Những luồng thông tin về voi rừng xuất hiện ở các bản dân cư sống cạnh bìa rừng thuộc các xã Châu Hạnh, Châu Phong (huyện Quỳ Châu) đến với chúng tôi từ những người làm công tác quản lý rừng phòng hộ địa phương này. “Đợt tháng 5, voi về khu vực bản Nà Xén, xã Châu Hạnh. Lần gần đây hơn, vào ngày 15/7, voi về bản Luồng, xã Châu Phong. Đàn voi gồm 2 con. Nhìn dấu chân và phân chúng để lại thì có 2 mẹ con voi…” – Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Quỳ Châu, anh Trần Ngọc Kiên cho biết.
Hỏi Trần Ngọc Kiên: Có thể tìm gặp được voi hoặc dấu tích của nó không? Anh trả lời: “Chúng tôi biết trong rừng phòng hộ mình quản lý có voi rừng, nhưng rất khó gặp. Rừng phòng hộ Quỳ Châu có diện tích khoảng 5.000 ha. Nhưng xác định vị trí chúng thường ở là vùng rừng Châu Hạnh và Châu Phong. Xác định vậy bởi lẽ đây là vùng rừng giàu, lắm khe suối, có nhiều cây chuối rừng là thức ăn của chúng. Nhưng khu vực này có diện tích khoảng 1.800ha, vì vậy để trả lời có tìm gặp được hay không thì rất khó. Giả sử có ai đi rừng mà phát hiện ra chúng thì cũng không dám tiếp cận. Rất nguy hiểm. Vì việc voi xuất hiện gần khu vực dân cư nên hiện nay chúng tôi đang cho anh em đi lắp các biển cảnh báo để người dân đề phòng, đảm bảo an toàn tính mạng…”.Dù nói vậy nhưng Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Quỳ Châu cũng cho chúng tôi một cơ hội: “Nếu các anh lên, chúng tôi sẽ đưa đến những vị trí voi rừng đã về, và những điểm có khả năng chúng thường lui tới…”.
Trung tuần tháng 8, chúng tôi ngược lên Quỳ Châu. Ở đây, điểm đầu mà những người bảo vệ rừng phòng hộ địa phương này đưa đến là vị trí voi về ở bản Na Xén, xã Châu Hạnh. Từ thị trấn Tân Lạc, đi theo con đường dẫn vào các xã Châu Phong – Châu Hoàn – Diên Lãm với chiều dài khoảng hơn 10km, đến lưng chừng dốc Bù Xén thì đoàn dừng xe. “Bắt đầu đi bộ, cũng không xa mấy đâu” – Trạm trưởng Trạm bảo vệ rừng phòng hộ số 4, anh Nguyễn Ngọc Ánh nói. Xuôi dốc chừng dăm km thì đến một vùng rừng thẳm xanh, có một thung lũng lớn với nhiều đám ruộng lúa nước mơn mởn xanh và lác đác vài chòi lán. Ánh dẫn cả đoàn vào nghỉ một chòi lá bỏ không rồi cho biết: “Khu vực này có voi về đợt tháng 5 đây”.
Tại đây, nhân viên bảo vệ rừng Trương Văn Sang đưa chúng tôi đến thăm những ruộng lúa mà như anh nói “bị voi xéo nát, có rất nhiều dấn chân”. Nhưng dù vậy, thời gian đã qua hơn 3 tháng, ruộng đã làm vụ lúa mới nên dấu vết để lại không còn, chỉ có một số bờ ruộng bị vỡ, sệ có vòng cung. Dùng flycam bay trên không với đường kính rộng vài km, chúng tôi cùng nhau soi kỹ những khu vực có khe nước và từng khoảnh rừng. Phấp phỏng hy vọng sẽ phát hiện được sự rung lắc của cây rừng do tác động của voi tạo ra khi chúng di chuyển nhưng tuyệt nhiên không thấy. “Có lẽ chúng di chuyển sang mạn Châu Phong. Vì sau lần về dịp tháng 5, người dân khu vực này không thấy chúng về nữa…” – Trương Văn Sang nói.
“Thử tìm xem các chòi lán nơi này còn có người dân nào để hỏi chuyện có được không?” – chúng tôi đề nghị. May mắn thay, mất ít phút tìm kiếm chúng tôi được gặp bà Lê Thị Phương (gọi theo tên của chồng), năm nay 68 tuổi, người bản Na Xén. Theo bà Phương cho biết, gia đình ông bà và gia đình người con (tên là Duẩn) đều làm ruộng nước, dựng chòi lán tại khu vực này để quản lý và cả chăn nuôi gia súc, gia cầm. Hỏi chuyện voi rừng về, bà nói: “Ta biết chí. Hắn về cái đợt mà lúa ta đang còn ăn đây. Hắn về hai mẹ con. Về 4 đêm liên tục. Nhà ta cũng bị voi ăn lúa nhưng ít thôi. Còn nhà thẳng Duẩn thì bị hắn ăn hết, không còn được hạt lúa mô nữa…”.Có ai trông thấy voi không?“Có chí. Biết hắn về ăn lúa, nhà ta còn tạo tiếng động, vợ chồng thằng Duẩn còn đốt lửa để đuổi mà. Hắn to lắm, một bước đi bằng ba bốn bước của ta. Bữa hắn về, thằng Duẩn với mấy đứa bên Thanh Hóa sang còn quay được đó…” – bà Phương trả lời.
Rời vùng rừng Na Xén, điểm tiếp theo chúng tôi di chuyển tới là vùng bản Luồng, xã Châu Phong, nơi voi rừng xuất hiện ngày 15/7/2021. Tại đây, điểm dừng chân là tại chiếc lán đã bị sập nát của ông Lữ Văn Thiết, cách bản Luồng chỉ khoảng 1km, cạnh bìa rừng, gần với các khe Bia, khe Huồi Xén.
Là người bản Luồng, ông Thiết vào đây dựng lán nuôi thả cá. Vừa dựng lại những đoạn rào bị hư hỏng, ông cho hay, khoảng nửa đêm ngày 15/7 thì ông nhận được tin báo chòi lán bị voi rừng phá. Cùng mọi người vào thì lán đã đổ sập tanh bành, voi thì đã đi, chỉ để lại vô số vết chân và nhiều bãi phân. Ở đây, ông Thiết đưa đi xem những vết chân voi còn hằn trên bề mặt bờ ao, và những bãi phân đã khô, như những ụ rơm màu nâu xỉn.“Ở đây chỉ có vợ chồng nhà ông Hùng là thấy hắn. Ông Hùng ở phía trên lán của tôi một đoạn. Lên đó ông Hùng kể cho mà nghe…” – ông Lữ Văn Thiết nói.
Lán nhà ông Hùng (cách lán ông Lữ Văn Thiết chừng 100m) là một ngôi nhà sàn khá vững chãi, có vườn cây và hàng rào khá kiên cố bao quanh. Tại đây, nhờ Trưởng ban mặt trận bản Luồng, ông Hà Thanh Đồng “phiên dịch”, chúng tôi được bà Vi Thị Hùng (bà sinh năm 1953, chỉ biết nói tiếng Thái) kể cho nghe bập bõm rằng đêm hôm đó, khoảng nửa đêm thì voi rừng vào vườn. Nghe tiếng phá bờ rào, bà lay ông dậy soi đèn thì thấy voi, to lắm. Sợ quá, hai ông bà gọi con cái đến để xua đuổi sau đó thì bỏ chạy ra khỏi lán. Sau đó, con bà và người dân kéo lên gõ cuốc xẻng vào phên nứa, đốt lửa xua đuổi, voi mới ra bên ngoài rồi đi ngược lên phá khu vực nương phía trên.
Sự việc sau đó được ông Vi Văn Hùng thuật lại chi tiết hơn. Hôm đó là ngày 4/6 âm lịch (ngày 15/7 dương lịch0). Vào khoảng 12h30, tôi đã ngủ say, còn bà thì đang thức. Nghe tiếng động, bà lay tôi dậy nói ra coi chi bên ngoài mà nghe tiếng rào rào. Tôi thức dậy lắng nghe thì không thấy gì. Khi đó nó phá rào, đã vào gần lán. Ít phút sau thì nghe tiếng cành cây gãy, giống như có trâu, bò vào vườn. Tôi vôi lấy đèn pin soi qua vách. Ánh đèn sáng lia đúng chân voi, thấy cái chân nó to lắm, như cái cột lớn. Tôi mới nói nhỏ“bà ơi voi về, voi về rồi…”. Thế rồi, tôi lấy điện thoại để gọi báo cho con biết để lên đuổi voi. Vậy nhưng điện thoại lại bị hết pin. Vợ chồng tôi phải loay hay tìm xạc điện thoại xạc chừng 10 phút thì mới tiếp tục gọi. Nhưng đã quá nửa đêm rồi nên gọi mãi đến khoảng 30 phút thì con mới nghe. Gọi được rồi thì chúng tôi bỏ lán chạy sang bờ khe, không dám ở đó nữa. Đến khi con tôi và mọi người lên đốt lửa, soi đèn, tạo tiếng động lớn để nó bỏ đi… Ông Vi Văn Hùng nói: “Năm nay nó về sớm hơn năm ngoài 1 tháng. Năm ngoái tôi nghe kể nó về khu vực này vào tháng 7 âm lịch. Nghe dân bản nói trước đây chưa bao giờ gặp, mấy năm trở lại đây thì nó hay về. Có lẽ từ khi dân bản ta trồng sắn thì nó về ăn sắn. Mỗi lần về, nó thấy chòi lán là nó phá…”.
Trở ra vị trí lán nhà ông Thiết, chúng tôi dùng flycam ghi lại toàn cảnh núi rừng xã Châu Phong, khu vực bản Luồng. Rừng ở đây ngút ngàn xanh, ken dày cây cối, chỉ thấp thoáng trống ở vị trí hai con khe Huồi Xén, khe Bia kéo dài từ núi Bù Xén xuôi về. Đang điều khiển flycam, phóng viên Thành Cường chợt nói: “Em nghe như có tiếng vọng ra từ mạn khe Huôi Xén. Hay là tiếng voi?”. Hơi chút ngạc nhiên, hỏi anh Thái Đăng Huy (cán bộ bảo vệ rừng lớn tuổi cùng đi), tiếng voi kêu như thế nào. “Cũng gần như tiếng con mang nhưng tiếng lớn hơn rất nhiều” – anh nói. Rồi thị phạm, vừa như tiếng gió rít sắc lạnh, vừa như tiếng kẹt cửa kéo dài. Nghe thanh âm anh Huy phát ra, Cường nói: “Đúng rồi. Em vừa nghe có tiếng giống như vậy bên mạn khe Huồi Xén…?”.
Lời của Cường khiến trí tò mò của tất cả bị kích thích. Thế rồi chúng tôi rời khu vực lán nhà ông Lữ Văn Thiết ngược khe Huồi Xén. Đây là một khe suối khá rộng, nhưng đang mùa nắng nóng nên cạn nước. Trên đường đi, thi thoảng bắt gặp ở sườn đồi, nơi người dân làm nương trồng sắn có những vết trượt lớn. Còn dưới lòng khe, vị trí cách lán ông Thiết khoảng 2km thì bắt gặp một số bãi phân voi khá lớn.
Có những bãi đã cũ có cây cỏ mọc che, nhưng cũng có những bãi còn mới chỉ khoảng thời gian một tuần trở lại. Ngược lên càng cao, rừng càng dày, lòng khe Huồi Xén hẹp dần, đi lại khó khăn. Có chút lo ngại nên chúng tôi đề nghị Trưởng đoàn Nguyễn Ngọc Ánh: “Khu vực này dày cây bụi, đứng cách vài mét đã không còn nhìn thấy nhau. Giả sử có phát hiện voi cũng chưa chắc đã ghi hình được. Có lẽ nên dừng chuyến đi này ở đây…”. Nguyễn Ngọc Ánh cười: “Tùy các anh thôi. Nhưng thú thật là em cũng vừa đi vừa lo. Gặp thì cũng thú vị nhưng giả sử xảy ra chuyện gì thì không biết ăn nói thế nào…”.
(Còn tiếp)