Cách đây khoảng 5 đến 7 năm, với những khó khăn cả khách quan lẫn chủ quan, thật khó hình dung Nghệ An có thể thu hút được hàng loạt dự án FDI có số vốn đầu tư hàng trăm triệu USD. Lúc đó, nói đến thu hút đầu tư nước ngoài nhiều người sẽ nghĩ ngay đến các địa phương ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam hoặc phía Bắc. Tuy nhiên, chỉ trong khoảng 3 năm gần đây, thực tế thu hút dự án vốn FDI ở Nghệ An đã cho thấy một sự “đảo chiều”…
Mới nhất, ngay những ngày đầu của năm 2022, Tập đoàn Goertek (Trung Quốc) đã quyết định tăng vốn đầu tư vào Nghệ An thêm 400 triệu USD, nâng tổng số vốn mà tập đoàn này rót vào tỉnh lên 500 triệu USD. Trước đó vào tháng 1/2021, Tập đoàn Goertek đã đầu tư 100 triệu USD để xây dựng nhà máy chế tạo các sản phẩm điện tử, phương tiện thiết bị mạng và các sản phẩm âm thanh đa phương tiện với công suất hơn 381 triệu sản phẩm/năm trên diện tích 40ha tại Khu Công nghiệp WHA Industrial Zone 1 – Nghệ An, Khu Kinh tế Đông Nam Nghệ An. Dự kiến đến vào tháng 6/2022, dự án sẽ đi vào hoạt động giai đoạn 1, bước đầu giải quyết việc làm cho khoảng 5.000 lao động.
Nửa tỷ USD đầu tư vào Nghệ An đưa Goertek giữ vững vị thế là một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ này. Tập đoàn Goertek có trụ sở chính đặt tại thành phố Duy Phường, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc với 37 công ty con trong nước, 16 chi nhánh nước ngoài. Hiện nay, Goertek có chi nhánh tại Bắc Kinh, Thượng Hải, Hoa Đông, Thâm Quyến, Đài Loan, Hong Kong… cùng văn phòng đại diện, nhà máy sản xuất ở Mỹ, Nhật Bản, Đan Mạch, Hàn Quốc.
Với quy mô của mình, việc Goertek lựa chọn Nghệ An là địa điểm để “tái định vị” sản xuất cho thấy môi trường đầu tư kinh doanh, sức cạnh tranh của Nghệ An đang ngày càng hấp dẫn. Ông Jiang Hong Zhai – Phó Chủ tịch cao cấp Tập đoàn Goertek, Tổng Giám đốc Công ty Goertek Vina trong cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Nghệ An đã bày tỏ ấn tượng đặc biệt với hiệu quả, thời gian giải quyết thủ tục hành chính, cũng như môi trường đầu tư, các chính sách ưu đãi của tỉnh.
“Chúng tôi đã hoàn thành các thủ tục xin cấp phép giấy chứng nhận đăng ký đầu tư chỉ trong vòng 10 ngày làm việc. Điều này tạo niềm tin cho chúng tôi tiếp tục mở rộng đầu tư vào tỉnh Nghệ An”, Phó Chủ tịch cao cấp Tập đoàn Goertek khẳng định.
Cùng với Goertek, các nhà đầu tư khác đã “chấm” Nghệ An và rót hàng trăm triệu USD đầu tư trong thời gian qua. Tiêu biểu như: Luxshare ICT đầu tư 140 triệu USD vào KCN VSIP để xây dựng nhà máy sản xuất linh kiện điện tử, hiện đã đi vào hoạt động. Tập đoàn Ju Teng (Đài Loan) đầu tư 200 triệu USD vào KCN Hoàng Mai I thuộc Khu Kinh tế Đông Nam để sản xuất linh kiện điện tử, máy vi tính và thiết bị ngoại vi của máy vi tính; các cấu kiện kim loại, các sản phẩm từ plastic; gia công cơ khí; sản xuất phụ tùng, bộ phận phụ trợ cho xe ô tô, xe có động cơ và các sản phẩm cấu kiện khác; dự kiến đến tháng 10/2023, dự án này sẽ đi vào sản xuất chính thức.
Sau quá trình khảo sát rất kỳ công tại 4 tỉnh, thành trên cả nước, Công ty TNHH Công nghệ Everwin Precision Việt Nam, một nhà đầu tư đến từ Hong Kong đã quyết định “lót ổ” tại Khu Công nghiệp VSIP Nghệ An với tổng mức đầu tư 200 triệu USD, diện tích hơn 43,2ha. Hiện nay, dự án này đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500, dự kiến khởi công nhà máy vào tháng 4/2022. Nhà máy có công suất thiết kế 270 triệu sản phẩm/năm, với sản phẩm đầu ra là vỏ, linh kiện và bộ phận bằng kim loại; lắp ráp dây cáp; các bộ phận từ nhựa ứng dụng cho thiết bị thông minh và ô tô năng lượng mới.
Tại lễ trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư do UBND tỉnh Nghệ An tổ chức vào tháng 1/2021, ông Wong Mannon Man – Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ Everwin Precision Việt Nam cho biết, lý do chọn Nghệ An là vì tỉnh có thế mạnh về dân số, ưu đãi về thuế; cùng với chiến lược, chính sách, quy hoạch phù hợp. Đặc biệt, nhà đầu tư rất ấn tượng trước thái độ làm việc trách nhiệm của tỉnh. Từ khi ký biên bản ghi nhớ đến khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Everwin Precision đã được lãnh đạo tỉnh Nghệ An và Ban Quản lý Khu Kinh tế Đông Nam, Công ty TNHH VSIP tạo điều kiện tốt nhất, hỗ trợ tận tình, chuyên nghiệp.
Nhìn rộng ra bức tranh thu hút đầu tư của Nghệ An, trong bối cảnh gặp muôn vàn khó khăn do dịch Covid -19, song kết quả thu hút đầu tư cho thấy đã thực sự vào guồng khi số vốn thu hút năm sau cao hơn năm trước. Năm 2021, tổng số vốn đăng ký mới và điều chỉnh đạt gần 44.000 tỷ đồng, tăng 39% về số lượng dự án và gấp 3,7 lần số vốn đầu tư đăng ký mới so với cùng kỳ năm 2020. Với đà thuận lợi đó, bước sang năm 2022, tính đến ngày 22/2/2022, Nghệ An đã cấp mới (chấp thuận chủ trương đầu tư/cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư) cho 16 dự án với tổng số vốn đầu tư đăng ký là 954,67 tỷ đồng; điều chỉnh 12 lượt dự án, trong đó điều chỉnh tổng vốn đầu tư 5 dự án tăng hơn 9.292 tỷ đồng. Tổng số vốn cấp mới và tăng thêm lên đến hơn 10.246 tỷ đồng.
Cuối tháng 2 vừa qua, Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố tình hình thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam trong 2 tháng đầu năm, Nghệ An lần đầu tiên vươn lên đứng thứ 4/63 tỉnh, thành, chỉ sau Bắc Ninh, Thái Nguyên và TP. Hà Nội. Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung từng đánh giá, từ một “vùng trũng” về thu hút đầu tư nước ngoài thì đến nay đã có những doanh nghiệp FDI có quy mô lớn quan tâm vào đầu tư tại Nghệ An. Điều đó thể hiện môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài đã được cải thiện đáng kể.
Với việc các nhà đầu tư lớn, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang không ngừng mở rộng đầu tư và các hoạt động sản xuất tại Nghệ An, chỉ trong một thời gian ngắn nữa khi các nhà máy chính thức đi vào hoạt động đồng loạt, Nghệ An đang dần trở thành “cứ điểm” sản xuất mới của nước ta.