Lên Pà Khốm (xã Tri Lễ, huyện Quế Phong) vào cữ Xuân, chúng tôi thật sự ấn tượng trước bức tranh thiên nhiên nên thơ với những áng mây trắng xóa chờn vờn quanh núi, những mái nhà lợp gỗ Pơmu nâu ẩn hiện trong sương mù xen lẫn màu xanh mướt mát của những rừng măng đắng, màu phớt hồng của những vườn đào bung nở rung rinh trong gió.
Đón chúng tôi ở cuối con đường vào bản, Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Pà Khốm Vừ Bá Rê chỉ tay vào rừng măng đắng cười nói: “Pà Khốm” theo tiếng Mông có nghĩa là “măng đắng” đấy. Ấy thế nhưng khi chưa có Nghị quyết của chi bộ, ý thức, trách nhiệm quản lý bảo vệ rừng, bảo vệ cây măng đắng, bảo vệ môi trường của bà con nhân dân còn hạn chế lắm, nên diện tích cây măng đắng ngày càng bị thu hẹp do bị chặt phá để đốt nương làm rẫy.
Từ ngày Chi bộ bản ra Nghị quyết chuyên đề riêng về quản lý rừng, bảo vệ và phát triển cây măng đắng, bảo vệ môi trường; số cây măng đắng ngày càng được phủ kín xung quanh khu vực bản. Các thương lái tìm đến mua ngày càng nhiều, giá thành lại cao. Từ đó, bà con nhân dân đã ý thức hơn trong việc bảo vệ rừng, phát triển cây măng đắng, để nâng hiệu quả kinh tế và góp phần bảo vệ môi trường, không khí trong lành. Nhờ vậy diện tích măng đắng của bản Pà Khốm từ 5,3ha vào năm 2018 đến nay đã phát triển lên 11,7ha năm 2021, tiêu biểu trong phát triển măng đắng có các hộ Thò Nhia Thông, Già Y Chò, Và Chia Nênh… có từ 1 – 1,5ha, mỗi năm thu hoạch từ 9 – 12 tấn măng; giá bình quân từ 8.000 đồng – 12.000 đồng/kg.
Pà Khốm gồm 94 hộ đồng bào Mông, với 528 nhân khẩu, Chi bộ có 12 đảng viên trong đó có 2 đảng viên là cán bộ, công chức xã về tham gia sinh hoạt. Theo Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Vừ Bá Rê: những năm gần đây, trong các buổi sinh hoạt, Chi bộ đã bàn bạc và thống nhất các giải pháp lãnh đạo nhân dân trong bản phát triển kinh tế trên cơ sở khai thác tiềm năng, lợi thế ở địa phương. Đó cũng là cách để chi bộ bản Mông này cụ thể hóa việc thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Ngoài phát triển măng đắng, Chi bộ còn ra Nghị quyết bảo vệ và phát triển cây đào. Hiện tại, toàn bản có khoảng hơn 3000 gốc đào, hầu như nhà nào cũng trồng đào, trong đó nhà nhiều có khoảng 50 – 60 gốc như Và Giống Dê, Vừ Bá Đà… Tết đến, khách hàng tìm đến tận bản để mua, ưng cành nào thì chặt cành đó, bình quân mỗi nhà cũng có khoảng 10 – 20 triệu đồng để tiêu tết. Nhờ đó, khi dịch chưa bùng phát, người dân tổ chức được nhiều hoạt động vui Tết, đón Xuân như ném còn, chọi trâu vui lắm.
Cũng theo Trưởng bản Vừ Bá Rê, đào của người Mông được trồng quanh nhà, trồng trên nương rẫy và có nhiều tên gọi như đào đá, đào Mông, đào mốc. “Cây đào đã là cây sinh kế, thường để bán cành trong dịp Tết và thu hái quả vào dịp tháng 4, 5. Năm vừa rồi, chi bộ đã chỉ đạo nhân dân trồng mới được 200 cây đào dọc theo tuyến đường lên bản”. Nói rồi, vợ chồng Vừ Bá Rê dẫn chúng tôi đi thăm các vườn đào quanh bản, trong đó có những gốc đã vài chục năm tuổi, thân rêu mốc, cành có cả lộc, nụ, hoa và quả non rung rinh trong gió sẵn sàng bung nở chờ Tết.
Từ vườn đào đi xuống, gặp Bí thư Chi bộ Xồng Gia Pó – Đầu tàu gương mẫu ở bản – vừa đi họp ở xã về, ông cho hay: Để Nghị quyết đi vào cuộc sống có hiệu quả, Chi bộ gắn trách nhiệm cho từng đồng chí cán bộ, đảng viên làm tốt công tác tuyên truyền, vận động từng hộ gia đình. Ban quản lý xây dựng kế hoạch tổ chức họp triển khai cho từng hộ gia đình đăng ký. Hàng tháng sinh hoạt chi bộ, Ban quản lý báo cáo kết quả triển khai thực hiện công tác quản lý rừng, bảo vệ môi trường gắn với phát triển và nhân rộng cây măng đắng và bảo tồn, phát triển đào trên địa bàn Pà Khốm. Trong đó đảng viên phải gương mẫu thực hiện trước, trở thành “hạt nhân” trong các phong trào thực hiện nhiệm vụ chính trị ở bản. Từ việc phát triển, nhân rộng cây măng đắng, cây đào cho đến phát triển chăn nuôi.
Hiện tại, trong bản vẫn còn nhiều hộ nghèo nên Chi bộ bản Pà Khốm tiếp tục chỉ đạo ban quản lý bản, các đoàn thể trong bản làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực sản xuất, chăn nuôi duy trì những mô hình kinh tế hiệu quả, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững. Ngoài đào và măng đắng, người dân Pà Khốm còn trồng lúa rẫy, khoai sọ, sắn và phát triển chăn nuôi. Toàn bản có 98 con trâu, 229 con bò, vài trăm con gà, ngan… Trong đó có những người đã trở thành “triệu phú vùng cao” nhờ nuôi trâu bò như Lỳ Nỏ Pó, Thò Nỏ Pó với mô hình nuôi tập trung từ 40-50 con. Nhiều đảng viên trong chi bộ cũng gương mẫu trong phát triển chăn nuôi trâu bò như Bí thư chi bộ Xồng Gia Pó có 14 con, Trưởng bản Vừ Bá Rê có 10 con…
Có thể nhận thấy, nhờ những nghị quyết sát thực tiễn và sự đồng lòng của người dân, dẫu còn đó những khó khăn, nhưng bức tranh cuộc sống của đồng bào Mông ở Pà Khốm đã mang những nét ấm áp hơn, tươi vui hơn. Mừng nhất là sự học của con em trong bản được chăm lo, không còn học sinh bỏ học giữa chừng nữa. “Năm 2021, Chi bộ Pà Khốm là đơn vị duy nhất trong 16 chi bộ thôn bản ở xã biên giới Tri Lễ được Huyện ủy Quế Phong tặng Giấy khen có thành tích trong 5 năm thực hiện Chỉ thị 5 của Bộ Chính trị đấy, vinh dự lắm!” – Phó Bí thư Đảng ủy xã Tri Lễ (cán bộ biên phòng tăng cường) Nguyễn Bá Kiệm chia sẻ.
Rời Pà Khốm vào trưa muộn, đi qua những ngôi nhà với tường rào bằng gỗ nâu bình dị, mộc mạc bao quanh những vườn đào ngập tràn sắc Xuân, chúng tôi lại nhớ đến lời chia sẻ chân thành của Trưởng bản Vừ Bá Rê và Bí thư Chi bộ Xồng Gia Pó “Học tập Bác là làm sao để dân bản “ưng cái bụng”, chung tay xóa đói giảm nghèo, từng bước xây dựng cuộc sống mới, ấm no hơn…”.