XỬ LÝ TỒN TẠI, HẠN CHẾ TRONG LĨNH VỰC KHOÁNG SẢN: Nhìn thẳng để chấn chỉnh!

Ngày 24/9/2021, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh có Báo cáo “Công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản và tình hình hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh từ đầu năm 2020 đến nay” lên Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Bản báo cáo đã khái quát kết quả hoạt động khoáng sản như sau: “Năm 2020, tổng thu ngân sách về lĩnh vực khoáng sản là 887,7 tỷ đồng; từ đầu năm 2021 đến ngày 31/7/2021, tổng thu 659 tỷ đồng. Giải quyết việc làm cho khoảng 10.000 lao động; các đơn vị có nhiều đóng góp vào chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới, an sinh xã hội tại các địa phương…”. Những đóng góp của lĩnh vực khoáng sản trong gần 2 năm qua là không nhỏ. Nhưng Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh cũng khẳng định còn không ít tồn tại, hạn chế trong công tác quy hoạch; kiểm soát sản lượng thực tế khai thác, chống thất thu thuế; thanh, kiểm tra; và tình trạng khai thác khoáng sản trái phép thì đang có xu hướng gia tăng.

Cụ thể, quy hoạch khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường đã được xây dựng và triển khai thực hiện từ năm 2015 (theo Quyết định số 51/2015/QĐ-UBND ngày 31/8/2015 của UBND tỉnh) nên có nhiều bất cập; chưa đánh giá đầy đủ nhu cầu thực tế, nhiều điểm hiện nay thuộc khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản; xây dựng quy hoạch tỉnh còn chậm nên quá trình thực hiện nhiều lần phải điều chỉnh, bổ sung. Đối với chủng loại khoáng sản quặng thiếc, đá các loại trên địa bàn huyện Quỳ Hợp chủ yếu được cấp phép từ trước năm 2010, cấp khi chưa xây dựng quy hoạch và được cấp lại theo hướng dẫn, chỉ đạo của Bộ TN&MT dẫn đến việc cấp phép, khai thác khoáng sản nhiều điểm mỏ trên một địa bàn gây áp lực lên hạ tầng giao thông, ô nhiễm môi trường…

Về tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh đánh giá: “Có xu hướng diễn ra phức tạp tại nhiều địa phương, nhiều loại khoáng sản như đất san lấp, cát, sỏi, đá trắng… gây bức xúc trong nhân dân, thất thu cho ngân sách Nhà nước, ô nhiễm môi trường, hạ tầng giao thông bị xuống cấp”.

Đối với việc kiểm soát sản lượng thực tế khai thác, chống thất thu thuế, theo quy định các doanh nghiệp lắp đặt trạm cân tại vị trí đưa khoáng sản nguyên khai ra khỏi khu vực khai thác và lắp đặt camera giám sát tại các kho chứa để lưu trữ thông tin, số liệu liên quan nhưng đến nay vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa thực hiện; một số doanh nghiệp đã lắp đặt nhưng thiết bị không hoạt động và không lưu trữ thông tin, số liệu liên quan. Dư luận thời gian gần đây đặt nghi vấn việc một số đơn vị khai thác có sản lượng khai thác lớn hơn sản lượng kê khai nộp thuế nhưng các cơ quan có thẩm quyền chưa có biện pháp hữu hiệu để xử lý; một số đơn vị làm mất mốc, khai thác ngoài phạm vi cấp phép, vượt công suất được phép khai thác, ảnh hưởng hạ tầng giao thông…

Về công tác thanh, kiểm tra, trong thời gian qua chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục; việc xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến vi phạm thiết kế khai thác, sản lượng khai thác hàng năm, ô nhiễm môi trường, an toàn lao động… chưa nghiêm.

Nguyên nhân dẫn đến những tồn tại, hạn chế cũng được Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh làm rõ ra tại báo cáo. Trong đó, nguyên nhân của tình trạng khai thác khoáng sản trái phép được mổ xẻ chi tiết như sau: Nhu cầu nguyên liệu đất san lấp, cát, sỏi gia tăng đột biến làm cho sản lượng khai thác từ các mỏ được cấp không đáp ứng đủ. Khai thác khoáng sản trái phép đem lại lợi nhuận lớn cho đối tượng khai thác. Một số cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương chưa thật sự quan tâm đúng mức tới công tác bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác, còn có hiện tượng né tránh trong việc xử lý hoạt động khai thác khoáng sản trái phép. Do tình hình dịch Covid-19, một số địa bàn phải giãn cách xã hội nên các đối tượng lợi dụng để thực hiện khai thác khoáng sản trái phép. Việc kiểm soát nguồn gốc khoáng sản chưa được quan tâm đúng mức, các đơn vị không có giấy phép khai thác khoáng sản vẫn kê khai nộp thuế tài nguyên, tạo ra việc hợp thức hóa khoáng sản khai thác trái phép. Một số chủ đầu tư hợp đồng với nhà thầu mua khoáng sản không rõ nguồn gốc xuất xứ để thực hiện dự án, đặc biệt là đất san lấp, cát, sỏi. Một số điểm mỏ thiếc, đá các loại có giá trị trên địa bàn huyện Quỳ Hợp đã đóng cửa mỏ, người dân lén lút vào mót, vét phục vụ cuộc sống mưu sinh hàng ngày. Ngoài ra, còn có vụ việc khai thác đá vôi trắng có tổ chức, có quy mô lớn tại khu vực mỏ đã đóng cửa mỏ tại xã Châu Lộc (Quỳ Hợp) nhưng chưa được chính quyền địa phương xử lý dứt điểm, mức xử lý chưa tương xứng với hành vi vi phạm…

Để thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh đề ra 6 nhiệm vụ, giải pháp. Đó là: Rà soát tổng thể các khu vực khoáng sản đủ điều kiện trên địa bàn toàn tỉnh để tích hợp vào quy hoạch. Trong đó, tập trung vào các loại khoáng sản như đất san lấp, cát, sỏi, đá xây dựng để phục vụ nhu cầu phát triển hạ tầng trên địa bàn tỉnh; hạn chế bổ sung quy hoạch, cấp phép các loại khoáng sản quặng thiếc, đá trắng các loại và khoáng sản quý khác.

Tiếp tục chỉ đạo các ngành, chính quyền các cấp triển khai thực hiện có hiệu quả các văn bản, chỉ thị của UBND tỉnh về việc tăng cường công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên, khoáng sản (Chỉ thị số 04/CT-UBND ngày 27/3/2017, Quyết định số 47/2017/QĐ-UBND ngày 1/6/2017, Quyết định số 4182/QĐ-UBND ngày 12/9/2017); đồng thời tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy định này theo quy định của pháp luật và điều kiện thực tế của địa phương nhằm thực hiện có hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản; đặc biệt các nội dung: Quản lý khoáng sản chưa cấp phép, công tác chống thất thu thuế.

Yêu cầu các doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản thực hiện triệt để việc lập sổ sách, chứng từ, lắp đặt trạm cân tại vị trí đưa khoáng sản nguyên khai ra khỏi khu vực khai thác; lắp đặt camera giám sát tại các kho chứa để lưu trữ thông tin, số liệu liên quan theo quy định; chấp hành nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường và kiểm soát tải trọng trước khi vận tải ra khỏi mỏ.

Thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra, xử lý toàn diện việc chấp hành pháp luật trong hoạt động khai thác, kinh doanh khoáng sản, đặc biệt là sản lượng khai thác và kiểm tra công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản của chính quyền địa phương. Xây dựng đề án giám sát các mỏ khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh để truyền số liệu từ các trạm cân, camera giám sát của các đơn vị khai thác khoáng sản về cơ quan quản lý Nhà nước để theo dõi, giám sát. Rà soát, có phương án chống thất thu thuế; thực hiện công tác kiểm soát chặt chẽ hóa đơn, chứng từ, nguồn gốc xuất xứ để ngăn chặn tình trạng hợp thức hóa khoáng sản trái phép.

Đồng thời, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh kiến nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy: “Đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp tục tăng cường chỉ đạo các Huyện ủy, Thành ủy, Thị ủy tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác quản lý hoạt động khai thác khoáng sản; đặc biệt là việc bảo vệ tài nguyên, khoáng sản chưa khai thác. Địa phương nào để xảy ra hoạt động khai thác trái phép thì người đứng đầu địa phương đó chịu hoàn toàn trách nhiệm trước Tỉnh ủy, UBND tỉnh và trước pháp luật”.

Xem xét Báo cáo “Công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản và tình hình hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh từ đầu năm 2020 đến nay” của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, tại phiên họp ngày 27/9/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thảo luận và kết luận: “Giao Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh: Tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong quản lý hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Kiểm tra, thanh tra toàn diện việc thực hiện các quy định của pháp luật về khoáng sản đối với các mỏ được cấp phép trên địa bàn, ưu tiên kiểm tra, thanh tra các mỏ có diện tích, trữ lượng lớn; đồng thời xử lý nghiêm các vi phạm (nếu có). Chỉ đạo Công an tỉnh đẩy nhanh tiến độ điều tra vụ án “Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên” xảy ra tại xã Châu Lộc, huyện Quỳ Hợp, xác định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có sai phạm đảm bảo chính xác, khách  quan, đúng quy định của pháp luật”.