Xếp hàng mua xăng

Mấy ngày nay, báo chí, mạng xã hội phản ánh nhiều về chuyện xếp hàng mua xăng ở Thành phố Hồ Chí Minh và một số nơi ở Hà Nội. Quá trình đó, một vài nơi xảy ra tình trạng lộn xộn, thậm chí có trường hợp người mua còn tấn công người bán. Nếu xét ở khía cạnh xã hội, đó là hành vi kém văn hóa, bởi việc xếp hàng được xem là thước đo ý thức công dân về văn hóa ứng xử của nhiều nước.

Còn nếu xét ở góc độ kinh tế, việc xếp hàng mua xăng gợi nhớ hình ảnh người dân mua hàng hóa những năm từ 1975 đến nhiều năm sau đó. Hồi đó, mua bất kỳ mặt hàng nào cũng phải xếp hàng. Có người còn đánh dấu vị trí bằng viên gạch hoặc đồ vật gì đó để chạy đi làm việc khác. Thế nhưng, thời buổi hiện nay, nếu xếp hàng khó có thể thực hiện như vậy, nhất là mặt hàng xăng, dầu. Chả nhẽ khi xếp hàng mua xăng, dầu, mọi người lại dựng xe đó để đánh dấu vị trí? Lan man vậy nhưng xét ở góc độ kinh tế hiện nay, việc xếp hàng để mua được hàng hóa thể hiện rõ mối quan hệ cung – cầu hoặc việc dịch vụ của quá trình bán hàng có vấn đề.

Thường thấy, việc xếp hàng để mua hàng hóa, chứng tỏ mặt hàng đó khan hiếm, cung không đủ cầu. Trường hợp xếp hàng mua xăng nêu trên càng hoàn toàn đúng như vậy, thậm chí có nhiều cửa hàng xăng, dầu còn xin “nghỉ phép” một thời gian. Điều đáng nói, việc khan hiếm xăng, dầu diễn ra cục bộ.

Đành rằng hiện nay, xăng, dầu đang là mặt hàng chịu nhiều tác động từ thị trường thế giới, “họ tăng thì mình tăng”. Thế nhưng, việc một số nơi thiếu xăng, dầu bán ra thị trường ở một số tỉnh, thành lại là chuyện điều tiết giữa các tập đoàn đầu mối và các nhà bán lẻ. Một số chuyên gia dự đoán rằng, nhiều doanh nghiệp đầu mối, trước khả năng khan nguồn cung, giá xăng, dầu thế giới tăng, có thể đã phải trả chi phí cao để nhập về lượng hàng lớn, nhằm đảm bảo nguồn cung và có thể hưởng lợi khi giá tăng. Nhưng giá xăng, dầu thế giới lại đảo chiều, Nhà nước vì thế điều chỉnh giá bán. Để hạn chế thua lỗ, doanh nghiệp đầu mối siết lại hoa hồng chiết khấu cho đại lý bán lẻ ở mức thấp, có lúc bằng 0. Các cửa hàng bán lẻ vì thế kinh doanh không có lãi, càng bán càng lỗ, do họ còn phải gánh chi phí nhân công, vận chuyển, thuế… Dễ hiểu vì sao nhiều cửa hàng ngừng hoạt động, chứ chưa nói đến chuyện xếp hàng để mua xăng, dầu.


Bài: Nguyên Nguyên
Ảnh minh họa: Tư liệu