Các bản, làng của Na Ngoi nằm rải rác dưới chân núi Puxailaileng, quanh năm mây mù bao phủ. Đây là một trong những xã có đông đảo người Mông sinh sống nhất ở Nghệ An, với 17/19 bản là người Mông.
Với độ cao hơn 2.700 mét, Puxailaileng là đỉnh núi cao nhất miền Trung. Chính vì thế, tuyến đường lên xã Na Ngoi rất hiểm trở, từng là nỗi ám ảnh của cánh tài xế. Giao thông cách trở cũng là nguyên nhân chính khiến đời sống người dân nơi đây cứ quanh quẩn với đói nghèo. Mặc dù xã Na Ngoi có diện tích đất canh tác khá lớn, với khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với nhiều loại cây có giá trị kinh tế cao.
Ông Xồng Bá Tỉa (61 tuổi), cho hay, hơn 10 năm về trước, hầu hết người dân Na Ngoi đều thuộc diện hộ nghèo. Người dân chăn nuôi, trồng trọt cũng chỉ để dùng trong nhà, vì không biết bán cho ai. Các loại cây trồng cũng rất đơn điệu, phần lớn là lúa, ngô, khoai, sắn. “Cuộc sống ngày xưa là tự cung, tự cấp. Đường sá đi lại khó khăn quá, thương lái chẳng ai vào đây để mua cả. Người dân trồng trọt, chăn nuôi chỉ mong đủ ăn quanh năm thôi chứ làm gì dám nghĩ đến chuyện làm giàu”, ông Tỉa kể. Ông Tỉa bây giờ là một trong những “đại gia” ở Na Ngoi. Ông sở hữu vườn đào đá với hơn 300 gốc, mỗi năm dịp Tết thu hàng trăm triệu đồng. Chưa kể lợi nhuận từ việc chăn nuôi, vườn gừng, vườn mận…
Cũng vì mãi lo cái ăn, cái mặc, mà ngày xưa con em đồng bào Mông ở Na Ngoi chẳng mấy ai được đi học đến nơi, đến chốn. Cứ như thế, vòng xoay đói nghèo cứ mãi bám chặt lấy chân họ, hết đời này đến đời khác. Tuy nhiên, những năm gần đây, Na Ngoi đã có những bước đột phá mạnh mẽ về kinh tế. Đời sống của người dân đã nâng lên một cách rõ rệt, với hàng loạt mô hình kinh tế hiệu quả, mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Theo đánh giá của lãnh đạo huyện Kỳ Sơn, chỉ mới hơn 10 năm trước, Na Ngoi nằm trong nhóm địa phương khó khăn nhất của huyện. Tuy nhiên, bây giờ xã này đã trở thành xã giàu, với đời sống kinh tế chỉ đứng sau thị trấn Mường Xén.
“Na Ngoi bây giờ giàu rồi. Không như ngày xưa nữa đâu”, ông Mùa Bá Giờ – Chủ tịch UBND xã Na Ngoi hồ hởi khoe khi được chúng tôi hỏi về đời sống kinh tế của đồng bào Mông nơi đây. Dọc các tuyến đường trung tâm xã, những dãy hàng quán san sát nhau, nhộn nhịp kẻ bán, người mua. Vài năm gần đây, những ngôi nhà gỗ khang trang, bề thế cũng đua nhau mọc lên sau mỗi vụ thu hoạch đào, nghệ…. “Nhìn bề ngoài thì không đánh giá được hết sự giàu nghèo của người Mông đâu. Vì người Mông có tính tiết kiệm, cũng không thích khoa trương sự giàu có. Sau mỗi mùa thu hoạch, có tiền họ thường mua bạc nén cất trong nhà hoặc là gửi ngân hàng lấy lãi”, ông Giờ nói thêm.
Theo Chủ tịch UBND xã Na Ngoi, để có được bước đột phá đó, có nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể đến sự quan tâm, hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền các cấp. “Một trong những nguyên nhân đó là đường sá đã được đầu tư, đi lại thuận tiện hơn”, ông Giờ nói. Ngoài ra, Na Ngoi cũng may mắn khi trở thành nơi đóng quân của Đoàn Kinh tế quốc phòng 4 và Tổng đội Thanh niên xung phong 10.
Ngay sau khi đặt chân lên địa bàn, cán bộ, chiến sỹ của những đơn vị này đã mang cây giống, hướng dẫn người dân trồng trọt, chăm bón. Không những thế, Đoàn Kinh tế quốc phòng 4 còn trực tiếp đứng ra làm khâu trung gian, thu mua nhiều loại nông sản của bà con trồng ra, giúp giải quyết đầu vào lẫn đầu ra cho người dân. Cùng với đó, để đưa Na Ngoi phát triển như hôm nay cũng có công không ít từ những con người đổi mới, những tư duy đổi mới với khát vọng làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương. Từ những nguyên nhân đó, tiềm năng sẵn có của Na Ngoi đã nhanh chóng được đánh thức.
Ở Na Ngoi, nhắc đến cái tên Xồng Bá Lẩu (35 tuổi), không ai không biết. Bởi nhiều người trong số họ mang ơn Lẩu. Chàng trai người Mông này nổi tiếng là nhân tố chính giúp không ít người dân thoát nghèo. Là người đi tiên phong trong việc trồng đào đá để bán cành, cùng với đó là những mô hình trồng nghệ, chăn nuôi… mang lại thu nhập cao. Năm 2012, Lẩu tốt nghiệp Trường Đại học Kinh tế (Đại học Huế), là người thứ 2 ở xã Na Ngoi này có bằng đại học chính quy. Tuy nhiên, cầm tấm bằng đại học trên tay, sau vài lần xin việc không được, Lẩu bắt đầu nản. Anh quyết định về quê với khát vọng làm giàu.
Nắm bắt được nhu cầu của thị trường, Lẩu nảy ra ý tưởng trồng đào đá để bán về xuôi trưng Tết. “Trước đây, người dân chỉ trồng đào để ăn quả thôi, chưa ai nghĩ đến việc bán về xuôi làm cảnh cả”, Lẩu kể. Nói là làm, Lẩu vay mượn tiền mua thêm rẫy của người khác rồi bắt đầu gieo trồng. Với những kiến thức đã học được trong những năm là sinh viên Khoa Kinh tế nông nghiệp, việc trồng trọt đối với Lẩu chẳng mấy khó khăn.
Không chỉ trồng đào, vợ chồng Lẩu còn trồng thêm gừng. Đây cũng là loại cây rất phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng của Na Ngoi. Gừng Na Ngoi củ nhỏ, thân tròn, nhiều nhánh, vỏ và ruột màu trắng ngà, lõi màu vàng nhạt, nhiều xơ, có mùi thơm đặc trưng, vị cay nồng đậm. Đây là loại gừng rất được ưa chuộng hiện nay. Tuy nhiên, trước đây người dân Na Ngoi chỉ trồng một ít trên rẫy để phục vụ nhu cầu của gia đình là chính. Gừng ngày đó không được coi là hàng hóa, có chăng chỉ là vật trao đổi giữa người dân với nhau. Xồng Bá Lẩu chính là người đầu tiên ở đây dám trồng đào đá lẫn gừng với diện tích lớn.
Đến năm 2016, những cành đào đá đầu tiên của Lẩu được bán về xuôi trong dịp Tết. Thấy được ưa chuộng, giá cả lại cao, Lẩu nhanh chóng tăng diện tích trồng đào. Đến nay, anh đã sở hữu hơn 1.000 gốc đào đá. Lẩu kể, ngày đó anh phải liên tục ngược xuôi để “chào hàng” giới thiệu khách mua đào. Nhưng bây giờ, đào đá Na Ngoi đã không cần phải giới thiệu, quảng bá thêm. Giới buôn đào trực tiếp đến tận rẫy của Lẩu để thua mua, với giá trung bình từ 700.000 đồng đến 1,5 triệu đồng mỗi cành. Tết năm ngoái, Lẩu chỉ chặt 180 cành nhưng đã mang về gần 200 triệu đồng. Chưa kể, rẫy gừng rộng 1,5 ha cũng thu hoạch được gần 12 tấn, giúp gia đình có thêm gần 250 triệu đồng.
Với bà con Na Ngoi, họ có nằm mơ cũng không dám nghĩ đến cảnh có thu nhập gần 500 triệu đồng mỗi năm như Lẩu. Thấy mô hình kinh tế của Lẩu mang lại hiệu quả rất cao, nhiều người dân cũng bắt đầu học tập làm theo. Từ đó, diện tích trồng đào, diện tích gừng ở Na Ngoi tăng lên rất nhanh. Những sườn núi dưới chân đỉnh Puxailaileng nhanh chóng được phủ kín bởi đào, gừng… Năm 2017, Lẩu được người dân tin tưởng bầu làm Trưởng bản Buộc Mú. Những ngày không lên rẫy, anh thường đến hướng dẫn bà con cách trồng trọt, chăm sóc. Không những thế, vì thường xuyên bị thương lái ép giá, Lẩu còn xuống tận TP. Vinh tìm hiểu thị trường, rồi làm quen với nhiều doanh nghiệp có nhu cầu. Nhằm tạo đầu ra ổn định cho bà con cũng như bản thân, Lẩu đứng ra làm đầu mối thu mua gừng ở Na Ngoi.
Không chỉ làm giàu từ việc trồng đào, trồng gừng, Xồng Bá Lẩu còn tập trung vào chăn nuôi. Chỉ tay vào đàn trâu hơn 10 con đang được nhốt trong chuồng che chắn kỹ càng để chống rét, Lẩu khoe rằng, chỉ riêng 4 con trâu đực, đã có giá tới gần 300 triệu đồng. Gần đây Xồng Bá Lẩu còn đầu tư vào trồng tam thất, sâm Puxailaileng, đây là những loại dược liệu có giá trị kinh tế cao, phù hợp với vùng núi cao này. Trong đó, vườn tam thất với 1.300 cây được Lẩu mua giống từ tận Yên Bái với giá hơn 100 triệu đồng. “Hiện nay, cây phát triển khá tốt và đã có củ rồi. Không lâu nữa là thu hoạch được”, Lẩu nói và cho biết, ngoài ra, anh còn trồng hơn 1 ha cây đương quy (một loại thảo dược) trên diện tích lúa rẫy cũng như hàng trăm gốc sâm Puxailaileng. Đây là những mô hình mới, mang nhiều khát vọng làm giàu dưới “nóc nhà miền Trung” của đồng bào Mông.
(Còn nữa)