Tổng đội TNXP 3 được thành lập từ năm 1999 tại khu vực thung Voi, thuộc các xã Châu Thái, Châu Đình, Văn Lợi của huyện miền núi Quỳ Hợp. Tổng đội TNXP 3 có nhiệm vụ thực hiện dự án phát triển mô hình kinh tế trang trại nông – lâm kết hợp thuộc vùng thung Voi; tiếp nhận các chương trình đầu tư để khai thác quỹ đất nhằm phát triển trồng cây lâm nghiệp, cây công nghiệp và cây ăn quả; phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp hình thành cụm chế biến dịch vụ gắn với cụm làng, dân cư; xây dựng trung tâm cụm xã Văn Lợi (Quỳ Hợp) đúng với dự án đầu tư của UBND tỉnh.
Thời điểm thành lập, Tổng đội TNXP 3 có 121 cán bộ, đội viên, trong đó có 1 công chức và 3 viên chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước; 3 định biên y tế theo hợp đồng 58 hưởng lương từ ngân sách Nhà nước và 13 hợp đồng lao động Tổng đội trả lương; 101 đội viên tham gia sản xuất.
Sau khi thành lập, Tổng đội TNXP 3 quản lý và sử dụng 5.694,3 ha đất, trong đó 3.133,5 ha đất rừng phòng hộ; 1.983,3 ha đất sản xuất; 13,76 đất xây dựng trụ sở; 17 ha đất làm đường giao thông; 225,77 ha đất giao khoán cho 72 hộ đội viên. Ngoài ra, còn có hơn 320 ha đất một số hộ dân xã Châu Đình đang canh tác trong vùng quy hoạch của Tổng đội.
Có mặt tại xã Châu Đình, chúng tôi đã ghi nhận được nhiều ý kiến tâm tư của các cán bộ, đội viên của Tổng đội TNXP 3. Trong đó, đa phần là những ý kiến băn khoăn liên quan đến việc Tổng đội TNXP 3 đã được phê duyệt phương án giải thể để chuyển giao cho Công ty cổ phần Tư vấn phát triển nguyên liệu TH từ gần 10 năm nay nhưng vẫn chưa thể giải thể được. Điều này khiến cho công tác quản lý đất đai, nhất là đất rừng phòng hộ gặp nhiều khó khăn. Bản thân công nhân, viên chức của Tổng đội TNXP 3 thì đã “tan đàn, xẻ nghé”, mỗi người một nơi, trong khi đó đất đai của các hộ đội viên cũng chưa được giải quyết dứt điểm.
Ông Lê Minh Tuấn – nguyên kế toán trưởng của Tổng đội TNXP 3, hiện đang là hợp đồng thời vụ tại đây chia sẻ: Trước thời điểm có quyết định phê duyệt phương án giải thể từ năm 2014 của UBND tỉnh, đơn vị có 7 biên chế và 13 hợp đồng lao động. Sau khi quyết định phê duyệt phương án giải thể được ban hành, có 1 người đã được giải quyết nghỉ hưu theo diện tinh giản biên chế; 2 người được điều chuyển đi đơn vị sự nghiệp khác trực thuộc Tỉnh đoàn; 3 người được thuyên chuyển đến làm việc tại Trung tâm Y tế huyện Quỳ Hợp. Thậm chí đồng chí nguyên Tổng đội trưởng sau khi nghỉ hưu cũng đang được hợp đồng thời vụ để hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ. Chưa kể, 72 hộ đội viên TNXP định cư, lập nghiệp tại vùng dự án vào năm 2019 cũng đã được bàn giao về cho UBND xã Châu Đình quản lý.
Do các cán bộ, viên chức đã mỗi người một nơi, vì thế hiện tại để duy trì hoạt động, phía Tổng đội TNXP 3 đang phải hợp đồng thời vụ với 12 người để làm nhiệm vụ bảo vệ rừng và quản lý các cơ sở vật chất, hạ tầng hiện có.
“Việc đội viên vẫn đang sản xuất trên đất của Tổng đội nhưng con người thì đã thuộc về địa phương quản lý khiến cho công tác quản lý gặp nhiều khó khăn. Chưa kể, kinh phí cho công tác bảo vệ rừng từ những năm trước đến thời điểm 30/12/2022 mới được nhận, riêng năm 2023 này chưa được cấp. Điều đáng lo là nguồn kinh phí để duy trì, bảo vệ cơ sở vật chất hạ tầng cũng chưa có, nên một khi cơ sở hạ tầng bị xuống cấp, hư hỏng như mái nhà, máy bơm, trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy bị hư hỏng sẽ không thể sửa chữa được. Chúng tôi lo nhất là vào mùa nắng nóng này, 13 con người bảo vệ một diện tích rừng rộng lớn rất vất vả” – ông Tuấn thở dài.
Theo quan sát, dọc con đường Quốc lộ 48D, ngay đoạn ngã ba rẽ vào khu vực trụ sở của Tổng đội TNXP 3, có nhiều gia đình hộ đội viên sinh sống. Tại đây, nhiều ngôi nhà khang trang được dựng lên nhưng đất ở thì chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Điều này khiến cho các hộ đội viên có cảm giác mình đang trong cảnh sống tạm.
Ghé thăm gia đình anh Bùi Văn Hoàng và chị Hà Thị Nhàn, được biết anh Hoàng quê tại xã Diễn Đồng (Diễn Châu) sau khi tham gia sản xuất tại đây thì gặp chị Nhàn quê tại xã Phú Thành (Yên Thành). Sau khi lập gia đình, anh Hoàng, chị Nhàn được giao khoảng 1,5ha đất rừng sản xuất để trồng quýt và làm màu. Ngoài ra, gia đình còn có khoảng 500 m2 đất ở. Dù đã trích đo, trích lục, vậy nhưng đến thời điểm này, việc giao đất cho gia đình anh Hoàng, chị Nhàn vẫn chưa thực hiện được. Đất ở thì chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên khi muốn dùng để thế chấp vay vốn ngân hàng cũng không được.
Anh Hoàng lo lắng, ở lại cũng “chẳng đặng” mà ra đi cũng “chẳng đừng” vì chưa biết đất đai sẽ xử lý như thế nào, còn về quê thì cũng không có đất mà sản xuất. Vì thế, gia đình mong muốn sẽ được giao đất sản xuất lâu dài để có thể ổn định cuộc sống.
Đã có nhiều văn bản được ban hành xoay quanh việc giải thể Tổng đội TNXP 3. Cụ thể, ngày 5/11/2021 UBND tỉnh đã có Công văn số 8569/UBND-KT về việc thực hiện phương án giải thể Tổng đội TNXP 3, UBND tỉnh đã giao cho Tỉnh đoàn Nghệ An cùng các sở: Tài chính, Nội vụ, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, UBND huyện Quỳ Hợp cùng Tổng đội TNXP 3 căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao để chủ động phối hợp, khẩn trương thực hiện các bước tiếp theo, hoàn thành việc giải thể Tổng đội TNXP 3 trong năm 2021. Vậy nhưng, đến thời điểm này việc giải thể vẫn chưa thực hiện được.
Đồng chí Nguyễn Đình Thắng – Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy lực lượng TNXP tỉnh Nghệ An, kiêm Tổng đội trưởng Tổng đội TNXP 3 cho biết: Từ năm 2023, Tổng đội không được UBND tỉnh giao biên chế làm việc. Vì thế, để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng, chúng tôi đang phải thực hiện hợp đồng lại với đồng chí Lê Quốc Thành – Nguyên Tổng đội trưởng đã nghỉ hưu làm Trưởng ban Bảo vệ rừng cùng với 11 lao động hợp đồng đã ký trước đó.
Chúng tôi cũng đã hoàn thành thống kê tài sản trên đất gồm: nhà ở đội viên; nhà mẫu giáo; trạm y tế; trạm bảo vệ; 17 công trình (gồm: cầu, cầu tràn; hồ đập chứa nước; đường giao thông; chợ thương mại). Hiện đang lập hồ sơ để đề nghị UBND tỉnh đồng ý bàn giao về cho địa phương quản lý sử dụng.
Bên cạnh đó, cũng đã phối hợp với Công ty cổ phần Đầu tư phát triển nguyên liệu TH vùng Phủ Quỳ và Đoàn Điều tra Quy hoạch lâm nghiệp Nghệ An rà soát diện tích rừng sản xuất, rừng phòng hộ để tham mưu cơ quan thẩm quyền trình UBND tỉnh thu hồi chuyển giao. Trong đó, đối với diện tích 3.006,41 ha rừng phòng hộ, do nguồn vốn thực hiện trồng rừng thuộc Dự án Bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2012 – 2020 của Tổng đội chưa được quyết toán nên chưa thực hiện bàn giao. Hiện nay, Hội đồng thẩm tra quyết toán của UBND tỉnh đang thực hiện việc thẩm tra quyết toán Dự án Bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2012 – 2020 của Tổng đội.
Riêng đối với diện tích 2.634,42 ha rừng sản xuất, chúng tôi cũng đã phối hợp với Công ty cổ phần Đầu tư phát triển nguyên liệu TH vùng Phủ Quỳ và Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Nghệ An thực hiện trích đo 1.572,18 ha. Đối với diện tích 225,77 ha do 72 hộ gia đình đội viên sử dụng, hiện nay Tổng đội TNXP 3 và Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Nghệ An cũng đang lập thiết kế kỹ thuật và dự toán trình UBND tỉnh phê duyệt để thực hiện trích đo địa chính khu đất.
“Trong thời gian tới, chúng tôi cũng mong muốn UBND tỉnh sớm cho chủ trương bàn giao toàn bộ diện tích đất rừng phòng hộ và đất rừng sản xuất về cho địa phương quản lý. Hiện nay, phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của Tổng đội TNXP 3 cũng đã được UBND tỉnh phê duyệt vào ngày 14/6/2022; phương án bán đấu giá tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với cơ sở nhà đất của Tổng đội TNXP 3 cũng đã được trình sang Sở Tài chính, nếu được giải quyết sớm sẽ hạn chế được những khó khăn vướng mắc xảy ra” – Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy lực lượng TNXP tỉnh Nghệ An cho biết thêm.
Về phía chính quyền địa phương, ông Quán Vi Giang – Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp cho biết: Thời gian vừa qua huyện cũng đã, đang phối hợp với các sở và Tỉnh đoàn Nghệ An để giải quyết các vấn đề liên quan đến việc giải thể Tổng đội TNXP 3. Mong muốn của huyện là UBND tỉnh sớm có quyết định thu hồi đất đai của Tổng đội TNXP 3 và bàn giao về cho địa phương quản lý để huyện có phương án sắp xếp lại dân cư và giải quyết các vấn đề liên quan.
Rõ ràng gần 10 năm từ khi phương án giải thể Tổng đội TNXP 3 được phê duyệt đến nay, nhưng vẫn chưa ban hành được quyết định giải thể là khoảng thời gian quá dài. Nó dẫn đến nhiều vấn đề nảy sinh, thậm chí là hệ lụy rất khó giải quyết, như vấn đề bảo vệ rừng, quản lý hiệu quả nguồn tài nguyên, chống xâm lấn đất đai và cả quyền lợi cũng như chế độ chính sách, an sinh xã hội cho các hộ đội viên. Điều này rất cần UBND tỉnh sớm có phương án xử lý dứt điểm.