Ăn

uộc đời và thân thế Uy Viễn tướng công Nguyễn Công Trứ gắn liền với những công lao lẫy lừng và không biết bao nhiêu giai thoại thú vị đậm “chất Nghệ”. Chuyện rằng, những năm cuối đời, dù đã về hưu ở vui thú điền viên, nhưng khi có dịp quan chức địa phương vẫn phép tắc đến thăm và vấn an cụ.

Trong một lần biết trước các quan đương nhiệm sẽ đến chơi nhà, Nguyễn Công Trứ cho người rang sẵn một mẻ ngô để qua đêm thật nguội nhằm thết đãi khách. Với vị chủ nhà tài ba xuất chúng như cụ Nguyễn thì dù món mời đạm bạc đến mấy cũng nào ai dám chối từ. Quan khách vừa hàn huyên thế sự, vừa thò tay nhón từng hạt ngô rang cho vào miệng. Tuy nhiên ngô rang mà để nguội thì cứng lắm. Nó thực sự là một thách thức cơ học cho những bộ hàm quen cọ xát với nước chấm rau thơm. Nhai không được, nuốt chửng không xong, nhả thì thất lễ, thực khách bèn thẳng thắn: “Ngô cứng quá, cứng quá ăn không được”. Cụ Nguyễn lúc bấy giờ mới thong thả nhận xét: “Các quan nói thế nào ấy chứ, tiền của dân cứng như thế mà các quan còn ăn được, ngô này thấm chi”. Những vị quan vốn quyền uy đạo mạo bỗng nhiên tái mặt với cú đòn thâm nho của cụ Nguyễn mà chẳng ai ho he hóc hách gì. Bái phục cụ Trứ, chỉ một câu nói mà hai lần dùng đến chữ ăn với hai nghĩa khác nhau, một theo nghĩa đen và một theo nghĩa bóng. Hay nói cách khác là một chữ ăn theo nghĩa sinh học và một chữ ăn theo nghĩa… văn học!

Chúng ta biết rằng, ăn là từ dùng để chỉ hành vi nạp năng lượng nhằm duy trì sự sống và tăng trưởng của động vật nói chung trong đó có con người. Có những người ăn để mà sống cũng có những người sống để mà ăn. Có những thời điểm ăn để mà sống lại có những lúc sống để mà ăn.

Ở một góc độ nào đó ăn có khi được nâng lên gần như là một nghệ thuật thậm chí có lúc được sử dụng như là phương tiện. Chỉ cách đây mấy ngày bên lề diễn đàn kinh tế diễn ra tại thành phố Vladivostok, hai người đàn ông thuộc hàng quyền lực nhất thế giới là Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Putin đã kết nối giao thương với nhau thông qua món bánh kếp. Sau nhiều giờ hội đàm căng thẳng trên bàn nghị sự, Tổng thống Putin đã mời ông Tập đến khu văn hóa ẩm thực cùng làm món bánh kếp. Đeo hai chiếc tạp dề xanh, ông Putin và ông Tập múc bột vào hai chảo mỡ và đảo đều hai mặt bánh. Sau đó, hai người ăn kèm chúng với trứng cá muối và uống vodka. Tất nhiên tôi không nghĩ họ ăn vì đói! Đó là ngoại giao ẩm thực. Trước hàng trăm ống kính, nó dường như là một trạng thái lao động nghệ thuật nhiều hơn là khoảnh khắc hưởng thụ.

Kể cả ăn cũng phải học. Trên một bàn tiệc không khó để nhận ra đâu là người có văn hóa và đâu là kẻ ngược lại. Một bữa cơm gia đình khác với một bữa tiệc liên hoan. Một bữa tiệc liên hoan lớp khác với một bữa tiệc tiếp họ nhà trai… Một chầu thịt chó quán “phủi” khác với một bữa ăn tự chọn trong khách sạn. Chả thế mà một số nhà hàng nước ngoài đã in các cảnh báo về văn hóa ăn uống cho thực khách, điều đáng suy nghĩ là những cảnh báo này được in bằng… tiếng Việt!

Dễ dàng bắt gặp những bảng cảnh báo thói ăn uống bằng tiếng Việt ở các nước như Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore.
Dễ dàng bắt gặp những bảng cảnh báo thói ăn uống bằng tiếng Việt ở các nước như Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore.

Xã hội đã chuyển từ thời nhu cầu ăn no sang đến ăn ngon và hơn thế là ăn sang, ăn tinh tế. Mấy ngày nay người ta bàn nhiều về chuyện ăn thịt chó. Kẻ ủng hộ, người phản đối. Người bảo chó là bạn, kẻ hô chán là bỏ. Đành rằng ăn gì là quyền của mỗi người, nhưng nếu ăn cái món mà cả xã hội quay lưng thì khó mà ngon miệng lắm. Ngày xưa thịt chó là món sang, chỉ dùng để tiếp khách “trên về”. Có câu chuyện “bôi bác” anh nọ thèm thịt cầy đến mức thấy con chó chạy qua mà nhỏ cả nước dãi. Xã hội càng phát triển thì nhu cầu ăn uống cũng thay đổi, giờ thì tín đồ món này cũng dần thưa đi. Những riềng sả mắm tôm không còn là “không gian diễn xướng” hạng sang nữa. Ăn là văn hóa, kêu gào vì một món ăn lại càng phải văn hóa. Đó là nói về chữ ăn theo nghĩa đen.

Cách đây mấy năm, trong phát biểu về chống tham nhũng, một vị lãnh đạo đã thốt lên “Họ ăn của dân không từ thứ gì”. Vâng, có thể hiểu ăn ở đây là kiếm chác là tham nhũng là nhận hối lộ, hay nói cho “vuông” là ăn cướp! Có kẻ “ăn” kín đáo nhưng cũng có kẻ ăn tạp, kẻ ăn xổi, kẻ ăn vụng, kẻ ăn gian, kẻ ăn vặt… nói chung hễ cứ có là ăn, thậm chí không có thì tìm cách… ăn hiếp.

Khu ẩm thực của họ thường chìm nổi sau những bộ hồ sơ thương binh giả, những mẻ bê tông cốt tre và cả những con bò giống lạc chuồng. Khẩu vị của họ tất nhiên là tươi sốt nhưng món ăn nhuận tràng nhất của họ lại là phong bì. Ngày nay có một kiểu ăn nữa, tạm gọi là ăn mày. Không nói đến những người lang thang đầu đường xó chợ. Tác giả đang nói đến một kiểu ăn mày cao cấp hơn, là “cái bang thời 4.0”. Đó là nghề đi xin. Lạ thật thời nay cái gì cũng xin và người càng giỏi xin thì lại càng được coi là năng động. Dân gian lưu truyền rằng “Giỏi xin là vĩ đại, giỏi cãi là vĩ cuồng”. Ô hay, giỏi xin là vĩ đại. Mỉa mai đến thế là cùng. Có những xã suốt ngày cắp cặp lên huyện, có những huyện suốt ngày cắp cặp lên tỉnh… Thành tích cuối năm của huyện không phải là trồng bao nhiêu lúa, nuôi bao nhiêu bò, xóa bao nhiêu hộ nghèo mà hả hê nhất là xin được bao nhiêu dự án! Ai cũng biết rằng xin chỉ là sự chuyển dịch chứ không bao giờ là hoạt động tạo ra của cải, chưa nói nó còn làm thui chột động lực làm việc. Ấy vậy mà trong xã hội vẫn còn một bộ phận lấy xin làm thước đo năng lực. Tổng kết, xin! Gặp mặt giao lưu truyền thống, xin! Văn nghệ quần chúng, xin! Tham quan du lịch, xin! Kể cũng thương các vị lãnh đạo đương nhiệm, mỗi năm vài lần thế hệ tiền nhiệm đến vấn an sức khỏe và tiện thể xin ít kinh phí tọa đàm truyền thống dưới… Cửa Lò! Không cho thì đắc tội mà cho thì năm sau lại… vấn an sức khỏe tiếp! Ai đó từng nói “đã đi xin thì khoác áo nào cũng là thằng ăn mày”. Không bàn luận đúng sai, nhưng hình như “văn hóa Cái Bang” nó “ăn” vào máu mất rồi! Khó bỏ lắm. Thậm chí ở một cuộc biểu diễn gọi là quyên góp từ thiện nọ đến khi thiên hạ không còn gì để cho ăn nữa, nhưng MC chương trình vẫn còn gào lên rằng xin quý vị… một tràng vỗ tay thật lớn được không ạ! Vỗ tay mà cũng phải xin à? Cách đây mấy năm một vị công bộc nọ đã bị chủ tịch nước tước huân chương vì mắc tội… xin thành tích đồng đội cấy vào hồ sơ! Người ta sẵn sàng ăn mày cả huy chương kìa! Có những món ăn không nuốt được và đây là một ví dụ! Cái ăn nó cũng lạ kỳ, ăn chất bổ thì cả tháng chưa thấy ngấm, nhưng chỉ nhỡ mồm ăn một chút chất độc thì ngã đùng lăn quay.

Chữ ăn trong đời thường cũng sinh động ra phết. Hèn nhát nhất là đám “ăn vạ”. Ngu ngốc nhất là đợi “ăn may”. Bẩn thỉu nhất là bọn “ăn vụng”. Vô tư nhất là những người “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Thương hại nhất là những kẻ “chịu đấm ăn xôi”. Khó chịu nhất là đám “ăn theo nói leo”. Sợ hãi nhất là phường “ăn cháo đá bát”. Thích thú nhất là những ai “ăn đều tiêu sòng”. Bài học cay đắng nhất là “ăn của chùa ngọng miệng”. Lẽ thường đáng suy ngẫm nhất là “ăn khi đói nói khi say”. Đối thủ đáng giá nhất là kẻ “ăn miếng trả miếng”. Hình phạt nặng nề nhất là “ăn không ngon, ngủ không yên”. Phương châm quan trọng nhất là “ăn chắc mặc bền”. Thất bại rõ ràng nhất là “ăn cây táo rào cây sung”. Văn hóa ứng xử cần giữ gìn nhất là “ăn trông nồi, ngồi trông hướng”. Cảm ơn tiền bối đã để lại cho hậu thế những lời răn quý giá.

Ý kiến bạn đọc(1)

  1. Nguyễn khắc thuần

    Hay thật là hay.