Tại báo cáo về thực trạng công tác quản lý, bảo tồn di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Nghệ An vào cuối năm 2022, Sở Văn hóa và Thể thao cho biết, trên địa bàn tỉnh, nhìn chung, công tác tu bổ, tôn tạo di tích trong thời gian qua đã từng bước đi vào nề nếp, bảo đảm nguyên tắc, quy trình. Chất lượng thi công tu bổ cơ bản đạt yêu cầu về mặt khoa học và đang phát huy ngày càng tốt giá trị của di tích. Tuy vậy, vẫn có một số công trình tu bổ, tôn tạo di tích chưa đảm bảo đúng quy định của Luật Di sản văn hóa.
Đã có tình trạng làm mới một số hạng mục khi tu bổ di tích. Tại huyện Yên Thành, trong quá trình trùng tu một di tích lịch sử cấp Quốc gia, sau khi hạ giải nhà tưởng niệm bằng gỗ, con cháu của dòng họ đã tự thay mới chất liệu của một số hạng mục, như song cửa, sơn… Ngay sau khi phát hiện, Ban Quản lý di tích tỉnh đã nhanh chóng yêu cầu dỡ bỏ và phục dựng những chi tiết đã hạ giải theo bản thiết kế được phê duyệt.
Tương tự, khi tu bổ công trình nhà thờ họ Nguyễn Trương – Di tích cấp tỉnh tại xã Nghi Xá (Nghi Lộc), vì không nắm được Luật Di sản văn hóa, các cụ trong dòng họ đã xin xây thêm phần hậu cung. “Những trường hợp như vậy không phải là hiếm, bởi đối với các di tích được tu bổ bằng nguồn xã hội hóa, những người liên quan thường có tâm lý khi đã có nguồn kinh dồi dào phí thì xây mới, xây lại cho chắc, phải sơn mới, ốp đá cho uy nghi, cho đẹp, thậm chí còn sử dụng kiến trúc tân thời, đồ tế khí hiện đại… Điều này không những làm mất đi giá trị văn hóa, lịch sử mà còn làm giảm đi sự linh thiêng của di tích và vi phạm Luật Di sản văn hóa. Với di tích, yếu tố gốc là phải cố gắng giữ. Vì đó là di sản mà ông cha ta đã xây dựng từ hàng trăm năm trước, là văn hóa, là những gì đẹp đẽ nhất đã được chưng cất qua thời gian”, bà Trần Kim Phượng – Trưởng ban Quản lý di tích tỉnh bày tỏ quan điểm.
Liên quan đến chuyện làm thay đổi yếu tố gốc sau tu bổ di tích ở Nghệ An, năm 2007, công trình trùng tu di tích cấp Quốc gia đền Cuông (xã Diễn An, huyện Diễn Châu) làm nổ ra nhiều cuộc phê bình gay gắt trên báo chí do nhiều hạng mục bị làm mới, biến dạng so với bản gốc, bị Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch) “thổi còi”. Nguyên nhân là do trong quá trình tu bổ, các bên liên quan đã không nghiêm túc thực hiện các quy định về tu bổ di tích. Gần đây, câu chuyện một ngôi chùa cổ giữa lòng thành phố Vinh sau khi trùng tu đã gần như bị làm mới cũng được bàn luận nhiều.
Bà Trần Thị Kim Phượng – Trưởng ban Quản lý di tích tỉnh Nghệ An cho biết: Cái khó nhất trong tu bổ di tích chính là việc hạ giải. Hạ giải như thế nào để không làm hư hỏng những phần cũ và tận dụng lại trong công tác trùng tu? Có những vì kèo, giá chiêng khi hạ giải xuống thì phần mái đi kèm cũng hư hỏng luôn. Hay có những cột, vì còn chắc chắn nhưng khi hạ giải xuống thì bên trong đã mục và các phần đi kèm cũng sụp đổ theo. Bên cạnh đó, trong quá trình phục dựng các chi tiết trên mái đình, đền, một số linh vật biểu tượng bằng gốm, sứ thường bị hư hỏng, mất mát, việc đắp lại như cũ là không hề đơn giản, phải mời được nghệ nhân giỏi, phải kỳ công trong thẩm định và giám sát.
Theo quy định, khi thực hiện một dự án trùng tu, tôn tạo di tích đều phải thực hiện đầy đủ trình tự, thủ tục lập hồ sơ như các dự án của lĩnh vực xây dựng, đồng thời, còn bị điều chỉnh bởi Luật Di sản văn hóa. Chẳng hạn, nếu là di tích Quốc gia đặc biệt khi trùng tu, tôn tạo phải thực hiện quy trình, thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Hay với di tích Quốc gia phải lập hồ sơ, thủ tục trình Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch. Còn với di tích cấp tỉnh phải được sự đồng ý phê duyệt của Sở Văn hóa và Thể thao.
Cùng với đó, để công tác trùng tu, tôn tạo đảm bảo thực thi đúng Luật Di sản văn hóa thì cán bộ chuyên môn phải nắm rõ những quy định được nêu trong Thông tư số 15/2019/TT-BVHTTDL ngày 31/7/2019, chi tiết một số quy định về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích. Đáng chú ý, thông tư này nêu rõ, hoạt động thi công tu bổ di tích phải tuân thủ thiết kế bản vẽ thi công tu bổ di tích đã được phê duyệt, quy định về quản lý chất lượng, tiến độ, khối lượng thi công, an toàn lao động và các quy định pháp luật có liên quan; ưu tiên sử dụng phương pháp thi công truyền thống, chú trọng bảo tồn các yếu tố gốc cấu thành di tích, bảo vệ cấu kiện, thành phần kiến trúc trong suốt quá trình thi công tu bổ di tích. Ngoài ra, Thông tư cũng yêu cầu hoạt động tu bổ di tích phải được thực hiện dưới sự giám sát của cộng đồng dân cư nơi có di tích; thường xuyên tham vấn ý kiến nhân chứng lịch sử, chuyên gia, nghệ nhân và cộng đồng dân cư nơi có di tích. Về điều này, ông Hoàng Danh Truyền – Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành cho biết: “Trong quá trình trùng tu di tích đền Mõ ở xã Liên Thành, đình Sừng ở xã Lăng Thành, huyện đã nhiều lần thực thi giám sát công tác hạ giải và thực hiện thi công của các nhà thầu. Tuy nhiên, có những hạng mục huyện phải mời các vị cao niên trong làng để lấy ý kiến như việc đắp con giống và sử dụng lại các phần đã hạ giải sao cho đúng với di tích nguyên bản nhất”.
Tuy vậy, để di tích vừa được trùng tu kịp thời, vừa đảm bảo giữ được những yếu tố gốc của di tích theo tinh thần của Luật Di sản văn hóa là câu chuyện không hề đơn giản. Tại báo cáo về thực trạng công tác quản lý, bảo tồn di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Nghệ An, đối với hoạt động tu bổ, tôn tạo di tích, Sở Văn hóa và Thể thao cũng thừa nhận: Các đơn vị tư vấn không am hiểu chuyên sâu nhiều về lịch sử, văn hóa, kiến thức bảo tồn – bảo tàng để lập các dự án tu bổ, tôn tạo di tích; Các đơn vị thi công có tính chuyên môn trên địa bàn quá ít, chưa đáp ứng nhu cầu. Bên cạnh đó, nhận thức, sự quan tâm về công tác quản lý, bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa của một số cấp ủy, chính quyền còn hạn chế, chưa sâu sắc và toàn diện, còn buông lỏng quản lý. Nguồn lực cán bộ về di sản văn hóa cơ sở còn thiếu và yếu; ở tỉnh chưa có đủ đội ngũ chuyên gia giỏi để quản lý về tu bổ, tôn tạo di tích…
Tháng 7/2020, Quyết định số 19/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh về quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa, danh lam, thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Nghệ An được ban hành đã phân cấp quản lý di tích về cơ sở, tạo điều kiện cho các địa phương và cộng đồng dân cư chủ động hơn trong việc bảo vệ, tu bổ và phát huy giá trị di tích. Như vậy, nếu địa phương nào để xảy ra tình trạng di tích bị xâm hại hoặc vi phạm Luật Di sản văn hóa thì chính quyền địa phương đó phải chịu trách nhiệm. Quyết định mới này là một trong những giải pháp quan trọng để hạn chế những vi phạm không đáng có trong quá trình tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích. Do đó, để hạn chế tình trạng vi phạm Luật Di sản trong quá trình tu bổ, tôn tạo di tích, ngành Văn hóa và các địa phương cần tăng cường bồi dưỡng nâng cao nhận thức về công tác bảo tồn, tu bổ di tích, đặc biệt là đội ngũ cán bộ quản lý và những người trực tiếp trông coi di tích; thường xuyên giám sát, kiểm tra và kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm trong hoạt động bảo tồn, tu bổ.