Từ Reset (tiếng Anh) được sử dụng ở nhiều lĩnh vực, chúng ta vẫn thường dịch nghĩa tiếng Việt là “khởi động lại”. Từ này, trong lĩnh vực Toán tin còn có các nghĩa khác: Điều chỉnh về không hoặc đưa về trạng thái đầu. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi đề cập đến nghĩa chính của từ Reset để nói về tình trạng cần “khởi động lại” của hàng trăm nghìn lao động bị mất việc và giảm giờ làm trong năm 2022.
Thông tin báo chí nêu, từ đầu năm 2022 đến nay, rất nhiều nhà máy dệt may, da giày, điện tử, đồ gỗ xuất khẩu… ở các tỉnh phía Nam cắt giảm hàng trăm nghìn lao động do bị giảm đơn hàng, khó khăn trong tìm kiếm nguyên phụ liệu sản xuất và hàng khó xuất. Chỉ riêng ở thành phố Hồ Chí Minh, tính đến cuối tháng 10/2022 đã có gần 128.000 người mất việc làm, tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái. Còn tại tỉnh Bình Dương, có trên 28.000 lao động bị tạm ngừng hợp đồng, khoảng 240.000 lao động bị giảm giờ làm. Ở một số tỉnh, thành khác, lĩnh vực sản xuất dệt, may, giày da cũng đối mặt với nhiều khó khăn do ít đơn hàng và khả năng cắt giảm nhân lực.
Mất việc làm là điều không ai mong muốn trong một xã hội đầy biến động. Nó khác với trạng thái lao động xin nghỉ việc. Không một lao động nào muốn mình bị “tước bỏ” việc làm từ phía ông chủ quản lý nhà máy, doanh nghiệp. Thống kê của các ngành chức năng có khoảng 20 – 30% tổng số người bị mất việc làm ở các tỉnh phía Nam được hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Đa số còn lại bị mất việc khi chưa đủ 12 tháng lao động theo hợp đồng, theo quy định, họ không nhận được trợ cấp mất việc từ doanh nghiệp và cũng chưa thuộc diện được quỹ bảo hiểm thất nghiệp chi trả. Điều đó, đời sống người lao động bị ảnh hưởng nặng nề. Và hình ảnh dễ bắt gặp ở một số tỉnh phía Nam là rất nhiều công nhân phải bắt xe về quê nghỉ Tết sớm từ đầu tháng 11/2022.
Mất việc làm, lao động sẽ gặp nhiều khó khăn vì không có thu nhập để trang trải cuộc sống, trong khi giá cả nhiều mặt hàng tiêu dùng tăng dịp cuối năm. Mặc dù bước đầu, Liên đoàn Lao động các cấp và công đoàn các công ty tham gia thương lượng với lãnh đạo doanh nghiệp nhằm đảm bảo thực hiện đầy đủ các chế độ về tiền lương, thưởng Tết… cho công nhân theo quy định, nhưng khó khăn chồng chất khi mất việc làm.
Song, mất việc làm không có nghĩa là cánh cửa đóng lại với lao động. Hãy xem đó là một sự Reset (khởi động lại), họ đứng trước cơ hội tìm kiếm vị trí việc làm mới, hoặc có thể học thêm nghề xã hội cần để tìm việc làm phù hợp, hay có thể trở về quê khai thác quỹ đất bằng phát triển nông nghiệp sạch… Tất nhiên, quá trình đó lao động cần sự đồng hành tích cực của người thân, bạn bè và toàn xã hội. Một thông tin đáng chú ý là dịp cuối năm 2022, các khu công nghiệp ở Nghệ An cần hơn 40.000 lao động. Đó có thể là cơ hội cho rất nhiều lao động mất việc làm có thể “khởi động lại” việc làm.
Bài: Nguyên Nguyên
Ảnh minh họa: Tư liệu