Xác định công tác tuyên truyền phải đi trước một bước, tại các xã biên giới thuộc phạm vi đề án trên địa bàn huyện Tương Dương, ngoài băng rôn khẩu hiệu được treo từ trục đường chính vào tận các thôn bản, lực lượng công an còn phối hợp các ban ngành, đoàn thể đi đến từng hộ dân để tuyên truyền, tổ chức ký cam kết và đẩy mạnh tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh bằng cả tiếng phổ thông và tiếng đồng bào các dân tộc thiểu số.
Xã Tam Hợp cách trung tâm huyện Tương Dương khoảng 30km về phía Tây Nam, được xác định là một trong những địa bàn tiềm ẩn phức tạp về ma túy. Đại úy Thò Bá Lỳ – Trưởng Công an xã Tam Hợp cho biết: Mặc dù tại địa bàn xã không có các tụ điểm, điểm bán lẻ chất ma túy, tuy nhiên, nhiều đối tượng nghiện và nghi nghiện ma túy trên địa bàn thường xuyên lén lút đi ra khỏi địa phương để mua ma túy về sử dụng gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự. Trước tình hình đó, qua rà soát 16 đối tượng nghiện, ngoài 8 đối tượng đi làm ăn xa không có mặt tại địa phương, chúng tôi đã phối hợp đưa 8 đối tượng đi cai nghiện bắt buộc tại các cơ sở cai nghiện, tổ chức test nhanh ma túy 13 trường hợp nghi nghiện cho kết quả âm tính.
Công an xã Tam Hợp đã chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương, thường xuyên tổ chức tuyên truyền trong nhân dân về tệ nạn, tác hại của ma túy. Đặc biệt, không ngừng đổi mới nội dung công tác tuyên truyền, hướng vào các đối tượng là đoàn viên, thanh niên, học sinh. Sử dụng “người thật, việc thật” là những người nghiện ma túy đã cai nghiện thành công, hoàn lương có việc làm, cuộc sống ổn định để tuyên truyền. Qua đó tổ chức 100% hộ gia đình ký cam kết không tàng trữ, mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy…
Tại huyện Thanh Chương, trong 6 tháng thực hiện đề án đã chỉ đạo lập 54 hồ sơ đề nghị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, lập hồ sơ 37 trường hợp cai nghiện bằng uống thuốc Methadone tại Trung tâm Y tế huyện… Đơn cử, tại xã Ngọc Lâm, với 98% là đồng bào dân tộc thiểu số tái định cư từ thủy điện Bản Vẽ, là một trong những địa bàn trọng điểm về an ninh trật tự, có đường biên giới kéo dài với địa hình phức tạp, nhiều đường mòn lối mở, là điều kiện để các đối tượng lợi dụng thẩm lậu ma túy qua biên giới. Cùng với phát huy vai trò của các già làng, trưởng bản trong công tác tuyên truyền, lực lượng công an xã đã chủ trì, phối hợp bắt giữ nhiều đối tượng vi phạm pháp luật về ma túy, triệt phá các tụ điểm bán lẻ phức tạp tại địa bàn. Đặc biệt, lập hồ sơ đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc 29 đối tượng, quản lý 17 đối tượng điều trị bằng uống Methadone, 7 đối tượng được lập hồ sơ quản lý sau cai, quản lý theo dõi 38 đối tượng nghi vấn sử dụng trái phép chất ma túy. Theo công an địa phương thì việc “cắt cầu” là cần thiết, quan trọng để giữ địa bàn sạch về ma túy, bởi mỗi khi trên địa bàn còn người nghiện thì ắt các tội phạm liên quan đến ma túy, điểm bán lẻ sẽ phát sinh.
Tại xã Môn Sơn, huyện Con Cuông, việc duy trì hòm thư tố giác tội phạm, niêm yết công khai số điện thoại của Trưởng Công an huyện, Phó trưởng Công an huyện phụ trách công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, Phó đội trưởng Đội CSĐTTP về hình sự, kinh tế và ma túy, trưởng công an xã tại nhà văn hóa 14/14 thôn, bản, đã tạo điều kiện để nhân dân phát hiện, tố giác tội phạm về ma túy. Nhờ vậy, các lực lượng chức năng trên địa bàn đã phối hợp bắt giữ 4 vụ, 4 đối tượng liên quan đến ma túy.
Thượng tá Lưu Mai Châu – Trưởng Công an huyện Con Cuông cho biết: Với sự triển khai đồng bộ, quyết liệt, tại 2 xã biên giới Môn Sơn và Châu Khê, lực lượng chức năng đã bắt giữ 6 vụ, 6 đối tượng về hành vi “Tàng trữ trái phép chất ma túy”, bắt giữ 1 vụ, 1 đối tượng về hành vi “Vận chuyển trái phép chất ma túy”; thu giữ 105,52 gam heroin, 4.210 viên ma túy tổng hợp. Đến thời điểm hiện nay, tại các địa bàn này đã không còn tụ điểm, điểm phức tạp, điểm bán lẻ, điểm tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy; không có đối tượng, ổ nhóm, đường dây liên quan đến ma túy…
Cùng với vai trò chính của lực lượng công an, các cấp, ngành, chính quyền địa phương tại 6 huyện biên giới đã thực sự vào cuộc, triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Tại địa bàn huyện Tương Dương, trên cơ sở Nghị quyết của Ban Thường vụ Huyện ủy, UBND huyện ban hành Kế hoạch, thành lập Ban chỉ đạo… qua đó huy động sức mạnh tổng hợp của cấp ủy, chính quyền các cấp và toàn dân trong triển khai thực hiện. Không chỉ dừng lại ở phạm vi các xã thuộc đề án mà còn xây dựng mô hình phòng, chống ma túy ở các địa bàn khác. Điển hình như Ủy ban MTTQ huyện phối hợp xây dựng 4 mô hình “Bản không có ma túy, gắn tái hòa nhập cộng đồng” tại bản Cò Phảo, xã Yên Na; “Bản không có ma túy và camera an ninh” tại bản Khe Kiền, xã Lưu Kiền; “Bản không có ma túy, gắn với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” tại bản Phẩy, xã Xiêng My; “Bản không có ma túy, gắn với phát triển nghề mây tre đan” tại bản Yên Hương, xã Yên Hòa gắn với thực hiện quy ước, hương ước thôn bản. Huyện đoàn phối hợp với Công an xã Lượng Minh xây dựng mô hình “Chi đoàn không ma túy”… góp phần đẩy lùi tình hình phức tạp về tệ nạn ma túy ra khỏi cộng đồng dân cư. Bên cạnh đó công tác hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng; xây dựng, củng cố, duy trì và nâng cao hiệu quả mô hình, điển hình tiên tiến cũng đặc biệt được quan tâm.
Theo ông Nguyễn Văn Hải – Bí thư Huyện ủy Tương Dương, việc làm tốt công tác quản lý, giáo dục người tái hòa nhập cộng đồng sẽ góp phần quan trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và ngăn ngừa tình trạng tái phạm, nhất là những đối tượng liên quan đến ma túy. Đây là hoạt động mang tính nhân văn sâu sắc, giúp người lầm lỗi không những trở thành người có ích cho gia đình, xã hội mà còn là tấm gương để người khác có quá khứ lầm lỗi phấn đấu vươn lên.
Điều này được chứng thực khi chúng tôi đến thăm gia đình anh Viêng Văn Phùng ở bản Xốp Nặm, xã Tam Hợp từng phạm tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy”, bị Tòa án nhân dân huyện Tương Dương xử phạt 24 tháng tù giam. Thời gian đầu trở về địa phương, anh Phùng gặp không ít khó khăn trong tái hòa nhập cộng đồng vì mặc cảm là người đi tù về. Trong khi đó, kinh tế gia đình rất khó khăn, con cái đang độ tuổi ăn học. Và rồi quyết tâm của bản thân, sự động viên của gia đình, sự quan tâm của chính quyền, đoàn thể ở địa phương đã tiếp thêm động lực giúp anh dần vượt qua những mặc cảm để đứng lên. Nhận thấy tại địa bàn rất thuận lợi cho việc phát triển chăn nuôi, sau khi được vay nguồn vốn ưu đãi 100 triệu đồng, cùng với sự định hướng từ cán bộ nông nghiệp xã, anh Phùng đã đầu tư nuôi lợn, bò. Lấy ngắn, nuôi dài đến nay anh đã xây dựng được trang trại với hơn 30 con lợn, 5 con bò sinh sản, chưa kể còn nuôi gà, dê, kết hợp trồng sắn…; mỗi năm thu nhập trên 70 triệu đồng, cuộc sống gia đình dần ổn định “Nếu chẳng may phạm phải lỗi lầm, đừng buông xuôi mà phải tìm cách để đứng lên. Với bản thân tôi, ngoài nghị lực bản thân, sự động viên của gia đình, còn nhờ sự hỗ trợ của các cấp, ngành, chính quyền đoàn thể, bà con lối xóm, nhất là thời kỳ tái hòa nhập cộng đồng”, anh Phùng chia sẻ.
Tại nhiều địa phương, trong quá trình triển khai đề án, đã phát huy tốt vai trò “cánh tay nối dài” của đội ngũ già làng, trưởng bản, người có uy tín. Điển hình như ở huyện Quế Phong, một trong những huyện biên giới trọng điểm, phức tạp về ma túy, đội ngũ các già làng, trưởng bản, người có uy tín đã “đi từng ngõ, gõ từng nhà, gặp từng người” để vận động bà con, trước hết là người trong dòng họ rời xa ma túy.
Theo ông Lương Văn Nguyên – Trưởng bản Mường Phú, xã Thông Thụ: Cả bản có 227 hộ chủ yếu là người Thái. Trước đây tình trạng buôn bán, sử dụng ma túy rất phức tạp. Sau khi triển khai đề án, cùng với lực lượng chức năng, chính quyền địa phương, các già làng, trưởng bản, người có uy tín đã trực tiếp gặp gỡ người dân tổ chức tuyên truyền, ký cam kết không vi phạm.
Cùng với đó, từng dòng họ đều đưa các nội dung liên quan công tác phòng, chống ma túy vào quy ước, hương ước. Dòng họ nào có đối tượng liên quan đến ma túy như bị nghiện, thì sẽ bị đưa ra kiểm điểm trong dòng họ và phối hợp với chính quyền, lực lượng chức năng trong công tác cai nghiện, giám sát đối tượng khi trở lại cộng đồng… “Uy tín, danh dự dòng họ lớn lắm, nên dòng họ nào cũng quyết tâm, nếu có người trong dòng họ biểu hiện nghi nghiện là gọi công an đến kiểm tra ngay”, ông Nguyên cho hay.
Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá Trần Minh Sơn – Trưởng Công an huyện Quế Phong cho biết: Trong công tác tuyên truyền phòng chống ma túy, đội ngũ già làng, trưởng bản, người có uy tín có vai trò rất lớn. Nhờ sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, mà trong 6 tháng triển khai đề án, tại địa bàn đã bắt 27 vụ, 31 đối tượng phạm tội về ma túy, triệt xóa, vô hiệu hóa 1 tụ điểm, 1 điểm phức tạp, 4 điểm bán lẻ ma túy. Bắt 11 đối tượng nghiện phạm tội về ma túy, lập hồ sơ đưa 21 đối tượng cai nghiện bắt buộc, xác minh làm rõ tình trạng nghiện 52 trường hợp… Đến nay, đã có 3/4 xã biên giới, gồm Thông Thụ, Hạnh Dịch và Nậm Giải đạt các tiêu chí “sạch” về ma túy.
Có thể nói, để thực hiện Đề án xây dựng “Xã biên giới sạch ma túy”, cả hệ thống chính trị ở các huyện biên giới Nghệ An đã được huy động vào cuộc với quyết tâm cao. Đến nay, UBND 6 huyện biên giới đã ra quyết định công nhận 26 xã biên giới “sạch ma túy” và tiếp tục triển khai các biện pháp “giữ sạch” tại đề án. Qua đó, đảm bảo yên dân, yên địa bàn, yên biên giới.