Tháng 8/2006, sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X , Đại tướng Phùng Quang Thanh được bổ nhiệm giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Chuyến công tác đầu tiên của Đại tướng là vào kiểm tra công tác sẵn sàng chiến đấu của Quân khu 4, công tác chuẩn bị diễn tập thực binh của Nghệ An. Vẫn cái bắt tay rất chặt, nồng ấm, vẫn nụ cười rất tươi, cởi mở và thân thiện, Đại tướng nói với chúng tôi :
– Tôi vào khu 4 là về nhà vì đời tôi ơn sâu, nghĩa nặng với Khu 4. Ăn cơm bờ Bắc, đánh giặc bờ Nam Bến Hải mà trưởng thành, bị thương nặng, Nhân dân Hà Tĩnh nuôi hơn 6 tháng trời mới ngồi dậy vịn giường tập đi. Bà con còn xe duyên cô y tá người xứ Nghệ của Đội điều trị thành bạn đời trăm năm…
Và chuyến công tác đó, Đại tướng đã tranh thủ về thăm lại cụ Phan Văn Cẩn ở xóm Nhân Phong, xã Nhân Lộc, huyện Can Lộc. Đại tướng không dùng xe riêng mà đi cùng chiếc xe 24 chỗ ngồi cùng Tư lệnh Quân khu 4.
Đường vào Can Lộc, ngồi trên xe, Đại tướng kể lại chuyên xưa: Trong chiến dịch Xuân 1971, Đại tướng bị thương được chuyển ra Viện Quân y 108 nhưng vì vết thương quá nặng đến Hà Tĩnh đội cứu thương phải gửi ông vào cấp cứu ở Đội điều trị 46 Quân khu 4 đóng ở xã Nhân Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) vì chỉ số sinh tồn đã chạm đáy. Đội điều trị dã chiến nằm trong nhà dân. Gia đình cụ Cẩn đón ông về. Vừa đi qua cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của không quân Mỹ, nhân dân vùng Nhân Lộc nghèo xơ xác. Cả nhà 6 người được 2 cái giường cụ dành cả cho Quân y chăm sóc thương binh. Ông bà, các em: Hồng , Sỷ, Sỵ trải cót nằm giữa đất. Cơm cháo cho thương binh chủ yếu do hội phụ nữ xã và gia đình chăm lo. Dân rất đói vẫn dành gạo nấu cơm, cháo cho thương binh, các em Sỷ, Sỵ đi mò cua, bắt ốc, tát cá về cải thiện thêm bữa ăn hàng ngày cho thương binh. Một mình cô Lộc (sau này là vợ ông) đảm nhiệm chăm sóc 3 thương binh nên việc tắm rửa, giặt giũ áo quần cho thương binh chủ yếu mẹ Chiến chăm lo.
Trở lại ngôi nhà xưa đằm thắm bao nghĩa tình quân- dân những ngày đạn bom, nơi cô y tá xứ Nghệ hiền thục và ông ngỏ lời yêu thương… ông bồi hồi xúc động bởi bao ký ức thiêng liêng hiện về…
Cụ Cẩn đã mất từ năm 2003, cụ bà Nguyễn Thị Chiến đã hơn 80. Nhận ra chú Thanh ngày nào, bao nhiêu ngày xa chừ gặp lại, bà ôm choàng lấy ông nức nở. Đôi mắt vị tướng một thời trận mạc cũng ngấn lệ. Thắp nén hương thơm lên bàn thờ cụ Cẩn giọng ông lạc đi, nghẹn ngào…
Tin anh thương binh năm 1971 nằm điều trị vết thương ròng rã 6 tháng trời ở nhà cố Cẩn nay là Đại tướng Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về bay khắp thôn. Bà con đến chật kín cả sân. Đại tướng ân cần hỏi thăm sức khỏe người già, lấy kẹo tự tay chia cho các cháu nhỏ. Ông nghẹn ngào xúc động nói với mọi người :
– Vì bận nhiệm vụ Quân đội giao, nay con mới về lại được Nhân Phong thăm bà con cô, bác. Dẫu đi xa nhưng Nhân Phong luôn là quê hương thứ hai thương nhớ trong lòng vợ chồng con. Không có bà con, cô, bác Nhân Phong, không có bố Cẩn, mẹ Chiến con làm sao còn sống được đến hôm nay. Không có Nhân Phong, sao con và Lộc nên vợ, nên chồng. Nghĩa nặng, tình sâu đó con và Lộc luôn nhắc đến để cháu con cùng ghi nhớ.
Chia tay mẹ Chiến, ông gọi anh Phan Văn Sỹ, con trai mẹ lúc này là Phó Bí thư Huyện ủy Can Lộc đến dặn dò:
– Anh chị có manh vải lụa, nhờ em thay anh chị may cho mẹ bộ quần áo. Cho anh chị gửi em ít tiền Tết mua hương thắp cho bố và hai em liệt sỹ Phan Văn Sỵ, Phan Thị Hồng. Anh bận không dám hứa nhưng sẽ bố trí để chị Lộc sớm về thăm mẹ, thăm bà con Nhân Phong. Chị Lộc có gửi cho Hội Cựu chiến binh xã một ít tiền để các bác, các chú hoạt động, nhờ em chuyển giúp. Cho anh gửi lời kính thăm sức khỏe các chú, các bác, các gì cựu chiến binh xã em nhé.
Bịn rịn mãi Đại tướng mới chia tay được bà con Nhân Phong. Xe đã đi xa nhưng qua kính lái tôi vẫn thấy bà con đứng vẫy tay. Tôi biết Đại tướng đang dâng tràn cảm xúc…
Trên đường vào kiểm tra các tỉnh: Quảng Trị , Thừa Thiên – Huế, Đại tướng đã ghé thôn Xuân, xã Vĩnh Kim, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị), thăm lại gia đình cụ Xá – một dân quân bám trụ lại quê hương – nơi mà đạn bom nhiều hơn cát sạn để sát cánh cùng bộ đội đánh giặc.
Rẽ vào con ngõ nhỏ rợp mát bóng cây mít, hồ tiêu, từ xa thấy một cụ già tóc bạc, chống gậy, chân bước liêu xiêu. Đại tướng không cầm lòng mình nói rất to:
– Eng Xá ! Eng Xá ơi, em Thanh “xê” 9, “e” 64 đây!
Mất mấy giây, cụ Xá mới nhận ra người đứng trước mặt mình từng là Đại đội trưởng Đại đội 9, người lấy Vĩnh Kim làm hậu cứ, sau mỗi chiến dịch lại rút về đây củng cố lực lượng. Cụ buông gậy ôm choàng lấy Đại tướng nghẹn ngào:
– Thanh đó em!
Giọng Đại tướng cũng lạc đi:
– Em về đây rồi eng nè!
Con cháu cụ Xá trong sân chạy ùa ra vây lấy Đại tướng hân hoan sung sướng như đón người thân bao năm xa ngái trở về!
Đại tướng đảo mắt nhìn mọi người rồi hỏi:
– Chị mô rồi eng?
– Chị mất 8 năm rồi em nà!
Lặng đi một lúc, Đại tướng ân cần dìu cụ Xá vào nhà rồi đến bàn thờ thắp hương cho cụ bà. Ông thưa :
– Chị ơi! Em là Phùng Quang Thanh “xê” 9 đây thưa chị! Thời chiến tranh bọn em đóng quân trong nhà anh chị, được anh chị và bà con cưu mang. Hôm nay em mới có dịp thay mặt cho anh em “xê” 9, người còn, kẻ mất về thắp hương cho chị. Suối vàng thanh thản chị tha lỗi cho các em chị nhé!
Đại tướng xích lại sát cụ Xá, bồi hồi cầm bàn tay gầy guộc của cụ. Cụ Xá cũng run run cầm tay ông. Không kìm nén được lòng mình cụ Xá ôm choàng lấy Đại tướng nức nở như con trẻ. Tiếng khóc đứt quãng thổn thức của cụ già gần 90 tuổi vừa trải qua bạo bệnh làm chúng tôi cũng bồi hồi xúc động… Căn nhà lặng im, đôi mắt Đại tướng ướt đẫm nước mắt.
Nhìn ra biển Cửa Tùng mênh mang sóng vỗ, Đại tướng hỏi cụ Xá:
– Nhà mình hồi Mậu Thân 68 đâu gần biển thế này eng?
– Đúng rồi, ngôi nhà cũ đó cách đây hơn 300m, bom đạn Mỹ ném trúng mấy lần mô còn, chừ thằng cả ở, nó làm lại nhà mới sau năm 1975. Đây là đất xã vừa cấp cho eng, thằng út chừ đang ở cùng eng.
Dẫu ba mươi năm rồi nhưng ngôi nhà nửa nhà, nửa hầm của cụ Xá vẫn in sâu trong lòng Đại tướng. Đây là nơi suốt mấy năm trời sau mỗi chiến dịch bộ đội “xê” 9 của ông lại tìm về. Hai cụ và bà con lối xóm xem ông như em út của mình, yêu thương hết mực chăm sóc hết lòng. Thời ấy Vĩnh Linh trên bom, dưới đạn. Trong gian khổ càng nồng ấm tình quân dân. Nhân dân nhường hầm cho bộ đội, củ khoai bẻ nửa, củ sắn chia hai nên những nghĩa tình son sắt ra đời trong hoàn cảnh ấy mãi neo đậu trong tâm thức Đại tướng, trong lòng cụ Xá.
Nghe tin anh Thanh “xê” 9 trở về, bà con lối xóm rần rần kéo đến đông nghịt. Những lời chào hỏi râm ran. Gặp lại bao ân nhân ánh mắt Đại tướng rạng rỡ hẳn lên. Ông vồn vã bắt tay từng người. Chuyện xưa râm ran, nhắc đến tên bao bà con, đồng đội đã hy sinh… lòng ông se lại!
Chiến tranh đã lùi xa 30 năm nhưng Vĩnh Linh ngày ấy còn nghèo lắm. Căn nhà cụ Xá chẳng có tiện nghi gì đáng kể. Trước khi chia tay ông tặng cụ Xá chiếc ti vi “để anh xem thời sự hàng ngày”, gửi gia đình cụ ít tiền để hương khói cho bà. Lại một cuộc chia tay bịn rịn. Lên xe ông trầm ngâm, ông nói cùng Tư lệnh Quân khu 4:
– Ba mươi năm sau chiến tranh nhưng đời sống nhân dân và người có công vẫn còn rất khó khăn. Chúng ta còn nợ bà con nhiều, nhiều lắm!
Tạm biệt Vĩnh Linh, xe qua Hiền Lương, qua Dốc Miếu… những tên núi, tên sông, tên làng gợi lên trong tôi những huyền thoại về người chỉ huy đánh đâu thắng đó, Anh hùng LLVTND Phùng Quang Thanh… Thế hệ những người lính đánh Mỹ chúng tôi không ai là không biết về gương chiến đấu của dũng sĩ Đồi Không Tên Phùng Quang Thanh…
Ngày 11/2/1971, Trung đội trưởng Trung đội 1, Đại đội 9, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 64, Sư đoàn 320 trực tiếp chỉ huy một tiểu đội chốt giữ Đồi Không Tên – Quảng Trị. Địch dùng 1 đại đội có máy bay yểm trợ chia làm 2 mũi tấn công lên chốt. Phùng Quang Thanh yêu cầu anh em trong tiểu đội để địch vào thật gần mới được nổ súng.
Bình tĩnh và tự tin theo cách đánh “nắm thắt lưng địch mà diệt địch”, trận ấy tiểu đội ông diệt gọn 38 tên đẩy chúng ra xa, riêng Phùng Quang Thanh diệt 8 tên. Hai ngày sau, địch lại tiến công lên chốt, Phùng Quang Thanh bị thương. Cấp trên lệnh cho anh về tuyến sau nhưng anh xin ở lại tiếp tục chiến đấu. Phùng Quang Thanh yêu cầu y tá băng cánh tay trái bị thương rồi treo lên cho đỡ vướng, nhờ đồng đội tháo nắp 17 quả lựu đạn cho vào túi treo quanh người rồi dẫn đầu tiểu đội xung phong đánh tạt sườn quân địch, phối hợp cùng đơn vị bạn diệt gọn một đại đội địch. Riêng tiểu đội anh chỉ huy diệt 37 tên, bắt sống 1 tên, thu nhiều vũ khí.
Sau trận chiến đấu đó, tháng 12/1971, ông được Đảng và Nhà nước tuyên dương Anh hùng LLVTND.