P.V: Thưa ông, từ năm 2003 – 2016, ông đã giữ chức vụ Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khuyến học Nghệ An và đây cũng là giai đoạn công tác khuyến học tỉnh nhà có những chuyển biến vượt bậc. Nhớ lại những ngày mới làm công tác khuyến học còn nhiều gian khó, ông nhớ nhất, tâm đắc nhất về điều gì?
Ông Cao Đình Hòe: Với tôi, những ngày đầu làm khuyến học tuy nhiều khó khăn, vất vả, nhưng cũng đầy ắp những kỷ niệm khó quên. Có nhiều điều tâm đắc, trong đó nhớ nhất đó là “thần tốc” xây dựng dự thảo Quy chế tổ chức, hoạt động và quản lý hội”. Qua 5 lần hội thảo, Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội Khuyến học Nghệ An khóa I (Quyết định số 2765/QĐ-UB.TC) đã được thông qua ngay sau Đại hội Hội Khuyến học tỉnh lần thứ nhất. Có thể nói, đây là bộ khung pháp lý, hành lang pháp lý quan trọng bậc nhất cho tổ chức hội hoạt động. Nội dung cốt lõi nhất là tỉnh khẳng định Hội Khuyến học Nghệ An có hệ thống tổ chức từ tỉnh, huyện, thành, thị đến cơ sở xã, phường, thị trấn. Đây là tiền đề để Hội Khuyến học cấp huyện, cấp cơ sở mau chóng được thành lập và đến năm 2004, chỉ sau 1 năm đại hội đã đạt 100% tổ chức hội ở 2 cấp huyện và cơ sở. Đến nay, Quy chế của Hội Khuyến học tỉnh nhà vẫn thuộc “hàng quý hiếm”, nằm trong tốp đầu của tổ chức khuyến học cả nước.
Từ năm 2005, Nghệ An cũng là một trong ít tỉnh có nội dung khuyến học được chính thức đưa vào trong văn kiện Đại hội Đảng của Đảng bộ tỉnh và điều này càng khẳng định vai trò cũng như ý nghĩa của hoạt động khuyến học và thể hiện sự quan tâm của tỉnh đối với công tác này.
P.V: Nghệ An là vùng đất học với nhiều thành tích nổi bật. Vậy, so với các tỉnh, thành khác, công tác khuyến học ở Nghệ An có điểm gì khác biệt trong quá trình triển khai và điều gì giúp công tác khuyến học ở Nghệ An thành công?
Ông Cao Đình Hòe: Điều khác biệt đáng trân trọng và thật cảm động, đó là ngay từ khi mới thành lập, Hội Khuyến học tỉnh Nghệ An đã được các cơ quan thông tấn, báo chí (báo viết, báo nói, báo hình, báo điện tử…) quan tâm giúp đỡ đặc biệt về công tác tuyên truyền về hội và nhiều hoạt động vẫn được duy trì bền bỉ cho mãi đến ngày nay. Tôi nhớ ngày ấy, dường như tháng nào trên báo Nghệ An cũng duy trì 1 trang viết về khuyến học với nhiều bài viết rất chân thực, kịp thời phản ánh công tác khuyến học và phong trào học tập ở cơ sở.
Điều khác biệt thứ hai, đó là các cấp hội khuyến học ở Nghệ An đã đồng thuận chọn “Công nghệ thông tin” làm khâu “đột phá” trong hoạt động khuyến học. Những năm 2005-2010, Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam đã lấy Nghệ An làm thí điểm để tổ chức các cuộc tập huấn về công tác thông tin tuyên truyền và công nghệ thông tin tại Nghệ An. Do sớm ứng dụng CNTT tạo thành nề nếp, nên vừa qua trong dịp dịch Covid-19, các hoạt động ở nhiều tỉnh, thành phố gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại, nhưng tại các cấp hội khuyến học ở Nghệ An vẫn được duy trì, bình ổn, không bị ngưng trệ, hay gián đoạn.
Điều khác biệt thứ ba, đó là các cấp hội khuyến học ở Nghệ An đã duy trì có hiệu quả thiết thực 2 phong trào, 2 chủ đề thi đua của hoạt động khuyến học “Tết Khuyến học Nghệ An, “Tháng Khuyến học Nghệ An”. Hai chủ đề này được khởi xướng sớm, từ năm 2003 và duy trì cho đến ngày nay. Có thể coi “Tết Khuyến học” là thời điểm khởi trống, ra quân khuyến học vào dịp Tết Nguyên đán, dịp này các hoạt động khuyến học nở hoa, mà trong đó tập trung phát động khuyến học ngay từ trong gia đình, dòng họ. “Tháng Khuyến học” diễn ra dịp tháng 8, tháng 9 hàng năm, tập trung cho ngày khai giảng năm học mới, ngày hội đến trường của học sinh, sinh viên, là dịp các cấp hội rung chuông, tổng kết hoạt động khuyến học hàng năm, hướng tới kỷ niệm ngày truyền thống của hội – “Ngày Khuyến học Việt Nam 2/10”. Từ thành công của Nghệ An, Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã nhân rộng phong trào “Tết Khuyến học”, “Tháng Khuyến học” thành phong trào thi đua của cả nước.
P.V: Hội Khuyến học Việt Nam được giao nhiệm vụ làm nòng cốt trong việc thúc đẩy xây dựng xã hội học tập. Đó là một xã hội mà trong đó ai cũng phải tự học, học suốt đời, học một cách tự giác và xã hội phải tạo điều kiện và cơ hội để mọi người thực hiện được ước mơ của mình, được học thường xuyên, học suốt đời. Vậy chúng ta nên hiểu việc tự học và học suốt đời là như thế nào?
Ông Cao Đình Hòe: Tự học và học tập suốt đời là luận điểm quan trọng trong tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục. Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, tự học có vai trò đặc biệt quan trọng, là một trong những nhân tố quyết định tạo nên trí tuệ. Bằng tấm gương tự học và học tập suốt đời, Bác Hồ đã để lại nhiều bài học và những kinh nghiệm quý báu cho các thế hệ noi theo.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, còn sống còn phải học. Đây là biện pháp tốt nhất để nâng cao trình độ hiểu biết, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ cách mạng.
Theo Bác Hồ, ai cũng phải học, không kể người sang hay hèn; giàu hay nghèo; không phân biệt tuổi tác, nghề nghiệp, giới tính, tôn giáo, dân tộc… Người nhắc chúng ta cần phải tự học trong mọi hoàn cảnh, mọi lúc, mọi nơi. Ngoài ra, mỗi người cần tranh thủ sự giúp đỡ, hướng dẫn, chỉ bảo của bạn bè, đồng nghiệp và thực hiện phương châm học ở mọi lúc, mọi nơi, học trong khi giao thiệp, trong công việc hằng ngày, trong việc lớn cũng như việc nhỏ, trong kinh nghiệm thành công cũng như thất bại và học trong công tác vận động quần chúng.
Nhận thức và làm theo tấm gương tự học, học tập suốt đời của Hồ Chí Minh là một trong những việc làm hữu ích trong việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cũng như cuộc vận động “Xây dựng các mô hình học tập của Hội Khuyến học Việt Nam”.
Hiện nay, việc xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời là một khái niệm không còn mới mẻ, tuy nhiên, nội hàm của công cuộc này chứa đựng nhiều vấn đề rộng lớn, để thực hiện được cần có nguồn lực đầu tư tương xứng và thời gian lâu dài.
P.V: Mô hình gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập, xã hội học tập đã phát triển mạnh mẽ tại Nghệ An. Ông đánh giá việc phát triển mô hình này có ý nghĩa như thế nào với sự phát triển của phong trào khuyến học của tỉnh nhà?
Ông Cao Đình Hòe: Thời kỳ đầu mới thành lập, Hội Khuyến học hoạt động chủ yếu mang tính phong trào, thường ở cơ sở tập trung xây dựng Quỹ Khuyến học, để trao tặng học bổng cho học sinh nghèo vượt khó, khen thưởng cho học sinh giỏi, có tài năng. Đến những năm 2005-2010, phong trào đi vào chiều sâu, có tính khoa học, các hoạt động khuyến học được thực hiện theo nhiệm vụ của Nhà nước giao, từ đó các phong trào “Gia đình hiếu học”, “Dòng họ hiếu học”, “Cộng đồng khuyến học” cũng bắt đầu được phát động và triển khai rộng rãi. Các mô hình được thể hiện bằng các tiêu chí, các chỉ số cụ thể trong đó hàm chứa các nội dung khuyến học, khuyến tài.
Phong trào đẩy mạnh học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng là bước ngoặt mới, kế thừa và phát huy các mặt tích cực, tốt đẹp của phong trào xây dựng các gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học, cộng đồng khuyến học trước đây đã được Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam và các cấp hội khuyến học ở địa phương dẫn dắt và triển khai trong hơn 20 năm qua. Thực hiện tốt các mô hình học tập chính là chúng ta đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được Nhà nước giao, cũng chính là làm tốt công tác khuyến học. Các mô hình về gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị học tập được xây dựng và phát triển sâu rộng trong tỉnh còn có tác động làm sâu sắc thêm nhận thức và hành động của người dân và cán bộ về xã hội hóa công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; đóng góp thiết thực vào việc duy trì ổn định trường lớp, xây dựng trường chuẩn quốc gia; nâng cao chất lượng dạy và học của sự nghiệp giáo dục và đào tạo tỉnh nhà.
Ngoài ra, việc xây dựng và phát triển các mô hình gắn kết với các cuộc vận động lớn như: Xóa đói, giảm nghèo, Xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh… là nhân tố quan trọng thúc đẩy đời sống kinh tế, văn hóa của mỗi gia đình, cộng đồng, đơn vị, đóng góp thiết thực, tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
P.V: Để xây dựng một xã hội học tập sâu sắc, tương xứng với truyền thống hiếu học, đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải vào cuộc mạnh mẽ, nhất là cấp ủy, chính quyền các địa phương trong việc quan tâm phát huy tinh thần khuyến học, khuyến tài; đến hoạt động của hội khuyến học các cấp. Ông có đồng tình với ý kiến này không và chúng ta cần có những giải pháp nào để công tác khuyến học, khuyến tài ngày càng phát triển?
Ông Cao Đình Hòe: Có thể nói, bài học sâu sắc của những người làm khuyến học là “Thường xuyên tranh thủ sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước; sự hướng dẫn giúp đỡ của Mặt trận Tổ quốc; sự phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội; sự đồng thuận của toàn dân” – thì mọi hoạt động đều thành công.
Tại Nghệ An, với nền tảng hiện nay thì để phong trào khuyến học phát triển cần tiếp tục phát huy có hiệu quả thiết thực các hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập mà hội khuyến học các cấp ở Nghệ An đã tạo dựng thành nề nếp tốt trong thời gian qua. Trong đó, tiếp tục phát huy những điểm mạnh, điểm nổi trội, khác biệt phát triển lên tầm cao mới thích ứng với thời đại số hóa và trong hoàn cảnh thực tế của dịch Covid-19.
P.V: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!.