở trường cô Quỳnh luôn tận tình, chu toàn mọi việc. Dù nhà xa, nhưng cô thường xuyên đến sớm, trang trí lớp học đẹp mắt, tạo sự yêu thích cho trẻ mỗi khi đến trường. Hơn nữa, cô Quỳnh còn tận tâm trong từng việc dù là nhỏ nhất, được các học sinh ở trường xem như người mẹ thứ hai của mình”.

Tìm được niềm vui trong công việc, bên đồng nghiệp, bên những cô bé, cậu bé học trò, cô giáo Phan Thị Quỳnh cũng đang tìm lại nghị lực cho chính bản thân mình. Càng trân trọng hơn, bởi 3 năm qua, dù hoàn cảnh riêng gặp nhiều biến cố nhưng việc nhà, việc nước cô vẫn chu toàn. Năm 2022, cô vinh dự được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An vì “Đã có thành tích xuất sắc trong công tác từ năm học 2020 – 2021 đến năm học 2021 -2022”. Ngoài ra, cô Quỳnh còn là Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở 2 năm liên tục, đạt danh hiệu phong trào thi đua Giỏi việc nước đảm việc nhà và nhiều Giấy khen khác. Tháng 11/2023 này, cô là gương mặt tiêu biểu của huyện Quỳ Châu được vinh danh Nữ giáo viên tiêu biểu vượt khó cấp tỉnh.

Cô luôn biết cách tạo sự yêu thích cho trẻ mỗi khi đến trường.
Cô luôn biết cách tạo sự yêu thích cho trẻ mỗi khi đến trường.

Năm 2015, vì hoàn cảnh gia đình, cô Vi Thị Hằng (sinh năm 1991) phải rời bỏ công việc là giáo viên tại một trường mầm non tại thành phố Hồ Chí Minh để về quê (huyện miền núi Tương Dương). Lúc này, bố đẻ của cô Hằng vừa bị tai biến mạch máu não và liệt 1 tay, 1 chân; bà nội thì đã rất già yếu; 2 mẹ con sống nương tựa lẫn nhau… cô Hằng trở về với ý nguyện tiếp tục thi tuyển làm giáo viên mầm non tại quê để tiện bề chăm sóc, đỡ đần bà và bố.

Ý nguyện của cô Vi Thị Hằng đã phần nào đạt được khi cô trúng tuyển. Tuy nhiên, cô Hằng lại được phân công về dạy tại Trường Mầm non xã Hữu Khuông – xã đặc biệt khó khăn của huyện Tương Dương. Con đường về nhà của cô đã được rút ngắn rất nhiều so với trước đây, song con đường đến trường lại đầy gian nan vất vả với nhiều thử thách mới.

Cô giáo Vi Thị Hằng.
Cô giáo Vi Thị Hằng.

Xã Hữu Khuông nằm trong khu vực lòng hồ thuỷ điện Bản Vẽ và được ví von như một “ốc đảo”. Để đi từ nhà của cô Hằng ở thị trấn Thạch Giám vào xã Hữu Khuông là một hành trình nhọc nhằn vô cùng, mất cả ngày đường, với nhiều chặng lên xe, xuống thuyền, đi bộ leo dốc…

Thời điểm cô Hằng vào công tác tại trường, xã Hữu Khuông là xã “nhiều không” vì không điện, không chợ, không đường xe máy và lương thực, nước sạch rất thiếu thốn. Ngay cả trường mầm non xã cũng rất tạm bợ. Sau mỗi đợt mưa lũ, các cô giáo phải mất nhiều thời gian dọn dẹp bùn đất, gia cố lại bàn ghế… Vì điều kiện sống, trình độ dân trí của người dân không cao nên việc chăm sóc con trẻ cũng thường được các phụ huynh “khoán trắng” cho nhà trường. Ở một môi trường mới đầy lạ lẫm và khó khăn, ngày mới về, cô giáo Vi Thị Hằng từng mong muốn bản thân được học hỏi nhiều từ các đồng nghiệp đi trước. Nhưng “điểm tựa” đã không còn bởi không mấy ai vào Hữu Khuông mà kiên trì cắm bản, cắm trường. Việc học tập sau này chủ yếu là qua tài liệu, hỏi các giáo viên đi trước ở huyện. Tranh thủ những ngày cuối tuần được về nhà, cô lại đăng ký theo học lớp đại học tại chức (học thứ 7, Chủ nhật hàng tuần) nhằm nâng cao kỹ năng, trình độ nghiệp vụ.

Với sự cầu thị, cố gắng vươn lên, cô giáo Hằng đã nhanh chóng trở thành một giáo viên cốt cán ở trường, đạt nhiều thành tích nổi bật như giáo viên dạy giỏi cấp huyện, chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. Trong 2 năm 2017 và 2018, cô Hằng đạt 2 giải cuộc thi “Elearning giáo án điện tử” cấp huyện. Cô giáo Vi Thị Hằng kể: “Việc sử dụng giáo án điện tử trong giảng dạy sẽ giúp cho trẻ hứng thú với việc học hơn; giúp cho giáo viên đỡ mất thời gian chuẩn bị đồ dùng, giáo cụ. Ở trường, em đã sử dụng máy tính kết nối với ti vi (mượn của người dân) để giảng dạy cho trẻ”.

Sự ham học hỏi, trách nhiệm với nghề vẫn được cô Hằng bồi đắp cho đến bây giờ. Ngay cả hiện tại, dù đã chuyển công tác về Trường Mầm non xã Lượng Minh, cô giáo Hằng vẫn thể hiện được phẩm chất “giỏi việc trường, đảm việc nhà” của mình. Trong công việc, cô luôn tâm huyết với nghề; tận tuỵ, trách nhiệm và luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, cô giáo Hằng luôn làm việc một cách chủ động, khoa học; xác định rõ các phần việc để ưu tiên thực hiện… Với những vấn đề khó, chưa hiểu rõ thì cô giáo Hằng không “giấu dốt” mà thẳng thắn trao đổi, xin ý kiến góp ý từ ban giám hiệu nhà trường để thực hiện, cũng như hoàn thiện bản thân. Năm học 2022-2023, cô đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh.

Cô giáo Ngô Thị Thuý Hằng – Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Lượng Minh cho biết: Cô giáo Hằng rất yêu nghề, mến trẻ; năng nổ, nhiệt tình, trách nhiệm, linh hoạt và sáng tạo trong công tác. Ví dụ như cô đã ứng dụng công nghệ thông tin để thiết kế các trò chơi trên máy tính giúp học sinh làm quen, thao tác máy tính; sáng tạo các đồ chơi mới để dạy học sinh hiệu quả cao hơn. Đặc biệt, với vai trò Chủ tịch Công đoàn trường. Cô giáo Hằng đã nhanh chóng phát huy tốt vai trò, nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi hợp pháp chính đáng của đoàn viên; tham mưu cho nhà trường tổ chức các hoạt động có ý nghĩa như vận động đoàn viên nhặt đá cuội để ghép và vẽ tranh đá bán, thu được trên 7 triệu đồng để làm quà ủng hộ học sinh nghèo trong xã…

Là tấm gương sáng về tinh thần, ý chí vươn lên, cô giáo Vi Thị Hằng đã được Liên đoàn Lao động huyện Tương Dương chọn tham dự biểu dương Nữ giáo viên tiêu biểu vượt khó năm 2023.

Nói về tâm nguyện của bản thân, cô giáo Vi Thị Hằng chia sẻ: Tôi lớn lên trong hoàn cảnh thiếu hụt tình thương. Bố và mẹ chia tay nhau khi tôi mới tròn 2 tuổi. Tôi được ông bà nội nuôi dưỡng. Bây giờ đã là người mẹ, là một người giáo viên, tôi chỉ mong muốn rằng, không có ai phải bị thiếu hụt tình thương cả. Chính vì vậy, tâm nguyện của tôi là phải phấn đấu, cố gắng hơn nữa để làm tốt chức trách, nhiệm vụ của mình, bồi đắp thêm tình yêu thương cho các con, cho các học trò.