Ông Trần Văn Nhâm – Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và San lấp mặt bằng Thành Đạt là đơn vị trúng thầu nạo vét và tận thu khoáng sản tại lòng hồ Nghi Công thuộc xã Nghi Công Bắc (Nghi Lộc), cho biết: Theo hợp đồng được ký kết, trong 3 năm đầu, đơn vị thi công được phép nạo vét 140.399 m3, và 7 năm sau nạo vét 327.596 m3. Kể từ năm 2019, phía công ty đã nộp 1 lần cho quyền khai thác trong 3 năm với số tiền gần 1 tỷ đồng. Tuy nhiên trong khoảng thời gian này do gặp phải dịch Covid-19 và bị phong toả nên phương tiện không hoạt động được, khi hoạt động trở lại thì lại hết tiền cấp quyền của 3 năm, nên khối lượng thực hiện của 3 năm không được là bao.
Ông Nhâm cũng cho biết, số tiền doanh nghiệp bỏ ra không chỉ riêng làm thủ tục, giấy tờ mà còn phải làm đường vào khu vực nạo vét, nên chi phí rất lớn. Nếu UBND tỉnh không tạo điều kiện cho doanh nghiệp khai thác đủ khối lượng đã nộp tiền cấp quyền thì sẽ rất khó khăn cho doanh nghiệp. Chưa kể thời hạn được phép khai thác là từ tháng 4 đến tháng 8 trong năm là quá ngắn, vì vậy doanh nghiệp kiến nghị cho phép kéo dài thời gian khai thác, nạo vét. Thời điểm nào khô ráo nếu làm được thì phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp làm. Bởi suy cho cùng với khối lượng đất đã được cho phép tận thu, nếu doanh nghiệp làm xong sớm thì càng tốt.
Tương tự những kiến nghị như trên, ông Nguyễn Văn Uyên – Giám đốc Công ty TNHH Tuấn Trường Phát, đơn vị trúng thầu nạo vét lòng hồ Khe Gỗ tại xã Nghi Lâm (Nghi Lộc), cũng cho rằng, trong khoảng thời gian 3 năm từ 2019 đến 2021 mặc dù được phép khai thác 500.000m3 đất, nhưng đơn vị chỉ mới khai thác được khoảng 5.000m3 đến 7.000m3. Chưa kể năm 2023 này cũng phải tạm dừng phần lớn thời gian để các sở, ban, ngành kiểm tra, rà soát. Hơn nữa với thời gian nạo vét bị hạn chế từ tháng 4 đến tháng 8 là quá ngắn, khiến cho doanh nghiệp không đủ thời gian để thực hiện công việc theo tiến độ đề ra.
Trao đổi với chúng tôi, ông Tạ Duy Hiền – Phó Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Thủy lợi Nam Nghệ An cho biết: Hiện đơn vị quản lý 44 trạm bơm, 13 hồ chứa lớn nhỏ tại các huyện Nam Đàn, Nghi Lộc, Hưng Nguyên và thành phố Vinh, phục vụ tưới, tiêu cho khoảng 70.000 ha đất nông nghiệp. Liên quan đến việc thực hiện nạo vét hồ chứa, theo ông Hiền, vào khoảng năm 2017 từ kiến nghị của các địa phương, UBND tỉnh đã cho chủ trương tiến hành nạo vét một số hồ chứa. Bởi các hồ chứa đều đã hình thành từ lâu và gần như chưa hồ nào được nạo vét sau hàng chục năm. Tuy nhiên một vấn đề đặt ra là nếu nạo vét thì cần phải có kinh phí, trong khi đó kinh phí của tỉnh còn hạn hẹp. Vì vậy mới tính toán cho phép nạo vét và tận thu theo hình thức xã hội hóa.
“Sau khi các sở có ý kiến, UBND tỉnh đã giao cho Công ty TNHH Một thành viên Thủy lợi Nam Nghệ An lập hồ sơ, thủ tục liên quan để tiến hành nạo vét. Từ năm 2018 thì bắt đầu triển khai, đến năm 2019 công trình đầu tiên đã được tiến hành. Tuy nhiên trong khoảng thời gian này do dịch bệnh nên không thực hiện được nhiều. Chưa kể do Công ty TNHH Một thành viên Thủy lợi Nam Nghệ An cũng là doanh nghiệp, nên các thủ tục liên quan đến việc thực hiện xã hội hóa và tận thu khoáng sản còn nhiều vướng mắc. Chưa kể là do mới thí điểm nên phải vừa làm vừa xem xét, nên mới chỉ giới hạn thời gian nạo vét từ 1/4 đến 31/8 hàng năm” – ông Hiền cho hay.
Hiện tại ở Công ty TNHH Một thành viên Thủy lợi Nam Nghệ An có 3 hồ đã được UBND tỉnh cho phép tiến hành nạo vét, tuy nhiên đến nay mới chỉ có hồ Nghi Công và hồ Khe Gỗ ở Nghi Lộc là đang triển khai. Riêng hồ Cửa Ông tại xã Nam Nghĩa (Nam Đàn), mặc dù cũng đã được UBND tỉnh cho phép nạo vét từ năm 2019, với khối lượng 210.310m3, độ sâu nạo vét từ 0,85 – 1,4m. Tuy nhiên, trong thời gian khai thác do gặp dịch bệnh nên tiến độ triển khai rất chậm. Vì vậy, ngày 6/3/2023 UBND huyện Nam Đàn đã có tờ trình số 507/UBND.BB gửi các sở, ngành liên quan. Theo đó, để đẩy nhanh tiến độ nạo vét hồ Cửa Ông, kịp thời tích nước sản xuất, UBND huyện Nam Đàn đã thống nhất với đề nghị của Công ty TNHH Một thành viên Thủy lợi Nam Nghệ An về việc điều chỉnh thời gian nạo vét trong năm từ tháng 11 năm trước đến hết tháng 8 năm tiếp theo. Mặc dù vậy, đến thời điểm này việc nạo vét hồ Cửa Ông vẫn triển khai rất chậm, chỉ mới đạt khoảng 3 – 6%.
Việc nạo vét lòng hồ tại các công trình thuộc sự quản lý của Công ty TNHH Một thành viên Thủy lợi Bắc Nghệ An thì còn vất vả hơn, đơn vị này hiện quản lý 23 hồ chứa tại các huyện: Đô Lương, Yên Thành, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, thị xã Hoàng Mai. Hầu hết các hồ chứa đều được xây dựng từ 30 – 40 năm về trước, chưa bao giờ được nạo vét. Trong quá trình vận hành, đa số các hồ chứa này đều thiếu nước vào mùa khô và khả năng tích nước kém vào mùa mưa.
Ông Trần Văn Hòa – Trưởng phòng Kỹ thuật, Công ty TNHH Một thành viên Thủy lợi Bắc Nghệ An cho biết: Từ năm 2019, công ty đã có công văn đề nghị UBND tỉnh cho phép nạo vét 23 hồ chứa theo hình thức xã hội hóa. Điều này không những giúp nhà nước tiết kiệm chi phí mà còn tăng doanh thu cho ngân sách. Cụ thể trên địa bàn huyện Đô Lương có 4 hồ thì đề nghị nạo vét 3 hồ như: Mộ Dạ, Đá Bàn, Bàu Đá. Ở Yên Thành đề nghị 4/7 hồ là: Đồn Húng, Xuân Nguyên, Quán Hài, Kẻ Sạt. Tại Diễn Châu đề nghị 2 hồ là Xuân Dương và Đình Dù. Tại Quỳnh Lưu đề nghị 4/5 hồ là: Khe Sân, Khe Ang, Bà Tùy, hồ 3/2; riêng thị xã Hoàng Mai thì đề nghị nạo vét hồ Vực Mấu. Sau khi có công văn kiến nghị được phép nạo vét các hồ bằng nguồn vốn xã hội hóa, UBND tỉnh đã giao cho các sở, ngành liên quan đi kiểm tra thực địa. Các sở, ngành, trong đó chủ yếu là Sở Tài nguyên và Môi trường cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thống nhất và đề nghị UBND tỉnh cho triển khai. Đến năm 2022 UBND tỉnh đã có văn bản đồng ý cho triển khai nạo vét 4 hồ. Tuy nhiên, đến thời điểm này chưa thể triển khai nạo vét được hồ nào.
Ngày 9/8/2023 mới đây, Sở Kế hoạch và Đầu tư, trên cơ sở giao việc của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh, đã có Báo cáo 3348/SKHĐT-DN về quy trình và hình thức lựa chọn đơn vị thực hiện đối với các dự án nạo vét lòng hồ/xử lý các điểm sạt lở không sử dụng ngân sách nhà nước. Theo báo cáo này thì hiện nay chưa có quy định về quy trình và hình thức lựa chọn đơn vị thực hiện đối với các dự án nạo vét lòng hồ/xử lý các điểm sạt lở nói trên, nên không có căn cứ và cơ sở pháp lý để ban hành quy định về trình tự, hình thức lựa chọn đơn vị thực hiện. Hiện nay, Chính phủ chỉ mới quy định hoạt động nạo vét vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa. Qua tham khảo một số tỉnh, thành thì cho thấy, chưa có tỉnh, thành nào ban hành văn bản quy định về quy trình và hình thức lựa chọn đơn vị thực hiện nạo vét lòng hồ/xử lý các điểm sạt lở (không sử dụng ngân sách nhà nước), kết hợp thu hồi khoáng sản mà chỉ ban hành quy chế phối hợp giữa các sở, ngành liên quan.
Rõ ràng, việc nạo vét hồ, đập bằng nguồn vốn xã hội hóa sẽ đem lại nhiều lợi ích to lớn. Vì vậy, đã đến lúc UBND tỉnh cần phải có quyết định dứt khoát nhằm tháo gỡ nút thắt cho các địa phương và đơn vị quản lý các hồ đập. Bên cạnh đó cần phải giảm bớt các quy trình, thủ tục không cần thiết, tránh bó hẹp thời gian thực hiện, miễn sao việc nạo vét được triển khai theo thiết kế đề ra và đúng khối lượng cho phép để không gây thất thoát tài nguyên. Nếu công trình sớm hoàn thành thì càng có lợi trong việc tích nước.