P.V: Thưa Thiếu tướng, đề nghị ông làm rõ bản chất điểm nóng Ukraine?
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Cần nhắc lại một chút lịch sử, năm 882, tại Kiev hiện nay thành lập nhà nước Rus Kiev, sau đó phát triển sang phía Đông, qua thăng trầm lịch sử phát triển thành 3 nước Ukraine, Nga và Belarus. Nên hiện người Nga, người Belarus vẫn cho rằng, nguồn gốc của họ là tộc người Slav sinh sống tại Ukraine cách đây cả nghìn năm. 10 tỉnh phía Đông Ukraine nói tiếng Nga, kinh tế gắn với Nga; 7 tỉnh phía Tây kinh tế gắn liền với châu Âu và phương Tây; 8 tỉnh ở giữa trung dung, nhưng nghiêng về phương Tây hơn. Vì thế, từ xưa tới nay, những ai lãnh đạo Ukraine mà cân bằng được giữa mối quan hệ với Nga và phương Tây thì tồn tại, chính quyền nào ngả hẳn về một bên để chống bên còn lại đều thất bại. Từ phân bố cư dân, đến lịch sử, văn hóa, chủng tộc, tôn giáo, kinh tế, Ukraine chưa bao giờ là một quốc gia thống nhất mà gần như bị chia đôi Đông-Tây như vậy.
Trở lại điểm nóng Ukraine hiện nay, về bản chất đây là cuộc chạm trán giữa Mỹ với Nga. Từ năm 1991, sau khi Liên Xô tan rã, Nga muốn yên ổn, cố thủ bảo vệ lợi ích sống còn của mình, không đe dọa châu Âu, không đe dọa Mỹ. “Cây muốn lặng gió chẳng dừng”, Mỹ và NATO đã liên tục dồn ép Nga, thu hẹp không gian chiến lược của Nga và tạo nguy cơ hiện hữu đối với an ninh quốc gia của Nga, 5 lần mở rộng NATO về phương Đông sát biên giới Nga, thiết lập hệ thống phòng thủ tên lửa tại Cộng hoà Czech và Ba Lan, có kế hoạch kết nạp Ukraine và Gruzia vào NATO. Nên nhớ, Ukraine chỉ cách Moskva vỏn vẹn 400 dặm, nếu Ukraine trở thành thành viên của NATO, tên lửa siêu thanh của Mỹ đặt ở Ukraine thì Nga không cách nào chống trả. Vì thế, Tổng thống Nga Vladimir Putin trong mọi cuộc tiếp xúc với các đời Tổng thống Mỹ từ trước tới nay, cũng như với Thủ tướng Đức, Tổng thống Pháp, Thủ tướng Anh… đều yêu cầu dứt khoát không kết nạp Ukraine vào NATO.
Bản chất cuộc xung đột hiện nay có gốc rễ từ cuộc đối đầu do Mỹ khởi xướng nhằm chèn ép, làm suy yếu Nga đến tận cùng. Ngày 27/5/1997, tại Paris (Pháp), Nga và NATO đã thỏa thuận về việc xây dựng đạo luật sáng lập quan hệ tương trợ, hợp tác và an ninh giữa 2 bên. Đây là hiệp ước đảm bảo an ninh cho cả Nga và châu Âu, đưa quan hệ Nga-châu Âu trở thành bạn bè, láng giềng. Nhưng sau khi ký xong, NATO đã trở mặt, tiến hành các cuộc chiến xâm lược, vi phạm thỏa thuận, đơn cử như việc NATO xâm lược Nam Tư năm 1999. Đó là đòn nặng nề đánh vào quan hệ Nga-NATO, tạo bước ngoặt xấu trong mối quan hệ này.
Ngày 22/5/2002, tại Rome (Italy), lãnh đạo Nga và các quốc gia NATO tuyên bố mở ra chương mới trong quan hệ song phương nhằm tăng cường hợp tác đối phó với các thách thức chung, thành lập Hội đồng Nga-NATO. Đây là bước ngoặt thứ hai, Nga cố gắng lái mối quan hệ này trở nên thân thiện hơn. Nhưng ngay sau đó, NATO lại tiếp tục phá bĩnh, xóa bỏ những thỏa thuận đã ký. Cùng năm, Mỹ rút khỏi hiệp ước chống tên lửa đạn đạo. Năm 2003, Mỹ xâm lược Iraq, năm 2010 xâm lược Libya, năm 2018 Mỹ rút khỏi Hiệp ước Tên lửa tầm trung, năm 2019 rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở. Như vậy, Mỹ và NATO tiếp tục làm cho Nga suy yếu, buộc Nga phải nhân nhượng Mỹ trong nhiều vấn đề quốc tế như Triều Tiên, Iran, Syria, Cuba, châu Phi… Đó là nguyên nhân sâu xa của sức nóng Ukraine hiện nay.
P.V: Mỗi một sự kiện hệ trọng thường có những nhân tố kích hoạt. Ông có thể cho biết, ai là kẻ kích động cuộc xung đột Ukraine tại Donbass hiện nay?
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Có 3 thế lực nhóm mồi lửa Ukraine. Thứ nhất là các tập đoàn tài chính, tổ hợp quân sự công nghiệp của Mỹ. Họ cần tạo nên một cuộc xung đột, hay chí ít là căng thẳng để bán vũ khí. Khách quan mà nói, việc này nhiều khi cũng nằm ngoài tầm tay Tổng thống Joe Biden. Thứ hai là thế lực cực hữu chống Nga ở châu Âu từ năm ngoái đến nay có cảm giác rằng chính quyền Biden tập trung vào châu Á- Thái Bình Dương, đối phó với Trung Quốc, có vẻ xao nhãng châu Âu nên họ muốn “khuấy lên” để kéo Mỹ trở lại. Thứ ba, thế lực trực tiếp, hay kẻ châm mồi lửa ở đây là Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ông Zelensky lên nắm quyền sau cuộc bầu cử ngày 31/3/2019, trong bối cảnh Ukraine gặp rất nhiều khó khăn, và những lời hứa của nhà lãnh đạo này đến nay vẫn chưa thực hiện được. Kinh tế Ukraine hiện đang đứng trước khó khăn rất lớn, nhiều nguy cơ, người dân bất bình. Để lôi kéo Mỹ và châu Âu vào hỗ trợ mình, tháng 3/2021, ông Zelensky đã tổ chức pháo kích dồn dập vào Donbass, gây ra hàng trăm vụ vi phạm lệnh ngừng bắn theo Thỏa thuận Minsk II. Như vậy, Mỹ và phương Tây “đổ của” về đây, trong mấy tháng vừa rồi, thông qua vụ gây rối ở Donbass để tạo căng thẳng, Mỹ và châu Âu đã “rót” cho ông ta hơn 3 tỷ USD.
P.V: Đề nghị Thiếu tướng lý giải vấn đề được dư luận quan tâm nhất hiện nay, đó là tại sao Tổng thống Nga Vladimir Putin lại quyết định công nhận nền độc lập của 2 nước cộng hòa tự xưng Donetsk (DPR) và Luhansk (LPR)?
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Ngày 7/2/2022, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thăm Nga, hội đàm với Tổng thống Putin, nói rằng, chỉ có cách duy nhất là thực hiện Thỏa thuận Minsk II ra đời ngày 12/2/2015 từ cuộc họp của Bộ Tứ Normandy (gồm Nga, Đức, Pháp và Ukraine) tại Belarus. Ngày 15/2/2022, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng sang thăm Nga, nêu quan điểm tương tự. Nhưng sau khi 2 “trụ cột” của châu Âu hứa hẹn trở lại Thỏa thuận Minsk II, thì chính quyền Ukraine lại không tuân thủ cả 3 nội dung chính của văn kiện này, tiếp tục pháo kích Donbass. Tổng thống Putin có quan điểm rằng, muốn giải quyết xung đột ở Ukraine thì con đường duy nhất, hợp lý, hòa bình nhất là thực hiện Thỏa thuận Minsk II, nên trước việc ngay cả những người có trách nhiệm nhất như Tổng thống Pháp, Thủ tướng Đức đã cam kết thực hiện Minsk II, nhưng cũng không ngăn cản được ông Zelensky phá vỡ nó, thì nhà lãnh đạo Nga thấy rằng, chẳng còn cách nào khác. Vì thế, ông lựa chọn công nhận Donetsk và Luhansk là 2 quốc gia độc lập. Quyết định này gây bất ngờ, chấn động cả thế giới.
P.V: Vậy các nước bao gồm Mỹ, phương Tây hay Trung Quốc đã có những phản ứng ra sao, thưa Thiếu tướng?
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Ngày 22/2, Thủ tướng Đức đã quyết định dừng hoạt động của “Dòng chảy Phương Bắc 2”, cả châu Âu ra lệnh trừng phạt đối với cá nhân, tổ chức, nhất là nhà băng của Nga. Ngày 24/2, Mỹ cũng sẽ công bố một loạt biện pháp đối với tổ chức, cá nhân, làm suy yếu nền kinh tế Nga. Chắc chắn phương Tây sẽ ra nhiều biện pháp trừng phạt nặng nề.
Với Trung Quốc, ngày 4/2 vừa rồi, khi Tổng thống Putin tới Bắc Kinh dự Thế vận hội mùa Đông, 2 bên Nga-Trung đã ký kết hiệp định đối tác chiến lược toàn diện không giới hạn, tức có thể trở thành liên minh bất cứ lúc nào. Trung Quốc và Nga chưa bao giờ ủng hộ nhau như hiện nay, thậm chí lần đầu tiên Trung Quốc đề nghị NATO không mở rộng về phía Đông. Nhưng ngược lại, Trung Quốc cũng có quan hệ hết sức thân thiện với Ukraine. Vì thế, có thể nói xung đột Ukraine đặt Trung Quốc vào thế khó xử. Ngày 18/2, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã phát biểu khi dự Hội nghị An ninh Munich, rằng “các quốc gia nào cũng có quyền yêu cầu đối với bảo vệ an ninh quốc gia của mình và những yêu cầu của Nga cũng cần được xem xét một cách nghiêm túc”. Tức là thực chất Trung Quốc ủng hộ yêu cầu bảo vệ an ninh của Nga. Tôi cho phát biểu đó là đúng mức và hợp lý, đáp ứng được yêu cầu của Nga và đảm bảo được mối quan hệ của Trung Quốc với Ukraine.
P.V: Cuối cùng, ông có dự báo thế nào về tình hình sắp tới?
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Như đã đề cập, việc công nhận nền độc lập của 2 nước cộng hoà tự xưng Donetsk và Luhansk là bước ngoặt trong quan hệ Nga-phương Tây, từ nay về sau không còn chỗ lùi. Căng thẳng tới đâu, có chiến tranh hạt nhân không thì tôi cho là ít ra 5-7 năm nữa sẽ không có chiến tranh hạt nhân do điểm nóng Ukraine. Vì bản thân ông Putin lẫn chính quyền Biden và cả Đức, Pháp… đều không muốn điều đó xảy ra. Không có chiến tranh nóng, nhưng có nguy cơ Chiến tranh Lạnh phiên bản 2.0 giữa Nga với phương Tây. Nhưng tôi cũng đánh giá nguy cơ này khó thành hiện thực, bởi cả Mỹ và châu Âu còn cần Nga và ngược lại. Còn với kịch bản chiến tranh vũ khí thông thường giữa Nga với Ukraine, thật ra Tổng thống Ukraine qua “canh bạc” này cũng đã kiếm được rất nhiều vũ khí của Mỹ và châu Âu, nhưng do họ chưa vào NATO nên Mỹ và NATO sẽ không kéo quân vào. Vì thế, trong tương quan lực lượng, Nga vẫn mạnh áp đảo, nên trước mắt ít có khả năng xảy ra chiến tranh.
Vậy còn lại là khả năng xung đột lẻ tẻ giữa chính quyền Kiev với 2 nhà nước độc lập ở mức độ cầm cự, gây sự chứ không xảy ra chiến tranh, bởi nếu phát động chiến tranh Nga chắc chắn sẽ dùng toàn bộ lực lượng có thể của mình để phản công chính quyền Kiev. Khả năng xấu nhất là Mỹ và NATO sẽ mở cửa đón nhận Ukraine gia nhập NATO, họ sẵn sàng vượt qua những quy định chặt chẽ của Hiến chương NATO và làm cho quan hệ với Nga thêm căng thẳng. Tôi cho rằng, không loại trừ nhưng ít khả năng xảy ra chiến tranh với vũ khí thông thường, vì thế, bố trí chiến lược của Nga thuận lợi hơn châu Âu, Ukraine, vũ khí thông thường của Nga hoàn toàn không thua kém, thậm chí một số loại vượt trội hơn so với NATO và dĩ nhiên 400 triệu người châu Âu cũng cần cuộc sống yên ổn. Dù vậy, tình hình Ukraine vẫn sẽ tiếp tục căng thẳng.
P.V: Trân trọng cảm ơn Thiếu tướng!
Nguyễn Tăng Bảo
Cảm ơn Gs Ts Lê Văn Cương đã cho người dân thêm hiểu biết căn nguyên về căng thẳng địa chính trị. Bài viết thực sự bổ ích cho người dân, để có quan điểm nhìn nhận đúng chống lại luận điệu xuyên tạc của thế lực phản động lưu vong.
Vương Hương
Mong hòa bình,an toàn cho nước Nga và khu vực;đồng thời tái sinh lại nước Liên Xô trước đây!
Tôi yêu Liên Xô!
Quỳnh Hương
Tôi mong hòa bình,an toàn cho nước Nga và khu vực;đồng thời tái sinh lại nước Liên Xô trước đây!
Tôi yêu Liên Xô!
Thanh An
Cảm ơn người viết bài đã cho mình hiểu phần nào về bản chất của cuộc chiến.