3 năm trước, Vi Thị Thuận – học sinh Trường THPT Mường Quạ đã trúng tuyển vào khoa Sư phạm Hóa học – Trường Đại học Vinh. Ngày nhận được kết quả này Thuận đang làm công nhân. Trước đó, khi vừa hoàn thành môn thi cuối cùng, Thuận lên xe rời quê, xin vào làm tại một xí nghiệp ở Bắc Ninh, để kiếm chút tiền phụ trang trải cho gia đình. Niềm vui đậu đại học chưa được một ngày thì Thuận đã chấp nhận việc không thể tới giảng đường bởi nhà quá nghèo, miếng ăn hàng ngày còn chưa đủ… Mẹ của em cũng không ít lần khóc nói với Thuận “nghỉ học thôi con ạ”.Thương mẹ, Thuận đã nhắn tin tới cô giáo chủ nhiệm “Em xin lỗi cô, em không thực hiện được lời hứa với cô được”.
Nhà Thuận ở xã Môn Sơn, huyện Con Cuông. Trong bản, từ nhiều năm nay số người đi học đại học chỉ đếm trên đầu ngón tay. Cô Lô Thị Thơ vừa là cô giáo chủ nhiệm, lại từng xuất thân từ hoàn cảnh khó khăn nên cô rất thương Thuận. Từ khi nhận được tin nhắn của học trò và biết được hoàn cảnh của Thuận, cô đến nhà trò chuyện với bố mẹ và vận động ông bà tạo điều kiện cho Thuận đi học đại học. Kể lại chuyện này, cô giáo Lô Thị Thơ cho biết, so với việc đi làm công nhân với đi học đại học thì bố mẹ nào cũng thấy cái lợi trước mắt. “Nhưng tôi là giáo viên của Thuận, tôi biết khát khao được đi học của em và không muốn em bỏ dở tương lai của mình. Tôi cũng động viên gia đình, Thuận đi học, buổi tối có thể đi làm thêm để lo trang trải cho bản thân. Học phí thì đã có Nhà nước lo, bố mẹ chỉ cần 1 tháng gửi cho Thuận 1 yến gạo là được”, cô giáo Thơ nói.
Cũng vì thương cô học trò hiếu học, nên khi đó dù không quen biết nhiều, cô giáo Lô Thị Thơ vẫn liên lạc với Trường Đại học Vinh cho Thuận nhập học muộn hơn 1 tuần. Cô còn đi kiếm tìm từng bộ quần áo cũ, từng cặp sách, từng đồ dùng cũ của người khác góp vào hành trang giản đơn cho cô học trò vào đại học, thực hiện ước mơ của mình. Hôm Thuận xuống nhập học, biết hoàn cảnh của Thuận, các thầy cô cũng đã kết nối Thuận với Trung tâm Hỗ trợ học sinh sinh viên của trường. Riêng GS,TS Nguyễn Đức Thắng thì tạo điều kiện để Thuận làm thêm ở phòng thí nghiệm của khoa, số tiền có được sẽ giúp Thuận trang trải một phần nào chi phí đi học…
Ba năm đã trôi qua, từ một cô học trò nhút nhát, Thuận đã trưởng thành và là một sinh viên năng động, tham gia mọi hoạt động của nhà trường. Với kết quả học tập khá tốt, Thuận cũng đang nuôi hy vọng sớm được ra trường, trở về bản làng để tiếp tục làm cô giáo dạy học cho con em của bản làng.
Nghệ An là vùng đất học và truyền thống đó vẫn tiếp tục được nối tiếp từ thế hệ này sang thế hệ khác. Từ vùng đất khó này, sự học nhiều năm nay vẫn luôn được quan tâm và được xem là điều quan trọng nhất trong mỗi gia đình. Ở xứ Nghệ, dường như chưa năm học nào vắng bóng những thủ khoa, á khoa đứng đầu cả nước. Rất nhiều những học sinh đậu điểm cao là con em của những gia đình nghèo, khó khăn. Với các gia đình, việc cho con đi học là để mang theo ước vọng của cả gia đình, dòng họ. Học cũng là cách để thoát nghèo, thay đổi cuộc sống.
Tiếp bước cho sự học của những học trò nghèo là những câu chuyện xúc động, là sự sẻ chia đồng hành của các tổ chức xã hội, của các thầy giáo cô giáo… Cô giáo Trần Thị Vân là giáo viên chủ nhiệm lớp 12 A5 – Trường THPT Nghi Lộc 5. Bốn tháng trước, thương cô học trò Nguyễn Thị Anh của mình, chị đã âm thầm viết thư giới thiệu tới Quỹ học bổng thắp sáng niềm tin để đăng ký xin học bổng cho em. Bức thư ngoài việc giới thiệu về cô học trò “ngoan ngoãn, chăm chỉ, luôn cố gắng vươn lên trong học tập và rèn luyện” còn là lời gửi gắm với hy vọng “quỹ học bổng thắp sáng niềm tin” sẽ là cơ hội để con đường đến với thành công của học trò sẽ bớt gập ghềnh, chông gai và hơn hết là có sự sẻ chia để em có niềm tin đến trường.
Quỹ học bổng thắp sáng niềm tin là một quỹ học bổng uy tín và đã có trên 10 năm đi vào hoạt động với mục đích chính là giúp đỡ các em sinh viên, học sinh hiếu học có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn thực hiện ước mơ chính đáng của mình là học tập và cống hiến. Tuy nhiên, ngoài thư giới thiệu của giáo viên chủ nhiệm để đạt được học bổng này, các em cũng phải có thành tích học tập tốt, phải trải qua nhiều vòng phỏng vấn và phải có một bài giới thiệu về mình để thuyết phục ban tổ chức. Cá nhân Anh, thời điểm em được giáo viên chủ nhiệm giới thiệu, Anh cũng vừa trải qua một cú sốc lớn khi bố em vừa qua đời vì bệnh ung thư, căn nhà của 4 mẹ con thì đang phải thế chấp để có tiền chữa bệnh cho mẹ. Nhưng dù trong hoàn cảnh rất khó khăn nhưng Anh vẫn luôn thể hiện khát vọng được đi học để sau này có một nghề nghiệp ổn định giúp mẹ và hai em, có một tương lai tươi sáng cho mình.
Sự nỗ lực và quyết tâm của Anh cuối cùng đã chinh phục được ban tổ chức. Thế nên, vượt qua nhiều ứng viên khác, Anh đã trở thành 1 trong 50 học sinh của cả nước được nhận học bổng “Thắp sáng niềm tin” với số tiền hỗ trợ 20 triệu đồng cho năm đầu tiên học đại học và sẽ được cấp học bổng trong các năm học tiếp theo nếu có thành tích học tập tốt. Tin vui được nhận học bổng cũng đến cùng lúc với kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 và với số điểm khá cao em có nhiều cơ hội để đậu vào ngành Công nghệ thực phẩm (Đại học Bách khoa) và ngành Sư phạm. Chia sẻ niềm vui về học trò của mình, cô giáo Trần Thị Vân cũng tâm sự rằng: Thời điểm viết thư giới thiệu cho Anh, vẫn còn 3 tháng nữa mới đến kỳ thi tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, dù rất khó khăn nhưng tôi luôn tin vào Anh và tin rằng em sẽ thực hiện được ước mơ của mình.
Những ngày này, khi kết quả của Kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa công bố thì ở nhiều nhà trường, các thầy giáo cô giáo cũng đã bắt đầu lên danh sách và liên lạc với các tổ chức cá nhân để liên hệ tìm kiếm học bổng cho các em. Ở Trường THPT DTNT tỉnh những năm gần đây Quỹ “Thắp sáng những ước mơ” của nhà trường đã huy động hàng trăm triệu đồng để trao học bổng cho những học sinh đậu điểm cao có cơ hội đến trường.
Hội Khuyến học tỉnh và Hội Khuyến học ở các huyện, thành thị mỗi năm cũng huy động hàng chục tỷ đồng để kịp thời động viên, khích lệ những học sinh vượt khó. Tại Nghệ An, những mô hình dòng họ khuyến học, gia đình khuyến học cũng đã được nhân rộng để từ đó khích lệ tinh thần hiếu học của con em xứ Nghệ. Đặc biệt, đã 12 năm liên tục Nghệ An đã tổ chức thành công Lễ tuyên dương học sinh đạt điểm cao, học sinh giỏi quốc gia, quốc tế. Đây là niềm động viên, khích lệ và tôn vinh sự học của tỉnh nhà và tạo động lực để lớp lớp học sinh cùng cố gắng, đạt được nhiều thành tích cao trong học tập.
Trao đổi về vấn đề này, GS.TS Thái Văn Thành – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho hay, trong số những em có thành tích học tập cao ở Nghệ An, có không ít em có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Và nhiều em đứng trước nguy cơ phải từ bỏ giấc mơ của mình vì nhà nghèo. Đối với những trường hợp như vậy thì sự hỗ trợ của xã hội là một điều cần thiết, để giúp các em hoàn thành ước mơ của mình.