Nói về hiện thực sau lần triển khai tích tụ ruộng đất, đồn điền đổi thửa lần thứ ba, ông Trần Văn Lợi – Trưởng ban công tác Mặt trận xóm Tân Thịnh, xã Bình Sơn (huyện Anh Sơn) thốt lên rằng: “Tôi sống quá nửa đời người, chưa bao giờ nghĩ rằng ruộng nương ở đây có thể thay đổi lớn được như thế này. Đúng là cuộc cách mạng, mà thành công được là nhờ đảng viên, cán bộ tiên phong thực hiện, nhường đất, nhường phần thuận lợi cho nhân dân từ đó bà con vui vẻ nghe theo, làm theo…”.
Để các hộ dân thuận tiện, bằng lòng dồn và đổi đất về một thửa và một vùng đồng, cán bộ xã Bình Sơn đã chấp nhận nhường đất cho người dân, hy sinh lợi ích của gia đình mình. Chỉ tay về những mảnh ruộng còn tươi màu đất mới ở cánh đồng thôn Long Tiến, ông Hoàng Đức Thuận – Phó Chủ tịch UBND xã Bình Sơn phấn khởi nói: “Để có những mảnh ruộng lớn gấp cả chục lần trước đây, nhiều cán bộ, đảng viên đã chấp nhận nhường đất cho người dân, tạo điều kiện thuận lợi để người dân chuyển đổi được ruộng về một vùng mà không bị thiệt thòi”.
Và, vị Phó Chủ tịch UBND xã Bình Sơn kê ra cho chúng tôi về những cán bộ, đảng viên chấp nhận chịu thiệt về mình để hoàn thành “việc lớn” của xã là chuyển đổi ruộng đất. Đó là ông Nguyễn Văn Hoàn – Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã đã nhường thửa ruộng có diện tích lớn ở vùng màu mỡ, thuận lợi và nhận về thửa diện tích nhỏ hơn, xa hơn, xấu hơn. Do đó, tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp ở vùng Đồng Ém của đồng chí Hoàn trước chuyển đổi là 1.000m2, sau khi dồn đổi đất, diện tích ruộng của đồng chí Hoàn vùng đồng này chỉ còn 700m2. Cán bộ, đảng viên tiên phong, gương mẫu, hy sinh để dân không bị thiệt thòi nên việc chuyển đổi ruộng ở thôn Long Tiến người dân rất đồng thuận. Rồi Chủ tịch UBND xã Dương Công Ngọc, Phó Chủ tịch UBND xã Hoàng Đức Thuận cũng đã nhường toàn bộ diện tích ruộng của gia đình giúp người dân thuận lợi trong việc dồn điền đổi thửa…
Việc “đi trước” trong dồn điền đổi thửa ở thôn Tân Thịnh, xã Bình Sơn còn ở sự thống nhất cao của các chi bộ đảng trong triển khai thực hiện. Sau khi HĐND huyện Anh Sơn ban hành Nghị quyết chuyên đề về chuyển đổi ruộng đất và UBND huyện ban hành Đề án về tiếp tục dồn điền đổi thửa, các đảng uỷ địa phương cơ sở đã triển khai với nhiều nghị quyết, kế hoạch. Đảng uỷ xã Bình Sơn cũng đã ban hành Nghị quyết số 10/NQ-ĐU về “Tiếp tục đồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất trên địa bàn xã Bình Sơn giai đoạn 2021 – 2025”. Triển khai nghị quyết của Đảng ủy xã, Chi bộ thôn Tân Thịnh họp chi bộ gồm 15 đảng viên thống nhất ban hành Nghị quyết chuyên đề số 3 của chi bộ. “Trong đó, chi bộ thống nhất trước khi triển khai đến từng hộ dân thì đảng viên phải nắm rõ chủ trương, cách thức và phải làm trước, chuyển đổi trước để người dân làm theo” – Trưởng ban công tác Mặt trận thôn Tân Thịnh Trần Văn Lợi cho biết thêm.
Việc thống nhất cao từ mỗi cán bộ, đảng viên đến chi bộ đảng đã giúp công tác dồn đổi đất ở Tân Thịnh cũng như xã Bình Sơn nhanh chóng đạt được mục tiêu đề ra. Cụ thể, thời điểm trước đợt chuyển đổi lần thứ 3 năm 2021, thôn Tân Thịnh có 1.053 thửa đất nông nghiệp với tổng diện tích 93,13ha. Trong đó đất lúa 595 thửa với 40,50ha; đất màu 458 thửa với 52,63ha. “Có những thửa trước chuyển đổi chỉ có 46,8m2, thửa lớn nhất cũng chỉ 3.500m2. Thế nhưng chỉ sau chưa đầy 2 năm sau chuyển đổi, từ hơn 1.000 thửa ruộng của Tân Thịnh đã dồn đổi còn 264 thửa. Và thửa nhỏ nhất sau chuyển đổi có diện tích lớn gấp 10 lần thửa nhỏ nhất trước chuyển đổi, đạt 450 m2, còn thửa lớn nhất lên đến gần 5.000m2” – ông Hoàng Đức Thuận cho biết.
Thể hiện vai trò của người đảng viên góp phần giúp công tác chuyển đổi ruộng đất nhanh chóng đạt mục tiêu, ông Nguyễn Ba, một đảng viên của xóm Rú Bạc, xã Sơn Thành (huyện Yên Thành) cũng đã nhường đất tốt cho người dân trong chuyển đổi. Ông Ba cho hay, thời điểm thực hiện chỉ thị của Tỉnh ủy về dồn đổi ruộng đất năm 2012, chi bộ đảng từ xã đến xóm đều thống nhất khẳng định vai trò rất quan trọng của “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Ông Nguyễn Ba cho biết: “Gia đình tôi có 3 nhân khẩu được chia ruộng theo Nghị định 64. Chúng tôi đã sẵn sàng nhận ruộng xa, xấu để nhường lại ruộng tốt cho bà con. Do vậy, dù sau khi cả xóm đã bắt thăm nhận ruộng, nhưng đề cao tinh thần của người đảng viên nói là làm, tôi đổi ruộng cho một gia đình khác theo nguyện vọng của họ…”.
Ông Nguyễn Đàm Cầu – Bí thư Chi bộ xóm Rú Bạc còn nhớ như in những ngày cả xóm thực hiện cuộc chuyển đổi ruộng đất theo Chỉ thị số 08 năm 2012 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Cả xóm có 11 ha đất sản xuất nông nghiệp, cái khó ở chỗ phần lớn ruộng bậc thang, nên vấn đề đặt ra là làm thế nào để tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân. Với sự vào cuộc quyết liệt, gương mẫu của nhiều đảng viên, trong đó có ông Nguyễn Ba, đã sẵn sàng nhường đất cho dân nên việc chuyển đổi diễn ra nhanh chóng, thuận lợi. Đến nay, sau hơn 10 năm chuyển đổi ruộng đất, bà con nông dân xóm Rú Bạc nhận thấy hiệu quả thực sự của một chủ trương lớn. Nhờ đó mà đồng ruộng được quy hoạch lại đẹp hơn, to hơn, thuận lợi cho việc làm đất, chăm sóc, thu hoạch… năng suất lúa được nâng cao hơn. Trước đây lúa vụ xuân chỉ đạt 2,5 – 3 tạ/sào, nay tăng lên 3,3 tạ/sào.
Để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh, hơn 20 năm trước, ngày 05/4/2001, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An đã ban hành Chỉ thị số 02-CT/TU về việc vận động nông dân chuyển đổi ruộng đất. Thực hiện Chỉ thị số 02-CT/TU, đến cuối năm 2004, tất cả các đơn vị cấp xã có khả năng chuyển đổi ruộng đất trên địa bàn tỉnh đã tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, việc chuyển đổi ruộng đất tại nhiều địa phương ở giai đoạn này còn một số tồn tại, hạn chế. Những hạn chế này đã ảnh hưởng lớn đến công tác quản lý, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đầu tư thâm canh, hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp và chưa đáp ứng được yêu cầu của việc xây dựng nông thôn mới.
Sau khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tiếp tục ban hành Chỉ thị số 08-CT/TU ngày 08/5/2012 về việc đẩy mạnh vận động nông dân dồn điền đổi thửa và khuyến khích tích tụ ruộng đất để phát triển sản xuất quy mô lớn trong nông nghiệp, hơn 10 năm qua, công tác dồn điền đổi thửa tại các địa phương đã gắn với quy hoạch lại đồng ruộng và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Đất sản xuất của từng hộ được bố trí liền vùng, liền thửa, từng bước hình thành nhiều cánh đồng lớn đem lại hiệu quả kinh tế cao. Việc dồn điền đổi thửa được thực hiện cả ở các vùng màu, vùng bãi, vùng cây công nghiệp và một số xã vùng núi cao. Quỹ đất công ích được quy hoạch tập trung, bố trí ở những vị trí hợp lý, thuận lợi cho việc quản lý và sử dụng.
Song song với thực hiện dồn điền đổi thửa tại thực địa, hạ tầng nội đồng từ hệ thống giao thông đến kênh mương tưới tiêu… được xây dựng, đồng bộ hóa đã thúc đẩy các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân quan tâm đầu tư cho trồng trọt canh tác: số lượng máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp tăng nhanh qua các năm, bước đầu giải phóng được sức lao động của con người trong các khâu nặng nhọc, đảm bảo đúng thời vụ, tiết kiệm thời gian và chi phí sản xuất, rút ngắn thời gian sản xuất thời vụ cho người dân.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – bà Võ Thị Nhung cho biết: Sau dồn điền đổi thửa, ngành nông nghiệp đã quy hoạch lại đồng ruộng và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi… Đến nay, đã cơ bản hoàn thành việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển các loại cây, con chủ yếu phù hợp với lợi thế của từng địa phương để xây dựng kế hoạch thực hiện. Nhờ đó, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của dịch bệnh, biến đổi khí hậu, suy thoái kinh tế…, nhưng sản xuất nông nghiệp của Nghệ An đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực.
Trên cơ sở tích tụ ruộng đất, không ngừng nâng cao trình độ, hiệu quả canh tác và gần đây thực hiện xây dựng nông thôn mới đã tạo cho kinh tế nông thôn ở nhiều địa phương phát triển. Thông qua chương trình OCOP các địa phương đã chọn, xây dựng được sản phẩm hàng hóa, sản phẩm chủ lực cho địa phương mình.
Theo lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, thì việc dồn điền, đổi thửa cũng là điều kiện để kiểm tra lại quỹ đất sản xuất nông nghiệp, đưa công tác quản lý theo dõi biến động đất đai vào nề nếp, chặt chẽ; quy hoạch lại đất công ích thành vùng tập trung để dễ quản lý và sử dụng có hiệu quả theo quy định của Luật Đất đai năm 2013, đồng thời góp phần nâng cao hiệu quả đối với công tác quản lý nhà nước về đất đai.
Có thể khẳng định, cuộc vận động nông dân dồn điền đổi thửa và khuyến khích tích tụ ruộng đất là chủ trương lớn của Nghệ An; sự triển khai đồng bộ từ trên xuống dưới, thống nhất chỉ đạo và đi đầu của các tổ chức cơ sở Đảng, cán bộ đảng viên gương mẫu làm trước đã góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình ủng hộ. Các cấp ủy đảng, chính quyền và các đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra kịp thời, sâu sát việc thực hiện dồn điền đổi thửa để tạo được những chuyển biến lớn, thay đổi tích cực bộ mặt nông thôn và sản xuất nông nghiệp của tỉnh nhà.