Chúng tôi có dịp trải nghiệm những câu chuyện thú vị trên đất nước Triệu Voi khi cùng các chiến sỹ Đồn Biên phòng Thông Thụ, huyện Quế Phong đến bản Nậm Táy thuộc cụm bản Viêng Phăn, huyện Sầm Tớ, tỉnh Hủa Phăn của nước bạn Lào. Suốt hành trình, những câu nói mà chúng tôi được nghe nhiều nhất là: “Hiên pha xả Việt Nam” (học tiếng Việt Nam), “Pạ xa xôn khỏng xỏng bản my khoam xạ mắc khi nẻn phẻn” – “Bộ đội biên phòng Việt Nam giúp Nậm Táy rất nhiều”…
Nhận từ tay của “Thầy Thảo biên phòng” suất học bổng 500 ngàn đồng/tháng của Bộ đội Biên phòng Việt Nam, cậu học trò Thào May Xỉ vui mừng đến phát khóc. Thào May Xỉ là học sinh “khóa” thứ 2 của lớp dạy tiếng Việt cho người dân Lào do Bộ đội Biên phòng Việt Nam tổ chức. Thào May Xỉ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bố mất sớm, nhà nghèo, hai anh chị lớn đều đã lấy chồng, lấy vợ và cuộc sống cũng nghèo khó. Mẹ của May Xỉ lại bị tàn tật, không có khả năng lao động nên một mình May Xỉ vừa đi làm vừa đi học để kiếm tiền nuôi mẹ. May Xỉ rất siêng năng và đặc biệt yêu thích học tiếng Việt, đam mê đến độ học xong lớp thứ nhất, đã đọc thông, viết thạo tiếng Việt Nam, nhưng vẫn thiết tha xin học thêm lớp của năm sau. Mơ ước của May Xỉ là được đi học ở Việt Nam và học giỏi để sau này đủ khả năng làm việc nuôi mẹ già ốm yếu. Ước mơ của em càng có thêm động lực thực hiện khi em là 1 trong 2 trường hợp được Đồn Biên phòng Thông Thụ (Quế Phong, Nghệ An) quyết định hỗ trợ học bổng theo Chương trình “Nâng bước em đến trường” với 500 ngàn đồng/suất/tháng.
Từ khi lớp dạy Tiếng Việt tại bản Nậm Táy được thành lập (năm 2015), đến nay đã 3 mùa hè trôi qua, Thiếu tá Đinh Xuân Thảo chưa được về thăm quê. “Thầy Thảo biên phòng” là tên gọi thân thương mà người dân bản Nậm Táy vẫn thường gọi người thầy giáo quân hàm xanh này. Mỗi khóa học trôi qua, trong anh luôn đầy ắp những câu chuyện, những hình ảnh thân thương của các cô, cậu học trò nghèo nhưng hiếu học của bản Nậm Táy nước bạn Lào. Kể về học sinh của lớp học đặc biệt này, đôi mắt anh lấp lánh lên niềm vui, sự thân thương.
“Thầy Thảo biên phòng” có vợ là giáo viên, dạy học cấp 3 tại thị trấn Kim Sơn, huyện Quế Phong. Mỗi năm, chỉ dịp nghỉ Hè hai đứa con cùng vợ chồng anh Thảo mới thu xếp được để về quê thăm người thân. Còn lại, vì nhiệm vụ, vì yêu quý lớp học đặc biệt trên đất Nậm Táy, anh chỉ biết gửi thương nhớ về nhà qua những cuộc điện thoại chập chờn, vội vã bởi thời gian dành cho lớp dạy chữ hầu như chiếm gọn từ tinh mơ đến đêm khuya. Ngoài đứng lớp 2 buổi từ sáng đến chiều, nhiều khi đến đêm Đinh Xuân Thảo còn tổ chức phụ đạo thêm cho các học sinh yếu kém, bồi dưỡng thêm học sinh khá giỏi; hoặc đi thăm hỏi, động viên các việc hiếu, hỉ của gia đình học sinh, đi vận động các em tự ý nghỉ học đến lớp kịp thời… Người dân bản Nậm Táy hiện vẫn duy trì tập tục mỗi khi gia đình có người qua đời thì con cháu dù đang đi học cũng phải nghỉ ít nhất 5 ngày để chịu tang. “Lớp học chỉ diễn ra vài tháng, học sinh mà nghỉ năm, bảy ngày là không theo kịp chương trình. Vì thế đêm đêm, các thầy cùng với cán bộ bản phải đến tận nhà thuyết phục gia đình, xin cho con em họ đi học sớm” – anh Đinh Xuân Thảo chia sẻ.
Cùng với cậu học trò chăm ngoan Thào May Xỉ, đã 3 mùa Hè trôi qua kể từ lớp học đầu tiên năm 2015, đến nay Đồn Biên phòng Thông Thụ đã phối hợp với bản Nậm Táy và bản Mường Phú tổ chức mở được 3 lớp dạy tiếng Việt với 115 lượt học sinh và người dân tham gia. Mỗi mùa Hè như vậy lớp học diễn ra liên tục trong vòng 3 tháng.
Trong câu chuyện của “Thầy Thảo biên phòng” nói về chuyện học của con em, Trưởng bản Nậm Táy – ông Nỏ Tho liên tục gật gù bày tỏ sự đồng tình, rồi nói thêm: Người dân Nậm Táy học tiếng Việt là để hiểu thêm văn hóa của người Việt, để qua lại, thăm thân, giao lưu với những người anh em Việt Nam. Rồi còn để biết thêm kỹ thuật, kiến thức về làm ăn phát triển kinh tế. Ngoài ra còn giúp cho việc phối hợp bảo vệ toàn vẹn chủ quyền, an ninh biên giới hai quốc gia…
Ấy là lời khẳng định của ông Nỏ Tho – Trưởng bản Nậm Táy. Ông có dáng người thấp đậm, gương mặt phúc hậu và nói tiếng Việt lơ lớ. Câu chuyện giữa chúng tôi với ông sôi nổi hẳn lên khi ông giới thiệu về bản Nậm Táy. Đi dưới cái nắng mùa khô bên Tây Trường Sơn này, chúng tôi đều mồ hôi mồ kê nhễ nhại, khá vất vả khi vượt lên các con dốc cao, nhất là với Trưởng bản vì vóc người khá to béo của ông. Bản Nậm Táy thuộc cụm bản Viêng Phăn, nước CHDCND Lào. Nậm Táy kết nghĩa với bản Mường Phú của xã Thông Thụ, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An đã 5 năm nay. Ấn tượng đầu tiên với chúng tôi là quang cảnh thanh bình của bản cùng những nếp nhà sàn, căn lán nho nhỏ được trang trí, sơn quét theo nhiều màu sắc nằm ngay ngắn trên các sườn đồi dọc con đường rải nhựa khá rộng chạy qua giữa bản. Theo Trưởng bản Nỏ Tho, thì Nậm Táy có 84 hộ dân với gần 600 nhân khẩu, tổng diện tích 387 ha.
Vòng qua chân 2 quả đồi, Trưởng bản Nỏ Tho dẫn chúng tôi lên rẫy cam của gia đình ông Và Pó và bà Nang Chư. Trang trại của ông Và Pó khá rộng, gồm 2 quả đồi thoai thoải với hơn 500 gốc cam giống Xã Đoài của Việt Nam đã cao ngang ngực người, sau 2 năm chăm sóc, vườn cam đã bắt đầu cho quả bói mùa đầu tiên. Cạnh đồi cam là 200 gốc xoài cũng đã tỏa tán xanh tốt. Bà Nang Chư không giấu được vui mừng nói về sự đổi đời của các thành viên trong gia đình từ khi được bộ đội Việt Nam tặng hàng trăm gốc cây cam, xoài và hướng dẫn cách ngăn khe, đào ao nuôi cá, cách nuôi lợn đen. “Trồng cam trồng xoài, nuôi cá, nuôi lợn như bây giờ quả thực ta vốn chưa từng nghĩ đến. Trước đây gia đình chỉ biết vào rừng kiếm củi, săn bắn để đổi gạo ăn…” – bà Nang Chư bộc bạch.
Trưởng bản Nỏ Tho hồ hởi giải thích thêm rằng, trước đây dân bản nghèo lắm, không có việc làm, thu nhập bấp bênh nên đói quanh năm, nguồn sống chủ yếu dựa vào thu hái lâm sản và săn bắt thú rừng. Từ khi Bộ đội đồn biên phòng Việt Nam dạy cho cái chữ Bác Hồ, bày cách làm ăn, người dân 2 bản kết nghĩa qua lại giúp đỡ mà bản ta nhiều hộ không chỉ thoát nghèo mà đã vươn lên giàu lắm, có của ăn, của để, xây được nhà chắc chắn rồi. “Bộ đội Việt Nam đã là người nhà thân thiết của người dân Nậm Táy rồi” – Trưởng bản Nỏ Tho cười lớn khẳng định với chúng tôi.
Vội vã đi trước dẫn đường, chạy ngược con dốc khá cao để lên nhà của Bua Chu, Trưởng bản Nỏ Tho cất giọng “Bua Chu có nhà không”. Hộ anh Bua Chu là 1 trong 3 gia đình được Bộ đội Biên phòng Việt Nam xây tặng nhà Đại đoàn kết. Nghe tiếng cán bộ trưởng bản, vợ chồng Bua Chu cùng đứa con út bước ra, đứng đợi trước bậc cửa. Căn nhà cấp 4 được xây vững chãi, dù đồ đạc bên trong còn trống trải, chỉ có mấy chiếc ghế nhựa phai màu, bộ ấm chén cũ đặt trên chiếc bàn nhựa màu đỏ cũng đã sờn tróc.
Thấy chúng tôi nâng máy ảnh, máy quay tác nghiệp, vợ Bua Chu và đứa con út tầm 3 tuổi lại tỏ vẻ rụt rè quan sát. Trưởng bản Nỏ Tho vỗ vỗ vai Bua Chu, bảo “không phải ngại, cán bộ Việt Nam đến hỏi thăm tình hình gia đình thôi”. Thoáng nở nụ cười, Bua Chu kể, do nghèo đói, làm cái rẫy chỉ đủ ăn, không có tiền làm nhà nên cả gia đình cứ phải nay đây, mai đó đi ở nhờ nhà họ hàng, khổ lắm. Sau một lúc đã quen thân hơn, Bua Chu mạnh dạn bộc bạch: “Từ khi bộ đội biên phòng Việt Nam mang tiền sang xây nhà tặng gia đình, vợ chồng con cái không phải lang thang nữa, chỉ lo làm ăn thôi, cuộc sống đã ổn định”.
Được biết, từ khi 2 bản Nậm Táy – Mường Phú kết nghĩa keo sơn, người dân bản Mường Phú của xã Thông Thụ, huyện Quế Phong và Bộ đội Biên phòng Việt Nam đã đầu tư xây tặng bà con bản Nậm Táy 1 nhà văn hóa cộng đồng trị giá hơn 1,3 tỷ đồng; xây tặng 1 trường học, 3 nhà Đại đoàn kết cho 3 gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại bản Nậm Táy trị giá 60 triệu đồng và hơn 200 ngày công lao động của cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Thông Thụ.
Những gì chúng tôi được nghe, thấy ở Nậm Táy, quả thực đã vượt xa mong muốn một sự trải nghiệm tác nghiệp thông thường: Được thấm thía, hiểu hơn câu thơ của Bác Hồ viết về tình đoàn kết Việt Lào keo sơn, thắm thiết: “Việt – Lào hai nước chúng ta/Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long”.