Quần đảo Hải Tặc nằm cách trung tâm thành phố Hà Tiên khoảng 11 hải lý về hướng Tây Bắc. Từ xa xưa, khu vực này nằm trên tuyến hàng hải thương mại từ châu Á qua vịnh Thái Lan, đến Việt Nam rồi sang Quảng Châu (Trung Quốc), tiếp đến là đảo Luzon (Philippines). Nơi đây trở thành điểm đến của các đoàn thương thuyền của bán đảo Mã Lai, Ấn Độ, Myanmar…
Vào thế kỷ XVII – XVIII, quần đảo Hải Tặc từng là nơi đặt đại bản doanh của cướp biển. Các tàu buôn lớn của Trung Quốc và phương Tây thường xuyên bị các toán cướp thoắt ẩn, thoắt hiện lao đến từ quần đảo Hải Tặc. Chúng khống chế tàu, bắt người, cướp tài sản. Nhóm cướp biển này hoạt động trên một vùng rộng lớn, từ Hà Tiên qua Rạch Giá (Kiên Giang) đến vịnh Thái Lan và sang cả Campuchia.
Từ những năm 20 của thế kỷ 18, Mạc Thiên Tích được chúa Nguyễn phong chức Tổng binh Đại đô đốc cai quản vùng này. Mạc Thiên Tích bị quân Xiêm đánh bại khiến cho cả vùng Hà Tiên loạn lạc.
Không có sự quản lý của chính quyền, nhiều toán cướp biển nổi lên hoạt động quanh khu vực quần đảo Hải Tặc. Thời gian này, tàu bè nước ngoài ra vào tự do. Chính vì vậy nhiều tàu của cướp biển lợi dụng trà trộn, cướp phá, trong đó có tàu của trùm cướp biển Nguyễn Thanh Vân ở đảo Hòn Đốc.
Theo giai thoại, trùm cướp biển Nguyễn Thanh Vân có biệt tài lặn biển như rái cá, tính khí ngang tàng, ngổ ngáo. Một lần, nghiệp sa chướng trên biển đưa ông đến Thái Lan. Tại đây ông gặp được người con gái tuyệt sắc giai nhân. Họ dắt díu nhau về Việt Nam sinh sống. Ông Vân và vợ cư trú ở đảo Hòn Đốc trong quần đảo Hải Tặc một thời gian.
Sau khi vợ sinh con gái đầu lòng đặt tên là Nguyễn Thị Gái, ông Vân bỏ nghiệp cướp biển, an phận làm ngư phủ ở đảo Hòn Đốc. Theo thời gian, bà Gái lớn lên ở đảo và được người dân nơi này gọi là bà Mười. Để giải bớt những tội lỗi ngày xưa của cha, bà đã xây dựng ngôi miếu phía Tây đảo để thờ cúng và ăn chay niệm Phật. Người cao tuổi nhất ở Hòn Đốc bây giờ cũng không nhớ rõ ngôi miếu được xây dựng năm nào, chỉ áng chừng đâu những năm 60 của thế kỷ trước.
Hỏi bà Mười hiện giờ ở đâu, còn sống hay đã mất, mọi người bảo bà đã vào định cư ở huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang) từ lâu lắm rồi, bà còn sống hay đã mất khó có thể xác thực. Trong sóng gió gầm gào, ngôi miếu cổ Sơn Hòa tự trầm mặc với thời gian. Vẫn còn đó những phong thanh về lời đồn bản đồ kho báu của cướp biển lưu lại những dấu tích huyền bí về một thời sơ khai đảo.
Tại Hòn Đốc có lời đồn có kho báu được cướp biển chôn giấu đâu đó trên đảo. Câu chuyện ấy đến nay vẫn là một ẩn số. Chưa ai khẳng định có hay không có kho báu ở quần đảo Hải Tặc này. Tuy nhiên, có một sự kiện khiến người ta nửa tin, nửa ngờ. Đó là vào năm 1983, có hai người nước ngoài, một người Anh tên là Richard Charles Knight và một người Mỹ tên là Frederick Kurt Graham đã lặn lội đến vùng đảo xa xôi hẻo lánh này để… đào kho báu và bị quần chúng ở xã Tiên Hải dùng tàu biển vây bắt. Tang vật thu được là hai máy bộ đàm, hai máy chụp hình, một máy quay phim, một ống nhòm, nhiều bản đồ, hải đồ và dụng cụ khác… Hai người này khai tình cờ tìm được trong kệ sách của gia đình tờ bản đồ chỉ kho báu. Người ông của 1 trong 2 người nói trên cũng từng là thành viên của toán cướp biển hoạt động tại vùng này.
Lời đồn vẫn tồn tại cho đến ngày nay, nhưng có một thực tế: Giờ đây đảo Hòn Đốc thực sự là một kho báu giữa biển trời bao la của tổ quốc với những tiềm năng về thủy hải sản, du lịch biển đã và đang được khai thác. Đảo hiện có hơn 489 hộ dân, với hơn 1.799 nhân khẩu, kinh tế chủ yếu dựa vào khai thác và nuôi trồng thủy hải sản. Cơ cấu kinh tế của đảo đang từng bước chuyển hướng từ khai thác thủy hải sản sang dịch vụ du lịch… Mới đây, đảo Hòn Đốc nói riêng, xã đảo Tiên Hải nói chung vừa được công nhận hoàn thành xây dựng nông thôn mới, sắp tới sẽ được đầu tư xây dựng nông thôn mới nâng cao.
Đến đảo Hòn Đốc, một điểm không thể bỏ qua là cột mốc chủ quyền. Đây có thể xem là báu vật của đảo. Cột mốc chủ quyền nằm phía Tây của đảo được xây dựng vào năm 1958. Cột mốc hiện hữu nơi này đã khẳng định: Hòn Đốc có vị trí chiến lược về quốc phòng an ninh quan trọng; một trong những đảo vành đai then chốt của hệ thống các tuyến đảo ven bờ của trên vùng biển Tây Nam…
Trải qua bao giông gió và thời gian nhưng những dòng chữ trên cột mốc vẫn đỏ màu son sắt: “Quần đảo Hải Tặc. Hải đồ số: 3686 S.H; vĩ tuyến 10 độ 10’8; kinh tuyến 104 độ 20’0”…. Ở phần đế của trụ cột mốc có dòng chữ ghi rõ: “Quần đảo Hải Tặc gồm có các đảo sau: Hòn Kèo Ngựa, Hòn Kiến Vàng, Hòn Tre Lớn, Hòn Tre Vinh, Hòn Gùi, Hòn Ụ, Hòn Giang, Hòn Chơ Rơ, Hòn Đước Non, Hòn Bờ Dập, Hòn Đồi Mồi…”. Cuối các dòng chữ có chú thích: “Phái bộ quân sự thị sát và nghiên cứu, đến viếng quần đảo ngày 28/7/1958, dưới sự hướng dẫn của Hải quân Việt Nam”.
Theo đồng chí Dương Anh Phong – Bí thư Đảng ủy xã Tiên Hải, cột mốc chủ quyền là niềm tự hào đối với người dân xã đảo. Mọi người trên đảo luôn nêu cao ý thức giữ gìn, tôn tạo cột mốc. Bởi đó là mảnh đất thiêng liêng, là biển, là trời của Tổ quốc. Năm 2015, cột mốc được trùng tu khang trang hơn nhưng vẫn giữ được nét cũ.
Không chỉ người dân xã đảo Tiên Hải mà khách phương xa khi đến tham quan cột mốc cũng rưng rưng cảm xúc tự hào. Anh Nguyễn Đình Cương, du khách đến từ tỉnh Hà Nam cho biết: Nhìn cột mốc sừng sững nơi đảo tiền tiêu, có lẽ tất cả những người dân nước Việt đều nhận thức rõ hơn về lịch sử dựng nước, giữ nước, công lao to lớn của các bậc tiền nhân, để thấy rõ sứ mệnh của mình trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Thực hiện nhiệm vụ giữ đảo, bảo vệ mốc chủ quyền còn có các đơn vị quân đội như: Trạm Ra-đa 625 (Tiểu đoàn 551, Vùng 5 Hải quân), Đồn Biên phòng 738 (Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang) cùng các đơn vị trực thuộc Quân khu 9. Các cán bộ, chiến sĩ nơi đây lặng lẽ đêm ngày vì bảo vệ chủ quyền, bảo vệ thềm lục địa, Tổ quốc, vì nhân dân.
Được biết, các đơn vị vũ trang đóng quân trên đảo Hòn Chuối luôn gắn bó cùng với chính quyền và bà con nhân dân cùng nhau chống dịch; phòng chống thiên tai, khắc phục sửa chữa nhà cửa, tài sản bị thiệt hại do mưa bão; trực tiếp tham gia tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn. Ngoài ra, các đơn vị còn tích cực vận động các nguồn quỹ để hỗ trợ bà con xây dựng, đầu tư phát triển kinh tế.
Thiếu tá Bùi Công Huấn – Chính trị viên Trạm Ra-đa 625 thuộc Tiểu đoàn 551, Vùng 5 Hải quân cho hay: Thực hiện mô hình mỗi đơn vị gắn một địa chỉ tình thương, hàng tháng Trạm Ra-đa 625 tặng 20kg gạo cho hộ nghèo trên đảo Hòn Đốc; nhận đỡ đầu, chu cấp cho 2 hộ nghèo trên đảo, mỗi hộ 500.000 đồng/tháng. Các cán bộ, chiến sĩ còn trích quỹ hỗ trợ học phí cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Với sự góp sức của các đơn vị vũ trang, đời sống của bà con trên đảo được cải thiện, từng bước đi lên. Trên đảo hiện chỉ còn 5 hộ nghèo, 10 hộ cận nghèo theo chuẩn mới.
Xã đảo Tiên Hải được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Điện, đường, trường, trạm được đầu tư, nước ngọt được đáp ứng đầy đủ, Cuộc sống của bà con trên đảo Hòn Đốc đã bước sang trang mới, no ấm hơn, phát triển hơn. Mọi người nơi đây càng thêm quyết tâm xây dựng một tiền đồn vững chắc – xã đảo giàu đẹp; dùng trí tuệ, sức lao động để những kho báu Hải tặc vốn mơ hồ phát lộ trên vùng biển bạc Kiên Giang.