Tích tụ ruộng đất – Bài 1: Tư duy sản xuất mới trên “cánh đồng chuyển đổi”

Ngồi trên bộ ghế đá trước cổng nhà, châm điếu thuốc lào, ông Hồ Văn Quỳnh (xóm 6, xã Quỳnh Tam, Quỳnh Lưu) thảnh thơi giám sát máy bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật cho 2,5 sào lúa của gia đình. “O thấy bầy tui làm ruộng khoẻ re không? Ruộng thẳng cánh cò bay, thửa ruộng 1.250m2 cấy một giống nếp hương, máy móc làm toàn bộ, người chỉ giám sát, làm ruộng mà chân không lội bùn, tay không lấm đất. Sướng, sướng thật”, ông Quỳnh phấn khởi nói.

Trước đây, 2,5 sào ruộng của ông Quỳnh được chia ở nhiều vùng đồng khác nhau, mỗi vùng 1-2 thửa, thửa lớn nhất cũng chỉ có 300-400m2, có những thửa chỉ khoảng 150-200 m2 nên rất bất tiện trong sản xuất. “Ruộng có 2,5 sào mà “chia năm, sẻ bảy”, thửa thì ở đầu xã, thửa lại nằm cuối xã, cách nhau 7-8 cây số, riêng việc đi thăm đồng, lấy nước cũng đã đủ mệt. Đó là chưa kể đến chuyện ruộng manh mún nên khi ủ giống cũng phải 5-7 loại theo từng vùng đồng; làm đất hay thu hoạch đều rất khó khăn. Có những thửa ruộng xa nhà nên việc chăm sóc cũng hạn chế nên năng suất, sản lượng giảm sút mạnh…” – ông Quỳnh kể tiếp – “Sau khi thực hiện tích tụ ruộng đất lần 1 năm 2002, các thửa ruộng có diện tích lớn hơn song vẫn cách trở, vẫn ở nhiều vùng đồng khác nhau. Đến năm 2012, thực hiện dồn điền đổi thửa lần 2 và sau đó là các lần điều chỉnh của huyện, xã, đến nay, 2,5 sào ruộng của nhà tui chỉ ở một thửa, một vùng đồng và ngay trước cửa nhà. Đúng là “cách mạng” ruộng đất, 2,5 sào ruộng giờ liền một thửa, ngay trước cổng nhà nên thuận tiện đủ đường. Làm đất, thu hái, chăm sóc đều đưa máy móc vào cả, nhanh, gọn, hiệu quả, năng suất tăng, chi phí giảm nên yên tâm gắn bó với ruộng đồng”.

Cánh đồng ngay trước cửa nhà của ông Hồ Văn Quỳnh (xóm 6, xã Quỳnh Tam, Quỳnh Lưu).
Cánh đồng ngay trước cửa nhà của ông Hồ Văn Quỳnh (xóm 6, xã Quỳnh Tam, Quỳnh Lưu).

Xóm 6 của ông Quỳnh có 180 hộ, gần 800 nhân khẩu, trong đó, tỷ lệ làm nông nghiệp chiếm đến 80%. Trước đây, ruộng của các hộ dân nằm rải rác trên 6 vùng đồng, có những hộ, chỉ 2-3 sào đất nhưng đến 5 – 7 thửa, mỗi vùng đồng cách nhau hàng km. Sau nhiều lần thực hiện chuyển đổi ruộng đất, đến nay, cơ bản ruộng của người dân xóm 6 đã tập trung về 1-2 vùng đồng, trong đó, có 80% hộ diện tích 1 thửa và 20% số hộ 2 thửa. Trao đổi của ông Trương Đắc Phú – Xóm trưởng xóm 6, xã Quỳnh Tam cho biết: “Đến nay, cơ bản xóm đã hoàn thành việc tích tụ ruộng đất, hình thành những cánh đồng lớn. Sau tích tụ, ruộng liền canh liền cư, liền vùng, liền thửa nên rất thuận lợi trong sản xuất. Ở các cánh đồng, bờ lô được đắp cao, rộng, đổ bê tông hoặc cứng hoá, xe tải vào đến tận chân ruộng; mương thuỷ lợi chạy song song theo các thửa nên thuận tiện trong tưới tiêu. Đặc biệt, 90% các khâu sản xuất như: làm đất, cấy, phun thuốc, thu hoạch đã được cơ giới hoá hoàn toàn, vừa tiết kiệm nhân công, vừa tiết kiệm chi phí sản xuất”.

Đường nội đồng ở xóm 6, xã Quỳnh Tam (Quỳnh Lưu) được bê tông hóa sau chuyển đổi. Ảnh: T.P
Đường nội đồng ở xóm 6, xã Quỳnh Tam (Quỳnh Lưu) được bê tông hóa sau chuyển đổi. Ảnh: T.P

Trên cơ sở dồn điền đổi thửa để từ đó tích lũy nguồn lực, trình độ canh tác, đến vụ lúa xuân năm 2023, HTX Nông nghiệp Quỳnh Tam đã xây dựng mô hình và đưa vào thử nghiệm sản xuất cơ giới hóa toàn bộ 10 ha ở những chân ruộng bậc thang, đất pha cát nhiều của 80 hộ dân thuộc xóm 6 từ các khâu: làm đất, gieo mạ, cấy, phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy bay không người lái cho đến thu hoạch. Phương thức canh tác này vừa giúp nông dân giảm sức lao động, tiết kiệm chi phí và vừa nâng cao năng suất cây trồng trên cùng một thửa ruộng. Qua đó nhằm từng bước hướng đến xây dựng cánh đồng “không dấu chân”.

Bà Trương Thị Lâm, một hộ dân cũng ở thôn 6 xã Quỳnh Tam cho hay, gia đình bà có diện tích 2 sào thì 90% các bước sản xuất đều thuê máy móc, bà không phải “chân lấm tay bùn” lại tiết kiệm được chi phí so với thuê người làm. Trước đây, chi phí cho mỗi sào ruộng là 1,5 triệu đồng, trong khi đó, năng suất lúa chỉ được 3 tạ/sào. Vụ lúa xuân 2023, nhờ đưa cơ giới và công nghệ vào canh tác một cách đồng bộ trên cánh đồng, nên mỗi sào bà con nông dân tiết kiệm được 160.000 – 200.000 đồng. Canh tác vừa khỏe, vừa hiệu quả mà năng suất đạt cao (năng suất đạt 3,7-4 tạ/sào) nên bà con nhìn chung đều phấn khởi.

Xóm trưởng xóm 6, xã Quỳnh Tam (Quỳnh Lưu) nói về thuận lợi sau dồn đổi đất. Clip: T.P

“Cuộc cách mạng” tích tụ ruộng đất các giai đoạn vừa qua cũng là một trong những yếu tố quan trọng góp phần làm thay đổi nhận thức của bà con nông dân xóm 6, từng bước chuyển từ “tư duy sản xuất” sang “tư duy kinh tế”, tổ chức lại sản xuất để phát huy đúng tiềm năng đất đai hình thành nên vùng chuyên canh hàng hoá, liên kết sản xuất theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đó là: Cánh đồng nếp hương 9ha; cánh đồng trồng bí đỏ lấy hạt 5ha, cánh đồng ngô ngọt 2ha… liên kết với doanh nghiệp, được bao tiêu sản phẩm toàn bộ. Năng suất cao, sản lượng cao, hiệu quả kinh tế mang lại cao nên người dân yên tâm sản xuất, gắn bó với ruộng đồng nên nay ở xóm 6 xã Quỳnh Tam không còn “một tấc đất bỏ hoang”.

Ảnh: Sách Nguyễn
Ảnh: Sách Nguyễn

Trước đây, vùng bãi Quang Trung (xóm Quang Thái, xã Trung Phúc Cường, huyện Nam Đàn) xen dắm giữa đất sản xuất của dân và đất 5% của xã. Do đó, phần lớn diện tích được chia nhỏ và cho các hộ dân bốc thăm, thầu khoán. Đất cát bạc màu chưa mưa đã lụt, chưa nắng đã hạn, nên dù đã chuyển đổi sang rất nhiều loại cây trồng như: ngô, vừng, lạc… nhưng đều năng suất thấp, hiệu quả kém, vụ thuận lợi thì sản xuất, còn nữa bỏ hoang. Nhiều nông dân nản lòng nên đành trả ruộng lại cho xã.

Sau 2 lần thực hiện chuyển đổi ruộng đất, diện tích đất thuộc diện 5% của xã Trung Phúc Cường được dồn về một vùng rộng lớn. Năm 2019, xã cho một doanh nghiệp thuê lại để canh tác nông nghiệp sạch. Vùng cát bạc màu rộng 15ha được cải tạo thành các vùng chuyên canh trồng khoai tây, sắn dây, dưa lưới, ớt cay… cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha. Những nông dân của xóm Quang Thái trở thành công nhân trên chính đồng đất trước đây mình thầu khoán, được trả lương, được hưởng các chế độ phúc lợi xã hội.

Sau dồn đổi đất ở xã Trung Phúc Cường, các doanh nghiệp đã thuê đất để sản xuất.
Sau dồn đổi đất ở xã Trung Phúc Cường, các doanh nghiệp đã thuê đất để sản xuất.

Rồi tại vùng bãi soi Bắc Giang rộng hơn 40ha, do cách trở đò giang, xa khu dân cư, thuộc diện đất “xa xấu” nên nông dân gần như bỏ hoang không sản xuất. Trước thực trạng đó, để không lãng phí tài nguyên đất, chính quyền xã Trung Phúc Cường đã vận động người dân góp đất, cho doanh nghiệp thuê đất trồng mía, nông dân được thuê làm công nhật với mức lương 250.000 – 300.000 đồng/ngày công. Ông Nguyễn Văn Hòa – Phó Chủ tịch UBND xã Trung Phúc Cường cho biết: Ngoài 40ha đất bãi soi Bắc Giang, 15ha đất bãi Quang Trung thì sau khi thực hiện tích tụ ruộng đất năm 2013, các vùng đất cao cưỡng của xã như Cầu Đập, Cung Muội, Tràng Nẩy… cũng được tích dồn thành vùng rộng lớn, giao khoán lại cho các hộ làm gia trại chăn nuôi, trồng trọt. Hiện, trên vùng này có 15 gia trại, thu nhập mỗi năm đạt 100 triệu đồng/ha; 10ha chuyển sang trồng cây ăn quả như ổi, dừa… cho thu nhập cao.

Dọc bãi bồi sông Lam trải dài từ huyện Anh Sơn xuống huyện Hưng Nguyên, nhờ tích tụ ruộng đất, những cánh đồng lớn được hình thành, kêu gọi được nhiều cá nhân, hợp tác xã thuê đất sản xuất. Từ đó, tiềm năng vùng đất bãi được đánh thức và phát huy. Mạnh về vốn, được đầu tư công nghệ, nhà màng nhà lưới và đưa vào các giống cây trồng mới, chất lượng cao đã biến mảnh đất cát bạc màu thành những cánh đồng trù phú, xanh màu cây trái, hoa lá. Đó là cánh đồng màu chuyên canh cây rau màu ở vùng bãi xã Cẩm Sơn (Anh Sơn), những ruộng bí rộng hàng chục héc-ta cho thu nhập tiền tỷ ở các huyện Đô Lương, Thanh Chương; những nhà màng trồng dâu tây, dưa lưới, nho hạ đen, nho sữa ở Đô Lương, Nam Đàn, Hưng Nguyên; những vườn sâm ngưu bàng trải dài ở Hưng Nguyên…

Cây sâm ngưu bàng được đưa vào trồng và đem lại hiệu quả kinh tế cao trên đồng đất huyện Hưng Nguyên. Ảnh: Mai Hoa
Cây sâm ngưu bàng được đưa vào trồng và đem lại hiệu quả kinh tế cao trên đồng đất huyện Hưng Nguyên. Ảnh: Mai Hoa

Trên nhiều địa phương ở Nghệ An, nhờ thực hiện chuyển đổi ruộng đất, phương thức canh tác nên cùng một diện tích đó, khi bờ ô, bờ thửa được phá đi cho thửa liền thửa, ruộng liền ruộng, người nông dân dễ dàng canh tác cùng một giống cây trồng… hình thành vùng chuyên canh hàng hoá được liên kết với các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm với giá cao, mang lại thu nhập ổn định. Đời sống kinh tế của người dân được nâng lên mà không phải ly hương, ly nông, không lo mất đi tư liệu sản xuất, hồ hởi lao động vươn lên làm giàu.

Hãy nghe anh Cao Tiến Trung, người “nông dân mới” ở xã Diễn Phong (Diễn Châu) chia sẻ câu chuyện của mình: “Trước, làm nông không đủ sống, quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời vẫn không đủ cái ăn, cái mặc nên phải ly hương kiếm sinh kế. Sau bao năm tháng ly hương vào Nam, ra Bắc kiếm sống vẫn thấy lạ lẫm, lạc lõng. Trở về quê nhà, cũng từng đó diện tích đất ruộng nhưng dồn vào một thửa, một vùng, canh tác thuận tiện, máy móc thay sức người, lại có sự liên kết với doanh nghiệp nên nông sản làm ra không lo ế ẩm. 5 sào ruộng mùa trồng ớt, mùa trồng khoai tây, mùa trồng dưa, thu hái đến đâu, doanh nghiệp cân mua đến đó nên có thu nhập ổn định quanh năm. Bao đời gắn bó với ruộng đồng, việc nhà nông đã vận vào mình nên được sống ở quê, làm giàu trên đồng đất quê hương thấy yên tâm, thoải mái nhất. Lại chẳng lo mất đi tư liệu sản xuất gồm đất đai…”.

Những cánh đồng rau màu vụ Đông ở xã Diễn Phong (Diễn Châu).  Ảnh: T.P
Những cánh đồng rau màu vụ Đông ở xã Diễn Phong (Diễn Châu). Ảnh: T.P

Thực tế ở Nghệ An đã cho thấy rõ, công tác dồn diền đổi thửa đã tạo điều kiện triển khai mô hình liên kết trong phát triển sản xuất nông nghiệp thông qua xây dựng mô hình cánh đồng lớn tại các địa phương theo Quyết định 62/2013/QĐ-TTg ngày 25/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn. Qua đó, tăng thu nhập cho người nông dân, doanh nghiệp, góp phần xây dựng thành công nông thôn mới.

Theo đánh giá, năng suất, sản lượng, cơ bản các mô hình cánh đồng mẫu lớn ở Nghệ An đạt mức tăng từ 10 -15% so với đại trà. Giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích tăng cao (đạt mức bình quân trên 100 triệu đồng/ha/năm), góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Sản phẩm của các “cánh đồng mẫu lớn” chủ yếu là lúa chất lượng cao như AC5, Vật tư NA2,… dễ tiêu thụ, có giá trị cao trên thị trường, chủ yếu được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn lúa thường ít nhất 10%, nên người nông dân có thu nhập cao hơn, doanh nghiệp có điều kiện để thu mua chế biến, tiêu thụ sản phẩm đảm bảo chất lượng, nguồn gốc. Chẳng hạn, giá thu mua lúa AC5 của Công ty TNHH Vĩnh Hòa là 8.000 – 9.000 đồng/kg cao hơn so với giá lúa thường (5.000 – 5.500 đồng/kg). Lúa Vật tư NA2, DT 68 được Tổng Công ty Vật tư nông nghiệp thu mua với giá cao từ 10 – 15% so với giá thóc thường; lúa nếp N87 tại Phúc Thành được Công ty Giống cây trồng Trung ương bao tiêu toàn bộ với giá cao; nhất là lạc vụ Thu Đông năm 2014 được bán giống với giá 35.000 – 40.000 đồng/kg… Như vậy, người nông dân có thu nhập cao hơn từ 10 – 15% so với sản xuất bình thường.

Sau chuyển đổi, nhiều cánh đồng lớn ở huyện Hưng Nguyên chỉ cơ cấu 1 giống lúa chất lượng cao, năng suất vượt trội. Ảnh: T.P
Sau chuyển đổi, nhiều cánh đồng lớn ở huyện Hưng Nguyên chỉ cơ cấu 1 giống lúa chất lượng cao, năng suất vượt trội. Ảnh: T.P

Từ đây, mối liên kết “4 nhà” trong sản xuất nông nghiệp: Nhà nước, nhà nông, nhà doanh nghiệp và nhà khoa học cũng được kết nối, hình thành và phát huy hiệu quả. Nhiều doanh nghiệp, đơn vị trên địa bàn tỉnh như: Tổng công ty CP Vật tư nông nghiệp Nghệ An, Công ty TNHH Vĩnh Hòa, Trung tâm Giống cây trồng Nghệ An, Công ty Giống cây trồng, Công ty Nông tín,… đã vào cuộc tích cực, thực hiện đầu tư cho vay, ứng trước giống, phân bón, cam kết tiêu thụ sản phẩm cho nông dân… góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, bền vững.