Chưa có một cuộc chiến nào mạnh mẽ hơn thế trong thời bình. Không ồn ào, không vội vã, rất yên ắng nhưng đó thực sự là cuộc chiến khốc liệt nhất mà người Nghệ An từng trải qua.
Tôi không biết nên bắt đầu từ đâu khi viết đôi dòng tâm sự này. Lượng thông tin quá nhiều, cảm xúc quá lớn đôi khi cũng là một trở ngại đối với người cầm bút. Có lẽ xin bắt đầu bằng câu chuyện của chính mình…
Hơn 5 giờ sáng ngày 20 tháng Sáu, sau một đêm thức trắng, tôi quyết định rời Vinh. Tất cả các tuyến phố từ phường Hưng Dũng đến xã ngoại thành Hưng Chính đều vắng lặng trong buổi mai. Dừng chân ở điểm chốt cầu Ma – chốt phòng chống dịch Covid mới được lập nên một ngày trước đó, đây cũng là ranh giới hành chính giữa thành phố Vinh và huyện Hưng Nguyên.
Đứng trước mặt tôi lúc này là anh cảnh sát giao thông trẻ. Tôi nói mình có ý định rời Vinh và tôi có lý do chính đáng để làm điều đó. Cậu ruột tôi vừa mất tối qua, các con của cậu người thì ở trong miền Nam, người đang lao động tại nước ngoài không thể về vì đại dịch. Khoảng cách từ Vinh đi Đô Lương không quá xa và mọi người đang chờ tôi về để tiễn đưa cậu. Bất giác, sau vài giây, người cảnh sát trẻ tuổi nhẹ nhàng: “Xin chia buồn với gia đình anh. Anh ạ! Không ai cấm anh rời thành phố cả, nhất là trong một tình huống đặc biệt như thế. Nhưng anh biết đấy, anh về trên đó sẽ phải cách ly y tế ít nhất là 21 ngày, đó là chưa kể chúng ta đang ở vùng tâm dịch. Cho dù anh đã có kết quả xét nghiệm âm tính nhưng chẳng may xảy ra chuyện gì thì họ hàng, bà con ở quê sẽ rất khốn đốn. Bọn em sẵn sàng mở barie cho anh rời Vinh nhưng mong anh nghĩ kỹ”.
Lời nói của người cảnh sát trẻ tuổi thật khiến tôi xúc động. Lúc này tôi đã nhìn thấy hơn 5 người trong tổ trực chốt mắt ai cũng thâm quầng, mồ hôi đầm lưng áo. Chắc họ đã thức trắng đêm hôm qua và nhiều ngày đêm trước đó. Và tôi từ bỏ ý định ban đầu của mình.
Đêm 13, rạng ngày 14/6 lãnh đạo tỉnh Nghệ An, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của tỉnh và lãnh đạo thành phố Vinh triệu tập cuộc họp khẩn cấp. Thành phố lần đầu tiên ghi nhận ca dương tính với virus Corona. Ca bệnh là nữ, người Hương Sơn, Hà Tĩnh, làm nghề uốn sấy tóc, tạm trú tại địa bàn phường Hà Huy Tập. Mệnh lệnh truy vết được phát ra, ngay lập tức toàn tỉnh chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu. Cũng ngay trong đêm đó, lực lượng chức năng đã có mặt tại địa chỉ bệnh nhân tạm trú, khẩn trương tiến hành phong tỏa toàn bộ khu vực, cách ly y tế và điều tra, truy vết dịch tễ. Điều nguy hại là ca bệnh này có tính chất quan hệ phức tạp, khai báo thiếu trung thực, không tự giác trong phòng chống dịch.
Sau khi điều tra, thu thập đầy đủ chứng cứ, 8h50 phút sáng ngày 14/6, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Vinh đã ra Quyết định số 272, khởi tố vụ án hình sự về tội “Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người”. Như một hiệu ứng tích cực, động thái này của cơ quan công an đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ rất lớn của người dân. Và ở một khía cạnh nào đó, việc khởi tố vụ án nói trên có thể xem là “thước đo” nhằm trưng cầu ý kiến người dân trong cơn dịch giã này.
Chưa đầy 48 giờ sau, khuya 15/6 Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Nghệ An đã thông tin ca bệnh thứ hai ở thành phố Vinh. Đó là một nam thanh niên sinh năm 1989, thường trú tại phường Hưng Dũng. Đây cũng là ca dương tính có dịch tễ phức tạp và không xác định được F0. Liên tục các cuộc họp khẩn và chớp nhoáng được triệu tập, trong đó, chiều 18/6, dưới sự chủ trì của Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung – Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh, lãnh đạo tỉnh Nghệ An quyết định cách ly xã hội thành phố Vinh từ 0h ngày 19/6. Ngay sau đó, Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An đã ra Thông báo số 287-TB/TU về công tác phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, Thường trực Tỉnh ủy đồng ý với đề xuất của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh về triển khai thực hiện cách ly xã hội tại thành phố Vinh theo Chỉ thị số 16/CT-TTg; Đồng ý chủ trương xây dựng Bệnh viện dã chiến số 1 tại Trung tâm Y tế huyện Hưng Nguyên để phục vụ chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19…
Có thể nói ngay trong cùng một thời điểm, hàng loạt biện pháp phòng chống dịch dồn dập được áp dụng. Tất cả các tuyến đường ra vào, cửa ngõ thành phố Vinh đều đồng loạt lập chốt phòng chống dịch, gồm 13 điểm chốt chính và rất nhiều điểm chốt nhỏ lẻ khác được thiết lập. Sau ca đầu tiên, liên tiếp các ngày sau các ca bệnh đã được ghi nhận, không chỉ ở Vinh mà cả Diễn Châu, Tân Kỳ, Quỳ Hợp, Hoàng Mai, Quỳnh Lưu, Nghi Lộc, Nam Đàn… Tuy vậy, tất cả đều nằm trong dự báo của ngành Y tế tỉnh và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của địa phương. Tất cả người dân Nghệ An mỗi ngày đều hướng về từng chủ trương, quyết sách của lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Không ai bảo ai, tất cả tự xếp thành thành lũy ngay phía sau các cơ quan tiền phương phòng chống dịch.
“Chống dịch như chống giặc” – là mệnh lệnh tối thượng được toàn bộ hệ thống chính trị, các tổ chức đoàn thể và tất cả Nhân dân Nghệ An hưởng ứng. Nhiều cụm dân cư, nhiều phường, xã bị phong tỏa, cách ly xã hội để khoanh vùng, truy vết, dập dịch. Nhưng không sao! Nhân dân hoàn toàn tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền và Ban chỉ đạo phòng chống dịch các cấp. Nhiều khu dân cư bị cách ly xã hội song bà con cho rằng chẳng qua là chúng ta “lập làng chiến đấu với giặc Covid”. Tinh thần ấy còn được thể hiện qua việc người dân thành phố Vinh hay huyện Diễn Châu, Quỳ Hợp, Hoàng Mai… rất tự giác trong công tác phòng dịch bệnh. Đó là tự nguyện khai báo y tế, chủ động tự cách ly khi có nghi ngờ, nâng cao tinh thần giám sát cộng đồng. Khi cơ quan y tế yêu cầu lấy mẫu xét nghiệm thì mỗi nhà, mỗi người đều sẵn sàng chấp hành y lệnh kể cả lúc nửa đêm.
Trong cơn dịch dã, khi Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh quyết định áp dụng cách ly xã hội theo Chỉ thị 15 rồi Chỉ thị 16 nhưng điều rất đáng ghi nhận là hoàn toàn không xảy ra rối loạn trong cộng đồng xã hội. Chỉ có một vài trường hợp người dân vì quá lo ngại đã đổ đến chợ mua lương thực, thực phẩm dự trữ, chỉ thế thôi. Và thực tế cho thấy trong những ngày dịch dã, thị trường ở Nghệ An không hề bị biến động, hàng hóa vẫn dồi dào và giá cả bình ổn. Các công trường, nhà máy, phân xưởng sản xuất vẫn được phép hoạt động trên tinh thần tuân thủ quy định phòng dịch của Chính phủ, Bộ Y tế và của tỉnh. Người dân còn cảm thấy rất yên tâm khi các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Giám đốc Sở Y tế tỉnh thường xuyên có mặt tại những khu vực điểm nóng tâm dịch. Người dân cũng dành sự ngưỡng mộ, tin yêu trước sự hy sinh của đội ngũ y bác sỹ, nhân viên y tế tuyến đầu chống dịch. Không ai quên được hình ảnh vị Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố Vinh kiệt sức sau 11 ngày đêm không ngủ để giúp người dân. Nhiều người cũng vô cùng cảm phục trước hình ảnh nhiều bác sỹ ngất xỉu trong bộ đồ bảo hộ vì nhiều tiếng đồng hồ không rời khỏi người bệnh trong cái nóng 40 độ C.
Hơn thế, với phương châm thần tốc, quyết liệt, ngay khi dịch bùng ở thành phố Vinh và huyện Diễn Châu, 52 bác sỹ, nhân viên y tế đã gấp rút từ Hà Tĩnh hành quân về trong đêm. Đây là lực lượng tỉnh Nghệ An chi viện cho Hà Tĩnh khi dịch bùng phát ở bờ Nam sông Lam. Trước đó, khi dịch bùng phát ở tỉnh Bắc Giang, Nghệ An cũng đã chi viện nhân lực giúp đỡ, năm 2020 cũng vậy, khi thành phố Đà Nẵng bị dịch bao vây thì 16 y bác sỹ giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm của Nghệ An cũng đã tiếp viện để góp phần giúp Đà Nẵng chiến thắng dịch bệnh. Đó chính là tinh thần trượng nghĩa của người Nghệ An vậy!
“Không ai bị bỏ rơi”- đây cũng là mệnh lệnh được tất cả người Nghệ An hưởng ứng trong cơn đại dịch. Hàng trăm chuyến xe đưa hàng hóa, nhu yếu phẩm hỗ trợ người dân các khu vực bị cách ly, phong tỏa. Hàng vạn suất cơm được bà con nhân dân tự góp tiền chế biến để hỗ trợ các chốt kiểm soát; hàng chục tỷ đồng, hàng chục tấn lương thực, thực phẩm cùng rất nhiều hàng hóa, vật tư y tế được gửi đến ủy ban MTTQ các cấp. Người già, người trẻ, phụ nữ, kể cả các cháu nhi đồng đều bằng cách này hay cách khác, trực tiếp hoặc gián tiếp “chi viện”, tiếp sức cho lực lượng chống dịch trên tuyến đầu. Nhân dân biết rằng, sự thiếu thốn của mình vô cùng nhỏ bé trước sự hy sinh, cống hiến lớn lao của đội ngũ y bác sỹ, lực lượng vũ trang đang ngày đêm chống dịch trên tuyến đầu.
Tất cả đều thể hiện tinh thần đoàn kết, trượng nghĩa của người Nghệ An, một giá trị tạo nên bản sắc của mảnh đất này.