Các quốc gia đều coi trọng nghề báo, nhà báo.
Ở Việt Nam hiện nay từ “nhà báo” bị lạm dụng quá mức. Tại các nước tiên tiến, thông thường những người mới tốt nghiệp hoặc mới hành nghề làm báo chỉ có thể bắt đầu bằng công việc trợ lý phóng viên (phụ giúp phóng viên). Chọn câu hỏi lớn đặt làm tít bài là do tôi đọc được câu hỏi này trong một bài báo dịp kỷ niệm 70 năm Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/1995). Từ ấy đến nay đã 27 năm, câu hỏi lớn cứ lơ lửng trên đầu, trong khi tôi vẫn mãi kiếm tìm mà chưa gặp được câu trả lời thỏa đáng để tâm phục, khẩu phục.
Một buổi sáng, trong quán nhỏ bên bờ hạ lưu dòng Lam, ngồi nhâm nhi cà phê và lướt facebook, tôi gặp các đồng nghiệp, đồng môn K22 Tổng hợp (đã “nghỉ hưu không đều” mấy năm rồi). Thấy các đồng môn, đồng nghiệp mắt tròn, mắt dẹt với cái gọi là “định nghĩa” về nhà báo. Chuyện là, trên FB của BTBH – nữ nhà báo, đồng môn, người 45 năm trước cánh sinh viên màu lính chúng tôi tôn vinh là “Tây Thi của Hà Nội”. Ngày ấy nữ sinh viên BTBH hiền như địa linh thuộc đất phố cổ. Ra trường em làm phóng viên nhà đài Thủ đô, nay nữ nhà báo đã lục tuần vẫn cứ lành như đất, vẫn không chịu nổi để buộc phải treo lên facebook mấy dòng như sau:
“Cuốn Từ điển từ ngữ Nam Bộ của tác giả Huỳnh Công Tín do Nhà xuất bản Khoa học Xã hội xuất bản năm 2007 định nghĩa NHÀ BÁO là: “Nhà báo được diễn giải là những người không có công ăn việc làm, thất nghiệp, đang ăn bám vào gia đình. Ví dụ: “Ra trường rồi ở nhà làm nhà báo chơ có làm được gì đâu”!
BTBH hạ một câu nhẹ nhàng: “Đây là công trình biên soạn dưới sự chỉ đạo của quý Hội Ngôn ngữ học Việt Nam và Trường Đại học Cần Thơ. Dù có kém thông minh và ghét nhà báo đến đâu, thì cũng không nên bộc lộ cho thiên hạ biết như thế.
Đúng là “Nhẹ nhàng quá, nhẹ nhàng không cãi nổi”.
BTBH nhắc đến quý Hội Ngôn ngữ học Việt Nam. Còn tôi thì bụng bảo dạ, thầm mong và tin mấy ông GS Ngữ học – đồng môn lớp Ngữ K22 không ai bỏ phiếu cho cái gọi là “định nghĩa” về khái niệm nhà báo què quặt đến như thế lại được phát tán ra môi trường giao tiếp ngôn ngữ của cộng đồng người Việt.
Sự nhẹ nhàng tinh tế của đồng nghiệp BTBH giục tôi tái tham khảo một trong mấy định nghĩa về nhà báo mà tôi thích. Trước năm 1945, dân Cổ Đan quê tôi gọi người làm nghề báo là “thầy ký”, vùng Bắc Kỳ gọi là ký giả. Ngày nay ai cũng biết: “Nhà báo là người làm công tác báo chí chuyên nghiệp gồm các chức danh: phóng viên, biên tập viên, thư ký tòa soạn, tổng biên tập, phó tổng biên tập, các trưởng ban nghiệp vụ báo chí”.
Báo chí, xét cho cùng có hai chức năng: Chức năng tư tưởng và chức năng thông tin. Chức năng tư tưởng của báo chí là nói báo chí luôn đứng về tiến bộ xã hội, phù hợp với quy luật phát triển tất yếu của lịch sử xã hội loài người. Làm báo là một nghề nguy hiểm nhưng trong khi tác nghiệp các nhà báo vẫn chưa được các cơ quan thực thi pháp luật bảo vệ đúng mức.
Nhà báo đóng góp vai trò quan trọng trong lĩnh vực báo chí truyền thông, đặc biệt với sự bùng nổ thông tin ở thời đại 4.0. Nghề làm báo là truyền tải các thông tin một cách chuẩn xác, vậy nên sự trung thực được xem là tố chất cốt lõi cần có. Nghề làm báo đòi hỏi đạo đức nghề nghiệp rất cao, song không ít nhà báo thường không được học hành và rèn giũa về vấn đề này nên thường có những vi phạm đạo đức nghề nghiệp nghiêm trọng. Nhiều người, nhiều gia đình đã là nạn nhân của các nhà báo hoặc non kém nghề, hoặc thiếu chuyên nghiệp, hoặc thiếu đạo đức. Vai trò xã hội của nhà báo do các nhân tố khách quan quy định, không ai có quyền bắt nhà báo phải viết như thế này phải nói như thế kia. Về khách quan, nhận thức xã hội về nghề nghiệp, trong đó, công chúng xã hội đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Về chủ quan, là mối quan hệ chi phối của thể chế chính trị và văn hóa chính trị, sự tự nhận thức về nghề và năng lực hành nghề, khả năng đáp ứng nhu cầu xã hội đối với đội ngũ người làm báo.
Nhà báo là người đưa thông tin đến với công chúng, đây cũng là trách nhiệm xã hội hàng đầu mà cộng đồng xã hội trao cho nhà báo. Với lương tâm trong sáng và đạo đức nghề nghiệp, nhà báo thể hiện và khẳng định trách nhiệm xã hội qua tin, bài. Nhà báo luôn hướng tới mục đích tối thượng là phản ánh trung thực sự thật khách quan. Trung thực nói ở đây được hiểu là tính chân thực. Sự thực gắn với sự việc, tính chân thực còn có cả nghệ thuật của nó. Nghệ thuật ở đây là nghề nghiệp, là cách viết lách, còn chân thực là phải viết đúng bản chất vấn đề như nó vốn có. Viết đúng không có nghĩa là có sao nói vậy. Có những việc hôm nay nói ra là trái với hiện thực, nhưng không vì cái sự trái hôm nay mà từ bỏ hoặc viết chỉ để được đăng, để có tên có tuổi. Không hẳn gặp chuyện gì, nghe chuyện gì trong đời sống cộng đồng xã hội nhà báo cũng viết lên mặt báo, nhưng khi đã chọn viết ra thì phải đảm bảo sự thật khách quan ở mức cao nhất cho phép.
Nhà báo chân chính luôn phấn đấu để đạt tới “nhiều nhà trong một nhà”: Là nhà tư tưởng đứng trên lập trường – mục đích vì Dân vì Nước, vì lý tưởng tiến bộ xã hội, vì lý tưởng chung sống hòa bình của các quốc gia và nhân loại tiến bộ. Là một nhà khởi động tư tưởng và dư luận xã hội, ủng hộ bảo vệ những cái mới, những nhân tố mới. Là một “nhà chép sử hàng ngày”, vì vậy xã hội luôn đòi hỏi nhà báo phản ánh phải trung thực – chân thực – khách quan, không tô hồng không bôi đen, không bóp méo không vo tròn sự việc sự kiện. Là một nhà tổ chức-nhân tố tích cực liên kết sức mạnh xã hội (trên lĩnh vực truyền thông). Qua nghề nghiệp của mình, nhà báo tham gia các vấn đề xã hội, trực tiếp can thiệp giải quyết những vấn đề của cuộc sống xã hội. Là một nhà tư vấn chỉ dẫn công chúng, cung cấp thông tin và đưa ra đúng lúc lời khuyên bổ ích được công chúng tin cậy. Là một nhà văn hóa, tin tức bài vở đăng tải có hàm lượng giá trị văn hóa cao, giá trị nhân văn sâu sắc, góp phần bảo vệ những giá trị chuẩn mực đạo đức xã hội. Cuối cùng, nhà báo là người sáng tạo giá trị mới, qua tin bài thuyết phục công chúng xã hội, cổ vũ công chúng bảo vệ phát huy giá trị của đạo lý, giá trị tinh hoa đạo đức truyền thống của cộng đồng-dân tộc. Như những nghề khác, nghề làm báo có thể mang lại nhiều thành công, danh tiếng, song đòi hỏi nhà báo phải biết chịu đựng và vượt lên áp lực trong công việc và từ ngoài dư luận. Mỗi một thông tin được nhà báo đưa ra thì bản thân nhà báo ấy phải chịu trách nhiệm về nó trước pháp luật. Áp lực mà nhà báo nhận được trong công việc không chỉ từ cấp trên trực tiếp, từ dư luận xã hội, mà còn ngay cả trong sự cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ quan báo chí “đồng hạng, đồng mâm”.
Bài: Giao Hưởng
Ảnh minh họa: Tư liệu