Định vị “Du lịch Nghệ An” – Bài 1: Du lịch biển và sức cạnh tranh

Nói về du lịch biển Nghệ An trước hết phải nói đến du lịch biển Cửa Lò; sau đó mới tới các bãi biển như biển Quỳnh (Quỳnh Lưu), Bãi Lữ (Nghi Lộc), Diễn Thành (Diễn Châu)… Cửa Lò luôn là một điểm đến luôn được du khách quan tâm cao trong mùa cao điểm du lịch hè khi chọn Nghệ An nói riêng và khu vực Bắc Trung Bộ nói chung.

Với tiềm năng lợi thế bãi biển đẹp, các địa danh du lịch lịch sử quan trọng, cùng với định hướng phát triển theo Nghị quyết số 26-NQ/TW năm 2013 của Bộ Chính trị, TX. Cửa Lò cùng với TP. Vinh đã được xác định là vùng kinh tế nằm trong chiến lược 3 vùng kinh tế trọng điểm của Nghệ An đến năm 2030. Trong đó dịch vụ và du lịch là một ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Nằm trong vùng trọng điểm, Cửa Lò được xác định chức năng là “cực tăng trưởng”, tức là phải phát triển thành đô thị du lịch biển có sức hút mạnh mẽ, tạo sức lan tỏa trong phát triển kinh tế – xã hội cho các vùng lân cận.

Những năm qua, thị xã Cửa Lò đã triển khai nhiều giải pháp trong thu hút đầu tư, xây dựng, nâng cấp, mở rộng, quy hoạch lại hệ thống đường dạo bộ, khuôn viên xanh… Đặc biệt gần đây là “cuộc cách mạng” di dời toàn bộ hệ thống ki ốt dọc bãi biển để trả lại mặt bằng sạch, đẹp cho biển Cửa Lò với mong muốn thu hút nhà đầu tư tạo cảnh quan mới, hấp dẫn, hướng mục tiêu phát triển du lịch 4 mùa.
Không thể phủ nhận sự vào cuộc chỉ đạo, sự tâm huyết của lãnh đạo thị xã và sự đồng thuận của nhân dân Cửa Lò trong quy hoạch lại phố biển này để có thể tương xứng với tiềm năng du lịch vốn có. Thế nhưng Cửa Lò hiện vẫn chỉ thu hút khách vào 3 tháng hè. Và có thể nói, đến với Cửa Lò, du khách vẫn chưa cảm nhận rõ rệt được sự sung mãn sức vươn của một phố biển du lịch trẻ trung, xinh đẹp, có vị trí nhất định trên bản đồ du lịch Việt Nam cả với một số thị trường du khách nước ngoài.

Sau khi được giải tỏa, bãi biển Cửa Lò bây giờ trở nên thoáng đãng hơn. Ảnh: Đình Tuyên
Sau khi được giải tỏa, bãi biển Cửa Lò bây giờ trở nên thoáng đãng hơn. Ảnh: Đình Tuyên

Trong một cuộc trao đổi (bên lề) quanh vấn đề du lịch Cửa Lò, chúng tôi không khỏi có sự ngẫm ngợi về ý kiến của ông Mai Đức Hoàn – Phó Chủ tịch một tập đoàn bất động sản lớn của cả nước có trụ sở tại thành phố Hồ Chí Minh. Ông kể: “Tôi sinh ra và lớn lên ở huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Người dân tỉnh Thanh Hóa quê tôi xưa kia cũng làm du lịch biển, tiêu biểu là Sầm Sơn. Song phải nói rằng, những năm 2000 trở về trước du lịch biển Sầm Sơn rất “nhỏ bé” khi so sánh với Cửa Lò. Hè năm 1999, tôi vào thi ở Trường Đại học Vinh; thi xong là chạy ù xuống Cửa Lò để tắm biển, thăm chợ điện tử để thỏa lòng ao ước một lần đến. Trước và ngay sau đại dịch Covid-19, tôi đã vài lần tìm về Cửa Lò. Trước là để tắm biển, nghỉ dưỡng, sau là tìm kiếm cơ hội đầu tư. Một điều tôi nhận thấy: So với trước kia Cửa Lò không có quá nhiều thay đổi. Tốc độ phát triển của đô thị biển này có phần chậm so với các đô thị biển khác trong cả nước, đặc biệt là ở các tỉnh phía Nam. Và so với Sầm Sơn thì Cửa Lò cũng đã “chững lại” về hạ tầng và sự tăng trưởng lượng du khách. Năm trước, tôi đã làm việc cùng lãnh đạo thị xã Cửa Lò và có trao đổi cùng các anh, chị ở đây về vấn đề này; trong đó tôi có đề cập đến cơ sở hạ tầng…”.

Bình minh Cửa Lò. Ảnh: Cảnh Hùng
Bình minh Cửa Lò. Ảnh: Cảnh Hùng

Khi chúng tôi trao đổi lại rằng, những thay đổi trong hệ thống hạ tầng (gồm từ khâu quy hoạch) của Cửa Lò là để hướng tới một chiến lược phát triển mới có tính bứt phá, câu chuyện dẫn sang du lịch biển Sầm Sơn của Thanh Hóa.

Một vài ý kiến tỏ ý khen: Từ điểm tắm biển tầm “làng chài ven biển”, Sầm Sơn hôm nay đã “bước” khá nhanh trở thành đô thị du lịch thông minh, làm du lịch 4 mùa. Nhà báo Nguyễn Chung – phóng viên Báo Đại Đoàn kết, thường trú tỉnh Thanh Hóa có sự so sánh, nêu quan điểm: Dăm bảy năm trước, lượng khách về Sầm Sơn và Cửa Lò là xấp xỉ nhau. 5 năm trở lại đây, du lịch Sầm Sơn đã vượt lên hẳn, đặc biệt là ở mùa du lịch biển năm 2023 (8 tháng đầu năm đón 8,5 triệu khách). Có 3 yếu tố khiến Sầm Sơn vượt trội: Thứ nhất, giao thông từ Hà Nội về Thanh Hóa rất thuận lợi. Thứ hai, cách thức làm du lịch ở Sầm Sơn đã thay đổi, rất rõ trong việc không còn chặt chém, giá cả minh bạch, du khách được đặt ở vị trí người lựa chọn và làm chủ dịch vụ; chất lượng dịch vụ được nâng lên; nhiều sản phẩm du lịch mới như lễ hội Tình yêu – hòn Trống Mái, Lễ hội Ánh sáng; Lễ hội Carnival đường phố… Thứ ba, nhờ sự đầu tư của các nhà đầu tư lớn mà Sầm Sơn đã có những khu nghỉ dưỡng đẳng cấp, dần trở thành đô thị biển hiện đại… Chính sự mời gọi, thu hút được nhiều “đại bàng” về đầu tư, Sầm Sơn đã đáp ứng đầy đủ nhu cầu của du khách trong nước và quốc tế và thoát khỏi khái niệm “mùa tắm biển Sầm Sơn ”.

Có ý kiến nêu: Trong khu vực các tỉnh Bắc Trung Bộ, cùng những chuyển biến nhất định của du lịch biển Nghệ An, Thanh Hóa, thì du lịch biển Hà Tĩnh cũng đang có sự bứt tốc đáng nói. Tổng lượng khách về với du lịch biển Hà Tĩnh trong 8 tháng đầu năm 2023 ước đạt 1,8 triệu lượt (tổng lượng du khách về với Hà Tĩnh trong năm 2022 là 1,6 triệu lượt)… Các khu du lịch biển Hà Tĩnh hiện đang thu hút được khá nhiều nhà đầu tư mạnh vào đầu tư.

Trước sự phát triển của du lịch biển các tỉnh trong khu vực, đương nhiên du lịch biển Nghệ An phải đặt mình trong thế cạnh tranh không kém phần khốc liệt để phát triển. Nhằm khẳng định xuyên suốt mục tiêu trở thành sản phẩm hấp dẫn và thu hút mạnh mẽ du khách, du lịch biển Nghệ An cần phải sớm có chiến lược, chiến thuật hiệu quả hơn với nhiều đổi mới trong cách nghĩ, cách làm.

Trao đổi về câu chuyện phát triển du lịch biển, ông Hoàng Văn Phúc – Phó Chủ tịch UBND thị xã Cửa Lò, cho hay: Sau đỉnh điểm dịch Covid-19, du lịch biển Nghệ An vẫn thu hút được một lượng lớn du khách và có sự tăng dần qua các năm. Năm 2023 này, Cửa Lò đã có sự chủ động trong công tác tuyên truyền quảng bá và tổ chức các chuỗi hoạt động. Thị xã cũng đã xây dựng được nhiều tuyến đường, điện và 150 nhà hàng cao cấp cùng nhiều điểm check-in mới. Vì vậy lượng khách về với Cửa Lò thời gian qua là nhiều hơn kỳ vọng và dự kiến sẽ vượt so với kế hoạch, chỉ tiêu đề ra (năm 2023, Cửa Lò đặt mục tiêu phấn đấu đạt 3,4 triệu khách).

Những con số thống kê cho thấy du khách về Cửa Lò nói riêng và biển Nghệ An không giảm đi mà còn tăng hơn. Song không thể phủ nhận, khách về với biển Nghệ An có tăng, nhưng là tăng không đáng kể nếu có sự đối chứng với tình hình tăng trưởng chung…

Biển Hoàng Mai (TX. Hoàng Mai) và Bãi Lữ (Nghi Lộc ). Ảnh: Cảnh Hùng
Biển Hoàng Mai (TX. Hoàng Mai) và Bãi Lữ (Nghi Lộc ). Ảnh: Cảnh Hùng

Nói về điều này, ông Nguyễn Mạnh Lợi – Phó Giám đốc Sở Du lịch Nghệ An cho biết: Du lịch biển Nghệ An mang tính thời vụ cao, thời gian hoạt động kinh doanh du lịch biển mỗi năm 3 – 4 tháng vào mùa Hè; đang thiếu các nhà đầu tư có chiến lược, kinh nghiệm, tiềm lực tài chính mạnh để đầu tư các dự án lớn mang tính động lực, tạo ra sản phẩm đặc sắc có tính dẫn dắt thị trường về du lịch biển, đảo; thiếu các dịch vụ vui chơi giải trí dọc các bãi biển và trên biển để thu hút khách du lịch.

Ngoài ra (cũng theo trao đổi của ông Lợi) còn có rất nhiều tồn tại khác, đơn cử với Cửa Lò đó là hạn chế trong cung ứng các dịch vụ phục vụ khách, nhất là cảnh quan, khu tắm nước ngọt. Trong công tác quản lý nhà nước về du lịch còn vẫn có thiếu sót khi còn tình trạng hàng rong, ăn xin. Việc quản lý giá một số thời điểm đông khách chưa được tốt. Cửa Lò cũng còn thiếu các điểm vui chơi giải trí đẳng cấp. Hệ thống nhà hàng khách sạn 4 sao, 5 sao chưa nhiều để đón khách chất lượng cao, khách quốc tế…

Thời gian qua, theo dõi các diễn đàn về du lịch, tham khảo ý kiến một nhà quản lý và chuyên gia du lịch, chúng tôi nhận thấy một số quan điểm chung: Để du lịch Nghệ An phát huy đúng tiềm năng, từng bước “đưa” các điều kiện phát triển ngành kinh tế dịch vụ đặc thù vào, nhằm cho du lịch biển thu hút mạnh mẽ du khách, nâng tầm thương hiệu hướng tới du lịch 4 mùa, thì cần xây dựng đa dạng các dịch vụ phụ trợ vào mùa thấp điểm; tăng cường sự liên kết với các điểm du lịch trong tỉnh và trong vùng; đa dạng hóa sản phẩm du lịch (như du lịch MICE, du lịch golf, du lịch sinh thái…); xây dựng các sản phẩm đặc trưng của địa phương, mang bản sắc riêng; đẩy mạnh hơn công tác quảng bá xúc tiến; tổ chức các chương trình kích cầu du lịch (giảm giá, khuyến mại…); tăng cường đào tạo cho người kinh doanh dịch vụ du lịch về văn minh, ứng xử văn hóa; đặc biệt là phải thu hút bằng được các “đại bàng” vào đầu tư để có sản phẩm du lịch đẳng cấp.

Ngày hội Khinh khí cầu ở Cửa Lò. Ảnh: Đức Anh
Ngày hội Khinh khí cầu ở Cửa Lò. Ảnh: Đức Anh