Những mâu thuẫn trong gia đình, dòng họ, xóm giềng… nếu được giải quyết khi mới manh nha sẽ hạn chế phát sinh “điểm nóng” về an ninh, trật tự tại cộng đồng dân cư. Tính kịp thời, ngay tại nơi khởi nguồn cho thấy vai trò quan trọng của hòa giải ở cơ sở trong cộng đồng dân cư. Tuy nhiên để nâng cao chất lượng hoà giải cơ sở cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với những giải pháp đồng bộ…
18 năm làm bí thư chi bộ là cũng từng ấy năm ông Lê Đình Quế ở xóm Hải Bắc, xã Diễn Bích (Diễn Châu) gắn bó với công tác hòa giải. Xóm có 336 hộ, 1400 khẩu, đặc thù vùng biển đất chật, người đông nên thỉnh thoảng xảy ra tranh chấp, mâu thuẫn giữa hàng xóm, láng giềng với nhau mà tổ hòa giải phải đứng ra làm trung gian hòa giải kịp thời. Theo ông Quế: Hòa giải ở cơ sở thành công hay không là nhờ sự nhiệt tình, tận tâm, đoàn kết, đồng lòng của các thành viên trong tổ hòa giải vì sự bình yên và khối đại đoàn kết trong thôn xóm. Bản thân các hòa giải viên, ngoài sự nhiệt tình phải có kinh nghiệm, kỹ năng, phương pháp, kiến thức nhất định và quan trọng nhất là phải có uy tín, không ngại va chạm, biết “dân vận khéo” để nhận được sự ủng hộ và tin tưởng của nhân dân. Nhiều vụ việc cho thấy nếu tổ hòa giải của xóm không nắm bắt và vào cuộc kịp thời, “chờ đến khi có đơn” hoặc có ý kiến đề nghị hòa giải mới vào giải quyết, thì rất dễ phát sinh mâu thuẫn lớn.
Cũng đồng tình với quan điểm “chất lượng hòa giải cơ sở phụ thuộc vào chất lượng đội ngũ hòa giải viên, muốn nâng cao tỷ lệ hòa giải thành, trước hết phải nâng cao chất lượng đội ngũ hòa giải viên”; tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Mai, Trưởng ban Công tác Mặt trận, Tổ trưởng Tổ hòa giải xóm 5, xã Tân Sơn, huyện Đô Lương cho rằng, ngoài nỗ lực của hòa giải viên, cần phải có sự quan tâm, đồng hành vào cuộc của cấp ủy chính quyền, cả hệ thống chính trị và cán bộ có chuyên môn như tư pháp, địa chính. Bởi có những vụ việc phức tạp như liên quan đến tranh chấp đất đai tổ hòa giải phải đi thực tế, tìm hiểu trên bản đồ địa chính, đối chiếu sổ đỏ của các bên, tham vấn ý kiến chuyên môn, rồi mới xác định được phương pháp giải quyết ra sao cho ổn thỏa các bên.
Còn theo ông Nguyễn Hồng Phi – Trưởng phòng Tư pháp UBND huyện Anh Sơn: Muốn nâng cao tỷ lệ hòa giải thành thì trước hết phải có những hòa giải viên biết “dân vận khéo”, am hiểu kiến thức pháp luật, có kinh nghiệm, kỹ năng, uy tín với nhân dân. Hiện tại, trên địa bàn huyện Anh Sơn có 155 tổ hòa giải với 1.021 hòa giải viên, trong đó nam giới chiếm tỷ lệ 70,7%, (722 người) và 29,2% là nữ giới, (299 người); đồng bào dân tộc có 94 người, chiếm tỷ lệ 0,92% trên tổng số hòa giải viên.
Xác định được tầm quan trọng của hoạt động hòa giải, UBND huyện Anh Sơn đã ban hành Chỉ thị số 08-CT/UBND về tăng cường công tác phổ biến giáo dục pháp luật và công tác hòa giải cơ sở trên địa bàn huyện. Đồng thời chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn chính quyền cấp xã tập trung tổ chức kiện toàn tổ hòa giải. Trong đó xác định nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng hòa giải ở cơ sở cho đội ngũ hòa giải viên là một trong những yêu cầu mang tính kịp thời và cần thiết. Bên cạnh đó, để kịp thời chấn chỉnh và khắc phục những tồn tại, hạn chế của công tác này, hàng năm Hội đồng phối hợp Phổ biến, giáo dục pháp luật huyện đã tham mưu xây dựng kế hoạch và thành lập các đoàn kiểm tra việc thực hiện công tác hòa giải cơ sở tại 21 xã và thị trấn. Sau kiểm tra, có thông báo kết luận gửi các đơn vị được kiểm tra, đánh giá và biểu dương kịp thời những đơn vị làm tốt, đồng thời yêu cầu các đơn vị chưa làm tốt có các biện pháp chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại mà đoàn kiểm tra đã nêu ra. Qua đó, giúp cho công tác hòa giải cơ sở ngày càng đạt kết quả tốt hơn; tỷ lệ hòa giải thành đạt từ 78,7% trở lên.
Quan tâm đến công tác tập huấn, ông Võ Đình An – Xóm trưởng, Tổ trưởng Tổ hòa giải xóm Châu Quệ, xã Châu Đình, huyện Quỳ Hợp kiến nghị: Đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở chủ yếu là những người “vác tù và” thôn xóm, làm theo kinh nghiệm là chính. Bởi vậy để nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ này, trong công tác tập huấn, cần đưa ra các tình huống, vụ việc điển hình (tranh chấp đất đai, xây dựng, môi trường, hôn nhân và gia đình…) cho những người tham gia tập huấn chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi, thảo luận về quan điểm, cách xử lý, giải quyết các tình huống. Trên cơ sở đó, giảng viên nhận xét đánh giá, bổ sung thêm kỹ năng, kinh nghiệm cho hòa giải viên. Bên cạnh đó, nên lấy một số vụ việc mà các tổ hòa giải cơ sở đang tiếp nhận, để phân tích, đưa ra phương án xử lý, tư vấn các nội dung quy định của pháp luật và tiến hành các bước hòa giải vụ việc đó nhằm đạt được hiệu quả cao. “Việc tạo sự tương tác với nhau sẽ giúp cho buổi tập huấn đạt chất lượng, giúp cho các hòa giải viên nắm vững kiến thức và kinh nghiệm hòa giải”, ông Võ Đình An nhấn mạnh.
Còn ông Nguyễn Xuân Mai – Phó trưởng Phòng Tư pháp UBND huyện Đô Lương cho rằng: Nên chú trọng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong bồi dưỡng, tập huấn, nâng cao năng lực cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở (phát hành tài liệu điện tử, thành lập nhóm Zalo, Facebook… để trao đổi, thảo luận kiến thức, nghiệp vụ, kinh nghiệm giữa tập huấn viên với hòa giải viên và giữa các hòa giải viên.
Hòa giải viên là người hoạt động vì lợi ích cộng đồng, trên tinh thần tự nguyện là chính. Tuy nói là “tự nguyện” nhưng trong điều kiện sát nhập thôn xóm, địa bàn rộng, người đông, cấp ủy, chính quyền các cấp cần có sự động viên, khuyến khích kịp thời, quan tâm giải quyết chế độ thù lao đối với những người làm công tác hòa giải.
Theo ông Hoàng Quyền – Chủ tịch UBND huyện Anh Sơn: Một trong những yếu tố tác động tích cực đến kết quả công tác hòa giải là việc quan tâm thực hiện tốt chế độ thanh toán thù lao cho hòa giải viên theo quy định. Tại địa bàn Anh Sơn, có nhiều đơn vị cấp xã đã hỗ trợ thường xuyên kinh phí từ ngân sách nhà nước cho công tác hòa giải ở cơ sở, điển hình như các xã: Bình Sơn, Thành Sơn, Đỉnh Sơn, Đức Sơn, Long Sơn và Tào Sơn. Đây là trách nhiệm của chính quyền địa phương, là nguồn động viên kịp thời đến các tổ hòa giải và hòa giải viên, từng bước khích lệ sự nhiệt tình, hăng hái trong quá trình thực hiện công tác hòa giải, tạo sự yên tâm, phấn khởi cho mỗi hòa giải viên.
Trao đổi về việc giải quyết chế độ thù lao cho những người làm công tác hòa giải, ông Lê Bá Thiệu – Trưởng phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật (Sở Tư pháp) cho rằng: Không ai khác chính công chức Tư pháp – Hộ tịch phải phát huy là vai trò đầu mối, tham mưu cho lãnh đạo cấp xã quan tâm thực hiện tốt các chính sách, chế độ, thù lao xứng đáng theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở và Thông tư liên tịch của Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính, chủ động nguồn kinh phí bảo đảm từ ngân sách nhà nước trên cơ sở lập dự toán từ đầu năm để đảm bảo sự chủ động, ổn định, động viên khích lệ cho đội ngũ hòa giải viên hăng hái, tận tâm trong công tác.
Còn ông Vy Hoàng Hà – Trưởng phòng Tư pháp UBND huyện Quỳ Hợp đề xuất: Trong dự toán chi ngân sách xã hàng năm, cần có 1 gạch đầu dòng bố trí 1 mục chi ngân sách, ghi rõ: Chi cho công tác hòa giải ở cơ sở; lúc đó mới hy vọng có kinh phí giải quyết thù lao cũng như đầu tư cơ sở vật chất cho công tác hòa giải chứ như hiện nay thì rất khó khăn.
Cuối năm 2022, Bộ Tài chính đã triển khai lấy ý kiến góp ý của nhân dân vào dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 100/2014/TTLT-BTC-BTP của Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở. Theo đó, dự thảo đề xuất tăng mức chi thù lao cho hòa giải viên thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở. Chi thù lao cho hòa giải viên (đối với các hòa giải viên trực tiếp tham gia vụ, việc hòa giải): Mức chi tối đa 300.000 đồng thay cho mức 200.000 đồng/vụ, việc theo quy định hiện hành. Dự thảo bổ sung quy định: Trường hợp vụ, việc hòa giải thành theo Điều 24, Luật Hòa giải ở cơ sở: Mức chi tối đa 400.000 đồng/vụ, việc. Đây là một dấu hiệu đáng mừng cho thấy công tác hòa giải cơ sở và vai trò của hòa giải viên ngày càng được coi trọng.
Thực tiễn hòa giải ở cơ sở không đơn thuần là một phương thức giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn mà hiệu quả của công tác này chính là giá trị bền vững đối với việc ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Kết quả hòa giải ở cơ sở sẽ không có bên thắng, bên thua, mà cả hai bên đều đạt những mong muốn nhất định của mình, có khi chỉ là một lời xin lỗi đã hóa giải, hàn gắn được mâu thuẫn theo hướng “chín bỏ làm mười”; tránh được “vô phúc đáo tụng đình”, “một đời kiện, chín đời thù” như cha ông từng nhắc nhở.
Tuy nhiên, hiện nay ở một số địa phương công tác này vẫn đang bị xem nhẹ. Bởi vậy, cần nâng cao hơn nữa nhận thức cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, cán bộ công chức cấp cơ sở và người dân về vị trí, vai trò và ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác này. Từ đó tập trung xây dựng, hoàn thiện các thể chế và thực hiện pháp luật về hòa giải ở cơ sở, nâng cao năng lực cho công chức quản lý nhà nước về công tác hòa giải ở cơ sở. Huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị triển khai các giải pháp phát huy có hiệu quả vai trò người có uy tín trong cộng đồng dân cư (Già làng, trưởng bản, tổ trưởng tổ dân phố, các vị chức sắc, chức việc tôn giáo…), những người am hiểu pháp luật cùng tham gia công tác hòa giải để chuyên nghiệp hóa đội ngũ hòa giải viên.
Vấn đề nữa cần lưu ý: Tổ hòa giải là tổ chức tự quản của nhân dân tại cơ sở, do đó việc củng cố tổ hòa giải và hòa giải viên trên địa bàn cần đảm bảo tinh thần tự nguyện của người tham gia và phải được nhân dân trong khu vực bầu, tín nhiệm, tránh cơ cấu, hình thức, dẫn đến “nhiều nhưng không tinh”, vi phạm dân chủ.