C.Mác và Gienny biết nhau từ lúc còn nhỏ, dần vượt qua tuổi niên thiếu, bắt đầu nói với nhau những câu chuyện đứng đắn về cuộc sống xã hội. Gienny thuộc gia đình giàu có, nhiều hơn C.Mác bốn tuổi, có nhan sắc, được người đời mệnh danh là “Nữ hoàng của các vũ hội”. Sau này, trong một bức thư gửi cho cha mình, C.Mác phải thốt lên: “Nghệ thuật không sao đẹp bằng Gienny”. Khi C.Mác dứt khoát tỏ rõ quan điềm chính trị của mình thì Gienny rất tâm đắc với, hưởng ứng. Bảy năm sau ngày đính hôn, ngày 19/6/1843, C.Mác và Gienny tổ chức đám cưới, từ đây vĩnh viễn gắn kết cuộc đời với nhau, cùng dìu nhau vượt qua phong ba bão táp cuộc sống, kể cả những năm tháng lưu vong, nghèo túng.
Trước sự đe dọa thường xuyên của chính phủ Phổ, C.Mác phải ra nước ngoài, gây dựng điều kiện cho phong trào cách mạng, thực hiện ý tưởng của mình. Với tình yêu tha thiết, không chút ngại ngùng về cuộc sống có phần phiêu lưu sắp tới, Gienny đã dũng cảm cùng chồng sang nước Pháp. Nhưng chỉ ít lâu sau, bị nhà cầm quyền Pháp tiếp tay cho chính phủ Phổ trục xuất, vợ chồng C.Mác phải chạy sang nước Bỉ. Khi phong trào cách mạng 1848-1849 bùng nổ ở châu Âu, không chỉ C.Mác bị bắt mà cảnh sát Bỉ vô cớ bỏ tù luôn cả Gienny. Ra tù, trở về Pari, bị chính phủ Pháp can thiệp lần thứ hai, họ lại phải rời sang Luân Đôn (Anh) định cư cho đến cuối đời.
Tình yêu thủy chung, son sắt, biết hy sinh vì lý tưởng cao đẹp, chính là sợi chỉ đỏ gắn kết C.Mác và Gienny, là nhựa sống nâng đỡ cả gia đình cộng sản. Cuộc đời đầy nhiệt huyết và trong sáng của cha mẹ ảnh hưởng lớn đến hình thành phẩm chất và tương lai con cái, đều trở thành những chiến sĩ kiên cường của giai cấp vô sản. Gienny thực sự là người đứng sau, tạo điểm tựa vững chắc để C. Mác phát huy sáng tạo, dốc hết trí lực cho lý tưởng cộng sản. Do vậy, trong di sản của C. Mác tất yếu có bóng dáng của Gienny.
Nói về tình bạn cao đẹp, thủy chung trong cuộc đời của C.Mác, chúng ta phải kể đến tình bạn giữa C.Mác với Ph.Ăngghen – tình bạn có một không hai trong lịch sử. Trên con đường học tập và nghiên cứu, Ph.Ăngghen đã hội ngộ cùng lý tưởng, ý chí thông qua đọc các tác phẩm của C.Mác. Chung lý tưởng cách mạng là sức hút để hai ông tìm đến nhau, trở thành những người sáng lập chủ nghĩa cộng sản khoa học. Tình bạn giữa C.Mác và Ph.Ăngghen càng trở nên gắn bó thân thiết từ sau cuộc gặp tại Pari hè năm 1844(1), tạo nên sức cộng hưởng đáng kể làm cho tài năng của C.Mác thêm tỏa sáng. Một trong những kết quả hợp tác của hai bộ óc vĩ đại ấy cho ra đời tác phẩm Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản tháng 2/1848. Đây là cương lĩnh cách mạng đầu tiên của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, đánh dấu chính thức ra đời CNXH khoa học.
Không chỉ có vậy, họ còn giúp đỡ nhau nhiều vấn đề trong cuộc sống đời thường. Khi C.Mác bị trục xuất sang Bỉ, đời sống vật chất rất khó khăn thiếu thốn, Ph.Ăngghen dùng tiền nhuận bút để giúp đỡ C.Mác. Cả trên bình diện lý luận, tư tưởng lẫn trong đời sống chính trị, Ph.Ăngghen luôn là người bạn, người đồng chí sát cánh bên cạnh, chia bùi sẻ ngọt, đồng cam cộng khổ với C.Mác, bảo vệ và tôn trọng ngay cả sau khi C.Mác qua đời. Nếu không có sự giúp đỡ hết lòng của Ăng ghen thì C.Mác khó có điều kiện vật chất để hoàn thành những tác phẩm đồ sộ của mình. Ph.Ăngghen còn giúp đỡ C.Mác rất nhiều về mặt khoa học. Chính C.Mác trước khi cho xuất bản quyển I của bộ Tư bản (1867) đã bày tỏ sự chân thành với Ph.Ăngghen, đề nghị ông đứng tên với tư cách đồng tác giả nhưng Ph.Ăngghen đã khiêm nhường từ chối. Ngay cả những tác phẩm hai người cùng trực tiếp viết, Ph.Ăngghen cũng nhún nhường, cho rằng tư tưởng chủ đạo của các tác phẩm ấy hoàn toàn là của C.Mác.
Cuộc đời và sự nghiệp của Mác đã hòa quyện một cách nhuần nhuyễn những đặc điểm của một nhà bác học vĩ đại, một nhà chiến lược, lãnh tụ vô sản vĩ đại. C.Mác nổi bật về đức tính cao cả của con người, giản dị, nhiệt huyết và yêu đời, có ý chí bất khuất và sức sáng tạo phi thường. Tuy cuộc đời vất vả nhưng vô cùng vinh quang, là tấm gương sáng ngời về nghị lực vơn lên thực hiện bằng được lý tưởng. Cuộc đời và hoạt động của C.Mác đã đi vào lịch sử nhân loại với tầm vóc của một vĩ nhân “đứng trên vai những người khổng lồ”, đúng như Ăngghen nói khi C.Mác qua đời: “Nhân loại thấp hẳn xuống một cái đầu, mà lại là cái đầu đáng kể nhất vào thời đại chúng ta”(2).
Tư tưởng của C.Mác hóa thân vào thực tiễn cách mạng ở Pháp, cho ra đời Công xã Pari – Nhà nước kiểu mới năm 1871. Sau đó, V.I. Lênin lãnh đạo thắng lợi Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917, cho ra đời nhà nước Liên Xô năm 1922. Từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ II, xuất hiện các nước XHCN ở Đông Âu, ở châu Á, châu Mỹ La tinh, đưa CNXH trở thành hệ thống thế giới. Đứng đầu hệ thống XHCN là Liên Xô đã sát cánh với các phong trào cách mạng thế giới, ủng hộ vật chất và tinh thần, củng cố niềm tin, là bức tường thành vững chắc đối phó và ngăn cản sự chống phá của các thế lực đối lập, giải phóng hàng triệu người thoát khỏi áp bức bóc lột, đưa nhiều dân tộc thoát khỏi ách thống trị của chủ nghĩa đế quốc. Cuối thập niên 70 đến năm 1991, XHCN hiện thực lâm vào khủng hoảng dẫn đến sụp đổ, tan rã mô hình ở Liên Xô và Đông Âu. Một số nước CNXH còn lại tiến hành cải cách, đổi mới, tìm đường thoát khỏi khủng hoảng để vươn lên phát triển. Nhờ cải cách, đổi mới, tìm kiếm con đường phù hợp với điều kiện thực tế của mình và quốc tế, CNXH hiện thực ở Trung Quốc và Việt Nam đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Các nước như Cu Ba, Lào… tuy chậm, nhưng trước sau cũng đang và sẽ có điều chỉnh nhất định trong bối cảnh hội nhập quốc tế, toàn cầu hóa.
Dù thế giới có xoay chuyển như thế nào thì nhân loại tiến bộ vẫn khát vọng về cuộc sống công bằng, nhân ái, vật chất ngày càng tăng, tinh thần ngày càng tiến – đó chính là cốt lõi lý tưởng của chủ nghĩa Mác. Tình yêu, tình bạn của C. Mác luôn xứng đáng là mẫu mực cho chúng ta noi theo: chung thủy, sắt son, khiêm nhường, lấy cống hiến làm trọng, không cầu danh vọng!
(1) Hai ông gặp nhau lần đầu là vào tháng 11-1842.
(2) C. Mác tiểu sử, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1977, tr.553.