Cuộc chiến tranh Nga – Ukraine đang diễn ra, không ai biết khi nào sẽ kết thúc và kết thúc như thế nào. Từng ngày, từng giờ, cả thế giới đang dõi theo cuộc chiến Nga – Ukraine với tâm trạng, suy nghĩ và nhận xét rất khác nhau, thậm chí đối lập nhau.
Mỹ và phương Tây phê phán, lên án Nga, đổ mọi trách nhiệm cho Điện Kremlin và họ đã hậu thuẫn chính trị, ngoại giao cho Ukraine, cung cấp đủ các loại vũ khí hiện đại nhất (trừ bom nguyên tử) cho chính quyền Kiev, hỗ trợ hàng tỷ USD cho Ukraine. Đó là cách suy nghĩ, nhìn nhận phiến diện, một chiều và rất nguy hiểm vì nó không có ích gì cho việc chấm dứt cuộc xung đột quân sự, thực chất đó là hành động “đổ thêm dầu vào lửa”.
Hơn lúc nào hết, trong “nước sôi lửa bỏng” cần bình tĩnh có cái nhìn khách quan từ chiều sâu lịch sử và chiều rộng của nền chính trị thế giới, chủ yếu là quan hệ giữa các cường quốc, trước hết là quan hệ Mỹ – Nga.
Cuộc khủng hoảng Ukraine hiện nay là cộng hưởng của những vấn đề chính trị nội bộ Ukraine với cuộc đối đầu Mỹ – Nga. Xét đến cùng, cuộc khủng hoảng Ukraine hiện nay là kết quả của quá trình triển khai chiến lược toàn cầu của Mỹ nhằm duy trì vai trò bá chủ thế giới của Washington khi sức mạnh của Mỹ đang trên đà suy giảm.
Ukraine có diện tích 603.700 km2, lớn thứ hai ở châu Âu (Nga có diện tích 17,075 triệu km2), lớn gấp 1,8 lần diện tích Việt Nam. Ukraine có 10% đất tốt nhất thế giới.
Dân số: Năm 1998 là 52 triệu người, năm 2013 còn 46 triệu người. 64,7% là người Ukraine, 32,8% là người Nga, 2% là người Belarus. 71% người Ukraine nói tiếng Ukraine, 20% nói tiếng Nga. Tôn giáo: Đa số theo Thiên Chúa giáo chính thống (Nga), thiểu số theo Thiên Chúa giáo La Mã.
Phía Đông giáp Nga; Phía Bắc giáp Belarus; Đông Nam giáp Thổ Nhĩ Kỳ và Biển Đen – Địa Trung Hải; Phía Tây giáp Ba Lan (Tây Bắc), Slovakia, Hungary, Romania, Bulgaria, Moldova.
Ukraine được hợp nhất từ 3 vùng:
– 9 tỉnh miền Đông và Đông Nam (24 triệu/46 triệu người). Có đa số người Nga, nói tiếng Nga, lịch sử, tôn giáo, văn hóa có quan hệ gần gũi với Nga và họ muốn hội nhập, gắn bó với Nga. Đây là vùng kinh tế trọng điểm của Ukraine và gắn liền với kinh tế Nga. Hầu hết các ngành công nghiệp trọng yếu của Ukraine ở phía Đông giáp Nga.
– 8 tỉnh miền Tây, nói tiếng Ukraine là chủ yếu. Vùng miền Tây Ukraine có lịch sử, văn hóa, tôn giáo La Mã, kinh tế nông nghiệp gần gũi với các nước châu Âu. Người dân vùng này (phía Tây) có tư tưởng bài Nga, muốn Ukraine gia nhập EU và NATO.
– 7 tỉnh miền Trung, người dân có thái độ trung lập giữa Nga và Tây Âu, họ không chống Nga, chỉ không thích Nga, thích Tây Âu, muốn hội nhập sâu vào châu Âu.
Ukraine có diện tích rộng nhất châu Âu (trừ Nga); đất tốt nhất châu Âu (có 10% đất tốt nhất thế giới); khí hậu ôn hòa thuận lợi cho phát triển nông nghiệp. Ukraine nằm trên trục giao thông huyết mạch từ Tây sang Đông. Nghĩa là Ukraine có “Thiên thời” và “Địa lợi”, rất tiếc “Nhân không hòa”: Phía Đông muốn gắn với Nga, phía Tây ngả hẳn vào Tây Âu. Do đó, muốn tồn tại và phát triển đất nước, những người nắm quyền lực ở Kiev phải thực hiện cân bằng (tương đối) giữa Nga và Tây Âu, nghĩa là không ngả hẳn vào Nga và cũng không ngả hẳn vào Tây Âu. Từ năm 1991 đến nay, người nào nắm quyền lực ở Kiev mà ngả hẳn vào Nga, bài xích Tây Âu, cũng thất bại. Ngược lại, người nào nắm quyền lực ở Kiev ngả hẳn vào Tây Âu và chống Nga cũng thất bại.
Về lịch sử, Ukraine, Nga và Belarus có cội nguồn lịch sử 1.140 năm gắn bó chặt chẽ với nhau.
Năm 882, Hoàng tử Oleg xứ Novgorod (thành phố cổ Tây Bắc Nga, phía Đông Nam Moskva) đã tập hợp các bộ tộc Đông Slave thành lập Công quốc Nga – Kiev (Rus – Kiev), lấy Kiev làm thủ đô. Vùng phía Bắc dãy Karpat là thủy tổ (nơi phát sinh) của người Slave.
Từ Công quốc Rus – Kiev năm 882, qua nhiều thăng trầm lịch sử, phát triển thành 3 quốc gia ngày nay là Nga, Ukraine và Belarus. Trong tâm thức sâu kín, người Nga, người Belarus và người Ukraine đều thừa nhận họ có cùng cội nguồn từ Công quốc Rus – Kiev.
Từ thế kỷ X đến thế kỷ XVIII, Ukraine bị các đế quốc Ba Lan, đế quốc Nguyên Mông, đế quốc Ottoman (Thổ Nhĩ Kỳ) xâm chiếm, thống trị. Năm 1793, Sa hoàng Nga hợp nhất các vùng lãnh thổ thuộc Ukraine và tách Ukraine khỏi Ba Lan (lần thứ 2) và đặt Ukraine dưới quyền cai trị của Nga.
Năm 1918, lợi dụng thời cơ Đại chiến thế giới thứ nhất (1914 – 1918) và Cách mạng Tháng Mười Nga (7/11/1917), Ukraine giành độc lập.
Năm 1922, Ukraine gia nhập Liên Xô.
Tháng 12/1991, khi Liên Xô tan rã, Ukraine độc lập.
Ukraine và Nga có quan hệ kinh tế hết sức chặt chẽ và tạo thành một không gian kinh tế thống nhất: Có chung hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế như tiêu chuẩn, định mức, chất lượng, mẫu mã hàng hóa. Hệ thống đường sắt Nga – Ukraine rộng 1,25m, đường sắt các nước châu Âu là 1,435m.
Đến trước năm 2000, 50% đầu tư nước ngoài vào Ukraine (FDI) là từ Nga; 62% sản phẩm công nghiệp của Ukraine xuất khẩu sang Nga; Nga chiếm 25% ngoại thương của Ukraine.
Như vậy, Ukraine và Nga có mối quan hệ hết sức chặt chẽ về lịch sử, nhân chủng, dân tộc, tôn giáo, văn hóa, kinh tế, xã hội, và hai quốc gia dân tộc này đều xuất phát từ một nhà nước đầu tiên – Công quốc Russ – Kiev năm 882, Belarus cũng phát triển từ Russ – Kiev 882. Nga, Ukraine và Belarus có cùng một cội nguồn cách đây 1.140 năm và 3 quốc gia này tạo thành một không gian văn hóa thống nhất. Đây là trường hợp độc nhất ở châu Âu.
Ngày 4/4/1949, tại Washington, 12 quốc gia gồm: Mỹ, Anh, Pháp, Canada, Italy, Bỉ, Hà Lan, Luxembourg, Đan Mạch, Bồ Đào Nha, Na Uy và Iceland ký thành lập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương – NATO (có hiệu lực từ 24/8/1949). Đối tượng tác chiến của NATO là Liên Xô (đúng hơn là Hồng quân và hải quân Liên Xô).
NATO là công cụ để Mỹ tiến hành hoạt động chống phá Liên Xô và hệ thống xã hội chủ nghĩa (XHCN), duy trì vai trò bá chủ thế giới của Washington.
Để đối phó với NATO, ngày 14/5/1955, tại Warsaw (Ba Lan), 8 nước Bulgaria, Hungary, CHDC Đức, Ba Lan, Romania, Liên Xô, Tiệp Khắc và Albania ký thành lập Tổ chức Hiệp ước Warsaw – liên minh quân sự – chính trị của các nước XHCN do Liên Xô làm chủ đạo (có hiệu lực từ 5/6/1955). Ngày 25/2/1991, tại Budapest (Hungary), Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Quốc phòng các nước thành viên tuyên bố giải thể Tổ chức Hiệp ước Warsaw và đến ngày 1/7/1991, Tổ chức Hiệp ước Warsaw không tồn tại.
Cuối năm 1911, Liên Xô tan rã và Tổ chức Hiệp ước Warsaw không tồn tại, Mỹ và NATO mất đối tượng chủ yếu. Giai đoạn 1911 – 2000, Nga suy yếu đến tận cùng và bên bờ vực tan rã, sụp đổ. Đúng ra, trong bối cảnh đó, NATO phải giải thể.
Sau gần 10 năm cầm quyền (1), Boris Yeltsin đã đẩy nước Nga đến bờ vực tan rã.
Các thông tin, số liệu sau đây cho ta hình dung được “sức mạnh” của nước Nga vào những năm 90 của thế kỷ XX. “Nền kinh tế Nga lâm vào tình trạng “rơi tự do”. Sản lượng giảm sút với nhịp độ chưa từng có trong thực tiễn thế giới, hơn 25%. Lạm phát gần tới mức cao 10 – 20%/tháng”(2); “Các tổ chức tội phạm (mafia) chiếm lĩnh nhiều lĩnh vực kinh tế. Số lượng các nhóm mafia tăng từ 800 nhóm năm 1990 lên tới hơn 5.500 nhóm năm 1994, với hơn 3 triệu thành viên”(3). Xã hội Nga thì “hỗn loạn, bất ổn, còn tội phạm lại xâm nhập sâu vào các cơ quan công quyền”(4).
Về sức mạnh quân sự, đến 1999, “Quân đội Nga có 1,2 triệu quân, nhưng ngân sách hàng năm chỉ chi khoảng 10 tỷ USD, trong khi Mỹ có 1,4 triệu quân nhưng ngân sách quốc phòng của họ là 340 tỷ USD” (5).Và “một sĩ quan Nga có mức lương trung bình là 100 USD/tháng. Binh lính hưởng phụ cấp không đủ sống đã buộc phải làm những việc khác, kể cả buôn lậu, nên binh lính đã trở nên không kiểm soát nổi”(6).
Trong khi rơi vào tình cảnh “ngàn cân treo sợi tóc”, “Mỹ không giúp Nga mà họ còn nhấn Nga sâu hơn vào vũng bùn bằng chính sách địa chính trị thô thiển của mình”(7), và “người Mỹ hiểu rất rõ Nga không còn gì đáng giá ngoài dầu khí và họ làm tất cả để phá hoại chỗ dựa kinh tế cuối cùng của Nga”(8).
Sau khi Liên Xô tan rã (1991), Nga như một con thú trúng đạn, co cụm chữa lành vết thương và bảo vệ các lợi ích sống còn của mình. Trong tình cảnh hoang tàn, Nga không có tham vọng toàn cầu, cũng không có khả năng đe dọa vai trò toàn cầu toàn năng của Mỹ.
Một số chính khách, học giả Mỹ và Tây Âu rất tỉnh táo, sáng suốt phê phán sai lầm của Washington và Brussels trong việc theo đuổi chính sách thù địch với Nga, dồn ép Nga đến tận cùng. Dana Rohrabacher – Chủ tịch Ủy ban về châu Âu, Âu – Á của Hạ viện Mỹ (2016) đã khẳng định: “Không có một bằng chứng cụ thể nào cho thấy Nga nuôi tham vọng bành trướng toàn cầu, ngay cả khi Nga vẫn trong thời kỳ Xô viết. Nga chính là quốc gia đã đơn phương rút quân chiếm đóng khỏi Đông Âu, một động thái chấm dứt Chiến tranh Lạnh”(9), và “Ngày nay, nước Mỹ lại có những chính sách thù địch nóng vội đối với Nga – một đất nước có thể trở thành một đồng minh để chống lại rất nhiều kẻ thù như các thành phần Hồi giáo cực đoan và rất có thể là một Trung Quốc đang nỗ lực bành trướng”(10).
Mỹ đã cam kết những gì với Nga và họ đã bội tín như thế nào:
– Về việc không mở rộng NATO về phía Đông giáp Nga:
Không có cam kết bằng văn bản giữa Mỹ và Nga về việc Mỹ không kết nạp các nước Đông Âu và Baltic (thuộc Liên Xô cũ) vào NATO. Chỉ có 2 sự kiện liên quan vấn đề này:
“Ngày 9/2/1990, Ngoại trưởng Mỹ James Baker khi đó đã đảm bảo với lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev rằng, NATO sẽ không mở rộng dù chỉ 1 inch về phía Đông” (12) và “Cựu Giám đốc CIA Robert Gates đã viết rằng, Gorbachev “bị xỏ mũi” để tin rằng, sự mở rộng về phía Đông của NATO “sẽ không xảy ra”. Sai lầm khi tin vào thiện ý đằng sau những lời đảm bảo này”(13).
Thông tin thứ hai về NATO không mở rộng về phía Đông, không kết nạp các nước thuộc Liên Xô: Ngày 6/3/1991, tại Bonn (Thủ đô Tây Đức), có cuộc họp đại diện Bộ Ngoại giao 6 nước: Mỹ, Liên Xô, Tây Đức, Đông Đức, Anh, Pháp bàn về an ninh của Đức nói riêng, an ninh của châu Âu nói chung. Tại cuộc họp này, Mỹ, Anh, Pháp, Tây Đức đã cam kết (có trong biên bản cuộc họp): Chúng tôi không mở rộng NATO ra ngoài sông Elbe. Do đó, chúng tôi không thể trao cho Ba Lan và các nước còn lại tư cách thành viên NATO. Đại diện Mỹ Raymond Seitz nói rằng: “NATO không nên mở rộng về phía Đông dù chính thức hay không chính thức” (14).
– Mỹ đã ký và không thực hiện (bội ước) nhiều hiệp ước, hiệp định về an ninh đã ký với Nga:
Năm 1997, Nga và NATO (Mỹ) đã ký “Văn kiện cơ bản về quan hệ, hợp tác và an ninh giữa Liên bang Nga và NATO”, trong đó, NATO cam kết họ sẽ không triển khai vũ khí hạt nhân ở các quốc gia thành viên NATO mới và NATO có nghĩa vụ không tái theo đuổi việc triển khai các lực lượng tác chiến quan trọng (tại các thành viên NATO mới).
Văn kiện Mỹ và Nga ký năm 1997 tạo ra nền tảng vững chắc cho việc đảm bảo an ninh ở châu Âu nói chung, cho quan hệ giữa Mỹ và NATO với Nga nói riêng. Rất tiếc, Mỹ và NATO đã không thực hiện thỏa thuận 1997 và tiến hành nhiều hoạt động gây hấn, đe dọa Nga và đơn phương rút ra khỏi các hiệp ước, hiệp định về an ninh đã ký với Nga.
Năm 1999, NATO tấn công quân sự Nam Tư, một quốc gia độc lập, có chủ quyền, thành viên Liên hợp quốc và không có bất kỳ hành động nào đe dọa Mỹ và NATO. Việc vô cớ tấn công quân sự đối với Nam Tư chứng tỏ Mỹ và các đồng minh có quyền quyết định số phận của các dân tộc khác trên thế giới? Đây là một đòn nặng nề làm xấu quan hệ NATO – Nga và thức tỉnh Nga, Nga nghi ngờ Mỹ và tìm cách đối phó với mối đe dọa từ NATO.
Ngày 22/5/2002, tại Rome (Italy), lãnh đạo Nga và lãnh đạo 19 quốc gia NATO đã ký Tuyên bố mở ra một chương mới trong quan hệ Nga – NATO nhằm tăng cường hợp tác trong việc đối phó với các mối đe dọa và nguy cơ an ninh chung và thành lập Hội đồng Nga – NATO.
Một lần nữa, từ sau ký Tuyên bố mở ra một chương mới trong quan hệ Nga – NATO 2002, Mỹ và NATO có hàng loạt hoạt động vi phạm các hiệp định, hiệp ước đã ký với Nga, vi phạm Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế.
Năm 2002, Mỹ rút khỏi Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo (ABM). Năm 2003, Mỹ xâm lược Iraq. Năm 2010, Mỹ và NATO xâm lược Libya. Năm 2019, Mỹ rút khỏi Hiệp ước tên lửa tầm trung. Năm 2020, Mỹ rút khỏi Hiệp ước bầu trời mở.
Từ năm 2013, Mỹ liên tiếp triển khai các căn cứ chống tên lửa và các căn cứ quân sự tiền phương ở Romania và Ba Lan. Từ năm 2016 đến 2020, các nước thành viên châu Âu của NATO và Canada đã tăng chi tiêu quân sự trong 6 năm liên tiếp. Năm 2020, chi tiêu quân sự của NATO đạt 1.090 tỷ USD, tăng 7,4% so với năm 2019(15). Năm 2020, GDP của Nga bằng khoảng 5% GDP của 30 quốc gia thành viên NATO và chi tiêu quân sự chỉ khoảng 70 tỷ USD (khoảng 7% chi tiêu quân sự của NATO). Với tương quan sức mạnh kinh tế, quân sự quá chênh lệch này mà coi Nga đe dọa NATO, đe dọa vai trò, vị thế toàn cầu của Mỹ là phi lý.
Chính sách của Washington và Brussels đối với Nga không phải vì mục đích duy trì, củng cố xu thế hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển ở châu Âu nói riêng, trên thế giới nói chung, cũng không có mục đích nâng cao chất lượng cuộc sống cho hơn 300 triệu người Mỹ và hơn 500 triệu người châu Âu; chủ yếu phục vụ lợi ích của một nhóm người thuộc tổ hợp tài chính – công nghiệp quân sự khổng lồ ở Phố Wall (Washington) – thế lực nắm quyền lực thực sự ở Mỹ từ Chiến tranh Thế giới thứ nhất (1914 – 1918) đến nay. Cuối những năm 50 của thế kỷ XX, Tổng thống D.Eisenhower(16) đã cảnh báo nguy cơ của một tổ hợp công nghiệp quân sự mất kiểm soát và khuynh đảo chính trường Mỹ(17). Năm 2014, khi trả lời phỏng vấn của Đài Tiếng nói Nga (VOR), nguyên Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngân khố Mỹ Paul Craig Robert đã chỉ rõ: “Đó là một nhóm lợi ích tư nhân lớn và quyền lực lớn đến mức đáng ngạc nhiên với những thành phần trong Chính phủ, các cơ quan an ninh gồm CIA, Bộ An ninh nội địa, FBI, Lầu Năm Góc”(18).
Vì lợi nhuận kếch sù trong buôn bán vũ khí, tổ hợp tài chính – công nghiệp quân sự khổng lồ ở Phố Wall là thế lực nắm quyền lực thực sự ở Mỹ và họ chỉ đạo Nhà Trắng thực hiện chính sách dồn ép Nga đến tận cùng, buộc Nga phải suy yếu. Họ phải “vẽ” ra một nước Nga hung hăng, hiếu chiến và luôn có mưu đồ xâm lược các nước để bán vũ khí cho Bộ Quốc phòng Mỹ và bộ quốc phòng của 29 quốc gia thành viên NATO cùng nhiều đồng minh, đối tác ở Bắc Phi, Trung Đông, Trung Á, Nam Á.
Đó là nguồn gốc, bản chất của cuộc đối đầu Mỹ và Nga.
Sẽ không hiểu được cuộc khủng hoảng Ukraine 2021 – 2022 nếu không bắt đầu từ năm 2012, cách đây 10 năm.
Năm 2012, Mỹ có kế hoạch lật đổ chính quyền ở 3 quốc gia Syria, Ukraine và Venezuela. Syria thuộc phạm vi tác chiến của Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ (CENTCOM) do Philip Gardon chỉ huy; Ukraine thuộc phạm vi tác chiến của Bộ Chỉ huy châu Âu (EUCOM) do Karen Donfrich chỉ huy; Venezuela thuộc phạm vi tác chiến của Bộ Chỉ huy phương Nam (SOUTHCOM) do Ricardo Zuniga – chuyên gia về Mỹ Latinh chỉ huy.
Theo nhà báo Canada Mark Markinnon (19), sự can thiệp của Mỹ vào Syria, Ukraine, Venezuela và các nước khác (thực hiện “cách mạng màu” hay “cách mạng đường phố”, về cơ bản, theo một quy trình 5 bước: 1. Vu cáo, lên án các chính phủ đàn áp người dân, vi phạm nhân quyền; 2. Xây dựng ngọn cờ tập hợp lực lượng chống đối, tổ chức biểu tình phản đối chính quyền; 3. Tiến hành các biện pháp trừng phạt vào các cá nhân, thể nhân, các tổ chức kinh tế nhằm làm suy sụp kinh tế từ đó kích động bất mãn của người dân; 4. Tổ chức biểu tình đến bạo loạn chính trị tiến tới lật đổ chính quyền hoặc đảo chính; 5. Xây dựng bộ máy quyền lực mới thân Mỹ và phục vụ lợi ích của Mỹ.
Nhà báo Canada Mark Markinnon đã mô tả chi tiết quá trình Mỹ tiến hành các cuộc “cách mạng Hoa Hồng” ở Gruzia 2003, “cách mạng Cam” ở Ukraine 2004, “cách mạng Hoa Tuylip” ở Kyrgyzstan năm 2005, “cách mạng Trắng” (Bạch Vệ) ở Nga cuối 2011, và các diễn biến ở Ukraine giai đoạn 2012 – 2014.
Cuộc khủng hoảng Ukraine hiện nay bắt đầu từ cuối năm 2013 và diễn biến thông qua một chuỗi các sự kiện sau:
Ngày 20/11/2013, Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych tuyên bố tạm hoãn việc gia nhập Liên minh kinh tế châu Âu. Trước đó, nửa cuối năm 2013, Ukraine đã tuyên bố ngày 20/11/2013 sẽ chính thức ký hiệp định để Ukraine tham gia Liên minh kinh tế châu Âu. Lý do ngày 20/11/2013 Ukraine hoãn tham gia Liên minh kinh tế châu Âu, theo Tổng thống Yanukovych, là nền kinh tế Ukraine ở trình độ phát triển thấp so với các cường quốc kinh tế châu Âu. Trong điều kiện đó, nếu gia nhập Liên minh kinh tế châu Âu thì hàng hóa Ukraine khó vào thị trường EU, ngược lại, hàng hóa chất lượng cao với giá rẻ của các nước Tây Âu sẽ tràn vào chiếm lĩnh thị trường Ukraine; từ đó dẫn đến nguy cơ các cường quốc kinh tế Tây Âu sẽ chi phối kinh tế Ukraine. Do đó, Ukraine cần có thời gian (khoảng 3 – 5 năm) để cơ cấu lại nền kinh tế và nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, sau đó mới gia nhập Liên minh kinh tế châu Âu.
Lực lượng đối lập cho rằng, Tổng thống Yanukovych thân Nga và không muốn hội nhập với châu Âu. Vì thế, họ tổ chức biểu tình ở Kiev và các thành phố lớn đòi Tổng thống Yanukovych phải ký tham gia Liên minh kinh tế châu Âu.
Có thể xác định cuộc biểu tình ở Ukraine phát triển qua hai giai đoạn (rất tương đối):
– Từ 21/11/2013 đến 30/11/2013, các cuộc biểu tình diễn ra hòa bình yêu cầu Tổng thống Yanukovych hội nhập kinh tế với châu Âu ngay lập tức. Trong giai đoạn này chưa xảy ra xung đột giữa người biểu tình với các cơ quan chức năng Ukraine.
Từ 1/12/2013 đến 20/2/2014, biểu tình với khẩu hiệu chính trị đòi lật đổ chính quyền của Tổng thống Yanukovych. Cầm đầu các nhóm người biểu tình trên đường phố Kiev là bọn phát xít mới, những phần tử theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan bài Nga, bài Do Thái, bọn đâm thuê chém mướn. Bọn chúng dùng súng bắn tỉa vào lực lượng an ninh, cảnh sát và bắn vào người biểu tình rồi vu cáo chính quyền Yanukovych đàn áp đẫm máu.
Các ngày 18, 19, 20/2/2014 là 3 ngày đẫm máu nhất trên quảng trường thành phố Kiev. Bọn phát xít mới dùng súng bắn tỉa từ cửa sổ các nhà cao tầng vào người biểu tình. Đây là loại súng bắn tỉa đặc biệt chính xác mà Ukraine và Nga không có. Đây là loại súng mà Mỹ và NATO cung cấp cho lực lượng cực hữu, phát xít mới ở Ukraine.
Để kết thúc xung đột đẫm máu, dưới sự hậu thuẫn của Nga, Mỹ và Anh, Pháp, Đức, ngày 21/2/2014, chính quyền Yanukovych và các lực lượng đối lập đã ký thỏa thuận ngừng bắn và hòa giải dân tộc.
Các bên tham gia ký Thỏa thuận 21/2/2014: Tổng thống Yanukovych, Vitali Klitscho – thủ lĩnh đảng Udar (Liên minh Dân chủ Ukraine và cải cách), Arseniy Yatsenyuk – chủ tịch đảng Batkivshchyna (Liên minh Tổ quốc toàn Ukraine), Oleg Tyagnibok – thủ lĩnh đảng Slobova (Liên minh tự do toàn Ukraine – một tổ chức phát xít mới).
Thay mặt EU dự lễ ký thỏa thuận có: Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier và Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski. EU đề nghị Nga tham gia, Nga cử Đặc phái viên về nhân quyền Vladimir Lukin tham gia, nhưng khi ông Lukin đến họp thì bản Thỏa thuận đã xong nên Đặc phái viên Lukin không ký.
Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố: Nga không ký không có nghĩa là Nga không ủng hộ Thỏa thuận.
Thỏa thuận 21/2/2014 giữa chính quyền Yanukovych và các lực lượng đối lập có 9 nội dung sau:
– Khôi phục Hiến pháp 2014 trong 48 giờ sau khi ký Thỏa thuận.
– Thành lập chính phủ đoàn kết dân tộc trong thời hạn 10 ngày sau khi ký Thỏa thuận.
– Tiến hành cải cách hiến pháp theo hướng cân bằng quyền lực giữa Quốc hội, Tổng thống và Chính phủ, tháng 9/2014 phải xong.
– Bầu cử Tổng thống trước thời hạn: Bầu cử Tổng thống sau khi thông qua hiến pháp mới và chậm nhất là cuối tháng 12/2014.
– Tiến hành điều tra làm rõ trách nhiệm của các bên trong các cuộc đụng độ gây đổ máu dưới sự kiểm soát của Chính phủ, phe đối lập và Hội đồng châu Âu.
– Thực hiện các biện pháp để nhanh chóng ổn định chính trị – xã hội: Chính quyền bãi bỏ tình trạng khẩn cấp; Chính quyền và phe đối lập sẽ không sử dụng vũ lực.
– Quốc hội sẽ thông qua luật ân xá mới.
– Hai bên có trách nhiệm đưa tình hình trở lại bình thường bằng cách rút khỏi các cơ quan, công sở nhà nước, quảng trường, công viên.
– Bộ Nội vụ thu hồi các vũ khí sở hữu trái phép. Chính phủ chỉ sử dụng lực lượng an ninh để bảo vệ công sở.
Mỹ, Nga, EU đều hài lòng với Thỏa thuận 21/2/2014:
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy nhận định: Thỏa thuận giải quyết khủng hoảng ở Ukraine là cần thiết để phát động đối thoại chính trị.
Nhà Trắng khen ngợi Thỏa thuận 21/2/2014 và mong muốn thỏa thuận được thực hiện ngay.
Bộ Ngoại giao Nga thông báo: Ngày 21/2/2014, Tổng thống Nga V. Putin đã điện đàm với Tổng thống Mỹ B. Obama về cuộc khủng hoảng Ukraine và hai tổng thống nhất trí cần nhanh chóng thực hiện Thỏa thuận 21/2/2014. Trước đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã điện đàm với Cao ủy Đối ngoại của EU Catherine Ashton, ông kêu gọi EU lên án thái độ của các phần tử cực đoan ở Ukraine.
Cộng đồng quốc tế nói chung, cư dân trên Lục địa già (châu Âu) nói riêng như trút được một gánh nặng vì Thỏa thuận 21/2/2014 là giải pháp tối ưu để giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine.
Chỉ chưa đầy 24 giờ sau khi ký Thỏa thuận 21/2/2014, Mỹ và các cường quốc châu Âu (chủ yếu là Anh, Đức, Pháp) đã xé bỏ Thỏa thuận và thực hiện cuộc đảo chính vi hiến lật đổ Tổng thống hợp hiến Yanukovych. 12 giờ 49 phút ngày 22/2/2014, Mỹ và các đồng minh châu Âu đã tổ chức cuộc họp Quốc hội Ukraine bất thường để phế truất Tổng thống Yanukovych với 72,88% số nghị sĩ đồng ý.
Hiến pháp Ukraine năm 2014 quy định: Tổng thống chỉ bị phế truất khi có ít nhất 75% tổng số nghị sĩ Quốc hội đồng ý. Do đó, việc phế truất Tổng thống Yanukovych tại cuộc họp Quốc hội Ukraine ngày 22/2/2014 là một hành động vi hiến, là một cuộc đảo chính phản dân chủ.
Ngay từ năm 2014, Tạp chí Foreign Affairs có sức lan tỏa ảnh hưởng lớn của Mỹ đã thừa nhận, “Washington là đại diện chính của cuộc đảo chính chống Nga ở Ukraine vào năm đó”.
Ngày 23/2/2014, Mỹ và châu Âu “đạo diễn” cho ra đời “Chính quyền lâm thời Ukraine” với các nhân vật “nổi tiếng”: Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp, Bộ trưởng Môi trường, Viện trưởng Viện Công tố Tối cao – tất cả họ là các thành viên của các tổ chức phát xít mới; Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia là người đồng sáng lập đảng phát xít Svoboda (20).
Ngày 24/2/2014, Washington và Brussels “đồng ca” công nhận chính quyền lâm thời Ukraine.
Oleg Tyagnibok – Chủ tịch đảng phát xít Svoboda (người đồng sáng lập đảng Svoboda là Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia trong chính phủ lâm thời ở Kiev) đã công khai hô hào: “Hãy cầm lấy súng, hãy chiến đấu chống lại bọn lợn Nga, bọn Đức, bọn lợn Do Thái và những bọn hạ đẳng khác” (21).
Với việc xé bỏ Thỏa thuận 21/2/2014 và tiến hành cuộc đảo chính vi hiến lật đổ chính quyền hợp hiến của Tổng thống Yanukovych ngày 22/2/2014, lập ra chính quyền mới ở Kiev với 2/3 thành viên là những phần tử cực hữu, phát xít mới, Mỹ và châu Âu đã đóng sập mọi cánh cửa đối thoại hòa giải và quyết dùng Ukraine làm lực lượng xung kích ở tuyến đầu chống lại Nga.
An ninh quốc gia của Nga bị đe dọa nghiêm trọng ở phía Tây Nam. Cuộc khủng hoảng Ukraine trở thành cuộc đối đầu Mỹ – Nga.
Để chủ động đối phó với mọi tình huống xấu, Nga thực hiện các hoạt động phòng ngừa chiến lược trong điều kiện không còn chỗ lùi (Mỹ và NATO đã dồn Nga đến chân tường thông qua việc chuẩn bị kết nạp Ukraine vào NATO).
Ngày 1/3/2014, Quân đội Nga chốt giữ Crimea.
Ngày 18/3/2014, Nga tổ chức trưng cầu dân ý với kết quả hơn 90% những người được hỏi đồng ý sáp nhập Crimea vào Nga.
Ngày 21/3/2014, Duma Quốc gia Nga thông qua đạo luật công nhận Crimea là thực thể thuộc Nga.
Sau cuộc đảo chính vi hiến lật đổ Tổng thống Yanukovych, 2 tỉnh Đông Nam Ukraine giáp Nga Donetsk và Luhansk nổi dậy đấu tranh đòi chính quyền Kiev cho 2 tỉnh này có quyền tự trị cao hơn. Ban đầu là bạo loạn chính trị, sau chuyển thành đấu tranh vũ trang đối đầu với chính quyền Kiev.
Từ giữa tháng 3/2014, Mỹ và các đồng minh (châu Âu, Canada, Nhật Bản, Australia…) thực hiện bao vây, cấm vận, trừng phạt Nga về kinh tế, chính trị, ngoại giao ngày càng khắc nghiệt.
Tại 2 tỉnh Donetsk (DPR) và Luhansk (LPR), người Nga chiếm đa số, tiếng Nga là ngôn ngữ chính, kinh tế có quan hệ chặt chẽ với Nga.
Từ tháng 4/2014 đến đầu tháng 5/2015, cuộc xung đột quân sự giữa 2 tỉnh ly khai DPR và LPR và quân đội của chính quyền Kiev diễn ra qua 3 giai đoạn:
– Các tháng 4, 5, 6, 7/2014, quân ly khai Donetsk và Luhansk bị quân Kiev đánh cho thiệt hại rất nặng và buộc phải rút khỏi thành trì chính của họ là thành phố Ilovaisk.
– Tháng 8/2014, được sự hỗ trợ của Nga, quân ly khai Donetsk và Luhansk đã phản công mạnh mẽ, lật ngược thế cờ, quân Kiev bị bao vây, bóp nghẹt và tổn thất nặng nề với số thương vong rất cao tại thành phố Ilovaisk. Chính quyền Kiev đã bưng bít thông tin, che giấu thất bại vì sợ binh lính mất tinh thần, người dân hoang mang, phản đối chính quyền yếu kém.
Thất bại nặng nề tháng 8/2014, chính quyền Kiev buộc phải ký Thỏa thuận Minsk I ngày 5/9/2014 (23).
– Giai đoạn 3 của cuộc xung đột: Sau thất bại tháng 8/2014 và phải ký Thỏa thuận Minsk I ngày 5/9/2014, được sự hậu thuẫn của NATO, chính quyền cực hữu theo chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, cực đoan ở Kiev tổ chức phản công lực lượng nổi dậy để “giải phóng” Donbass. Trong cuộc phản công cuối năm 2014 đầu năm 2015, chính quyền Kiev đã huy động hơn 10.000 quân với các cố vấn quân sự hàng đầu của NATO ở Bộ Quốc phòng Ukraine giúp quân Kiev về tác chiến chiến dịch.
Từ cuối tháng 12/2014 đến cuối tháng 1/2015, quân ly khai Donetsk và Luhansk đã phản công quân Kiev. Ngày 30/1/2015, quân ly khai Donetsk và Luhansk đã vây chặt 8.000 quân của chính quyền Kiev ở thành phố Debaltsevo từ 3 phía. Trong trận tháng 12/2014 – tháng 1/2015, quân ly khai đã loại khỏi vòng chiến đấu hơn 3.000 quân Kiev và mở đường nhân đạo cho phép dẫn 5.000 quân Kiev chạy ra khỏi vòng vây.
Người ta ví trận thắng Debaltsevo của quân ly khai có vai trò như trận thắng của Hồng quân Liên Xô ở Stalingrad đầu năm 1943. Debaltsevo là trận thất bại nặng nề nhất, nhục nhã nhất của chính quyền Kiev. Ngoài các cố vấn quân sự của NATO tại Bộ Quốc phòng Ukraine, NATO còn cử một lữ đoàn đặc biệt tinh nhuệ tham chiến với quân Kiev chống lại quân ly khai vào cuối năm 2014, đầu năm 2015.
Ngày 18/2/2015, tại Budapest (Hungary), Tổng thống V. Putin đã công khai khẳng định: “Vũ khí Mỹ và cả quân đoàn NATO tham chiến tại Ukraine đã lộ diện, chẳng có gì bất ngờ, nhưng dù có cung cấp thêm bất kỳ thứ vũ khí hiện đại nào, bất kỳ ai, thì trên chiến trường, máu có thể đổ thêm, nhưng kết quả cũng giống như ngày hôm nay” (24).
Sau thất bại thảm hại tháng 1/2015, chính quyền Kiev phải đến Minsik (Belarus) cùng với Pháp, Đức và Nga ký Thỏa thuận Minsk II ngày 12/2/2015.
Thỏa thuận Minsk II bao gồm: Các bên ngừng bắn, trao đổi tù binh; Tổ chức bầu cử ở Donetsk và Luhansk; Chính quyền Kiev sửa hiến pháp chấp nhận mô hình nhà nước liên bang và trao quyền độc lập lớn hơn cho 2 tỉnh Donetsk và Luhansk.
Theo Minsk II, Ukraine sẽ là nhà nước liên bang và 2 tỉnh Donetsk và Luhansk có quyền tự trị, độc lập cao hơn. Đây là điểm quan trọng nhất và phù hợp với mục tiêu của Donetsk, Luhansk và cả Nga.
Ngoại trưởng Nga S. Lavrov cho rằng, Thỏa thuận Minsk II là “siêu tuyệt vời”.
Thượng Nghị sĩ John McCain đã chỉ trích gay gắt: “Thủ tướng Đức và Tổng thống Pháp đã hợp thức hóa sự chia cắt của một quốc gia lần đầu tiên trong 70 năm qua (trong Thỏa thuận Minsk II) và đây là một chương đen tối nhất trong lịch sử liên minh của chúng ta”.
Cuối tháng 2/2015, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã ra Nghị quyết (15/15) số 2022 ủng hộ Thỏa thuận Minsk II và yêu cầu các bên liên quan tổ chức thực hiện nghiêm túc Minsk II để mang lại ổn định, phát triển cho Ukraine.
Như vậy, Thỏa thuận Minsk II ngày 12/2/2015 có tính pháp lý quốc tế và trở thành một bộ phận của luật pháp quốc tế mà các bên liên quan có trách nhiệm phải thực hiện nghiêm túc.
Tổng thống V. Putin cho rằng: Việc tổ chức thực hiện đầy đủ các cam kết trong Minsk II là con đường duy nhất để giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine.
Từ 12/2/2015 – thời điểm ký Thỏa thuận Minsk II đến cuối năm 2020, năm 2019 là năm các cuộc xung đột quân sự giữa chính quyền Kiev với lực lượng ly khai ở Donbass xảy ra ở mức thấp nhất, có thể nói năm 2019 là năm “sóng yên biển lặng”. Lý do, ngày 31/3/2019, Ukraine tổ chức bầu tổng thống. Tại vòng 1, Zelensky được 30,26% cử tri ủng hộ, Tổng thống đương nhiệm Poroshenko 15,92%, ngôi sao Cách mạng Cam Tymoshenko được 13,38%. Tại vòng 2 (21/4/2019), Zelensky trúng cử với 74% số phiếu bầu. Trong chương trình tranh cử của Zelensky có một điều: Nếu trúng cử tổng thống, Zelensky sẽ tổ chức trưng cầu dân ý về việc Ukraine gia nhập NATO.
Trong 7 năm (từ 12/2/2015) đã xảy ra hàng trăm vụ xung đột quân sự giữa quân đội Chính phủ Ukraine với lực lượng vũ trang của Donetsk và Luhansk với quy mô khác nhau. Chính quyền Kiev đổ lỗi cho quân ly khai Donbass; ngược lại, quân ly khai ở Donbass lại cho rằng, Kiev tấn công trước và họ chỉ phản công tự vệ.
Năm 2020, Tổng thống Zelensky tập trung vào 2 việc lớn: 1. Về đối ngoại: Kết nối, tranh thủ sự ủng hộ của Mỹ và các nước thuộc NATO và EU để chuẩn bị cho các hoạt động quân sự với Donbass; 2. Ở trong nước, Zelensky thông qua chiến lược an ninh quốc gia và một số đạo luật, sửa hiến pháp, trong đó, xác định Nga là kẻ thù, kích động tư tưởng bài Nga, tạo dư luận xã hội hướng vào chống Nga và quyết lấy lại Crimea và “giải phóng” Donbass.
Điện Kremlin không bỏ qua các hoạt động đối nội, đối ngoại theo hướng bài Nga, chống Nga của chính quyền Kiev trong 2 năm (2019 – 2020). Nga thấy rằng, Zelensky quyết không thực hiện Minsk II và đang chuẩn bị cho việc tấn công lớn vào Donbass.
Bất cứ cuộc khủng hoảng nào cũng có những sự kiện mang tính mở đầu, khơi mào cho chuỗi các sự kiện tiếp theo ngày càng nghiêm trọng.
Từ đầu tháng 3/2021, quân đội Ukraine dồn dập pháo kích vào Donbass. Ngày 3/3/2021, máy bay không người lái của Ukraine sát hại em bé Vladislav ở Alexandrovs-koye. Ngày 10/3/2021, giao tranh dữ dội giữa quân Ukraine và quân ly khai Donbass ở làng Mikhailovka.
Ngày 6/4/2021, quân đội Ukraine 8 lần vi phạm lệnh ngừng bắn, bắn 87 quả đạn cối, trong đó, có 116 quả 120mm và 80mm vào Donetsk. Các vụ không kích và pháo kích của quân đội Ukraine đã vi phạm điểm đầu tiên trong các biện pháp kiểm soát ngừng bắn mà Kiev đã ký tháng 7/2020, đó là việc cấm “bất kỳ hoạt động tấn công hoặc do thám nào”.
Đêm 4/4/2021, lợi dụng trời mưa, tối, quân đội Ukraine đã cho 3 lính đặc công thuộc Tiểu đoàn xung kích Sơn Cước số 8 thuộc Lữ đoàn 10 thuộc Lục quân Ukraine thực hiện chiến dịch trinh sát tại vùng giáp ranh của Donbass.
Đầu tháng 4/2021, quân đội Ukraine đã chuyển đến khu vực xung quanh Donbass khoảng 300 xe tăng, 50 bệ phóng tên lửa và triển khai hệ thống phòng không S-300. Trong thời gian này, NATO điều một đội tàu chiến đến Biển Đen (hai tàu chiến Mỹ, các tàu chiến của Thổ Nhĩ Kỳ, Tây Ban Nha, Romania). Ngày 6 – 8/4/2021, tùy viên quân sự Mỹ tại Kiev đến Donbass thăm các đơn vị quân đội Ukraine. Ngày 7/4/2021, Tổng thống Ukraine Zelensky đến khu vực tiền tuyến Donbass và kêu gọi sự ủng hộ của Mỹ và các đồng minh phương Tây.
Các động thái trên cho thấy chính quyền Zelensky đang chuẩn bị cho một cuộc chiến lớn để “giải phóng” Donbass.
Trước tình hình nóng bỏng do chính quyền Zelensky tạo ra, Nga chuẩn bị cho kịch bản chiến tranh:
– Huy động lực lượng lớn quan đội (khoảng 100.000 quân) và vũ khí hiện đại áp sát biên giới Ukraine vùng Donbass.
– Nga thông báo về kế hoạch phối hợp hành động với Belarus: Các sân bay của Belarus sẵn sàng đón nhận thêm các máy bay của Nga. Giữa tháng 3/2021, Nga và Belarus tập trận chung, nếu chiến tranh xảy ra thì liên quân Nga – Belarus tạo ra 2 gọng kìm bao vây Ukraine.
Ngày 18/4/2021, Tổng thống Zelensky đề nghị gặp Tổng thống V. Putin tại Donbass: “Ngài Putin, tôi sẵn sàng tiến xa hơn nữa và mời ngài đến gặp mặt ở bất cứ đâu tại vùng Donbass của Ukraine, nơi đang xảy ra chiến tranh”.
Dư luận Nga cho rằng: Ông Zelensky bày tỏ quan điểm sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh với Nga, thậm chí đến người Ukraine cuối cùng!
Ngày 20/4/2021, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố: Moskva không chịu trách nhiệm về tình hình leo thang căng thẳng ở miền Đông Ukraine, đồng thời kêu gọi các quốc gia khác kiềm chế trước “chứng rối loạn tâm thần chống Nga hàng loạt”.
Cả năm 2021, đặc biệt 2 tháng đầu năm 2022, quan hệ Nga – Ukraine luôn ở trạng thái có thể bùng nổ chiến tranh. Chính quyền Zelensky chuẩn bị lực lượng quân đội chủ lực với vũ khí hiện đại, luôn đưa ra tuyên bố kích động tư tưởng chống Nga. Đồng thời kêu gọi Mỹ và các nước thuộc NATO cung cấp vũ khí và tham chiến chống Nga.
Để đối phó với mọi hành động chiến tranh liều lĩnh của chính quyền Zelensky, Nga tập trung khoảng 100.000 quân với vũ khí hiện đại phía Tây Nam Nga giáp biên giới Đông Nam Ukraine (vùng Donbass) và tổ chức tập trận quy mô lớn với Belarus.
Hàng tỷ đô la và hàng chục ngàn tấn vũ khí hiện đại của Mỹ và các nước thành viên NATO đã chuyển đến cho Ukraine. Đặc biệt, ngày 19/2/2022, tại Hội nghị An ninh Munich (Đức), Tổng thống Zelensky đã tuyên bố Ukraine sẽ từ bỏ chính sách không hạt nhân; nghĩa là tìm cách sở hữu vũ khí hạt nhân. Có lẽ, tuyên bố của Zelensky tại Hội nghị An ninh Munich là “giọt nước tràn ly” và đóng sập cánh cửa đối thoại với Nga. Điện Kremlin thấy rằng hết cách cứu vãn Minsk II.
Cái gì phải đến đã đến.
Đêm 21/2/2022, Tổng thống Nga V. Putin ký Sắc lệnh công nhận Donetsk và Luhansk là 2 quốc gia độc lập và ngay trong đêm 21/2/2022, Nga và Donetsk, Luhansk ký hàng loạt hiệp ước, hiệp định hợp tác 10 năm (đến năm 2032).
Ngày 24/2/2022, Tổng thống Nga V. Putin tuyên bố tiến hành “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine để bảo vệ cộng đồng người Nga ở Donbass.
Hai quyết định (ngày 21 và 24/2/2022) của Tổng thống Nga V. Putin đã tạo ra bước ngoặt của cuộc khủng hoảng Ukraine nói riêng, quan hệ Nga – Mỹ và cục diện chính trị thế giới nói chung.
Tổng thống Zelensky chỉ là người châm ngòi lửa vào cuộc xung đột. Các thế lực theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan bài Nga, bài Do Thái với tư tưởng phát xít mới trong chính quyền Kiev được sự hậu thuẫn mạnh mẽ, mọi mặt từ tài chính đến vũ khí của tổ hợp tài chính – công nghiệp quân sự phố Wall và các thế lực chống Nga ở châu Âu đã là chỗ dựa vững chắc và khuyến khích, cổ vũ các hoạt động chống Nga một cách cực đoan của Zelensky.
Có thể nói, mọi hoạt động chống Nga của Tổng thống Ukraine Zelensky đều bắt nguồn từ Washington. Liệu Nhà Trắng và Zelensky có đủ can đảm, đủ nguồn lực để tiến hành cuộc chiến chống Nga đến người Ukraine cuối cùng?
Lịch sử mách bảo: Mọi “con rối chính trị” đều lãnh hậu vận không mấy tốt đẹp!
Khi viết bài này, cuộc chiến ở Ukraine đang bước sang ngày thứ 15. Có nhiều câu hỏi chưa có lời giải xung quanh cuộc chiến giữa quân đội Nga và quân đội Ukraine:
– Cuộc chiến này chỉ diễn ra giữa quân đội Nga và quân đội Ukraine trên lãnh thổ Ukraine hay sẽ dẫn đến cuộc đối đầu quân sự giữa Nga với NATO?
– Liệu cuộc chiến này sẽ còn kéo dài bao lâu và Nga có sa lầy ở Ukraine không?
– Khi nào Nga sẽ kết thúc “chiến dịch quân sự đặc biệt” và cuộc chiến này sẽ kết thúc theo phương thức nào?
– Hậu quả đối với thế giới, đối với Ukraine, đối với Nga?
– Thế giới sẽ đi về đâu sau cuộc khủng hoảng Ukraine?
Người viết không có khả năng giải đáp 5 vấn đề trên, chỉ bước đầu nêu ra ý kiến để trao đổi, tranh luận. Có lẽ, 3 – 5 năm sau kết thúc cuộc chiến tranh này, cộng đồng quốc tế mới có thể có lời giải cho các vấn đề trên.
– Mỹ và NATO đã tuyên bố: 1. Không đem quân đội đến Ukraine để tham gia cuộc chiến chống Nga vì Ukraine không phải là thành viên của NATO; 2. NATO không thiết lập vùng cấm bay trên không phận Ukraine vì việc đó có nghĩa là NATO tuyên chiến với Nga. Mỹ và các nước thành viên NATO chỉ cung cấp vũ khí, tài chính, hậu thuẫn chính trị, ngoại giao cho chính quyền Kiev.
Có 2 lý do cơ bản làm cho Mỹ và NATO không tham chiến đối đầu trực tiếp với Nga: 1. Mỹ và các thành viên chủ chốt của NATO (Anh, Pháp, Đức…) cho dù họ thù ghét Nga, không muốn lao vào cuộc chiến tổng lực với Nga khi trong nước còn bộn bề khó khăn mọi mặt; 2. Mỹ và NATO không dám lao vào cuộc đối đầu quân sự với Nga khi không nắm chắc phần thắng. Hơn nữa, Tổng thống Putin là một ẩn số, ông luôn có những quyết định “động trời” bất ngờ. Mọi kẻ diều hâu nóng đầu phải cẩn thận và không dám “vung tay quá trán”.
Về phía Nga, Tổng thống Putin cũng hoàn toàn không muốn mở rộng đến cuộc đối đầu quân sự với NATO.
– Liệu Nga có sa lầy ở Ukraine không?
Do nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan, cuộc chiến này sẽ không kéo dài (hàng năm) và Nga sẽ không sa lầy ở Ukraine. Có thể có một số nhân tố tạo ra bất ngờ mà Điện Kremlin chưa lường hết chăng? Có thể là: 1. Chất lượng quân đội và vũ khí của quân đội Ukraine năm 2022 khác xa năm 2014 (khi Nga sáp nhập Crimea). Rõ ràng quân đội Ukraine đã được “thay máu” (25); 2. Sự “đoàn kết”, đồng thuận khá cao giữa Mỹ và các đồng minh châu Âu trong việc hỗ trợ mọi mặt cho chính quyền Kiev trong cuộc đối đầu với Nga, làm suy yếu Nga; 3. Khó khăn trong việc đồng thời tiến hành các hành động chiến tranh và đảm bảo tính nhân đạo: Nga không chiếm đất Ukraine, không đánh vào dân thường, chỉ phá hủy hạ tầng kỹ thuật quân sự. Khi chính quyền Kiev trang bị vũ khí cho người dân và bố trí vũ khí, phương tiện kỹ thuật quân sự (tên lửa, radar, hệ thống chỉ huy, thông tin liên lạc…) vào khu dân cư thì quân đội Nga gặp khó.
Phải chăng 3 nhân tố trên đã góp phần cản trở, làm chậm tiến độ cuộc chiến của quân đội Nga?
– Khi nào sẽ kết thúc “chiến dịch quân sự đặc biệt” và cuộc chiến này sẽ kết thúc thế nào?
Không ai biết khi nào sẽ kết thúc cuộc chiến này. Có thể dự báo (liều) cuộc chiến sẽ kéo dài muộn nhất đến 8/5/2022; sớm nhất là 1/4/2022.
Từ nay đến khi kết thúc chiến tranh, Nga và Ukraine vừa đánh, vừa đàm phán. Kết quả trên chiến trường sẽ quyết định kết quả đàm phán. Khi quân đội Nga đã phá hủy khoảng 80% cơ sở hạ tầng quân sự của Ukraine thì chính quyền Kiev phải ký thỏa thuận kết thúc chiến tranh với điều kiện tiên quyết mà Nga yêu cầu – “Lằn ranh đỏ” – Ukraine phải trung lập, nghĩa là không gia nhập NATO và không theo đuổi sở hữu vũ khí hạt nhân(26).
Muốn hay không, Ukraine phải trung lập, tức là không gia nhập NATO. Đây là vấn đề tiên quyết mà Putin không bao giờ nhân nhượng. Đây là con đường độc đạo mà Ukraine phải đi qua để ổn định và phát triển; nếu Kiev chệch ra khỏi con đường này thì xung đột quân sự sẽ leo thang, máu của người Ukraine tiếp tục đổ và Ukraine lún sâu vào vũng bùn suy thoái, khủng hoảng triền miên.
Về vấn đề này, chiến lược gia số một của Mỹ Zbigniew Brzezinski tỏ ra sáng suốt và nhạy bén chính trị khi ông khuyên Mỹ và các đồng minh nên từ bỏ kế hoạch phương Tây hóa và thay vào đó nên nhắm vào việc biến nước này thành vật đệm trung lập giữa NATO và Nga giống như vị thế của Áo trong Chiến tranh Lạnh.
Zbigniew Brzezinski đề nghị: “Phần Lan hóa Ukraine”: Trung lập thực chất, về chính trị có quan hệ hữu nghị với mọi quốc gia; về kinh tế có thể gia nhập EU; về quân sự không được gia nhập NATO” (27).
Rất tiếc, Nhà Trắng và Brussels không bao giờ chịu nghe lời nói phải nếu lời khuyên đó không phục vụ lợi ích của Phố Wall.
Trung lập hóa Ukraine là vấn đề mà Nga không bao giờ nhân nhượng cho dù phải mở rộng cuộc đối đầu quân sự trực diện với NATO. Đó cũng là điều kiện tối ưu để Ukraine yên ổn, phát triển.
– Hậu quả đối với thế giới, đối với Ukraine, đối với Nga.
Cuộc chiến còn tiếp diễn nên không ai có thể đánh giá đầy đủ, đúng đắn về hậu quả. Sơ bộ có thể nêu ra một số ý kiến như sau:
Đối với thế giới có 2 vấn đề: 1. Rõ nhất là giá dầu tăng kéo theo hàng loạt hệ lụy xấu đó là làm cho các nền kinh tế lớn như Mỹ, EU sẽ lâm vào lạm phát cao, đời sống của người lao động thêm khó khăn; nền kinh tế thế giới chưa thoát khỏi đại dịch Covid-19 lại bị cuộc khủng hoảng Ukraine giáng một đòn nặng nề; 2. Hiến chương Liên hợp quốc và hệ thống luật pháp quốc tế bị thách thức.
Đối với Ukraine, mọi thảm họa đổ lên đầu người dân. Nền kinh tế Ukraine gặp khó khăn, xã hội thêm mất ổn định, và hạ tầng kỹ thuật quân sự bị thiệt hại nặng nề. Ukraine tiếp tục trở thành một “con bệnh” của châu Âu.
Sau cuộc khủng hoảng này, 47 triệu người Ukraine, trực tiếp là các cử tri cần tỉnh táo trong lựa chọn người thay mình nắm quyền lực đất nước. Hãy sáng suốt lựa chọn những người có khả năng giữ cân bằng giữa Đông và Tây. Với chính sách bài Nga, chống Nga, coi Nga là kẻ thù, Poroshenko và Zelensky đã đem đến thảm họa cho đất nước, người dân phải chịu mọi đau thương, tang tóc.
Đối với Nga, cuộc chiến chưa kết thúc, khó mà nói về hậu quả đối với Nga. Có thể dự đoán Nga sẽ đạt được mục tiêu trung lập hóa Ukraine. Trước mắt, Nga phải gánh chịu 2 hậu quả: Kinh tế cực kỳ khó khăn và Nga sẽ bị cô lập nhiều hơn trên chính trường thế giới.
– Thế giới sẽ đi về đâu sau cuộc khủng hoảng Ukraine?
Đây là vấn đề cực lớn và chưa ai có thể khẳng định điều gì. Sơ bộ đưa ra dự báo: 1. Cuộc cạnh tranh giữa 3 cường quốc hàng đầu thế giới là Mỹ, Nga, Trung Quốc sẽ ngày càng gay gắt, quyết liệt hơn; 2. Quan hệ giữa Nga với Mỹ sẽ chuyển sang một giai đoạn mới dưới ngưỡng của Chiến tranh Lạnh, khả năng Nga hội nhập vào châu Âu ngày càng xa vời. Do đó, Nga sẽ củng cố quan hệ với các đối tác, bạn bè ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, ở Trung Đông, đặc biệt là Trung Á; 3. Cuộc khủng hoảng Ukraine năm 2022 sẽ không làm thay đổi địa bàn trọng điểm chiến lược của thế giới: Quan hệ giữa Mỹ với Trung Quốc vẫn là trục chính trị chính của thế giới, và Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương vẫn là chiến trường chính diễn ra cuộc hợp tác, đối đầu Mỹ – Trung Quốc.
* * * * *
Việt Nam có quan hệ tốt với Nga, với Ukraine, với Mỹ và với các nước EU. Đây là tài sản vô giá, là nguồn lực đặc biệt quan trọng tạo thêm thế và lực của đất nước vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện thế giới biến đổi khôn lường.
Người Nga và người Ukraine có cùng cội nguồn. Họ là những người trung thực, nhân hậu. Việt Nam rất quan tâm đến cuộc khủng hoảng Ukraine và mong muốn các bên liên quan kiềm chế, hợp tác nhanh chóng kết thúc chiến tranh với một giải pháp đáp ứng lợi ích chính đáng của các bên.
Hà Nội, 10/3/2022
1 – B. Yeltsin nhậm chức Tổng thống Liên bang Nga ngày 10/7/1991, trưa ngày 31/12/1999 ông tuyên bố từ chức và chuyển giao quyền lực cho V. Putin (trước khi hết nhiệm kỳ 2 gần 6 tháng).
2, 3 – Thông tin những vấn đề lý luận (phục vụ lãnh đạo) số 15/1995.
4 – A. I. Vlasov: “Bí mật của đế chế sụp đổ”, NXB Công an nhân dân, Hà Nội, 2003, tr. 241.
5 – Báo Sự thật Thanh niên (Nga) ngày 21/2/2002.
6 – Báo Le Figaro (Pháp) ngày 12/3/2002.
7, 8 – Sđd, tr. 187 và 241.
9 – Dana Rohrabcher: “Vì sao Hoa Kỳ khởi động lại Chiến tranh Lạnh với Nga”, The National Interst 11/2/2016.
10 – Công trình trên (chú thích 9).
11 – Từ cuối nhữn năm 90 thế kỷ XX đến năm 2020, Mỹ đã thực hiện 5 lần sóng mở rộng NATO về phía Đông giáp biên giới Nga, trong đó có có 4 lần diễn ra dưới thời Tổng thống V. Putin: Các nước Baltic, Slovakia, Slovenia, Rumani, Bungari năm 2004; Croatia và Albania năm 2009; Montenero năm 2017; Bắc Macedonia năm 2020 (Theo trang mạng của Trung tâm Carnefil Moskva đầu tháng 2/2022 – TLTKĐB, 15/2/2022).
12, 13 – Theo trang mạng Japantimes.co.jp ngày 16/2/2022. Năm 1989 – 1990, Gorbachev nắm quyền lực tối cao của một siêu cường (Liên Xô) mà tin lời hứa (miệng) của quan chức Mỹ, không thể nói khác, thật ấu trĩ về chính trị (nếu không muốn nói là ngu ngốc!). Mỹ rất cần phá bỏ bức tường Berlin và thống nhất nước Đức. Để đạt được mục tiêu chiến lược này, chính quyền Mỹ sẵn sàng ký cam kết không mở rộng NATO về phía Đông.
14 – Báo Der Spiegel (Đức) ngày 19/2/2022 đã tìm thấy một tài liệu “mật” năm 1991 tại Cơ quan Lưu trữ Quốc gia của Anh – biên bản cuộc họp đại diện Mỹ, Liên Xô, Đông Đức, Tây Đức, Anh, Pháp tại Bonn (Thủ đô Tây Đức) ngày 6/3/1991.
15 – Theo Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) ngày 20/12/2021.
16 – Tổng thống Dwight D. Eisenhower (1953 – 1961), Tổng thống Mỹ thứ 34.
17, 18 – Tài liệu thuộc trích dẫn 9.
19 – Mark MacKinnon: “Cách mạng Màu” – NXB Carroll and Graf Publishers, New York, 2014.
20, 21 – Tạp chí Der Spiegel (Đức), 14/2014.
22 – Theo “Liên hợp buổi sáng” (Hồng Kông) ngày 4/2/2022.
23 – Bốn quốc gia: Ukraine, Pháp, Đức và Nga họp ở Minsk (Belarus) đi đến Thỏa thuận Minsk I ngày 5/9/2014.
24 – Thực chất, cuộc chiến giữa quân Kiev và quân ly khai Donetsk và Luhansk cuối năm 2014 đến tháng 1/2015 là cuộc đọ sức về quân sự giữa Nga và NATO về vũ khí thông thường (không dùng bom nguyên tử).
25 – Năm 2014, quân đội Ukraine rệu rã, không còn sức chiến đấu. Từ năm 2014, 70% binh lính Ukraine hiện nay là mới nhập ngũ sau 2014, họ được giáo dục tư tưởng căm thù Nga (Ukraine mất Crimea), được nhiễm tư tưởng dân tộc cực đoan. Mỹ và NATO đã cung cấp nhiều vũ khí hiện đại và huấn luyện cho quân đội Ukraine. Một lớp sĩ quan chỉ huy quân đội Ukraine cũng đã được thay đổi, phần lớn là sĩ quan xuất thân từ 8 tỉnh miền Tây (thân Mỹ và EU).
26 – Tổng thống Nga Putin đưa ra 3 yêu cầu để kết thúc chiến tranh: 1. Ukraine phải phi quân sự; 2. Ukraine phải thừa nhận Crimea thuộc Nga, Donetsk và Luhansk là 2 quốc gia độc lập; 3. Ukraine trung lập – không gia nhập NATO. Trong đó, Ukraine trung lập là tiên quyết, không bàn cãi.
27 – Tạp chí Foreign Policy (Mỹ) số 7/2014.