So với các địa phương khác, hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST của Nghệ An hình thành chậm hơn. Điều này thể hiện ở không chỉ con số các dự án khởi nghiệp thành công mà còn là sự quan tâm thông qua cơ chế, chính sách của các cấp, các ngành. Mãi đến năm 2017, UBND tỉnh mới ban hành Quyết định số 2171/QĐ-UBND về kế hoạch hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2020. Mục tiêu là tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới. Tuy nhiên, do nguồn ngân sách khó khăn nên lúc đó, kinh phí dự kiến hỗ trợ cho các dự án, doanh nghiệp chỉ hơn 6 tỷ đồng, số dự án và doanh nghiệp cũng được hỗ trợ hạn chế.
Bước “chuyển mình” của hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST của tỉnh đánh dấu từ năm 2018, khi Nghệ An được Bộ KH&CN lựa chọn là nơi tổ chức Techfest vùng Bắc Trung Bộ. Cũng trong năm này, Sở KH&CN phối hợp với Đại học Vinh và các ngành tổ chức cuộc thi Khởi nghiệp ĐMST. Lần đầu tổ chức nhưng cuộc thi đã thu hút 100 dự án, ý tưởng khởi nghiệp tham dự, trong đó 10 dự án/sản phẩm khởi nghiệp được đánh giá xuất sắc. Trong đó có nhiều dự án của những bạn thanh niên, tuổi đời còn khá trẻ. Tại Lễ trao giải, Quỹ Alba Charity đã tài trợ 400 triệu đồng/dự án, Ngân hàng Bắc Á tài trợ 100 triệu đồng/dự án; 8 dự án khởi nghiệp có triển vọng khác cũng đã được các nhà đầu tư tiếp tục hỗ trợ đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ, cơ sở vật chất phục vụ sản xuất…
Là người dành nhiều tâm huyết cho hoạt động khởi nghiệp ĐMST, ông Trần Quốc Thành – Giám đốc Sở KHCN cho rằng, từ năm 2016, Nghệ An đã bắt đầu lên kế hoạch thử nghiệm mô hình đầu tư cho khởi nghiệp nhưng mãi vẫn chưa biết bắt đầu từ đâu, dù có nhà đầu tư tài trợ cho một số dự án nhưng vẫn chưa phải là đầu tư cho khởi nghiệp. Với quan điểm, phải làm lại, phải có một cách tiếp cận chỉn chu và bài bản hơn, ông bắt đầu tiếp cận và mời gọi nhiều quỹ đầu tư, doanh nghiệp trực tiếp tìm hiểu và tài trợ vốn cho những dự án khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh. “Chúng tôi muốn hỗ trợ những người, đặc biệt là bạn trẻ có đam mê nhưng đang thiếu kinh nghiệm và thiếu vốn. Tức là thay vì theo hàng ngang, chúng tôi chọn đi theo đường dọc, những người có đam mê và trí tuệ sẽ đi trước và kéo theo những người đi sau cùng tiến lên” – ông Thành nói.
Sau nhiều nỗ lực, đến cuối tháng 7/2020, Quỹ VSV-Nghệ An chính thức được thành lập với kỳ vọng khai thác tiềm năng phát triển mạnh mẽ của những Startup xứ Nghệ. VSV-Nghệ An được thành lập dựa trên tinh thần hợp tác thỏa thuận về vốn giữa 19 nhà đầu tư tư nhân để thực hiện đầu tư khởi nghiệp ĐMST, dưới sự bảo trợ của tỉnh Nghệ An và được quản lý bởi quỹ VSV. Tiếp đó, vào năm 2021, Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Thiên Minh Đức do Tập đoàn Thiên Minh Đức cũng đã ra mắt, với số vốn ban đầu là 1 triệu USD và bắt đầu “rót vốn” đầu tư cho các dự án khởi nghiệp.
Bằng sự đầu tư bài bản, với quyết tâm cao và kinh nghiệm quý báu về khởi nghiệp ĐMST từ các cuộc thi, tại Techfest Vietnam năm 2020, Dự án Đài Truyền hình 4.0 – Gostudio của tỉnh Nghệ An đã giành được quán quân và đại diện cho Việt Nam tham dự Techfest toàn cầu năm 2021. Cùng với đó đến nay, Nghệ An có 4 doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST triển vọng tham gia Sàn giao dịch công nghệ thiết bị. Tháng 1/2021, Nghệ An có 2 startup đã gọi vốn thành công 1-2 triệu USD (Công ty Gostream thu hút 1 triệu USD từ Quỹ VinaCapital và Công ty Chanh Thiên Nhẫn với 2 triệu USD từ Tập đoàn Sao Thái Dương). Đó là những tín hiệu tích cực đối với các startup Nghệ An nói riêng và hoạt động khởi nghiệp ĐMST của tỉnh nói chung.
Khởi nghiệp không phân biệt lứa tuổi, nhưng đối với thanh niên, khởi nghiệp mang một màu sắc riêng. Từ nghị trường đến các tổ chức cơ sở Đoàn Thanh niên, phong trào khởi nghiệp đã trở thành làn sóng lớn và lan tỏa mạnh mẽ. Các cấp bộ Đoàn trong tỉnh đã đẩy mạnh đưa nội dung định hướng nghề nghiệp, hỗ trợ, tập huấn kỹ năng khởi nghiệp, khởi sự doanh nghiệp vào kế hoạch, chương trình công tác hằng năm. Bí thư Tỉnh đoàn Lê Văn Lương cho biết, năm 2021, thực hiện chủ đề công tác “Năm Thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp”, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn chỉ đạo các cấp bộ Đoàn phát huy mạnh mẽ vai trò xung kích, sáng tạo của tuổi trẻ tham gia phát triển kinh tế – xã hội; khơi dậy khát vọng, tinh thần khởi nghiệp, lập nghiệp thông qua các nhóm giải pháp hiệu quả.
Thông qua Quỹ thanh niên lập nghiệp cấp tỉnh, các nguồn vốn vay ủy thác từ Ngân hàng CSXH, nhiều thanh niên đã mạnh dạn vay vốn để thực hiện ý tưởng táo bạo, xây dựng các mô hình kinh tế tại địa phương. Ngoài ra, thông qua Quỹ quốc gia giải quyết việc làm, Trung ương Đoàn đã cấp vốn hơn 3,875 tỷ đồng cho 76 dự án; Quỹ Thanh niên lập nghiệp tỉnh hỗ trợ hơn 1,7 tỷ đồng cho 36 dự án. Từ các nguồn vốn này, đã xuất hiện nhiều mô hình thanh niên phát triển kinh tế cho thu nhập mỗi năm từ 200 – 400 triệu đồng. Tính đến cuối năm 2021, trên địa bàn toàn tỉnh có 20 CLB thanh niên phát triển kinh tế cấp huyện, 176 CLB, 13 mô hình HTX thanh niên với, 57 tổ hợp tác và gần 1.700 mô hình thanh niên phát triển kinh tế.
“Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, rất nhiều Startup do các bạn trẻ lập ra và đã đạt được nhiều thành tựu đáng khen ngợi. Đội ngũ này góp phần hình thành lối sống sáng tạo, tự lập, tự chủ, dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu với khó khăn, dám chấp nhận rủi ro, có chí làm giàu, sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và cộng đồng xã hội”, Bí thư Tỉnh đoàn Lê Văn Lương nói và cho rằng, họ là “mắt xích” liên kết, hợp tác giữa các thành phần, lực lượng trong các hoạt động kinh tế và mang lại việc làm và sinh kế cho nhiều lao động.
Nổi bật là mô hình thanh niên khởi nghiệp của anh Hồ Xuân Vinh (SN 1987 – Phó Giám đốc Công ty TNHH Hồ Hoàn Cầu). Anh Vinh có thể được ví như là cánh chim đầu đàn trong phong trào khởi nghiệp ĐMST của tuổi trẻ Nghệ An khi đã có gần 30 sáng chế được Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ và áp dụng rộng rãi trong thực tiễn. Không chỉ có nhiều sáng kiến trong sản xuất gạch, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu, anh còn sáng chế ra máy xẻ thân cây chuối, máy tách sợi dứa, máy tách sợi chuối tự động, giúp người nông dân có thêm thu nhập. Đặc biệt, trong năm 2020, anh Vinh đã sáng chế thành công máy trợ thở xách tay, góp phần trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Những cống hiến của Hồ Xuân Vinh đã được ghi nhận. Năm 2021, anh được Trung ương Đoàn và Bộ KH&CN xét tặng danh hiệu Nhà khoa học trẻ đạt giải Quả cầu vàng 2021. Anh là cá nhân duy nhất nhận giải trong lĩnh vực công nghệ môi trường. Ngày 4/3 vừa qua, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh vừa công bố 10 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2021. Hồ Xuân Vinh là đại diện duy nhất của tỉnh Nghệ An lọt top 10 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2021. “Khởi nghiệp là một hành trình dài gian nan, bền gan, bền chí, mà quả ngọt chỉ dành cho những người đi hết chặng đường”, anh Hồ Xuân Vinh chia sẻ.