Gia đình ông Trương Đình Trung ở xóm Nam Tân, xã Nghĩa Long (Nghĩa Đàn) có vườn hộ rộng trên 3.500m2. Trước đây, ông từng trồng nhiều loại cây nhưng giá trị kinh tế không cao. Cách đây mấy năm, ông tiên phong cải tạo vườn, trồng 150 gốc mít thái, cùng đó trồng xen dứa và phát triển chăn nuôi lợn, gà. 2 năm gần đây, vườn mít cho năng suất cao, được thương lái vào mua tận vườn, đem lại nguồn thu nhập khá. Năm 2020, huyện Nghĩa Đàn khuyến khích các hộ có điều kiện xây dựng vườn chuẩn, ông Trung đăng ký tham gia và được huyện hỗ trợ 40 triệu đồng. Từ đó, ông quy hoạch lại khuôn viên vườn thành khu vực trồng cây ăn quả, vườn thực phẩm, khu vực chăn nuôi, đầu tư hệ thống tưới khoa học và xây dựng hệ thống đường nội vườn bằng bê tông. Cuối năm 2020, vườn của ông Trung cùng 25 hộ khác trên địa bàn huyện được UBND huyện công nhận đạt tiêu chuẩn vườn chuẩn.
Theo tính toán của ông Trung, nguồn thu từ trồng cây ăn quả và chăn nuôi mỗi năm trên dưới 200 triệu đồng. Vui hơn, mô hình của gia đình được nhiều hộ trong xã, trong huyện tham quan, học hỏi để có thể nhân rộng. Đặc biệt, việc xây dựng vườn chuẩn theo hướng dẫn của huyện đã làm cho mảnh vườn của ông được quy hoạch bài bản hơn.
“Mới đầu, trong những yêu cầu huyện khuyến cáo, có nội dung xây dựng đường nội vườn, gia đình tôi chủ quan là không cần thiết. Thế nhưng, sau khi làm, trải qua mấy đợt mưa vừa rồi mới thấy giá trị chú à. Đó là vùng này đất đỏ, chỉ cần mưa nhỏ là trơn trượt. Khi có đường bê tông đã chống được trơn trượt, thuận lợi cho việc chăm sóc và thu hoạch trong vườn ngay cả khi trời mưa…”- ông Trương Đình Trung chia sẻ.
Còn với mảnh vườn của gia đình chị Bùi Thị Hà ở xóm Thọ Đông, xã Nghĩa Lộc được ví như một công viên sinh thái. Trên diện tích vườn hơn 2.500m2 của gia đình được quy hoạch bài bản với ao nuôi cá, xung quanh là vườn rau “mùa nào thức ấy”, ở giữa là nhà, phía sau là khu vực chăn nuôi và vườn bưởi da xanh. Diện tích ao nuôi cá khoảng hơn 500m2 được gia đình chị Hà xây bờ bao, có cầu dẫn ra chòi ở giữa, tạo nên cảnh quan đẹp, khiến bất kỳ ai vào thăm cũng trầm trồ ngợi khen.
Chị Hà tâm sự: “Gia đình tôi cũng được hỗ trợ 40 triệu đồng để xây dựng vườn chuẩn. Số tiền đó không lớn so với hàng trăm triệu đồng vợ chồng chúng tôi đầu tư vào vườn. Cái quan trọng khi xây dựng vườn chuẩn là chúng tôi được tư vấn để quy hoạch mảnh vườn của mình hợp lý hơn, đẹp hơn, đem lại lợi ích thiết thực cho gia đình”.
Năm 2020, huyện Nghĩa Đàn xây dựng thành công 26 vườn chuẩn tương tự như những mô hình nêu trên. Một trong những thành công lớn là giúp các hộ nông dân cải tạo vườn tạp, đưa tiến bộ khoa học, kỹ thuật, giống cây, con năng suất, hiệu quả kinh tế cao vào vườn hộ. Từ đó kinh tế vườn đóng góp một phần quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai, nâng cao hiệu quả kinh tế, tạo diện mạo nông thôn mới. Từ những mô hình đó đã tạo được sức lan tỏa rộng lớn trong nông dân trên địa bàn huyện. Năm 2021, HĐND huyện Nghĩa Đàn đã ban hành nghị quyết hỗ trợ xây dựng vườn chuẩn và xây dựng nông thôn mới; trong đó, hỗ trợ 22 hộ xây dựng vườn chuẩn. Định mức hỗ trợ 20 triệu đồng/vườn cho hộ gia đình có vườn đạt chuẩn nông thôn mới.
Theo ông Phan Thế Phương – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Nghĩa Đàn, “mức hỗ trợ của huyện có giảm hơn năm trước, vì phải dành nguồn lực cho nhiều lĩnh vực khác. Tuy nhiên, đó là đòn bẩy quan trọng và rất nhiều hộ đăng ký muốn được xây dựng vườn chuẩn. Đến lúc nào đó, tôi nghĩ rằng, không cần hỗ trợ người dân vẫn xây vườn chuẩn vì đó là lợi ích của mỗi gia đình…”.
Để mỗi hộ nông dân phát triển bền vững từ vườn, yếu tố quan trọng là phổ biến khoa học kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi và tăng cường liên kết để lo cả “đầu vào và đầu ra” cho sản phẩm từ vườn.
Theo anh Phan Đình Ngọc, chủ vườn chuẩn hơn 5.800m2 ở xóm Hồng An, xã Nghĩa Hồng, để phát triển bền vững từ vườn, đòi hỏi người dân phải nỗ lực rất lớn, từ tính toán trồng cây gì, nuôi con gì đến nắm chắc kỹ thuật bấm cành, tỉa cây, chăm sóc vật nuôi và liên kết tiêu thụ. Điển hình như vườn của gia đình anh trồng na, ổi, vú sữa, mít, ớt tiêu và chăn nuôi bò nhốt; anh và vợ phải nắm rõ đặc tính từng loại cây và chọn thời điểm bấm, tỉa cành từng loại cây để ra hoa, đậu quả. Còn với đàn bò 10 con cần phải trồng cỏ, nắm kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh để đạt hiệu quả cao, xuất chuồng đúng thời điểm.
Huyện Nghĩa Đàn có gần 3.400 ha đất vườn hộ, phần lớn là đất đỏ bazan, khí hậu, thổ nhưỡng và các điều kiện khác cơ bản thuận lợi cho việc trồng các loại cây ăn quả, phát triển chăn nuôi hàng hóa. Khuyến khích nông dân tăng thu nhập từ kinh tế vườn hộ là một trong những mục tiêu lớn được huyện Nghĩa Đàn đặt ra. Việc xây dựng thành công và tạo sức lan tỏa từ những mô hình vườn chuẩn đang là động lực lớn thúc đẩy các hộ nông dân vươn lên làm giàu từ vườn.
Đề cập đến vấn đề này, đồng chí Hoàng Thị Thu Trang – Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Nghĩa Đàn chia sẻ: “Với sự cần cù của nông dân và những lợi thế sẵn có về đất đai, khí hậu, chúng tôi tin chắc là bà con trên địa bàn huyện sẽ nâng cao kinh tế hộ bằng những cây, con cụ thể. Từ những mô hình thành công vừa rồi, càng khẳng định điều đó”.
“Tín hiệu vui là nhiều hợp tác xã và các hộ dân ở các xã cũng đã xây dựng được những mối liên kết để tiêu thụ nông sản. Vấn đề đặt ra là khi nhân rộng kinh tế vườn hộ, sẽ có lượng sản phẩm lớn hơn, đồng nghĩa với sức ép về thị trường tiêu thụ càng lớn hơn. Nhận thức như vậy, huyện đã giao cho các phòng ban, chính quyền địa phương, các hợp tác xã tăng cường xây dựng các mối liên kết để tiêu thụ nông sản. Bản thân lãnh đạo huyện cũng tích cực tìm hiểu, kết nối với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để có thể bao tiêu nông sản cho nông dân…” – đồng chí Hoàng Thị Thu Trang khẳng định.
Cùng với đẩy mạnh thu hút đầu tư trên địa bàn, việc tăng cường các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế vườn hộ theo hướng giá trị cao, bền vững là hướng đi sát thực tế ở Nghĩa Đàn. Mỗi hộ nông dân cũng hiểu rằng, “đi lên từ vườn” là gốc rễ, từ đó mạnh dạn đầu tư, tích cực học hỏi, nắm vững khoa học kỹ thuật và liên kết để “đi xa hơn”.