Chanh leo một thời là cây sinh kế được kỳ vọng đem lại sự đổi đời cho người dân miền núi Nghệ An. Thời điểm những năm 2016-2017, lên với huyện vùng cao Quế Phong, chỉ nghe đồng bào Mông bàn chuyện phát triển cây chanh leo. Người ta gọi đó là thời điểm vàng son của cây thoát nghèo này. Theo tính toán của bà con, thời điểm “hoàng kim” của cây chanh leo, chi phí đầu tư cho 1ha bao gồm giống, trụ dây làm giàn, phân bón… khoảng 120 triệu đồng; chu kỳ sinh trưởng khoảng 4-5 năm. Trừ năm đầu, còn các năm sau năng suất có thể đạt từ 40-50 tấn/ha, đem lại thu nhập 200 – 400 triệu đồng/ha/năm.
Cây chanh leo, vì thế, đã trở thành một trong những sản phẩm tiêu biểu của Quế Phong; hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với trồng lúa rẫy, trồng sắn, trồng keo.
Ấy thế nhưng, hiện loài cây này đang “chết yểu”. Tại xã biên giới Tri Lễ nơi được coi là “ thủ phủ” của chanh leo, từ chỗ diện tích trồng chanh leo lên tới hàng trăm ha, nay chỉ còn khoảng 5ha. Lãnh đạo xã Tri Lễ cho hay: Vài năm nay, người dân đua nhau phá bỏ cây chanh leo, hoặc để tàn lụi không chăm sóc, bởi trên cây chanh leo xuất hiện sâu bệnh nhiều, không hiệu quả kinh tế và giá thu mua cũng giảm.
Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Quế Phong – ông Phan Trọng Dũng: Để giúp bà con vùng trồng chanh leo nguyên liệu, Ban Thường vụ Huyện ủy Quế Phong đã ra Nghị quyết số 08-NQ/HU về phát triển cây chanh leo giai đoạn 2013 – 2020. Đỉnh điểm diện tích cây chanh leo trên địa bàn huyện cao nhất vào năm 2017 – 2018 thực hiện được 400 ha. Đến năm 2020, trên thân cây chanh leo xảy ra bệnh nấm trên diện rộng, dẫn đến cây phát triển kém, năng suất thấp… Vì thế mà bà con đã phá bỏ nhiều diện tích. Hiện nay, cả huyện chỉ còn chưa đến 100ha, nằm rải rác ở các thôn bản của đồng bào Mông.
Lý giải diện tích giảm đến chóng mặt, ông Dũng cho biết: Đây là cây “khó tính”, trồng trên một loại đất kéo dài nhiều năm sẽ bị nhiễm nấm. Mặt khác, khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, thị trường xuất khẩu gặp khó khăn nên giá chanh leo giảm sâu. Trong khi đó, người dân không nhận được chính sách hỗ trợ phát triển cây chanh leo và phía doanh nghiệp là Công ty CP chanh leo Nafoods không trồng chanh leo thương phẩm nữa, mà chỉ sản xuất cây giống nên bà con từ bỏ dần.
Trên địa bàn các huyện Con Cuông, Quỳ Hợp, cây cam cũng từng là cây làm giàu cho người dân. Theo phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Quỳ Hợp: Thời kỳ vàng son, diện tích cam của huyện phát triển rất nhanh, từ 400ha đến năm 2011, đến năm 2018, 2019 đã lên đến gần 2.800ha, chiếm 50% tổng diện tích cam cả tỉnh và trở thành cây trồng chủ lực của huyện, với năng suất bình quân từ 25 – 30 tấn quả/ha, sản lượng đạt xấp xỉ 70.000 tấn quả/năm. Nhiều hộ dân thu nhập hàng tỷ đồng nhờ cam. Thế nhưng, nhiều vườn cam nức tiếng một thời nay tàn lụi một cách chua xót. Nhiều gia đình có tới 3 – 4 ha cam, nay chỉ còn lại chưa đến 1ha vì sâu bệnh, không cách gì cứu chữa. Chính quyền huyện Quỳ Hợp cho biết, hiện diện tích cam chỉ còn lại khoảng 1/3 so với diện tích của những năm trước đó…
Tại huyện Con Cuông, những năm 2018, 2019 trở về trước, toàn huyện có gần 500ha cam, nhiều hộ gia đình khấm khá nhờ nguồn thu nhập từ loài cây này, nhưng những năm gần đây diện tích trồng cam trên địa bàn huyện cũng giảm chỉ còn 275 ha. Ông Trần Thanh Bình – Chủ tịch UBND xã Yên Khê (huyện Con Cuông) cho biết: Vài năm trở lại đây, cây cam bị nhiễm bệnh vàng lá, thối rễ, rụng quả, cây xơ xác, không còn khả năng khôi phục lại được nên người dân đã chặt bỏ gần hết. Thậm chí có những vườn cam mới trồng được 2 – 3 năm cũng bị bệnh phải chặt bỏ luôn để trồng lại cây khác như chè, mía. Hiện diện tích cam trên địa bàn xã Yên Khê mới đạt 135,2ha/KH 200 – 220ha.
Tại Hội thảo đề xuất giải pháp cải tạo, phục hồi và phát triển cây cam trên địa bàn tỉnh diễn ra vào tháng 1/2023, lãnh đạo Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN cho biết: Tính đến tháng 10/2022, diện tích cây cam trên toàn tỉnh (10 huyện, thị trồng cam) khoảng hơn 2.700 ha. Tổng diện tích cam suy thoái là 1.624,7 ha, trong đó suy thoái nặng là 345,3 ha. Việc suy thoái cam trên địa bàn tỉnh hiện nay có nguyên nhân lớn từ dịch bệnh. Bên cạnh đó, có một phần nhỏ từ việc giống trồng ban đầu không đảm bảo chất lượng, một phần giống bị suy thoái; người trồng cam chưa có nhiều kiến thức về kỹ thuật trồng và chăm sóc; môi trường trồng cam có sự biến đổi…
Mới đây nhất, tại huyện Tương Dương mặc dù cây thanh long ruột đỏ đã được huyện quan tâm chỉ đạo áp dụng quy trình sản xuất theo chuẩn VietGAP và xây dựng là sản phẩm OCOP đạt 3 sao cấp tỉnh, thế nhưng theo bà Kha Thị Hiền – Chủ tịch UBND xã Tam Quang, thì vẫn thiếu tính bền vững. Trước đây xã có khoảng 7,1ha thanh long cho thu nhập cao, nhưng nay đã có 4,5ha phải phá bỏ do bị sâu bệnh không thể khắc phục. Hiện huyện đã cấp kinh phí và xã đang triển khai hỗ trợ người dân trồng lại số diện tích đã hư hỏng.
Bên cạnh các yếu tố như dịch bệnh, khí hậu, thời tiết, khâu chọn giống và áp dụng KHKT, thì việc thiếu chuỗi liên kết sản phẩm, thiếu đầu ra, giá cả bấp bênh cũng là nguyên nhân khiến các mô hình sinh kế thiếu tính bền vững. Mới đây vụ việc 13 hộ thành viên HTX nông nghiệp Thái Hòa phải đổ bỏ hàng trăm tấn đu đủ chín do doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm dừng thu mua đã thu hút sự quan tâm của dư luận.
Theo hợp đồng cung cấp giống đu đủ và bao tiêu sản phẩm quả đu đủ giữa Công ty cổ phần Chanh leo Nafoods và HTX Nông nghiệp xã Tây Hiếu được ký kết ngày 21/11/2022, đã nêu rõ việc phía Công ty sẽ cung cấp cây giống đu đủ và bao tiêu toàn bộ sản phẩm quả đu đủ. Thế nhưng, đến tháng 7/2023 khi 14ha đu đủ vào vụ thu hoạch lứa đầu, đại diện HTX Nông nghiệp Tây Hiếu đã liên lạc rất nhiều lần với phía công ty để về thu mua, nhưng đến ngày 19/7/2023, phía công ty lại có thông báo chấm dứt hợp đồng kinh tế (về việc cung cấp cây giống đu đủ và bao tiêu sản phẩm quả đu đủ), với lý do là thị trường xuất khẩu hàng hóa chịu tác động tiêu cực từ xung đột của Nga – Ukraine. Mặc dù sau đó, với sự vào cuộc của truyền thông và các cấp chính quyền, sự việc cũng được giải quyết (HTX Nông nghiệp Tây Hiếu đã nhận 3 tỷ đồng hỗ trợ từ Công ty cổ phần Chanh leo Nafoods), nhưng đây vẫn là bài học lớn trong các hợp đồng bao tiêu nông sản.
Những “sự cố” xảy ra giữa người nông dân và doanh nghiệp trong liên kết trồng, bao tiêu sản phẩm nông nghiệp như trên không phải là chuyện hiếm. Câu chuyện thu mua dứa ở các huyện Quỳ Châu, Quỳnh Lưu, hay chanh leo Tri Lễ ở huyện Quế Phong cũng đã xảy ra tình hình tương tự, khi doanh nghiệp không thu mua với giá như đưa ra ban đầu trong hợp đồng mà tự ý giảm giá, gây thua thiệt cho bà con nông dân.
Ông Dương Hoàng Vũ – Chủ tịch UBND huyện Quế Phong cho hay, khó có thể nhân rộng những mô hình sinh kế trước đây đã cho thu nhập cao như chanh leo vì nhiều yếu tố. Trong đó yếu tố kỹ thuật và sự đứt gãy chuỗi sản xuất, thu mua. Vì thế dù năm 2021, huyện đã đồng ý để Công ty cổ phần Chanh leo Nafoods trồng thí điểm cây trồng mới là vùng nguyên liệu đu đủ phục vụ cho sản xuất chế biến xuất khẩu và công ty này đã phối hợp với UBND các xã Nậm Nhoóng, Tri lễ, Mường Nọc và người dân trồng được 8,7ha. Tuy nhiên năm 2022, khi Công ty Nafoods đặt vấn đề về việc mở rộng diện tích khảo nghiệm phục vụ phát triển vùng nguyên liệu đu đủ ở huyện Quế Phong lên 22ha và cam kết “đồng hành và hỗ trợ người dân trong việc chọn giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch và tiêu thụ đầu ra” nhưng chính quyền đã từ chối vì chưa nhận thấy sự chắc chắn của loại cây này.
Tại huyện Kỳ Sơn, cây gừng và trâu, bò cũng được xem là cây, con sinh kế cho người dân tại nhiều địa bàn. Tuy nhiên do giá cả lên xuống thất thường, không có nguồn bao tiêu đầu ra ổn định, đường sá đi lại vận chuyển khó khăn, lao động đi làm ăn xa nhiều nên việc phát triển cũng gặp khó; như tại địa bàn xã Na Ngoi, ông Xồng Bá Dênh – Chủ tịch UBND xã cho hay: Trước đây, tổng đàn trâu bò của xã có tới 4.000 con, hiện chỉ còn tầm hơn 2.000 con; diện tích gừng hiện cũng mới đạt 250 ha/chỉ tiêu 300ha.
Theo ông Nguyễn Hồ Lâm – Phó Chi Cục trưởng Chi cục PTNT Nghệ An: Sở dĩ nhiều mô hình chết yểu hoặc khó nhân rộng là vì, nguồn đầu tư của Nhà nước hàng năm còn thấp. Quy mô đầu tư cho các mô hình còn dàn trải (nguồn vốn trên 1 mô hình còn nhỏ, tối đa 500 triệu đồng/mô hình, mỗi hộ tối đa chỉ được hỗ trợ 15 triệu đồng/hộ); vì vậy, việc liên kết với các doanh nghiệp để tạo ra sản phẩm hàng hóa bền vững còn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, trình độ tiếp thu khoa học, kỹ thuật, tổ chức sản xuất hàng hóa gắn với tiêu thụ sản phẩm của hộ nghèo, hộ cận nghèo và chưa tốt. Nhận thức của người dân về công tác giảm nghèo còn hạn chế, một bộ phận không nhỏ vẫn còn tư tưởng trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, thiếu kiến thức và kinh nghiệm làm ăn để vươn lên thoát nghèo.
Tại một số địa phương, việc thành lập nhóm hộ, tổ hợp tác… để hỗ trợ phát triển sản xuất còn gặp nhiều khó khăn do chưa được chính quyền địa phương, cơ quan chức năng quan tâm, hướng dẫn. Mặt khác, đối tượng hỗ trợ là hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo nên không đảm bảo được nguồn vốn đối ứng khi tham gia thực hiện mô hình. Một số địa phương triển khai đầu tư mô hình chưa đúng trọng tâm, còn manh mún và dàn trải, chưa tập trung vào các loại cây, con chủ lực theo định hướng quy hoạch phát triển, vì không thể nhân rộng.
Theo các địa phương, dù đã có những nỗ lực nhưng tiến độ giải ngân nguồn vốn triển khai các Chương trình Mục tiêu Quốc gia trong đó Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025 nhìn chung đạt tỷ lệ còn thấp; phần lớn các dự án, tiểu dự án đang trong quá trình triển khai, chưa xác định khối lượng cụ thể để thực hiện. Bà Vy Thị Quyên – Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho hay: Việc bố trí nguồn vốn cho huyện để thực hiện các chương trình giảm nghèo, các chương trình mục tiêu quốc gia chậm, kinh phí chia thành nhiều đợt, ở nhiều ngành, lĩnh vực nên khó quản lý và hiệu quả sử dụng chưa cao.
Một số dự án, tiểu dự án chưa triển khai thực hiện được do chưa có các văn bản hướng dẫn định mức chi, thẩm định giá cụ thể. Việc triển khai các hoạt động của dự án, tiểu dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp cần phải lập, xây dựng kế hoạch từ dưới lên trên, xuất phát từ nhu cầu người dân và cơ sở; quy định về thủ tục còn nhiều khâu, nhiều bước. Trong khi đó, chưa có văn bản hướng dẫn về giá giống cây, con, vật tư nông nghiệp đối với các dự án này vì vậy gây khó khăn trong quá trình triển khai.
Hiện nay một số địa phương như Tương Dương, Kỳ Sơn, Quế Phong… đang tích cực kết nối với các doanh nghiệp để trồng cây dược liệu có giá trị cao dưới tán rừng nhưng theo ông Nguyễn Văn Hải – Bí thư Huyện ủy Tương Dương để nhân rộng cần phải có sự đánh giá về tính hiệu quả, sự phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai, thổ nhưỡng từng vùng miền một cách cụ thể.
Bên cạnh đó, đại diện lãnh đạo huyện Kỳ Sơn cũng cho biết, huyện đã xác định cây dược liệu thành thế mạnh phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Tuy nhiên, qua khảo sát, đánh giá vùng dược liệu quý và đối chiếu với quy định về xây dựng vùng dược liệu quý được quy định tại Thông tư 10/TT-BYT ngày 22/9/2022 của Bộ Y tế, để thực hiện vùng dược liệu 210 ha, huyện cần nguồn vốn lớn, song nguồn vốn đầu tư giai đoạn 2021-2025 bố trí hơn 6 tỷ đồng không đủ để triển khai.
Để tháo gỡ khó khăn, các địa phương đề nghị phải có những giải pháp căn cơ, đồng bộ, thống nhất, nhất là trong cải cách hành chính để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia…