Đảng vừa mới ra đời đã lãnh đạo phong trào cách mạng 1930 – 1931 với đỉnh cao Xô viết Nghệ Tĩnh. Khi các Xô viết Nghệ Tĩnh được thành lập, Bác Hồ đang hoạt động ở nước ngoài. Ngày 19/2/1931, ở bài “Nghệ Tĩnh đỏ”, Người khẳng định: “Trong thời kỳ Pháp xâm lược cũng như trong các phong trào cách mạng quốc gia (1905 – 1925) Nghệ – Tĩnh đã nổi tiếng. Trong cuộc đấu tranh hiện nay, công nhân và nông dân Nghệ – Tĩnh vẫn giữ vững truyền thống cách mạng của mình… Nghệ – Tĩnh thật xứng đáng với danh hiệu “đỏ”! Sau đó, Người đã nhận xét: “Vì có một chủ nghĩa cách mạng nhất, một tổ chức chặt chẽ nhất, chí hy sinh tận tụy không bờ bến của đảng viên, có sự hăng hái vô cùng của quần chúng, nên Đảng ta thành lập không bao lâu, đã lãnh đạo được cuộc khởi nghĩa Nghệ Tĩnh, thành lập Xô viết Nghệ An. Nếu so sánh lịch sử cách mạng các nước, chúng ta có thể nói rằng Xô viết Nghệ An đối với Việt Nam cũng hơi giống cách mạng 1905 ở Nga. Xô viết Nghệ An đã lôi cuốn được cả công nhân, nông dân và học sinh. Đã lập nên chính quyền nhân dân. Đã làm cho giặc Pháp kinh sợ. Thật là một cuộc cách mạng oanh liệt đầu tiên do giai cấp vô sản Việt Nam lãnh đạo”.
Trong lời viết cho Bảo tàng Xô viết Nghệ – Tĩnh ngày 3/2/1964, Bác căn dặn bằng cả tâm huyết rằng: “Xô viết Nghệ – Tĩnh là chính quyền cách mạng đầu tiên của công nông, đã lật đổ chính quyền phản động của đế quốc và phong kiến ở mấy nơi trong hai tỉnh Nghệ – Tĩnh. Dù đế quốc Pháp và bọn phong kiến đã tạm thời nhấn chìm phong trào cách mạng trong biển máu, nhưng truyền thống oanh liệt của Xô viết Nghệ – Tĩnh đã thúc đẩy phong trào cách mạng trong cả nước tiến lên và đưa đến Cách mạng Tháng Tám thành công rực rỡ… Toàn Đảng, toàn dân ta cần phải phát huy truyền thống anh dũng của Xô viết Nghệ – Tĩnh, nâng cao chí khí cách mạng, vượt mọi khó khăn, đưa cách mạng Việt Nam tiến lên thắng lợi mới. Cán bộ, đảng viên, đoàn viên thanh niên và toàn thể đồng bào Nghệ – Tĩnh cần đoàn kết chặt chẽ, phấn khởi thi đua xây dựng Nghệ An và Hà Tĩnh thành hai tỉnh gương mẫu, xứng đáng là quê hương của Xô viết Nghệ – Tĩnh anh hùng”.
Những dòng ngắn gọn, súc tích ấy của Bác Hồ đã toát lên khí phách con người xứ Nghệ và cho thấy tầm vóc, giá trị, ý nghĩa, bài học kinh nghiệm của đỉnh cao Xô viết Nghệ Tĩnh. Lúc bấy giờ, phong trào diễn ra trên 25 tỉnh, thành trong cả nước, nhưng không có nơi nào quyết liệt, mạnh mẽ bằng Nghệ -Tĩnh. Đỉnh cao là cuộc bạo động của hơn 8 nghìn nông dân ở huyện Hưng Nguyên ngày 12/9/1930 nhằm hưởng ứng cuộc đấu tranh của nông dân các huyện và cuộc bãi công của công nhân Vinh – Bến Thủy phản đối chính sách khủng bố của đế quốc, phong kiến, tay sai. Trước tình hình đó, các tổ chức cơ sở đảng ở địa phương kịp thời lãnh đạo quần chúng thực hiện quyền làm chủ, tự đứng ra quản lý đời sống, mặc nhiên làm nhiệm vụ của chính quyền nhân dân theo hình thức Xô viết.
Khi đó, tỉnh Nghệ An chỉ có 3 phủ, 6 huyện với số dân 614 nghìn người ở 942 làng; Hà Tĩnh có 2 phủ, 6 huyện, với số dân 405 nghìn người ở 601 làng. Tỉnh Hà Tĩnh không có công nghiệp, còn Vinh của Nghệ An có một nhà ga xe lửa lớn, một nhà máy điện nước, một nhà máy diêm, 5 nhà máy cưa, 2 xưởng sửa chữa ô tô và một vài xưởng nhỏ, tất cả dùng 4 nghìn công nhân. Địa thế hai tỉnh nhiều rừng núi, đất đai cằn cỗi, chẳng có nông giang, thường xảy ra bão lụt, nhân dân đói khát và nơi ăn chốn ở rất khổ sở. Nhưng với khí thế cách mạng hừng hực, nhân dân nơi đây làm nên đỉnh cao của phong trào 1930-1931, tạo được dấu ấn sâu đậm, tác động lớn lao đến cả nước, uy hiếp trực tiếp tinh thần của kẻ thù xâm lược, khẳng định sức mạnh vô biên của những con người Xô viết kiên cường. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá: “Tuy đế quốc Pháp đã dập tắt phong trào đó trong một biển máu, nhưng Xô viết Nghệ – Tĩnh đã chứng tỏ tinh thần oanh liệt và năng lực cách mạng của nhân dân lao động Việt Nam. Phong trào tuy thất bại, nhưng nó rèn luyện lực lượng cho cuộc Cách mạng Tháng Tám thắng lợi sau này”.
Kể từ khi ra đời các Xô viết trên quê hương xứ Nghệ đến nay, cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng trải qua 88 năm. Đó cũng là 88 năm hào khí Xô viết Nghệ Tĩnh vang vọng với hồn thiêng sông núi nước Việt, là niềm tự hào của bao lớp người xứ Nghệ giàu bản lĩnh và là niềm tự hào của cả nước. Phát huy hào khí Xô viết, nhân dân Nghệ – Tĩnh luôn tiên phong trên các mặt trận, đóng góp xứng đáng vào thắng lợi hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược và công cuộc kiến thiết đất nước từ ngày thành lập đến nay. Đặc biệt, trong xây dựng quê hương thời kỳ đổi mới, Nghệ An càng phải coi trọng đề cao và phát huy hào khí Xô viết năm xưa, cùng đoàn kết thành một khối nhất trí hành động từ trên xuống dưới, nỗ lực khắc phục khó khăn, tập trung nghĩ kế sớm đưa địa phương thoát khỏi tỉnh nghèo, vươn lên trở thành tỉnh khá của cả nước, xứng đáng là quê hương Bác Hồ – quê hương Xô viết anh hùng.
Đó là bài học về sức lôi cuốn, tập hợp đông đảo các tầng lớp nhân dân trong một khối thống nhất của Đảng thông qua đường lối, chủ trương, khẩu hiệu đúng đắn, đáp ứng được khát vọng cháy bỏng của nhân dân, phải thực sự “việc gì có lợi cho dân thì kiên quyết làm, việc gì có hại cho dân thì kiên quyết tránh”. Đó còn là bài học về đội ngũ cán bộ đảng viên và nhân dân được tôi luyện, trưởng thành trong cuộc đấu trang quyết liệt với kẻ thù. Một trong những “kẻ thù nội xâm” hiện nay là những cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống đang là sâu mọt của nhân dân, phá hoại Đảng, làm xói mòn chế độ. Đó là bài học về phát huy sức mạnh nội lực, phát huy lợi thế của quê hương; từ trên xuống dưới phải nói đi đôi với làm, tốt nhất là nói ít làm nhiều, lấy công việc thực tế làm thành tích; kiên quyết bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, biết sử dụng hình thức và phương thức cách mạng thích hợp với từng hoàn cảnh lịch sử cụ thể. Đó còn là bài học về tăng cường công tác tuyên truyền đưa nghị quyết vào cuộc sống, biến thành những hành động thiết thực của quần chúng; hiện nay là cần tích cực quảng bá, giới thiệu văn hóa và con người xứ Nghệ đến với đông đảo du khách thập phương, hòng thu hút sự chú ý của các ý tưởng tốt về đầu tư, gỡ khó cho quê hương.
Tiềm năng của Nghệ An không thiếu. Người Nghệ An vốn dĩ hiếu học, cần cù, năng nổ, chịu khó. Nhưng đang cần lắm tư duy biết phát huy điểm mạnh, sớm gạt đi hạn chế thuộc về tiềm thức của “tính cách người Nghệ”, chú trọng hướng ra bên ngoài, nhanh chóng đổi mới phong cách đối ngoại, đáp ứng thời đại cách mạng công nghiệp 4.0. Khi ý Đảng hòa hợp với lòng dân – cán bộ một lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân – dân một lòng vì Đảng, vì Tổ quốc, vì quê hương mà phấn đấu quên mình, ấy là chả phải là thiên thời địa lợi nhân hòa đó sao! Ấy là khi các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân đoàn kết thành một khối, cùng gạt đi những gì được cho là hạn chế mang bản tính địa phương, tích cực học tập kinh nghiệm các tỉnh bạn và nước ngoài về những điểm mà mình đang thiếu, đang yếu hoặc đang lúng túng. Vì nhân tài nước Việt nhiều như lá mùa thu còn nhân tài đất Nghệ cũng không thiếu. Do vậy, đang cần lắm về chính sách cán bộ thích hợp từ khâu phát hiện, lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng đến khâu trọng dụng, cất nhắc, đãi ngộ, thu hút và níu giữ nhân tài. Không hẳn người nào làm việc cũng kỳ vọng về chỉ số thu nhập mà cái họ cần hướng tới là sự tôn vinh bằng sức mạnh văn hóa dùng người. Nghệ thuật dùng người là chìa khóa vạn năng của mọi thành công được Chủ tịch Hồ Chí Minh trao lại để chúng ta phát huy trong thời đại mới.
Ai cũng có quê hương và cũng yêu tha thiết quê hương mình, càng tự hào quê hương Xô viết. Chùm khế ngọt quê hương luôn vẫy gọi con em xứ Nghệ chung sức, đồng lòng xây dựng quê hương giàu đẹp. Với những chủ trương sát thực tế như hiện nay, nhất là sự khởi sắc trong mấy năm trở lại đây, chúng ta hoàn toàn tin tưởng Nghệ An sẽ sớm trở thành tỉnh khá ở miền Bắc – thỏa lòng mong đợi của Bác Hồ kính yêu, xứng đáng là quê hương Xô viết anh hùng!