Với các cơ chế, chính sách hiện tại, việc hỗ trợ đầu tư cho các doanh nghiệp vào kinh doanh cũng như thu hút đầu tư hạ tầng KCN và CCN nhỏ của tỉnh đang bộc lộ nhiều bất cập.
Qua tìm hiểu được biết, các cơ chế, chính sách hiện tại về hỗ trợ đầu tư cho các doanh nghiệp vào kinh doanh cũng như thu hút đầu tư hạ tầng KCN và CCN nhỏ của tỉnh đã bộc lộ không ít bất cập. Cụ thể, chính sách hỗ trợ đầu tư cho các doanh nghiệp vào kinh doanh các KCN theo Nghị quyết 26 của HĐND tỉnh chỉ hỗ trợ đầu tư với dự án có tổng mức đầu tư trên 6.000 tỷ đồng và quy mô dự án phải sử dụng trên 2.500 lao động trở lên, trong khi sau 5 năm, tỉnh chỉ có 2 dự án thu hút đầu tư đến 200 triệu USD (5.000 tỷ đồng) và ngoại trừ các dự án dệt may, phần lớn doanh nghiệp sử dụng dưới 2.500 lao động. Hiện tại, Nghị quyết này đã được HĐND tỉnh sửa đổi và chờ UBND tỉnh ban hành quyết định triển khai.
Bên cạnh đó, Quyết định số 45/QĐ.UB của UBND tỉnh năm 2015 về một cơ chế hỗ trợ đầu tư CCN trên địa bàn hiện đã phát sinh vướng mắc, bất cập. Hiện tại, các quy định về bồi thường, hỗ trợ của Nhà nước đã thay đổi theo hướng các dự án thu hồi đất phát triển kinh tế thì nhà đầu tư có thể thỏa thuận đầu tư với người dân, dẫn tới mức chi trả tiền hỗ trợ đền bù khi GPMB cao hơn nhiều so với quy định.
Cụ thể, tại nhiều vùng đồng bằng Nghệ An, số kinh phí đền bù lên tới gần 2 tỷ đồng/ha đất nông nghiệp thì quy định về đền bù, thu hồi đất UBND tỉnh chỉ có mức hỗ trợ đền bù chung khi thu hồi đất là 200 triệu đồng/ha.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, mỗi năm, nếu quyết tâm thì mỗi huyện đồng bằng cũng có thể dành từ 3-5 tỷ đồng để đầu tư cho CCN, nhưng do các huyện đang dồn sức đầu tư xây dựng NTM nên rất khó. Nếu không có cơ chế đột phá thì rất khó để hiện thực hóa cam kết giao mặt bằng sạch để thu hút, mời gọi nhà đầu tư…
Bên cạnh đó, hiện tại, tỉnh mới chỉ cam kết đầu tư các hạng mục thiết yếu cho KCN và CCN đến chân hàng rào nhưng trên thực tế, doanh nghiệp vào thuê đất không chỉ cần hạ tầng đường, điện, nước đến chân KCN, CCN mà vấn đề là ai, doanh nghiệp nào sẽ vào trước để thuê đất làm hạ tầng bên trong hàng rào CCN cho thuê đất cũng còn thiếu.
Thực tế trên đã diễn ra tại CCN Thượng Sơn (Đô Lương). Ông Lê Anh Sơn – Phó Phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện cho biết: CCN trên được đầu tư trên 13/26 tỷ đồng làm đường từ đường N5 vào năm 2016 và còn thiếu một số hạng mục như mương thoát nước, điện chiếu sáng. Năm 2020 cũng có 1 nhà đầu tư đến khảo sát để thuê đất làm hạ tầng nhưng từ đó đến nay nhà đầu tư không quay lại và chưa triển khai dự án.
Đây cũng là thực trạng chung ở các KCN tại Hoàng Mai, Anh Sơn hay CCN ở Quỳnh Lưu, Tân Kỳ, Nghĩa Đàn… dù quy hoạch khá lâu nhưng tiến độ đầu tư chậm và ì ạch. Hơn nữa, với định mức hỗ trợ làm đường giao thông nhưng không quá 2 tỷ đồng/cụm, theo đại diện các Phòng Kinh tế – Hạ tầng thì mức kinh phí trên chỉ đủ làm được 1-2 km đường. Trong khi đó, các CCN mới trên địa bàn như Quỳnh Châu, Quỳnh Hoa hay Quỳnh Thuận (Quỳnh Lưu), Đồng Văn (Tân Kỳ), Tây Hiếu và Nghĩa Thuận (TX.Thái Hòa) đều khá xa trung tâm, cách Quốc lộ từ 5-10 km.
Đại diện một nhà thầu giao thông tại TX. Thái Hòa chia sẻ: Hiện nay, đơn giá làm km đường giao thông có định mức từ 500 đến 1 tỷ đồng/km; đường vào các CCN đồng nghĩa với phải đảm bảo có xe tải trọng lớn trên 10 tấn vào – ra nên đường phải làm chịu tải trọng cao và đơn giá không hề thấp, với mức hỗ trợ 2 tỷ đồng mỗi cụm thì gần như chỉ làm được 1 km từ đường cổng chính vào CCN. Thực tế tại CCN Nghĩa Long hay CCN Nghĩa Mỹ cho thấy, do mức kinh phí quá thấp nên chỉ đủ làm 500m đường chính vào CCN và đường nội bộ làm rất qua loa.
Nhìn ra một số tỉnh bạn, để thu hút đầu tư vào các CCN, ngoài dồn nguồn lực đầu tư trọng điểm, các tỉnh như Bình Dương, Đà Nẵng, Thanh Hóa, Hà Tĩnh … với ngân sách hỗ trợ rất lớn. Theo chia sẻ của một thành viên đoàn kiểm tra: Ở các tỉnh, ngoài mức hỗ trợ theo quy định của Chính phủ, các tỉnh còn hỗ trợ từ 40-50 tỷ đồng/CCN để làm hạ tầng thiết yếu nên mặt bằng triển khai khá nhanh. Ngoài ra, các doanh nghiệp vào còn hưởng một số ưu đãi về logistic hay chi phí vận tải.
Ông Nguyễn Văn Hiệp – Trưởng phòng Công nghiệp, Sở Công Thương cho biết: Trên cơ sở định hướng và quy hoạch của Chính phủ, năm 2015, UBND tỉnh có quy hoạch đồng thời với đó là ban hành Quyết định 45/QĐ.UB về cơ chế hỗ trợ hạ tầng các CCN. Đây là một cú hích lớn cho vấn đề phát triển hạ tầng công nghiệp, qua đó huy động nội lực của các huyện nhằm tìm nguồn lực thúc đẩy đầu tư hạ tầng công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp phát triển; đồng thời giải quyết hiệu quả nhu cầu bức bách tại các huyện, thành, thị là khẩn trương di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư…
Tuy nhiên, hiện còn tồn tại những bất cập do chính sách hỗ trợ, nguồn lực hạn chế… Chia sẻ với chúng tôi, đại diện Sở Tài chính thẳng thắn: Khi thảo luận, xây dựng cơ chế hỗ trợ, tỉnh cũng làm rõ đầu tư hạ tầng CCN là một trong những trọng điểm phát triển kinh tế của địa phương nên các địa phương phải có trách nhiệm đóng góp ngân sách, cùng với tỉnh hỗ trợ đầu tư vào hạ tầng CCN. Tuy nhiên, thực tế, do kêu gọi xã hội hóa đầu tư không có và các địa phương thiếu ngân sách, kinh phí đầu tư trông chờ vào Trung ương và tỉnh “gánh” cả nên thiếu nguồn là đương nhiên.
Bất cập còn ở chỗ, trong khi tỉnh thiếu nguồn lực đầu tư hỗ trợ hạ tầng KCN và CCN nhưng doanh nghiệp, nhà đầu tư muốn ứng trước tiền thuê đất để thi công, sau đó “cấn” trừ tiền sử dụng đất hoặc thuê đất cũng không được.
Cũng theo ông Tùng, theo Nghị quyết 26/NQ-HĐND tỉnh năm 2016 và Quyết định 45/2015 của UBND tỉnh, mỗi năm tỉnh dành khoảng từ 250 – 300 tỷ đồng để hỗ trợ đầu tư và triển khai các hạng mục hạ tầng KCN và CCN. Tuy nhiên, vì cùng một lúc nhiều địa phương cũng trình đầu tư CCN trong khi nguồn lực khó khăn nên tỉnh không bố trí, cân đối kịp dẫn đến tình trạng đầu tư dang dở, dàn trải…
Trên thực tế đã có những trường hợp, để triển khai nhanh các dự án hạ tầng đến chân hàng rào công trình, dự án, tỉnh đồng ý cho doanh nghiệp ứng vốn ra làm hạ tầng đường kết nối với dự án nhưng quá trình giải quyết hoàn trả các khoản ứng trước sau đó gặp rất nhiều khó khăn và thủ tục phức tạp… nên không chỉ các sở, ngành liên quan mà doanh nghiệp, nhà đầu tư đều không muốn.
Ngoài vấn đề nguồn lực đầu tư vào CCN thấp thì sau một thời gian đầu tư, vận hành, các CCN phát sinh các vấn đề liên quan đến môi trường, hạ tầng xuống cấp nên các địa phương khá lúng túng. Bất cập ở chỗ các huyện, thị không có nguồn kinh phí để duy tu, bảo dưỡng các hạng mục hạ tầng đã xuống cấp hoặc đầu tư chưa đầy đủ, đồng bộ nhưng cũng không thể thu phí kinh doanh hạ tầng hay thuê đất của các doanh nghiệp (hạ tầng do Nhà nước đầu tư). Trong bối cảnh tinh giản bộ máy, việc thành lập Ban Quản lý CCN các huyện để quản lý là không khả thi. Hiện nay, để quản lý các CCN có huyện thì giao cho Phòng Kinh tế – Hạ tầng (hoặc Phòng Kinh tế) quản lý nhưng cũng có địa phương giao cho Ban Quản lý các dự án đầu tư huyện theo dõi.
Chính vì thế, trong số 52 CCN, trong đó 32 CCN đã tiến hành các bước quy hoạch thì mới chỉ 13 CCN hạ tầng do Nhà nước đầu tư trước đây đã lấp đầy, số còn lại thì đang đầu tư dang dở, cần nhà đầu tư hạ tầng kinh doanh vào để tiếp quản đầu tư nhằm duy tu, bảo dưỡng và quản lý nhưng chưa có nhà đầu tư.
Theo ý kiến các chuyên gia cũng như nhiều nhà quản lý, để phát triển hạ tầng công nghiệp đòi hỏi sự tham gia của doanh nghiệp, xã hội hóa, thu hút thêm nguồn lực từ bên ngoài để giảm áp lực lên ngân sách Nhà nước. Thực tế tại nhiều địa phương, không phải không có những nhà đầu tư đến khảo sát để thuê đất và muốn kinh doanh hạ tầng bất động sản công nghiệp nhưng nơi nhà đầu tư muốn thì địa phương chưa quy hoạch hoặc nơi có quy hoạch thì quá bất lợi về vị trí và vướng mắc về cơ chế hỗ trợ đầu tư nên không thể bàn giao mặt bằng sạch cho doanh nghiệp; doanh nghiệp, nhà đầu tư chưa tìm thấy cơ hội rõ ràng thì chưa muốn bỏ vốn vào kinh doanh. Bài toán đặt ra là cần những nhà đầu tư thực sự có năng lực, tâm huyết và chính sách đủ tầm…
(Còn nữa)